Mỹ rút ngắn thời gian cấp visa cho SV quốc tế
Chính phủ Mỹ mới đây cho biết sẽ rút ngắn thời gian xử lý visa cho sinh viên quốc tế nhằm thu hút nhiều hơn nữa sinh viên nước ngoài đến Mỹ du học.
Trong thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ khi khai mạc Tuần lễ Giáo dục Quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Cục Lãnh sự sẽ dành ưu tiên đặc biệt cho các cuộc hẹn phỏng vấn visa của SV quốc tế. “Tất cả các đại sứ quán và lãnh sự quán của Mỹ phải xúc tiến nhanh quá trình xử lý visa cho SV nước ngoài để đảm bảo rằng các SV đủ tiêu chuẩn có thể bắt đầu chương trình học của mình tại Mỹ kịp thời gian” – thông báo này nhấn mạnh.
Mỹ rút ngắn thời gian cấp visa cho SV quốc tế để thu hút SV tới Mỹ du học.
Trước đây, các SV quốc tế thường phàn nàn về những phức tạp và khó khăn trong việc xin visa Mỹ. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ rút ngắn khoảng thời gian chờ đợi cho cuộc hẹn phỏng vấn visa của SV xuống còn dưới 15 ngày. SV nước ngoài có thể xin visa trong thời gian lâu nhất là 120 ngày trước khi chương trình học bắt đầu.
Việc Mỹ xúc tiến quá trình cấp visa cho SV quốc tế là nhằm thu hút nhiều hơn nữa SV đến Mỹ du học. Trong thập kỷ qua, lượng SV nước ngoài tới Mỹ tăng hơn 30%. Theo báo cáo Open Doors 2011 (bản báo cáo thường niên về biến động trong giáo dục quốc tế ở Hoa Kỳ do Viện Giáo dục Quốc tế xuất bản), số lượng SV quốc tế tới học tại các trường đại học và cao đẳng Mỹ tăng 5% và đạt số lượng kỷ lục là 723.277 SV trong năm học 2010 – 2011.
Trong cuộc thảo luận bàn tròn ở Washington, D.C. hôm thứ 2, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh những lợi ích to lớn về mặt tri thức, xã hội và kinh tế mà các SV quốc tế mang đến cho Mỹ.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Adam Ereli cho biết các trao đổi về giáo dục giúp thiết lập và củng cố quan hệ giữa Mỹ và các nước khác bằng cách đẩy mạnh sự hiểu biết lẫn nhau. Ngoài ra, việc các SV nước ngoài đăng ký học tại các trường đại học Mỹ cũng là một kênh quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ mà trong đó doanh thu liên quan đến giáo dục lên đến hàng tỷ đô la.
Video đang HOT
Theo DT
Chàng trai Việt ở Google
Sinh năm 1988, Nguyễn Đặng Việt Anh vừa chính thức trở thành kỹ sư của Tập đoàn Google sau khi tốt nghiệp cao học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Việt Anh (giơ tay) trình bày với Bill Gates dự án MyWalk do mình thiết kế.
"Nhiệt huyết, tài năng vượt trội nhưng vẫn rất khiêm tốn, lễ phép... Việt Anh là đại diện của một thế hệ trẻ mà quốc gia nào cũng mong có được" - giáo sư Stephen Intille (Học viện Công nghệ Massachusetts - MIT, Hoa Kỳ) đã không tiếc lời khen chàng sinh viên Việt Anh, qua email trả lời PV Tuổi Trẻ.
Cú sốc... thi rớt
Luôn nghiêm túc và tự giác trong học tập, Việt Anh sớm được bố mẹ tin tưởng cho tự quyết trong mọi chuyện. "Không được phép chơi điện tử quá 11 giờ đêm" là nguyên tắc duy nhất mà gia đình giao kèo với Việt Anh.
"Nhưng có lần vào năm lớp 8, tôi đã ngồi mê mải trước máy tính tới gần sáng và bị bố phát hiện" - Việt Anh nhớ lại. Không rầy la hay đòn roi như nhiều phụ huynh khác, bố Việt Anh ngồi lắng nghe cậu con trai 14 tuổi say sưa giải thích về một loại game mà cậu đang làm.
Ngay trong tuần đó, Việt Anh được bố dắt đi học vi tính ở Cung Thiếu nhi Hà Nội. Càng học càng bị mê hoặc bởi những thuật toán, con số... Việt Anh liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng tin học lớn suốt cấp II và thi đậu vào lớp chuyên tin Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Việt Anh vào đội tuyển, làm lớp trưởng...
Liên tục đoạt ba giải thưởng tin học trẻ không chuyên toàn quốc, Việt Anh là kỳ vọng của người thân, nhà trường trước mỗi kỳ thi. "Gánh nặng vô hình ấy khiến tôi thất bại trong cuộc thi tin học TP lớp 11. Điều này khiến mọi người ngỡ ngàng, còn tôi suy sụp" - Việt Anh nhớ lại.
Để khởi động lại mình, Việt Anh thuyết phục gia đình cho đi du học Mỹ theo diện trao đổi văn hóa vào cuối năm lớp 11. Trớ trêu thay, ngày hoàn thành thủ tục du học, Việt Anh và gia đình đều sửng sốt khi biết nơi mình được sắp xếp đến...
"Thử lửa" tại... Las Vegas!
Las Vegas - nơi ăn chơi bậc nhất nước Mỹ là nơi Việt Anh được gửi đến ăn học! "Nhiều người thân trêu rằng bố mẹ sắp mất tôi rồi" - Việt Anh kể.
Trái với sự lo lắng của gia đình, chỉ trong mười tháng Việt Anh đạt toàn điểm tuyệt đối A ở trường, điểm tuyệt đối 2400/2400 ở SAT II (kỳ thi quan trọng để xét vào đại học tại Mỹ) bất chấp rào cản ngoại ngữ. Dẫu vậy, ngày Việt Anh nộp đơn vào MIT, nhiều người thân lẫn ông bố nuôi người Mỹ vẫn lắc đầu: "Đừng trèo cao con ơi!".
"Đó là một sáng cuối tuần, tôi đã run bần bật khi đọc được thư báo trúng tuyển từ MIT với học bổng trị giá 200.000 USD" - Việt Anh nhớ lại.
Việc học ở "chiếc nôi công nghệ của thế giới" không dễ dàng gì. Cũng có những lúc chán nản, ngủ gục ngay trong lớp vì không hiểu bài... nhưng Việt Anh không bi quan, tự động viên mình "vạn sự khởi đầu nan". Khi biết trường có những dự án cần sinh viên hỗ trợ, Việt Anh liền đăng ký tham gia để tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Nhờ kiến thức và kinh nghiệm làm việc vững chắc, Việt Anh được các tập đoàn IBM, Microsoft chọn vào thực tập ở vị trí lập trình viên ngay từ năm 2.
"Chào ông, tôi đến từ Việt Nam"
Đầu năm tư, khi đang thực tập ở Bắc Kinh (theo lời mời của giám đốc kỹ thuật Viện Nghiên cứu Microsoft châu Á), Việt Anh được giao phụ trách mảng áp dụng công nghệ di động để nâng cao sức khỏe người dân. Nhờ đó Việt Anh có cơ hội trình bày trực tiếp với Bill Gates về phần mềm khuyến khích hoạt động ăn uống hằng ngày MyWalk của mình.
Vừa thực tập vừa học vượt, Việt Anh tốt nghiệp bằng thạc sĩ khoa học máy tính sau năm năm học tại MIT. Vượt qua nhiều vòng kiểm tra, phỏng vấn rất gắt gao ở các tập đoàn công nghệ lớn, Việt Anh được nhận vào cùng lúc ở ba "ông trùm" Facebook, Google, Microsoft.
Chọn vị trí kỹ sư phần mềm về nền tảng di động Android tại trụ sở chính của Google ở Mountain View (Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ), Việt Anh giải thích: "Đây là nơi tập trung nhiều người tài nhất thế giới, tôi rất cần cơ hội này để cọ xát, học hỏi thêm".
"Tuy nhiên, điều khiến tôi tự hào nhất không phải những thành công trên mà chính là nguồn cội và cái tên Việt của mình. Dù gặp Bill Gates hay các quan chức cấp cao trong giới công nghệ, câu đầu tiên của tôi vẫn là: Xin chào, tôi tên Việt Anh và tôi đến từ Việt Nam" - Việt Anh kể trong buổi trò chuyện, chia sẻ bí quyết học và làm thành công với sinh viên ở TP.HCM vào tháng 10 qua.
Theo Công Nhật
Tuổi Trẻ
Xu hướng du học Mỹ Qua nhiều thập kỷ, "giáo dục Mỹ" đã trở thành thương hiệu bậc nhất trên thị trường kinh doanh giáo dục toàn cầu, đặc biệt là ở bậc giáo dục đại học và sau đại học. Theo thống kê mới nhất trong Open Doors Report, lượng sinh viên quốc tế tại Mỹ năm học 2009-2010 lên tới con số 690.923 (IIE Annual Report...