Mỹ Linh tiếc vì chưa hiểu nhiều về Trịnh
Hát trong chương trình nhạc Trịnh “ Gọi tên bốn mùa”, diva tóc ngắn muốn chuyển tải nhiều nhất những thông điệp của cố nhạc sĩ trong bài hát, dù đây không phải dòng nhạc sở trường của chị.
- Chị liên tục xuất hiện trong chuỗi chương trình “In the Spotlight”. Có lý do gì đặc biệt khiến chị gắn bó với series này như vậy?
- “In The Spotlight” là một series âm nhạc mà tôi luôn hào hứng khi nhận lời tham dự. Kể từ khi chuỗi chương trình này ra mắt đến nay, có tất cả 4 số thì tôi được mời tham dự đến 3 lần, một lần là chương trình riêng của tôi, rồi tôi thành khách mờitrong liveshow của Tuấn Ngọc, Hồng Nhung.
Số thứ năm tới đây chương trình sẽ giới thiệu âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi tin rằng nhạc Trịnh trong “In The Spotlight” sẽ được vang lên một cách khác biệt và tôi tin là sự khác biệt này sẽ rất hay, sẽ chinh phục được đông đảo khán giả yêu nhạc Trịnh.
Mỹ Linh trong chương trình In The Spotlight số 2 “Và em sẽ hát” hồi tháng 4. Ảnh: Hoàng Hà.
- Liveshow xuyên Việt “Và em sẽ hát” của chị được đánh giá cao. Nếu nhắc lại những cảm xúc của chị trong ba đêm diễn đó, chị sẽ nói gì?
- Còn gì hơn nữa khi tôi đã được hát say mê, được sống nhiều và được yêu thương nhiều đến thế!
- Chị từng thu âm một CD nhạc Trịnh cách đây gần 20 năm, khi chị vừa nổi tiếng. Tuy nhiên nhạc Trịnh không phải sở trường của chị trong suốt 20 năm ca hát vừa qua, dù thỉnh thoảng chị vẫn hát nhạc Trịnh. Chị thấy mình có hợp với nhạc Trịnh Công Sơn không?
- Tôi ít nghe nhạc Trịnh nhưng đôi lúc nghe nhạc Trịnh tôi thấy dung dị và rất “hiền”. Hợp với nhạc Trịnh hay không thì tôi chưa bao giờ nghĩ đến vì tôi không định đi sâu khai thác nhạc của ông nhiều hơn.
- Xuất hiện trong chương trình In the Spotlight số 5 – Gọi tên bốn mùa, chị sẽ thể hiện nhạc Trịnh theo cách nào, truyền thống hay cách tân?
- Có lẽ cả hai. Âm nhạc Trịnh cần được vang lên dung dị nhưng cũng rất cần cả sự tươi mới nữa. Cách đây 20 năm chị Bống đã làm được điều ấy. Tôi nghĩ giờ đây khó có ai có thể vượt qua chị ấy ở nhạc Trịnh.
- Hồng Nhung, Thanh Lam, Lô Thủy, hay Tấn Minh, Tùng Dương… đều có cách nhìn riêng và cách thể hiện riêng về nhạc Trịnh. Theo Mỹ Linh, cách tân nhạc Trịnh nên đến giới hạn nào?
Video đang HOT
- Tôi nghĩ cho dù nhạc Trịnh hay nhạc của bất kỳ nhạc sĩ nào khác thì khi hát, ca sĩ luôn là người làm bài hát sống lại một lần nữa theo một cách khác. Tôi thấy mọi sự tươi mới đều rất có giá trị, ngay cả với những thể loại âm nhạc mang tính “bảo thủ” như nhạc tiền chiến hoặc nhạc Trịnh.
- Có ý kiến cho rằng nhạc Trịnh chỉ cần một cây guitar hát ngoài quán café cũng đã là rất hay rồi, ý là nhạc Trịnh giản dị, mộc mạc và rất “đời”. Tuy nhiên, chương trình “Gọi tên bốn mùa” đầu tư cả 2 ban nhạc nhẹ, dàn nhạc thính phòng rất hoành tráng liệu có làm mất đi sự mộc mạc, đơn giản mà nhiều người vẫn gán cho nhạc Trịnh?
- Tôi cho rằng đây chỉ là một ý kiến của một số người nhất định. Sẽ có những người khác mang những quan điểm khác. Đã làm nghệ thuật thì không bao giờ cần phải gò bó tự hạn chế mình. Một lần nữa, tôi tin là mọi sự tươi mới đều có giá trị. Tôi cũng rất tin tưởng vào nhạc sĩ Hồng Kiên, Giám đốc nghệ thuật của chương trình này.
Hồng Nhung, Tùng Dương, Mỹ Linh và Tuấn Ngọc sẽ hát nhạc Trịnh Công Sơn trong chương trình “Gọi tên bốn mùa”. Ảnh: T.G.
- Lần này chị sẽ hát một số ca khúc khá đặc biệt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chị có thể bật mí về những ca khúc chị sẽ hát?
- Tôi xin phép được giữ bí mật. Tôi đang vô cùng hào hứng và cả lo lắng nữa đối với những ca khúc tuyệt vời này.
- Có khi nào chị ngồi nghiền ngẫm những ca từ trong nhạc Trịnh và nghiệm ra điều gì cho bản thân mình không?
- Ngồi nghiền ngẫm thì chưa, nhưng trước mỗi khi hát, tôi đều tìm hiểu về những thông điệp của anh Sơn trong bài hát. Tôi tin chắc lúc sinh thời, anh Trịnh Công Sơn là một người rất hay, chỉ tiếc là khi anh còn sống, tôi ít có dịp chuyện trò để hiểu thêm về anh ấy.
- Là một ca sĩ ngôi sao, hát khá nhiều sân khấu khác nhau, chị thấy chất lượng âm thanh, phối khí, cũng như trình độ dàn nhạc đệm quan trọng đối với ca sĩ đến thế nào?
- Tôi cho rằng những gì anh vừa nhắc tới chính là những điều kiện tối thiểu cần có giúp cho các ca sĩ thăng hoa. Phần âm thanh, phối khí, dàn nhạc mà không tốt thì ca sĩ có hát hay đến thế nào, show diễn cũng không thể thành công được.
- Hoạt động của thị trường âm nhạc hiện nay đang có nhiều dấu hiệu tích cực khi các chương trình nghệ thuật nghiêm túc xuất hiện ngày càng nhiều, khán giả đang dành nhiều ưu ái cho những show ca nhạc đầu tư lớn về chuyên môn, bản thân chị cảm nhận về điều này như thế nào?
- Tôi nhận thấy năm 2012 quả là một năm dành cho những nghệ sĩ như chúng tôi – những người làm nghệ thuật thực sự. Tôi quả thật rất hạnh phúc vì điều này.
Hồng Hà
Theo VNE
Tuấn Ngọc: 'Nhiều ca sĩ hát nhạc Trịnh như bị tẩu hỏa nhập ma'
Nam danh ca khuyến khích người trẻ hát nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng anh vẫn thấy có một số biến tấu theo kiểu khác lạ, kỳ dị.
- Trong sự nghiệp âm nhạc của anh, nhạc Trịnh ở vị thế nào?
- Nghe câu hỏi này tôi mới chợt giật mình, hình như không có lần nào trình diễn tôi không hát nhạc Trịnh Công Sơn. Theo bạn như vậy có ảnh hưởng lớn không? (cười). Có thể nói cuộc đời âm nhạc của tôi mang nợ nhiều nhất là bốn tác giả: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng và Ngô Thụy Miên.
- Anh là một trong những ca sĩ thế hệ đầu tiên hát nhạc Trịnh. So với lớp ca sĩ trẻ bây giờ, anh thấy hai thế hệ hát nhạc Trịnh có điều gì khác nhau?
- Giống như tất cả các bộ môn nghệ thuật khác, âm nhạc cũng có tính trào lưu. Vì vậy, hai người ca sĩ của hai thời đại khác nhau lẽ dĩ nhiên phải có cái nhìn không giống nhau về cùng một bài hát.
Tôi lúc nào cũng phải cập nhật kỹ thuật hát của mình. Nghệ thuật ngày nay nói chung chú trọng về hình thức biểu diễn nhiều hơn là về nội dung. Nhìn phim ảnh bây giờ thấy rất rõ điều đó. Nói tóm lại là cũng tùy ở thị hiếu của mỗi người thôi. Không có cái gì là tuyệt đối cả.
Tuấn Ngọc đã bước sang tuổi 55.
- Anh nghĩ thế nào về những ca sĩ trẻ hát nhạc Trịnh theo phong cách mới?
- Đó là điều đáng khuyến khích đối với các ca sĩ trẻ. Ở giai đoạn đầu, người nghệ sĩ nào cũng phải ít nhiều bắt chước những người đi trước. Sau đó, họ cần phải cố gắng tìm một hướng đi riêng và đây là bước ngoặt khó khăn nhất trong sự nghiệp của một ca sĩ. Đôi khi có một vài trường hợp "tẩu hỏa nhập ma", thay vì có một phong cách mới lại có một phong cách... kỳ dị!
- Trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn sắp tới, được biết anh sẽ song ca vớiTùng Dương - một ca sĩ rất cá tính với nhạc dân gian đương đại, trong khi anh lại trữ tình lãng mạn, anh có sợ bị "chỏi" nhau không? Anh hy vọng gì ở màn song ca này?
- Tôi đã nghe Tùng Dương hát nhiều lần. Cậu ấy là một ca sĩ trẻ để lại cho tôi nhiều ấn tượng, nhất là khi nghe cậu hát. Tôi thấy Dương hát bài nào cũng hay và là một ca sĩ rất đa dạng. Khi nghe ban tổ chức đề nghị tiết mục song ca với Tùng Dương, tôi nghĩ đây là một điều thú vị và tôi ngay lập tức nhận lời. Tuy nhiên, chúng tôi phải tập với nhau rất nhiều, lúc đó tôi mới có thể có câu trả lời cho câu hỏi này được.
Không có bí quyết, là may mắn
- Cảm xúc trong những cuộc trở về nước biểu diễn của anh thế nào? Ở tuổi này, hát "sung" có phải là một thách thức?
- Mỗi lần trở về Việt Nam tôi đều thấy rất vui. Vừa có dịp thăm quê hương, lại vừa đi hát và gặp lại những người khán giả của tôi. Chỉ cần nghĩ như vậy là tôi đã thấy "sung".
- Giọng hát và phong cách của anh trên sân khấu vẫn thu hút khán giả như thời anh còn trẻ tuổi, bí quyết nào để anh giữ được sự hấp dẫn riêng đối với công chúng như vậy?
- Tôi cũng phải liên tục cập nhật cách hát để giữ được khán giả, nhưng suy cho cùng, tôi nghĩ cũng là do may mắn.
Tuy có nhiều năm kinh nghiệm đi hát, nhưng anh vẫn liên tục cập nhật kỹ thuật, cách hát mới.
- Từ khi trở về Việt Nam diễn lần đầu tiên, đến thời điểm này, anh có quan sát và tìm hiểu nền âm nhạc đại chúng của Việt Nam không? Anh có nhìn thấy ở đó sự chuyển động?
- Tôi thấy âm nhạc Việt đang tiến gần tới tính chuyên nghiệp, nhất là dòng nhạc trẻ. Các ca sĩ trẻ luôn cố gắng để tạo được dấu ấn riêng. Đó là điều đáng khích lệ.
- Anh có theo dõi các giải thưởng âm nhạc của Việt Nam những năm gần đây không? So với Mỹ, anh thấy nó có sự khác nhau ra sao?
- Hàng ngày tôi phải tự học hỏi, trau dồi về âm nhạc nên tôi không có nhiều thời giờ nghiên cứu về nhạc trẻ cũng như các giải thưởng. Đôi khi tôi có coi những chương trình American Idol và The Voice, bây giờ ở Việt Nam cũng có những cuộc thi tương tự như vậy. Đây là những chương trình rất tốt và là một điều rất may mắn cho những ca sĩ trẻ. Họ vừa có cơ hội học hỏi, nếu có thực tài, chỉ cần một ngày, thậm chí một giờ, họ đã được cả nước biết đến và yêu mến mình.
Theo Thể Thao & Văn hóa
Trịnh Công Sơn - Nhớ về một người thầy Người đời nhắc đến Trịnh Công Sơn với tư cách là một con người nhạc sĩ, nhưng cả cuộc đời ông vẫn tự hỏi: "Tôi là ai, là ai...?". Và trong phần đời ông có bóng dáng của nghề giáo. Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, đêm nhạc xưa và những tình khúc Trịnh Công Sơn diễn ra vào 20h ngày...