Mỹ sẽ sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine
Trong phản ứng mới nhất trước tình hình căng thẳng tại Ukraine, một quan chức Mỹ ngày 24/2 cho biết nước này sẽ sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao của mình khỏi Ukraine, đồng thời đình chỉ sự hiện diện ngoại giao và các hoạt động lãnh sự ở nước này.
Đại sứ quán Mỹ tại Kiev, Ukraine. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày cũng triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia để thảo luận về tình hình Ukraine.
Trong khi đó, hãng tin Đức DPA ngày 24/2 đưa tin NATO đã kích hoạt kế hoạch bảo vệ đối với khu vực Đông Âu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine. Với cơ chế trên, Tư lệnh lực lượng NATO sẽ nhận được quyền hạn sâu rộng, chẳng hạn như lệnh triệu tập hoặc chuyển quân.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cũng tuyên bố NATO sẽ tăng cường thêm binh sĩ ở sườn phía Đông trong những ngày tới. Liên minh quân sự này cũng lên kế hoạch tiến hành hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng Ukraine vào ngày 25/2 và đặt trong tình huống khủng hoảng.
Từ London, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước này và các đồng minh sẽ thống nhất một gói trừng phạt kinh tế quy mô lớn nhằm vào Nga. Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 24/2, người đứng đầu chính phủ Anh cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Video đang HOT
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng kêu gọi Nga lập tức rút quân khỏi Ukraine, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục có các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga.
Thủ tướng Đức cũng xác nhận Quốc hội nước này sẽ tiến hành phiên họp bất thường vào ngày 27/2 tới để thảo luận về tình hình Ukraine, trong đó, ông sẽ đưa ra tuyên bố của chính phủ về vấn đề này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng ngày dự kiến sẽ có bài phát biểu trước quốc gia về chiến dịch quân sự của Nga tại miền Đông Ukraine. Nhà lãnh đạo Pháp đã triệu tập cuộc họp với các quan chức hàng đầu và kêu gọi Moskva “chấm dứt các hoạt động quân sự ngay lập tức”.
Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi giải quyết căng thẳng giữa Ukraine và Nga thông qua đối thoại. Ông khẳng định Ankara không muốn từ bỏ quan hệ với Moskva hay Kiev. Trong khi đó, cùng lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga triển khai ở miền Đông Ukraine, song Thụy Điển và Phần Lan đều khẳng định lập trường sẽ không gia nhập NATO.
Trước đó, trong bài phát biểu trên truyền hình sáng ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Moskva không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ Ukraine. Ông cho biết chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva là nhằm đáp lại lời đề nghị từ lãnh đạo các cộng hoà nhân dân tự xưng ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 24/2 đã cáo buộc Cơ quan An ninh Ukraine tiến hành quay video dàn dựng về thương vong trong dân thường. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga khẳng định không sử dụng tên lửa, máy bay và pháo chống lại các thành phố của Ukraine. Các vũ khí chính xác cao của lực lượng vũ trang Nga chỉ vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quân sự, cơ sở phòng không, sân bay quân sự, hàng không của Ukraine.
Trước các tuyên bố của giới lãnh đạo phương Tây về việc “cô lập Nga sau bức màn sắt”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định “không thể đóng cửa nước Nga sau bức màn sắt”, nhấn mạnh Moskva cần một nước láng giềng Ukraine là quốc gia trung lập và không phải là nơi triển khai vũ khí tấn công nhằm vào Nga. Nhận định về sự giảm giá trị của đồng Ruble trên thị trường chứng khoán Moskva, ông Peskov khẳng định Moskva đã triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo giai đoạn này kết thúc sớm. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Nga đã tạo ra đủ công cụ an toàn để tồn tại trước sự biến động của thị trường.
Liên quan đến các diễn biến tại Ukraine, ngày 24/2, hãng tin TASS dẫn nguồn tin từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết hai tàu dân sự đang hoạt động ở Biển Azov đã bị tấn công bằng tên lửa phóng đi từ thành phố Mariupol của Ukraine. Theo thông tin mới cập nhật, đám cháy trên tàu đã được dập tắt, cả hai tàu hàng tiếp tục di chuyển, tàu tuần tra biên phòng được điều động đến hiện trường để sơ tán thuyền viên bị thương. Trong khi đó, giới chức Ukraine cho biết đã bắn hạ 3 trực thăng của Nga tấn công sân bay quân sự Gostomel gần thủ đô Kiev cũng như bắt giữ hai quân nhân Nga.
Căng thẳng Nga - Ukraine đẩy giá hàng hóa toàn cầu tăng mạnh
Căng thẳng chính trị gia tăng sau khi quân đội Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine đang đẩy giá hàng hóa toàn cầu tăng cao, trong khi chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ.
Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN
Giá dầu lần đầu tiên tăng trên 100 USD/thùng kể từ năm 2014 trong khi giá khí đốt của Anh và Hà Lan cũng tăng 30% - 40%. Lo lắng về nguồn cung nhôm từ Nga đã đẩy giá nhôm lên mức cao kỷ lục là 3.449 USD/tấn, tăng 21% từ đầu năm đến nay. Giá lúa mì tại châu Âu cũng tăng lên mức kỷ lục là 344 euro (384 USD)/tấn trong phiên giao dịch ngày 24/2 trên sàn giao dịch Euronext.
Nga và Ukraine lần lượt là nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới, do đó cuộc khủng hoảng quan hệ giữa hai bên có tác động rất lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới. Ngoài ra, Nga cung cấp 10% lượng dầu toàn cầu và khoảng 33% lượng khí đốt của châu Âu. Nga cũng là nước sản xuất chính các mặt hàng hợp kim, niken, bạch kim, uranium, titan, than đá, gỗ và phân bón.
Trong khi đó, các sàn giao dịch chứng khoán ở châu Âu lại chìm trong "sắc đỏ" khi các chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm điểm sau khi Tổng thống Nga Vladmir Putin thông báo sẽ triển khai chiến dịch đặc biệt tại Donbass, miền Đông Ukraine, đẩy căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước lên một nấc mới. Cụ thể, trong phiên sáng 24/2, chỉ số DAX tại sàn Frankfurt (Đức) giảm 5,2%, chỉ số CAC 40 tại sàn Paris (Pháp) mất 5%, trong khi chỉ số FTSE MIB tại sàn Milan (Italy) trượt 5,1%. Tương tự, chỉ số EURO STOXX 50 giảm mạnh 5,2%.
"Sắc đỏ" cũng lan sang thị trường chứng khoán châu Á. Khép phiên giao dịch 24/2, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) hạ 3,2%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Tại thị trường Sydney (Australia), chỉ số S&P/ASX 200 cũng mất hơn 3%, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,6% (70,73 điểm), xuống 2.648,80 điểm, khi giới đầu tư phản ứng trước diễn biến mới trong quan hệ Nga-Ukraine.
Tình trạng bán tháo đã xuất hiện ở hầu hết các cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo của Nhật Bản. Kết quả là chỉ số Nikkei-225 đã giảm xuống dưới 26.000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 20/11/2020 và đóng cửa ở mức 25.970,82 điểm, giảm 478,79 điểm (tương đương 1,81%) so với phiên giao dịch trước, trong khi chỉ số Topix cũng giảm 23,5 điểm, tương đương 1,25%, xuống còn 1.857,58 điểm. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp chỉ số Nikkei-225 giảm điểm, với mức giảm lên tới 5,4% trong giai đoạn này.
Tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt mất điểm. Quan ngại về trước việc căng thẳng Nga - Ukraine leo thang và sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ đã nối dài những tổn thất gần đây của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Đóng cửa phiên 24/2, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt lùi 758,72 điểm (3,21%) và 59,19 điểm (1,7%), xuống 22.901,56 điểm và 3.429,96 điểm.
Cùng ngày, tập đoàn nước giải khát Coca-Cola HBC thông báo đóng cửa nhà máy ở Ukraine và yêu cầu nhân viên đang làm việc tại nước này ở nhà trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine dâng cao.
Moldova và Belarus đóng cửa không phận Ngày 24/2, Moldova thông báo sẽ đóng cửa không phận nhằm ứng phó với tình hình chiến sự tại miền Đông Ukraine. Máy bay của Hãng hàng không quốc gia Belarus Belavia. Ảnh: Reuters/TTXVN Trong tuyên bố, Phó Thủ tướng Moldova Andrei Spinu cho biết do tình hình leo thang tại khu vực, Hội đồng An ninh Tối cao Moldova đã khuyến nghị...