Mỹ, Nhật, Australia diễn tập chung tại cửa ngõ Biển Đông
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng chiến hạm của Nhật và Australia diễn tập chung ba ngày tại Biển Philippines, gần Biển Đông.
Cuộc diễn tập của hải quân Mỹ, Australia và Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) tại Biển Philippines diễn ra hôm 19-21/7 nhằm thể hiện cam kết của ba nước với “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, JMSDF hôm qua ra thông cáo cho biết.
“Tôi tin rằng tăng cường hợp tác với hải quân Mỹ và Australia cực kỳ quan trọng với Nhật Bản”, đại tá Yusuke Sakano, chỉ huy sư đoàn hộ tống 4 của JMSDF, cho biết trong thông cáo.
Sakano cho hay kinh nghiệm trong các cuộc diễn tập chung sẽ mang lại cho hải quân Mỹ, Australia và Nhật Bản “lợi thế về chiến thuật và hoạt động” và củng cố tình hữu nghị giữa ba nước.
“Cơ hội làm việc cùng Mỹ và Nhật Bản là vô giá”, chỉ huy đội tác chiến hỗn hợp Australia, chuẩn tướng hải quân Michael Harris cho biết. “Nhiệm vụ kết hợp của hải quân chúng tôi thể hiện mức độ và khả năng tương tác cao giữa Australia, Mỹ và Nhật Bản”.
Chiến hạm ba nước triển khai “các hoạt động hàng hải tích hợp trong môi trường tác chiến trên tất cả các lĩnh vực” để giúp các lực lượng này có thể phản ứng với bất cứ tình huống nào, thông cáo của hải quân Mỹ cho biết.
Chiến hạm Australia, Mỹ và Nhật Bản diễn tập tại Biển Philippines, ngày 21/7. Ảnh: US Navy.
Video đang HOT
Cuộc diễn tập được tổ chức trong bối cảnh Mỹ, Nhật Bản và Australia đều chỉ trích các động thái gây hấn của Trung Quốc tại khu vực tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Các chỉ huy quân sự ba nước hồi tháng 7 ra tuyên bố chung lên án việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế “thay đổi hiện trạng” ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Trung Quốc đơn phương vẽ ra “đường 9 đoạn” nhằm đòi yêu sách lãnh thổ phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.
Mỹ nhiều lần chỉ trích các động thái của Trung Quốc trong khu vực như bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng sân bay quân sự và triển khai khí tài tại đó. Mỹ lo ngại các tiền đồn Trung Quốc lập có thể tham gia hạn chế hoạt động tự do đi lại trên tuyến đường biển nơi khoảng 3.000 tỷ USD hàng hóa đi qua mỗi năm. Hải quân Mỹ thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập và tuần tra tự do hàng hải tại khu vực này.
Trung Quốc gần đây triển khai nhiều hoạt động quyết liệt sau Covid-19 nhằm gây áp lực cho các quốc gia, vùng lãnh thổ xung quanh. Bắc Kinh nhiều lần điều máy bay quân sự áp sát đảo Đài Loan, đụng độ với Ấn Độ tại khu vực biên giới, điều tàu hải cảnh áp sát đảo tranh chấp với Nhật Bản, và thông qua luật an ninh quốc gia bị cho là hạn chế quyền tự trị của đặc khu hành chính Hong Kong.
Tại Biển Đông, Trung Quốc triển khai loạt hoạt động gây hấn như điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rồi bám theo tàu khoan của Malaysia, cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của Việt Nam, tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo khẳng định chính sách của Trung Quốc với Biển Đông trong nhiều năm qua là “dùng biện pháp bắt nạt” để xâm phạm quyền chủ quyền của các nước quanh khu vực, nhằm thay thế luật quốc tế bằng tư duy “chân lý thuộc về kẻ mạnh”.
Khu vực Biển Đông và Biển Philippines. Đồ họa: Google.
Giáo dục đại học thế giới trong bối cảnh đại dịch
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động đối với hệ thống giáo dục đại học toàn cầu.
Bên cạnh việc phải chuyển các hoạt động đào tạo truyền thống sang hình thức từ xa, trực tuyến, các đại học trên thế giới cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn khi nền kinh tế có sự suy giảm do dịch bệnh, vừa đồng thời tìm kiếm cách thức hỗ trợ sinh viên, giảng viên.
Các đại học chuyển các hoạt động đào tạo truyền thống sang hình thức từ xa, trực tuyến (Ảnh: AP).
Hầu hết các đại học đã điều chỉnh lịch học cho năm nay. Những cách thức truyền thống, các kỳ thi, tuyển sinh, nhập học đã được chuyển hướng sang trực tuyến. Một số trường đại học chuyển sang học từ xa, nhanh chóng tổ chức các khóa đào tạo cho giáo viên và bổ sung tài chính cho số hóa tốc độ cao.
Đại dịch Covid-19 xảy ra cho phép chúng ta đánh giá mức độ sẵn sàng của các trường đại học khi có thảm họa, và chỉ ra rằng các trường đại học, dù có lịch sử phát triển ổn định nhưng chưa sẵn sàng đối phó với khủng hoảng, hầu như gặp phải khó khăn trong chiến lược hoạt động, lên kịch bản ứng phó với tình trạng khẩn cấp.
Mọi khủng hoảng khi xảy ra đều ảnh hưởng nhiều nhất đến các nhóm dễ bị tổn thương. Trong trường hợp này, là những hệ thống giáo dục đại học không được bảo vệ bởi các công nghệ kỹ thuật số. Thí dụ như ở khu vực châu Phi phía nam Sahara, hay đối tượng các giáo viên và nhà nghiên cứu đang ở giai đoạn chuyển đổi học vấn, sinh viên thu nhập thấp và sinh viên nước ngoài.
Một bộ phận sinh viên có thu nhập thấp phải thay đổi nghề nghiệp đã lựa chọn hoặc sẽ từ bỏ giáo dục đại học để lo nhu cầu cấp thiết hơn. Trước hết, việc này xảy ra ở các quốc gia có học phí cao như: Mỹ, Vương quốc Anh, Australia...
Tại nhiều nước hiện vẫn đang thảo luận về việc hỗ trợ cũng như cách thức hỗ trợ cho sinh viên. Các trường đại học châu Phi cấp hoặc cho sinh viên mượn máy tính và đề nghị người dùng trả tiền truy cập internet. Đại học Chicago, một trường đại học nghiên cứu ưu tú ở Mỹ, mới đây đã hứa rằng học phí và các dịch vụ đại học khác sẽ không tăng trong năm học 2020-2021. 52 trường đại học Thái Lan và nhiều trường đại học ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất đã giảm học phí. Với sự suy thoái chung của nền kinh tế và số lượng kiến nghị của sinh viên ngày càng tăng, những điều chỉnh này sẽ không phải là cuối cùng. Nhiều trường đại học sẽ cung cấp học bổng, lệ phí, hoặc học phí thấp hơn để giữ chân những sinh viên giỏi nhất.
Trong số các trường đại học, cuộc khủng hoảng sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến các trường đại học tư, những trường phụ thuộc vào học phí và nguồn thu từ sinh viên nước ngoài. Chính phủ Australia, Vương quốc Anh và Mỹ đã cam kết hỗ trợ số tiền đáng kể cho các trường đại học của mình.
Theo dữ liệu Studyportals của Hà Lan, tính đến giữa tháng 4, 40% sinh viên du học đã thay đổi kế hoạch giáo dục, trong đó, một số đang tích cực tìm kiếm các chương trình trực tuyến. Các sinh viên nước ngoài từ các nước châu Á, Italy, Trung Quốc, các nước châu Phi, đang học tập ở châu Âu cũng đang hứng chịu những ảnh hưởng như sự kỳ thị vì dịch bệnh.
Ở một số quốc gia như Mỹ đã lập quỹ khẩn cấp hỗ trợ sinh viên nước ngoài. Còn ở Nga là việc cấm đuổi sinh viên nước ngoài khỏi ký túc xá. Nhiều trường đại học tự hỗ trợ sinh viên của mình bằng cách trả tiền hỗ trợ vật chất, cung cấp tài liệu về hỗ trợ di chuyển vào ở ký túc xá và sắp xếp các buổi hỗ trợ trực tuyến thường xuyên.
Các trường đại học hàng đầu thế giới hiện đang đặc biệt quan tâm hỗ trợ tâm lý cho sinh viên và nhân viên của mình, thiết lập hệ thống dịch vụ sức khỏe tâm thần theo định dạng trực tuyến.
Đối với các nhà nghiên cứu trẻ, và giáo viên đang tìm kiếm việc làm cũng là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Danh sách các trường đại học đóng băng trong công tác tuyển dụng đang dài thêm, bao gồm các trường đại học tiên tiến. Gần đây, nhiều trường đại học bắt đầu phải giảm nhân viên hoặc giảm trả mức lương.
Mặc dù gặp khó khăn, các trường đại học đã tham gia vào hầu hết các khía cạnh của cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Sinh viên y khoa đã làm việc như các bác sĩ được cấp phép. Các trường đại học đang tích cực sản xuất các chế phẩm và khẩu trang y tế, phát triển phần lớn trong số 70 loại vaccine đang được thử nghiệm, như tại Đại học Oxford, đang tiến hành các thử nghiệm thuốc trên người. Nhiều trường đại học phân bổ nguồn tài chính và nhân lực cho nghiên cứu Covid-19.
Đối với các trường đại học đã phát triển lâu dài và ổn định trong chuỗi giá trị phát triển kinh tế - xã hội, sau đại dịch, gánh nặng trách nhiệm xã hội của các trường đại học sẽ tăng lên cùng với tầm ảnh hưởng và trách nhiệm mới.
Một số đại học Mỹ đã bỏ yêu cầu bắt buộc vượt qua các kỳ thi đại học và cao đẳng SAT/ACT đang đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn nhập học cho sinh viên. Và để hỗ trợ sinh viên nước ngoài ở bất kỳ quốc gia nào giờ đây đang gặp khó khăn, các đại học trên thế giới đang bàn bạc để nâng chuẩn hỗ trợ ở cấp độ toàn cầu, liên quan đến mở rộng số hóa, các quy định pháp lý và đổi mới sư phạm.
62 quốc gia ủng hộ đề xuất điều tra về dịch Covid-19 của Australia Các bên đều cho rằng, cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch Covid-19 cần phải "vô tư, độc lập và toàn diện". Australia và Liên minh châu Âu đang thực hiện cuộc vận động các quốc gia trên thế giới ủng hộ đề xuất mở cuộc điều tra độc lập về sự xuất hiện của dịch Covid-19. Thủ tướng Australia Scott Morrison...