Mỹ tạm dừng cấp thị thực I5, R5 và SR tại Việt Nam
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thông báo Mỹ sẽ tạm dừng cấp các thị thực SR, I5 và R5 cho công dân Việt Nam sau ngày 23/3.
Tấm biển thông báo khu vực kiểm tra an ninh dành cho hành khách tới Mỹ tại sân bay ở Toronto, Canada (Ảnh: TORSTAR News)
Theo thông báo trên trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, các thị thực thuộc diện SR, I5 và R5 sẽ chỉ được cấp tại Việt Nam trước ngày 23/3. Sau ngày này, sẽ không có thị thực SR, I5 và R5 nào được cấp cho tới khi chương trình này được Quốc hội Mỹ tái phê duyệt.
Thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết nếu công dân nào đã được lên lịch phỏng vấn thị thực SR, I5 và R5 thì không nên thay đổi lịch hẹn sau ngày 23/3. Thay vào đó, họ cần chuẩn bị tất cả các tài liệu cần thiết và tham gia phỏng vấn để đảm bảo có thể được cấp thị thực trước ngày 23/3.
SR là thị thực định cư dành cho những cá nhân muốn đến Mỹ làm việc trong lĩnh vực tôn giáo còn I5 và R5 là thị thực định cư theo diện đầu tư EB5. Thị thực theo diện EB5 được nhiều người lựa chọn, trong đó cho phép người nước ngoài được định cư ở Mỹ nếu họ đầu tư khoản tiền từ 500.000 tới 1 triệu USD và tạo việc làm cho người lao động tại Mỹ.
Theo Atimes, các nhà đầu tư theo diện EB5 đã rót hơn 3,8 tỷ USD vào các doanh nghiệp Mỹ năm 2016, trong đó các nhà đầu tư Trung Quốc chiếm số lượng đông nhất, tiếp theo là Việt Nam, Đài Loan và Ấn Độ. Mỗi năm chính phủ Mỹ chỉ cấp khoảng 10.000 thị thực EB5.
Video đang HOT
Thành Đạt
Theo Dantri
Quyền lực mềm của ông Obama sau khi giã từ "ghế nóng"
Một năm sau khi rời Nhà Trắng, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn là tên tuổi có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn trong lòng công chúng.
Cựu Tổng thống Obama và Hoàng tử Anh Harry trong một lần gặp tại Toronto, Canada (Ảnh: Getty)
Các nhà quan sát cho rằng cuộc sống của các cựu tổng thống Mỹ dường như thường theo một khuôn mẫu có sẵn. Họ sẽ xây thư viện, viết hồi ký, lập quỹ từ thiện, thực hiện các bài diễn thuyết hoặc đi theo một sở thích mới như vẽ tranh sơn dầu.
Song cuộc sống sau khi rời Nhà Trắng của ông Obama khá độc đáo và điều này có thể do người kế nhiệm ông, Tổng thống Mỹ Donald Trump là một người đặc biệt không kém. Theo chuyên gia Mark Updegrove, ông Obama dường như đã kiềm chế rất nhiều khi chứng kiến Tổng thống Trump loại bỏ dần những thành tựu trong 8 năm nhiệm sở của ông. Ông dường như tuân theo "luật bất thành văn" là không can thiệp vào định hướng riêng của người kế nhiệm.
Tuy nhiên, ông Obama vẫn lên tiếng khi ông Trump đưa ra những quyết định gây tổn hại tới những di sản của chính quyền ông. Ông từng lên tiếng bảo vệ Đạo luật chăm sóc sức khỏe Obama Care, phản đối việc ông Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, hay quyết định loại bỏ chương trình Tạm hoãn trục xuất trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA).
Với những người ủng hộ ông Obama, cựu Tổng thống Mỹ vẫn giữ một vai trò quan trọng. Bằng chứng là cuốn sách của cựu nhiếp ảnh gia Nhà Trắng Pete Souza về ông Obama đắt khách đến mức,cuốn sách này cháy hàng liên tục khiến nhà xuất bản không kịp đáp ứng nhu cầu.
"Quyền lực mềm" của ông Obama
Chia sẻ của ông Obama nhận được sự yêu thích kỷ lục (Ảnh: Barack Obama/Twitter)
Theo ông Updegrove, đây có thể được coi là sự hồi tưởng tới ông Obama của một bộ phận người dân khi ông và người kế nhiệm quá khác nhau. Sự nhiệt thành của những người ủng hộ ông Obama cùng với những thông điệp đầy sức mạnh đã lôi kéo được sự chú ý của nhiều người.
Hồi tháng 8, khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump gây tranh cãi vì quan điểm không rõ ràng với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bức ảnh ông Obama trích dẫn là câu nói nổi tiếng của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: "Không ai được sinh ra để ghét người khác vì màu da, địa vị hay tôn giáo của anh ta". Bình luận này sau đó đã trở thành bài viết được yêu thích nhất trong lịch sử mạng xã hội Twitter.
Phong cách sử dụng mạng Twitter của ông Obama cũng khác với những cựu Tổng thống khác khi ông không chỉ cập nhật về những lễ cắt băng khánh thành, hay thông báo kì nghỉ lễ. Ông sử dụng công cụ này để giao tiếp và chúc mừng hôn nhân của người bạn thân - Hoàng tử Anh Harry. Ông chia buồn với nạn nhân khủng bố tại Anh, Tây Ban Nha, New York và Las Vegas (Mỹ) hay các nạn nhân thiên tai bão lụt.
Ông Obama dường như tiếp tục công việc dở dang sau khi rời Nhà Trắng. Tháng 5, ông thành lập Trung tâm Tổng thống bao gồm thư viện, cơ sở giáo dục và một quỹ. Đây cũng được coi là "đại bản doanh" của tổ chức hoạt động mang lại cơ hội cho những cô bé cậu bé da màu.
Sự tranh cãi xảy đến với ông Obama liên quan đến hành động gây quỹ của ông. Ông dường như được trả 1 triệu USD cho 3 bài phát biểu tại phố Wall hay ông cùng vợ được cho là kí hợp đồng nhận trước 65 triệu USD cho thỏa thuận sản xuất hồi ký của họ.
Theo ông Updegrove, ông Obama từng là Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ và sẽ mãi là Tổng thống da màu đầu tiên của xứ cờ hoa. Chính khả năng gây quỹ và sự nổi tiếng toàn cầu của ông Trump đã khiến ông trở thành một trong những cựu tổng thống thành công nhất trong lịch sử.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Tiết lộ tổ ấm của vợ chồng Hoàng tử Harry sau khi cưới Sau đám cưới vào mùa xuân tới, Hoàng tử Anh Harry và hôn thê Meghan Markle sẽ chung sống tại Nottingham Cottage - một căn nhà nhỏ ấm cúng trong khuôn viên hoàng gia tại thủ đô London. Nottingham Cottage - Nơi vợ chồng Hoàng Harry sẽ ở sau đám cưới (Ảnh: Daily Mail) Sau hơn một năm giấu kín chuyện tình cảm,...