Mỹ ra đòn trừng phạt Iran, vô tình giúp Nga hưởng lợi
Nga hiện được xem là bên hưởng lợi nhiều nhất từ các biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt lên Iran, theo Wall Street Journal.
Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ Iran từ ngày 5/11. Theo sắc lệnh mới được Tổng thống Trump thông qua, các quốc gia nhập khẩu dầu từ Iran và các công ty làm ăn với các cá nhân, tổ chức Iran bị liệt vào danh sách đen và sẽ bị Mỹ trừng phạt.
Các số liệu thống kê mới đây cho thấy xuất khẩu dầu của Iran đã giảm 800.000 thùng/ngày so với thời điểm trước ngày 5/11.
Không chỉ có Tehran, lệnh trừng phạt này có ảnh hưởng lớn tới các nhà máy lọc dầu ở châu Âu và châu Á vốn đã quen mua dầu từ Iran trong nhiều năm trở lại đây. Họ buộc phải tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế.
Nga hưởng lợi lớn khi Mỹ áp đặt trừng phạt Iran. (Ảnh: Reuters)
Các công ty của Nga đã nhanh chóng tận dụng cơ hội này.
Nga và Iran sản xuất các loại dầu thô tương tự nhau, nên bên mua sẽ không phải đắn đo nhiều khi đổi nhà cung ứng mới.
Matxcơva mới đây cho biết đang lên kế hoạch thách thức các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách mua dầu từ Iran. Nga sẽ trả theo hình thức đổi hàng sau đó xử lý nguồn dầu thô này để sử dụng trong nước. Cách này sẽ giúp nguồn dầu của Nga có thể xuất khẩu sang các thị trường sinh lợi hơn.
Video đang HOT
“Nga đang chơi với tất cả các bên”, ông Helima Croft, nhà chiến lược tại công ty môi giới RBC nhận định.
Nga luôn coi Iran là đồng minh quan trọng trong các vấn đề địa chính trị liên quan tới cuộc nội chiến ở Syria. Matxcơva ngay từ đầu cũng lên tiếng chỉ trích lệnh trừng phạt mới của Mỹ và khẳng định Nga sẽ không bị ràng buộc bởi các biện pháp trừng phạt này.
Nga lên kế hoạch thách thức các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách mua dầu từ Iran. (Ảnh: WSJ)
Trong những tháng gần đây, Nga nhiều lần đánh tiếng cho biết sẽ mua ít nhất 100.000 thùng dầu mỗi ngày của Iran và đề nghị trả bằng máy móc và thực phẩm. Matxcơva cũng hứa sẽ đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran khi các công ty phương Tây rút lui.
Vòng trừng phạt mới mà Washington áp đặt có mục tiêu cụ thể vào xuất khẩu dầu của Iran, trụ cột quan trọng nhất của quốc gia Trung Đông này. Nhiều khách hàng mua dầu từ Iran đang sử dụng hệ thống ngân hàng của Mỹ đã sớm rút lui do lo ngại bị trừng phạt. Nga trong khi đó ít bị tổn thương hơn trước các đòn trả đũa của Washington đơn giản vì Matxcơva nhiều năm qua đã sống chung với các lệnh trừng phạt của Mỹ và hệ thống tài chính của nước này cũng không liên quan nhiều tới Mỹ như các nước châu Âu.
Song song hứa hẹn giúp đỡ Iran, Nga đang tìm cách thay thế Tehran trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Matxcơva đã tăng sản lượng sản xuất dầu lên 500.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2017, chạm ngưỡng kỷ lục trong 30 năm qua.
Nguyên nhân phần lớn xuất phát từ việc các khách hàng cũ của Iran đang bắt đầu tìm tới nguồn cung ứng dầu thô mới, đặc biệt là ở châu Âu. Với các nhà máy lọc dầu ở lục địa già, dầu Nga là lựa chọn phù hợp thay thế dầu thô Iran do dễ dàng vận chuyển nhanh tới các nhà máy của họ.
Total, tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Pháp là một ví dụ. Công ty này đã mua tới 217.000 thùng dầu thô Nga mỗi ngày, cung cấp cho nhà máy lọc dầu Le Havre ở Pháp sau khi ngừng mua dầu thô của Iran vào tháng 7.
Nhưng không chỉ ở châu Âu, Nga cũng đang thay thể vị trí của Iran trong các thương vụ mua bán dầu bên ngoài liên minh châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu nhập khẩu dầu Nga trở lại vào tháng 6 sau khi cắt giảm nguồn cung dầu từ Iran. Ankara dù tuyên bố không quan tâm tới lệnh trừng phạt của Mỹ, nhiều công ty có mối quan hệ quốc tế sâu rộng của họ vẫn lo ngại có thể bị Mỹ trừng phạt nếu vẫn tiếp tục giao dịch với Tehran.
Kịch bản tương tự cũng được ghi nhận ở Trung Quốc khi lượng dầu Bắc Kinh nhập khẩu từ Iran đã giảm 34% trong tháng 9 trong khi với Nga, con số này tăng 7%. Ở Hàn Quốc, doanh số bán dầu của Tehran trong tháng 8 đã giảm 85% còn các mặt hàng của Nga lại tăng số lượng lên 20% trong cùng tháng.
Điều này đã mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty quốc doanh của Nga. Trong báo cáo được Rosneft, công ty dầu khí có phần lớn vốn thuộc sở hữu của chính phủ Nga công bố hôm 6/11, thu nhập ròng của Rosneft đã chạm lên mức 6,8 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2017.
(Nguồn: WSJ)
SONG HY
Theo VTC
Tham vọng của Trump và giá đắt nước Mỹ phải trả
Mỹ đã phải trả giá đắt. Việc lật ngược JCPOA làm Mỹ bị cô lập ngày càng tăng trên thế giới bởi đi ngược lợi ích và đối nghịch với quan điểm của đại đa số các quốc gia trên thế giới, lại còn ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến lợi ích chính đáng của các nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đúng như đã được tuyên cáo từ trước, Mỹ áp dụng từ ngày 5.11.2018 gói biện pháp tiếp theo trừng phạt Iran và trở lại hoàn toàn chính sách đôi với Iran như trước khi có thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran, được gọi là Kế hoạch hành động tổng thể chung (JCPOA).
JCPOA được ký kết năm 2015 giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức với Iran nhằm giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Iran và đã được HDBA LHQ phê chuẩn. Tổng thống Mỹ Donald Trump từ khi còn vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ đã luôn coi việc người tiền nhiệm ký kết JCPOA là sai lầm, coi bản thân thoả thuận là tồi tệ nhất đối với nước Mỹ và cam kết sẽ lật ngược nó. Với việc áp dụng gói biện pháp trừng phạt Iran mới nói trên, ông Trump hoàn tất quá trình rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA. Ở gói biện pháp trừng phạt Iran trước, Mỹ nhằm vào cắt mọi khả năng Iran tiếp cận đồng USD và trên thực tế đã gây khó khăn lớn cho Iran do làm cạn kiệt nguồn ngoại tệ của Iran, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định giá trị đồng bản tệ của Iran.
Lần này, Mỹ nhằm vào xuất khẩu dầu lửa của Iran và thanh toán của Iran với bên ngoài, có khác biệt rất cơ bản so với trước khi có JCPOA là nhằm vào cả những nước, doanh nghiệp và cá nhân tiếp tục hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại với Iran. Tuy nhiên, ở giai đoạn ban đầu này, phía Mỹ coi 8 nước là ngoại lệ, trong đó có những nước nhập khẩu dầu lửa nhiều nhất của Iran như Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc hay Nhật Bản (nhiều thứ 6) hoặc vì lý do và lợi ích khác quan trọng đối với Mỹ như Iraq hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Trump và cộng sự coi những biện pháp chính sách này là cách "gây áp lực tối đa"đối với Iran, tin rằng cứ gia tăng áp lực, tức là gây khó dễ như có thể được, đối với Iran thì rồi sớm hay muộn nhà nước Hồi giáo này ở vùng Vịnh cũng sẽ phải chịu khuất phục và đáp ứng cả 12 điều kiện của Mỹ. Tham vọng lớn của ông Trump và cộng sự là không chỉ giải quyết lại vấn đề hạt nhân của Iran, dứt điểm và vĩnh viễn chứ không phải nhất thời, mà còn cả vấn đề chương trình tên lửa của Iran và buộc Iran phái thay đổi chính sách đối ngoại và an ninh ở khu vực theo hướng mong muốn của Mỹ.
Trong thực chất, Mỹ nhằm mục tiêu tước bỏ mọi con chủ bài chiến lược của Iran, đồng thời còn áp đặt đường lối chính sách đối ngoại và an ninh cho Iran, tức là ngoài vấn đề hạt nhân và tên lửa của Iran, ông Trump và cộng sự còn chủ ý xử lý luôn và hộ cho những đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ ở khu vực quan hệ của các nước này với Iran. Cũng chính vì thế mà sẽ chẳng có chuyện chính thể hiện tại ở Iraq chấp nhận những điều kiện tiên quyết của Mỹ, chấp nhận đàm phán lại với Mỹ. Cũng chính vì thế mà đối địch và căng thẳng tới đây sẽ lại gia tăng giữa Mỹ và Iran cũng như giữa những đồng minh chiến lược và đối tác thân cận của Mỹ ở khu vực này với Iran. Hiện tại không ẩn hiện triển vọng ông Trump và cộng sự có thể thực hiện được tham vọng lớn này.
Trong khi đó, Mỹ đã phải trả giá đắt. Việc lật ngược JCPOA làm Mỹ bị cô lập ngày càng tăng trên thế giới bởi đi ngược lợi ích và đối nghịch với quan điểm của đại đa số các quốc gia trên thế giới, lại còn ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến lợi ích chính đáng của các nước này. EU xưa nay đồng hành với Mỹ trong quan hệ với Iran thì nay không còn tiền hô hậu ủng Mỹ, thậm chí lại còn co cụm với Nga và Trung Quốc để duy trì quan hệ hợp tác với Iran, bảo vệ lợi ích chính đáng của Iran nhằm khích lệ Iran tiếp tục tuân thủ và thực hiện JCPOA. Chính sách của Mỹ trừng phạt Iran khích lệ các đối tác cùng nhau thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình "phi đô la hoá" và sử dụng những đồng tiền khác trong quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư với nhau.
Những người tiền nhiệm của ông Trump trong suốt nhiều thập kỷ đã thực thi chính sách thù địch và trừng phạt Iran nhưng rồi đều đâu có khuất phục được Iran và cản trở đáng kể Iran phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân. Và rồi nữa, Mỹ tiền hậu bất nhất như thế thì làm dao còn đáng được tin cậy trên thế giới và sẽ có những đối tác nào đây giờ sẵn sàng đàm phán và thoả thuận với Mỹ khi thấy rằng Mỹ rồi sẵn sàng lật ngược thoả thuận bất cứ lúc nào ?
Theo Danviet
Mỹ bất ngờ ra mặt giúp Israel thuyết phục Nga chuyện này Mỹ vừa bất ngờ thuyết phục Nga cho phép Israel khôi phục lại các cuộc không kích vào Syria. Mỹ muốn Nga cho phép Israel tiếp tục không kích vào Syria. Theo Debka, Đặc phái viên của Mỹ về Syria ông James Jeffrey nhấn mạnh rằng, "Chúng tôi chắc chắn hi vọng Nga sẽ tiếp tục cho phép Israel không kích vào Syria"...