Mỹ không muốn Israel trả đũa vào cơ sở hạt nhân Iran, các bên đấu khẩu ở LHQ
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2.10 khẳng định Israel có quyền đáp trả ‘tương xứng’ các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran vào nước này, song ông phản đối việc không kích vào các cơ sở hạt nhân của Tehran.
Theo The Times of Israel dẫn lời Tổng thống Mỹ Biden, các nhà lãnh đạo nhóm G7 đã điện đàm để bàn về kịch bản phản ứng của Israel. “Chúng tôi sẽ thảo luận với Israel về những gì họ sẽ làm. Chúng tôi đều nhất trí rằng họ có quyền đáp trả nhưng phải đáp trả tương xứng. Rõ ràng là Iran đã đi chệch hướng”, ông Biden tuyên bố.
Theo Reuters dẫn tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G7 ngày 2.10 bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, đồng thời nhấn mạnh giải pháp ngoại giao vẫn khả thi và một cuộc xung đột trên toàn khu vực không có lợi cho bất kỳ bên nào. Tổng thống Biden đã kêu gọi phối hợp ứng phó, bao gồm các lệnh trừng phạt mới, đối với cuộc tấn công của Iran.
Ông Trump: Các đối thủ không còn tôn trọng Mỹ
Israel được cho là đang cân nhắc tấn công các cơ sở hạt nhân hoặc dầu mỏ của Iran để đáp trả các cuộc không kích từ Tehran vào hôm 1.10. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố ngay sau vụ tấn công rằng Iran đã phạm “một sai lầm lớn” và sẽ “phải trả giá”.
Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi ngày 2.10 cho biết Israel sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran và lưu ý rằng quân đội nước này có khả năng tiếp cận và tấn công bất kỳ điểm nào ở Trung Đông. “Đối thủ của chúng ta cho đến bây giờ vẫn chưa hiểu điều này sẽ sớm hiểu thôi”, ông Halevi phát biểu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington (Mỹ) vào ngày 1.10.2024. ẢNH: REUTERS
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách thống nhất lập trường với Israel về bất kỳ phản ứng nào đối với cuộc tấn công của Iran, nhưng cũng thừa nhận rằng Trung Đông đang “nguy kịch” và việc leo thang rộng rãi hơn có thể gây nguy hiểm cho cả lợi ích của Israel và Mỹ.
Ông Campbell khẳng định Mỹ đang cố gắng sự ủng hộ và cam kết của mình đối với một số hoạt động của Israel. Song, ông Campbell cũng bày tỏ quan ngại về những chiến dịch trên bộ kéo dài ở Li Băng.
Đại sứ của Washington tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield ngày 2.10 phát biểu tại cuộc họp báo của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng: “Chính quyền Iran sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình”. Bà Thomas-Greenfield cảnh báo Iran và các lực lượng mà nước này hậu thuẫn không được thực hiện các hành động nhắm vào Mỹ hoặc Israel.
Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc Danny Danon ngày 2.10 phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng: “Thời đại của những lời kêu gọi suông về việc giảm leo thang đã qua rồi. Đây không còn là vấn đề của lời nói nữa. Iran là mối nguy hiểm thực sự và hiện hữu đối với thế giới, và nếu họ không bị ngăn chặn, làn sóng tên lửa tiếp theo sẽ không chỉ nhắm vào Israel”.
Về phần mình, Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Amir Saeid Iravani khẳng định cuộc tấn công của nước này vào Israel nhằm khôi phục sự cân bằng trước sự leo thang gia tăng từ Tel Aviv tại khu vực. Cùng ngày, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ngày 2.10 phát biểu trong một cuộc họp báo tại Qatar rằng nước này không muốn leo thang xung đột, nhưng sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn nếu Israel trả đũa.
Đặc phái viên của Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia đã ca ngợi Iran vì sự kiềm chế “đặc biệt” của nước này trong những tháng gần đây, đồng thời nhấn mạnh cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel nên được lý giải trong bối cảnh khu vực.
Israel thừa nhận tên lửa Iran đánh trúng căn cứ không quân
Quân đội Israel ngày 2.10 thừa nhận vài căn cứ không quân của họ đã bị đánh trúng trong cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo quy mô lớn của Iran vào tối 1.10.
Tờ The Times of Israel chiều 2.10 dẫn thông báo từ quân đội Israel cho hay tác động từ tên lửa do Iran phóng đã gây thiệt hại cho tòa nhà văn phòng và các khu vực bảo trì khác trong những căn cứ không quân bị trúng tên lửa.
Tuy nhiên, quân đội Israel khẳng định tất cả tác động của tên lửa do Iran phóng vào những căn cứ không quân đều bị họ xem là "không hiệu quả", nghĩa là không gây tổn hại gì cho hoạt động liên tục của Không quân Israel (IAF).
Tên lửa Iran bắn trúng căn cứ không quân Israel
Quân đội Israel còn khẳng định không có thiệt hại nào đối với máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, đạn dược và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Quân đội Israel lưu ý IAF vẫn tiếp tục hoạt động trong những giờ tiếp theo, bao gồm các cuộc tấn công lớn chống lại lực lượng Hezbollah ở thủ đô Beirut của Li Băng, hỗ trợ cho lực lượng trên bộ ở miền nam Li Băng và các cuộc tấn công ở Dải Gaza.
Một tòa nhà bị phá hủy ở thành phố Hod HaSharon của Israel sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel hôm 1.10. ẢNH: AFP
The Times of Israel dẫn lời giới chức y tế Israel cho hay không có thương tích nghiêm trọng nào trong vụ tấn công tối 1.10 của Iran, chỉ có hai dân thường bị thương nhẹ do mảnh đạn ở Tel Aviv.
Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi chiều 2.10 tái tuyên bố Israel sẽ đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran, nhấn mạnh quân đội Israel có khả năng "tiếp cận và tấn công bất kỳ điểm nào ở Trung Đông".
"Hôm qua, Iran đã phóng khoảng 200 tên lửa vào Nhà nước Israel. Iran tấn công các khu dân cư và gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều dân thường. Nhờ hành vi dân sự đúng mực và khả năng phòng thủ chất lượng cao nên thiệt hại tương đối nhỏ", ông Halevi khẳng định.
"Chúng tôi sẽ đáp trả, chúng tôi biết cách xác định những mục tiêu quan trọng, chúng tôi biết cách tấn công chính xác và mạnh mẽ", ông Halevi tuyên bố.
Gần 10 triệu người ở Israel đã vào hầm tránh bom vào tối 1.10, khi đạn và tên lửa đánh chặn phát nổ trên bầu trời.
IDF tuyên bố họ đã chặn được "một số lượng lớn" trong số khoảng 200 tên lửa do Iran phóng vào tối 1.10. Theo IDF, tên lửa phóng vào Israel tối 1.10 không phải là tên lửa bội siêu thanh như Iran đã tuyên bố.
Mỹ thất vọng về Israel, ngầm thừa nhận không thể ngăn chặn 'cuộc chiến tranh khu vực'
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố rằng họ đã sử dụng tên lửa Fattah lần đầu tiên mà họ mô tả là "tên lửa bội siêu thanh".
Vũ khí bội siêu thanh, bay với tốc độ trên Mach 5 (6.200 km/giờ), gấp 5 lần tốc độ âm thanh, có thể đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa vì tốc độ và khả năng cơ động của loại tên lửa này. Iran mô tả Fattah có thể đạt tốc độ Mach 15.
IDF khẳng định Iran không sở hữu tên lửa bội siêu thanh và những tên lửa do Iran phóng vào Israel không có khả năng cơ động.
IDF tối 1.10 nói rằng lực lượng phòng không Israel "có hiệu quả" và Mỹ cũng tham gia bảo vệ Israel bằng cách phát hiện trước mối đe dọa từ Iran cũng như đánh chặn một số tên lửa.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Iran đối với tuyên bố trên của phía Israel.
Lá chắn tên lửa Israel "mất thiêng": Sự khác lạ trong cơn thịnh nộ của Iran Trong đêm 1/10, Iran đã bất ngờ thực hiện đợt tấn công tên lửa quy mô lớn nhằm vào các cơ sở tình báo và căn cứ quân sự quan trọng của Israel. Có điều khác biệt đã xảy ra trong lần tập kích này. Cú ra đòn khác lạ khiến lá chắn tên lửa trứ danh của Israel rung lắc dữ dội...