Mỹ tố Trung Quốc là gián điệp kinh tế lớn nhất
Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định Trung Quốc có thể chi tới 180 tỉ USD cho quân sự vào năm ngoái, cao hơn nhiều so với Bắc Kinh công bố, và tố cáo Trung Quốc là thủ phạm gián điệp kinh tế lớn nhất.
Khu trục hạm Hải Khẩu 171 thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc – Ảnh: AFP
Nhận định trên được nêu trong báo cáo thường niên về quân sự Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ trình lên quốc hội ngày 18-5.
Theo báo cáo này, “các cơ quan của Trung Quốc là những thủ phạm năng động và dai dẳng nhất trên thế giới trong các vụ gián điệp kinh tế. Nỗ lực thu thập thông tin kỹ thuật và kinh tế Mỹ của Trung Quốc sẽ tiếp tục ở cấp độ cao và biểu hiện cho một mối đe dọa ngày càng tăng và liên tiếp với an ninh kinh tế Mỹ”.
Nhắc lại lời cảnh báo từ các quan chức tình báo, Bộ Quốc phòng Mỹ quy trách nhiệm cho Trung Quốc trong nhiều vụ xâm nhập mạng nhằm vào Chính phủ Mỹ và các mạng lưới thương mại, gồm những công ty “hỗ trợ trực tiếp cho các chương trình quốc phòng Mỹ”.
Video đang HOT
Báo cáo cũng xác định sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc về các vũ khí chống xâm nhập, “như việc mua lại một số lượng lớn tên lửa đạn đạo tầm trung để tăng cường phạm vi mà nước này có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu trên đất liền và trên tàu hải quân, gồm cả tàu sân bay”. Đây được xem là mối đe dọa tiềm tàng với hoạt động của Mỹ tại châu Á.
Theo Lầu Năm Góc, một số bộ phận của tàu sân bay do Trung Quốc tự chế tạo đầu tiên đang được xây dựng. Báo cáo cho rằng tàu sân bay này có thể đi vào hoạt động năm 2015. Máy bay chiến đấu tàng hình của Trung Quốc không thể hoạt động trước năm 2018.
Tháng 3-2012, Trung Quốc công bố chi tiêu cho quân đội trong năm nay là khoảng 106 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2011. Còn theo Bộ Quốc phòng Mỹ, chi tiêu quân sự của Trung Quốc trong năm 2011 là từ 120 – 180 tỉ USD vì Trung Quốc không kê khai những khoản chi lớn như cải thiện lực lượng hạt nhân hoặc mua vũ khí nước ngoài.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng năm nay sử dụng nhiều ngôn từ ngoại giao hơn so với các báo cáo trước. Báo cáo cũng nói các lãnh đạo Trung Quốc muốn duy trì hòa bình và ổn định dọc theo ngoại vi của đất nước và mở rộng ảnh hưởng ngoại giao, tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ và nhiều nước khác.
Theo Tuổi Trẻ
"Chiến tranh lạnh" gián điệp kinh tế
Báo cáo tình báo của Mỹ đã cho rằng Trung Quốc hoạt động "năng nổ" nhất về lĩnh vực gián điệp kinh tế mạng, theo sau là Nga.
Cho đến giờ phút này, các cơ quan tình báo Mỹ vẫn luôn liệt Nga và Trung Quốc là những mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích quốc gia. Trong một diễn biến khiến nhiều người tưởng rằng Chiến tranh lạnh dường như vẫn chưa chấm dứt, báo cáo tổng hợp từ 14 cơ quan tình báo của Mỹ khẳng định những cuộc tấn công mạng liên tu bất tận từ tình báo Trung Quốc và Nga, hợp tác với giới tin tặc, đã nuốt chửng phần lớn kết quả nghiên cứu công nghệ cao cũng như dữ liệu phát triển của người Mỹ để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế của mình.
Đồng minh cũng can dự
Tờ Wall Street Journal đưa tin Văn phòng Quản trị phản gián quốc gia (ONCIX) ngày 3.11 đã trình lên Quốc hội Mỹ một bản báo cáo có nhan đề Foreign Spies Stealing US Economic Secrets in Cyberspace (tạm dịch Gián điệp ngoại quốc ăn cắp bí mật kinh tế của Mỹ qua mạng). Đây là một trong những lần hiếm hoi Mỹ lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc và Nga là đối tượng tình nghi tấn công các website kinh tế của họ.
Theo dõi tấn công tin tặc tại nhà thầu quân sự Mỹ Lockheed Martin - Ảnh: Reuters
Theo ONCIX, hàng chục tỉ USD đã bốc hơi khỏi nền kinh tế Mỹ hằng năm vì những đòn tấn công tin tặc liên tục vào hệ thống máy chủ của các cơ quan chính phủ nước này. Tình trạng thất thoát bí mật thương mại, công nghệ và quyền sáng chế trên ngày càng gia tăng, đặc biệt trong thời điểm nền kinh tế Mỹ bị sức ép nghiêm trọng, và buộc Washington cuối cùng phải điểm mặt từng đối tượng một trong nỗ lực tăng cường sự hợp tác phòng thủ giữa chính phủ và các tổ chức, theo Giám đốc ONCIX là Robert "Bear" Bryant.
Báo cáo nêu rõ các cơ quan tình báo nước ngoài, những tổ chức và các cá nhân đã gia tăng nỗ lực đánh cắp bí mật công nghệ của Mỹ trong thời gian từ 2009 đến 2011. Một số thủ phạm được xác định là đồng minh của Mỹ như Israel và Pháp, nhưng chủ yếu các cuộc tấn công đều xuất phát từ Trung Quốc, trong khi hoạt động tình báo kinh tế của Nga diễn ra kín kẽ hơn, nhưng không kém phần dày đặc. Khẳng định hoạt động gián điệp kinh tế là mối đe dọa chiến lược về dài hạn và trên phạm vi liên bang, Giám đốc ONCIX Bryant qua đó nhấn mạnh rằng: "Các nước như Trung Quốc và Nga, thông qua các cơ quan tình báo, đang tấn công vào nghiên cứu và phát triển của chúng ta".
Dù khẳng định sự tàn phá nghiêm trọng của các hoạt động điệp báo mạng, Giám đốc Bryant cũng phải thừa nhận rằng rất khó để xác định được giá trị tổn thất trên thực tế khi một thông tin kinh tế bị lộ. Báo cáo cũng ghi nhận tổng giá trị nghiên cứu và phát triển của Mỹ vào khoảng 400 tỉ USD/năm. Nhưng để có cái nhìn tương đối, có thể xem xét ví dụ cụ thể sau. Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Tác chiến mạng, tướng Keith Alexander, từng tiết lộ một công ty Mỹ đã thất thoát đến 1 tỉ USD tính trên phương diện quyền sáng chế trong vòng vài ngày. Tờ Washington Post dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao giấu tên cũng đã đưa ra một vài trường hợp tấn công mạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tài chính trong 6 năm qua: nghiên cứu về thuốc trừ sâu trị giá 100 triệu USD của hãng Dow Chemical; nghiên cứu về công thức hóa chất trị giá 400 triệu USD của hãng DuPont; dữ liệu độc quyền 600 triệu USD của Motorola; 20 triệu USD tiền công thức sơn của Valspar. Còn theo báo cáo ONCIX, đến 6 trong 7 vụ án điệp báo về kinh tế trong năm tài chính 2010 tại Mỹ có liên quan đến đầu mối tại Trung Quốc.
Nga im lặng, Trung Quốc phản đối
Trong lúc Điện Kremlin chưa có phản hồi chính thức về báo cáo trên, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Vương Bảo Đông đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc từ phía Mỹ, khẳng định Trung Quốc phản đối trước bất kỳ hình thức hoạt động xâm nhập mạng phi pháp. Trong một cuộc khảo sát an ninh mạng của Trung Quốc hồi năm 2009, 89% tỏ ra lo ngại rằng Mỹ có thể xâm nhập vào mạng máy tính của các tổ chức kinh tế nước này. Tuy nhiên, ngay lập tức chính quyền Mỹ cũng ra tuyên bố rằng chính sách của họ không hề cho phép thực hiện những hành động trộm cắp thông tin qua mạng.
Giới chuyên gia cho biết dữ liệu thất thoát một phần là do các công ty không tăng cường khả năng phòng thủ trước những đòn tấn công mạng. Việc thu thập được từng vụ tấn công tin tặc là điều khá khó khăn vì hầu hết các tổ chức ít khi chia sẻ thông tin sau khi trở thành nạn nhân, khiến chính phủ Mỹ không kịp đưa ra những cảnh báo cần thiết cho các đối tượng có liên quan. Xu hướng tội phạm mạng tăng mạnh cũng phản ánh thực tế trong thế giới ảo: phòng thủ còn khó gấp bội so với tấn công. Bất cứ trong cuộc chiến nào trên internet, phần lợi thế luôn thuộc về tin tặc.
Theo Thanh Niên
'Gián điệp' kinh tế thời @ Bất ngờ thấy thị trường xuất hiện sản phẩm có mùi vị, thành phần, kiểu dáng... giống y chang mặt hàng thực phẩm đang hút khách của cơ sở mình, bà giám đốc quyết tung tiền thuê thám tử tìm hiểu đối thủ cạnh tranh. Cơ sở kinh doanh thực phẩm với bí quyết gia truyền của nhà bà Liên tại TP HCM...