Mỹ sẵn sàng nối lại hợp tác có điều kiện với Niger
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 13/12, Mỹ tuyên bố sẵn sàng nối lại hợp tác với Niger, với điều kiện chính quyền quân sự nước này phải tiến hành quá trình chuyển tiếp nhanh chóng.
Đại tá Amadou Abdramane (ngồi), người phát ngôn của Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc ( CNSP) tại Niger, tuyên bố đảo chính trên truyền hình quốc gia ngày 26/7. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ đã đình chỉ hợp tác với Niger sau cuộc đảo chính hôm 26/7 lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Phi, bà Molly Phee, đã đến Niamey từ ngày 12/12 để gặp một số quan chức Niger, trong đó có Thủ tướng do quân đội bổ nhiệm Ali Mahaman Lamine Zeine.
Phát biểu trước báo giới, bà Phee nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng tiếp tục hợp tác nếu Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc (CNSP) của Niger công bố “thời hạn chuyển tiếp nhanh chóng và đáng tin cậy”, dẫn đến thành lập “một chính phủ được bầu cử dân chủ”.
Video đang HOT
Chính quyền quân sự tại Niger đang đề xuất thời gian chuyển tiếp tối đa 3 năm trước khi trao lại quyền lực cho chính quyền dân sự. Thời hạn này sẽ được xác định thông qua “cuộc đối thoại quốc gia” dự kiến sớm được tổ chức.
Bà Phee cho biết phía CNSP đồng ý một giải pháp “thỏa đáng” cho cựu Tổng thống Mohamed Bazoum, gia đình và các thành viên trong chính phủ của ông.
Kể từ sau cuộc đảo chính, Tổng thống Mohamed Bazoum đã bị giam lỏng tại nơi ở cùng vợ và con trai. Một số quan chức chính quyền của ông bị bắt hoặc đã trốn ra nước ngoài.
Trước đó, ngày 10/12, bà Phee cũng đã tham gia hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS). Tổ chức này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nặng nề đối với Niger sau cuộc đảo chính.
Nhà ngoại giao Mỹ kêu gọi CNSP phản ứng tích cực với đề nghị đàm phán của ECOWAS, đồng thời khẳng định Washington ủng hộ các nghị quyết của tổ chức khu vực này. Phía ECOWAS cũng chỉ đồng ý nới lỏng các biện pháp trừng phạt khi CNSP đảm bảo thực hiện một “quá trình chuyển tiếp nhanh chóng”.
Niger là một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến của Mỹ chống phiến quân Hồi giáo tại khu vực Sahel của Tây Phi. Giống như các đối tác phương Tây khác, Mỹ đã cắt viện trợ cho Niger sau cuộc đảo chính quân sự trên, song vẫn duy trì sự hiện diện, theo đó triển khai khoảng 648 binh sĩ tại nước này.
Niger: Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum chạy trốn bất thành
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 19/10, chính quyền quân sự ở Niger thông báo tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum đã cố gắng chạy trốn nhưng không thành công.
Ông Mohamed Bazoum chưa tuyên bố từ chức và bị giam giữ tại dinh thự cùng với vợ và con trai sau cuộc đảo chính ngày 26/7.
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, người phát ngôn của quân đội Niger, Đại tá Amadou Abdramane, cho biết tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum cùng với gia đình, 2 đầu bếp và 2 nhân viên an ninh đã cố gắng trốn thoát khỏi nơi giam giữ vào khoảng 3h sáng 19/10. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại, ông Bazoum cùng một số người đã bị bắt giữ. Chính quyền quân sự cũng đã mở một cuộc điều tra về vụ việc, theo đó cho rằng với sự trợ giúp từ bên ngoài, ông Mohamed Bazoum sẽ được đưa sang Nigeria nếu trốn thoát khỏi nơi giam giữ.
Trước đó, nhiều quốc gia và tổ chức đã kêu gọi trả tự do cho ông Bazoum nhưng chính quyền quân sự vẫn kiên quyết không thay đổi quyết định. Ngày 18/9, ông Mohamed Bazoum đã khởi kiện ở Tây Phi để yêu cầu được trả tự do và khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger.
Trong diễn biến có liên quan, ngày 19/10, Liên minh châu Âu (EU) thông báo thành lập một "cầu hàng không nhân đạo" để vận chuyển các loại thuốc và vật tư y tế thiết yếu đến Niamey nhằm "tăng cường ứng phó nhân đạo" ở đất nước này. Trước đó, EU đã đình chỉ viện trợ cho Niger.
Kể từ sau cuộc đảo chính, chính quyền quân sự Niger bị áp nhiều các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế, trong khi nhiều quốc gia đã đình chỉ viện trợ cho nước này.
Liên minh châu Phi thông báo đình chỉ tư cách thành viên của Niger Liên minh châu Phi (AU) thông báo đình chỉ tư cách thành viên của Niger và khuyến cáo các nước thành viên tránh mọi hành động dẫn tới việc hợp pháp hóa chính quyền quân sự tại Niger. Người dân xếp hàng chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại trại tị nạn Asanga, gần Diffa, Niger. (Ảnh: AFP/TTXVN) Ngày 22/8, Liên minh...