Mỹ khẳng định đường 9 đoạn của Trung Quốc mơ hồ
Trong bản nghiên cứu mới công bố, Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại rằng đường 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông là mơ hồ, phần lớn các phần diễn giải yêu sách không tuân theo luật quốc tế.
Mỹ cho rằng đoạn thứ 3 trong đường 9 đoạn của Trung Quốc xâm phạm vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Rappler
“Nếu Trung Quốc không làm rõ được rằng yêu sách của họ với các đảo nằm trong đường 9 đoạn và yêu sách với bất kỳ khu vực nào được vạch ra từ các thực thể trên Biển Đông, là tuân theo luật biển quốc tế, như nêu trong Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc, thì yêu sách đường 9 đoạn đó không phù hợp với luật biển quốc tế”, Rappler dẫn nhận định trong nghiên cứu do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cuối tuần qua.
Bản nghiên cứu dài 26 trang do Cơ quan Đại dương và các vấn đề Môi trường và khoa học quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện. Các chuyên gia tập trung phân tích một số phần diễn giải của Trung Quốc, trong đó đường biên giới quốc gia và yêu sách lịch sử đều “không có căn cứ luật pháp thích đáng căn cứ vào luật biển”.
Với phần đường biên giới quốc gia, Mỹ cho rằng “mâu thuẫn với luật quốc tế”. “Các đoạn 2, 3 và 8 xuất hiện trên bản đồ năm 2009 của Trung Quốc không chỉ tương đối gần với bờ biển thuộc đất liền của các nước khác, mà chúng còn nằm ngoài ranh giới 200 hải lý tính từ bất kỳ thực thể nào mà Trung Quốc đòi kiểm soát”, các chuyên gia Mỹ phân tích.
Với “yêu sách lịch sử”, theo Mỹ, đường 9 đoạn không thể hiện được việc Trung Quốc thực thi chủ quyền “rõ ràng và liên tục” ở Biển Đông, không có nước nào đồng tình rằng Bắc Kinh thực thi chủ quyền ở khu vực này.
Video đang HOT
Theo Rappler, về cơ bản, nghiên cứu này của Mỹ nhắc lại quan điểm của các quan chức cấp cao Washington trước đó, đề nghị Trung Quốc làm rõ yêu sách đường 9 đoạn ở Biển Đông. Giới học giả quốc tế đều cho rằng đường 9 đoạn này là yêu sách phi lý.
Mỹ công bố bản nghiên cứu ngay trước ngày 15/12, thời hạn mà tòa án trọng tài thường trực ở The Hague, Hà Lan, đưa ra để Trung Quốc nộp bản phản biện lại các tài liệu của Philippines trong vụ kiện Manila đề xuất.
Trung Quốc công bố yêu sách đường 9 đoạn chiếm gần 80% Biển Đông, xâm phạm nhiều khu vực thuộc chủ quyền của các quốc gia ven biển ở khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Gần đây Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo và xây dựng ở quần đảo Trường Sa để biến các đá thành các đảo nhân tạo, nhằm củng cố yêu sách đường 9 đoạn.
Khánh Lynh
Theo VNE
Trung Quốc tức giận vì bị kiện ở Biển Đông
Trung Quốc hôm qua (7/12) đã nổi giận đùng đùng với Philippines về việc nước này đang bị gây sức ép chính trị mạnh mẽ với vụ kiện về tranh chấp Biển Đông ở tòa án quốc tế. Một lần nữa, Bắc Kinh lại kiên quyết từ chối tham gia vụ kiện này khi mà một tuần nữa là đến hạn cuối cùng nước này phải có câu trả lời cho vụ kiện mà Manila khơi mào.
Trong văn bản bày tỏ lập trường, Trung Quốc đã đưa ra những lập luận để chống lại thẩm quyền của tòa án quốc tế The Hague trong việc tiếp nhận vụ kiện của Philippines hồi năm ngoái. Đòn pháp lý này của Manila được cho sẽ gây ra những hậu quả và hệ lụy sâu rộng đối với những đòi hỏi chủ quyền tham lam, thái quá của Trung Quốc.
"Mục đích ưu tiên của vụ kiện không phải là tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông, mà thay vào đó là nhờ vào tòa án để gây áp lực chính trị lên Trung Quốc, để bác bỏ các quyền hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cái gọi là &'việc giải thích và áp dụng' Công ước", Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói như vậy.
Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bác bỏ chủ quyền hợp pháp của nhiều nước láng giềng xung quanh như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Bắc Kinh khăng khăng tuyên bố sẽ không tham gia vào các tiến trình pháp lý, nhấn mạnh rằng các cuộc tranh chấp giữa họ với những nước láng giềng xung quanh chỉ có thể giải quyết trên cơ sở song phương.
Tòa án quốc tế cho Trung Quốc thời hạn đến ngày 15/12 để có câu trả lời cho vụ kiện của Philippines. Sự tham gia của Trung Quốc không cần thiết bởi tòa án quốc tế không giải quyết các tranh chấp mà chỉ làm rõ giá trị pháp lý của "đường 9 đoạn" hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Bắc Kinh căn cứ vào đó để đòi độc chiếm Biển Đông. Ngoài ra, tòa án quốc tế cũng sẽ tiến hành phân loại các đặc điểm, đặc trưng của những khu vực như bãi cạn Scarborough theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - một công ước quốc tế mà Trung Quốc đã ký tham gia.
Trung Quốc đang đòi hỏi chủ quyền một cách thái quá trên Biển Đông dựa vào đường 9 đoạn phi lý.
Một phán quyết của tòa án quốc tế có lợi cho Philippines có thể làm phương hại đến những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết đó không có giá trị bắt buộc các bên phải thực hiện theo nhưng nó lại có giá trị về mặt chính trị và đạo đức. Một khi tòa án quốc tế đã đưa ra phán quyết rằng đường 9 đoạn của Trung Quốc không có căn cứ pháp lý thì rõ ràng Bắc Kinh sẽ buộc phải cân nhắc các hành động của họ, không thể tiếp tục hung hăng, quyết liệt như trong suốt thời gian vừa qua.
Manila bắt đầu ra đòn pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông sau khi hai nước xảy ra một cuộc tranh chấp nóng bỏng ở bãi cạn Scarborough. Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Bãi cạn này là nơi chứng kiến cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc được châm ngòi từ một vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm 2012.
Sau vụ va chạm trên, hai nước Philippines và Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Trong suốt thời gian hơn 2 năm qua, tàu Trung Quốc nhất quyết không chịu rút khỏi bãi cạn Scarborough bất chấp nước này có thỏa thuận với Philippines về việc rút toàn bộ tàu thuyền hai bên ra khỏi khu vực nhằm làm dịu căng thẳng. Thậm chí, tàu Trung Quốc còn án ngữ ngay lối ra vào và dựng lên rào chắn để ngăn không cho tàu thuyền Philippines vào bãi cạn tranh chấp này. Vì vậy, trên thực tế, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát khu vực bãi cạn Scarborough.
Trước diễn biến trên, Manila hồi tháng 1 năm ngoái đã quyết định đưa vụ tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án quốc tế với lý do họ đã "dùng mọi biện pháp hòa bình" có thể để giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh nhưng không có tác dụng.
Bắc Kinh luôn chủ trương giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông trong khuôn khổ song phương, với từng nước một để dễ bề gây sức ép với các nước nhỏ hơn. Hành động quốc tế hóa cuộc tranh chấp ở Biển Đông của phía Manila đương nhiên không được Trung Quốc chấp nhận.
Hôm 30/3, Manila đã nộp bản thuyết trình cho Tòa án đúng thời hạn để chính thức thách thức những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Hành động này của Philippines đã khiến Trung Quốc nổi giận đùng đùng bởi trước đó họ được cho là đã chìa ra "hai củ cà rốt' để nhằm thuyết phục Philippines ngừng vụ kiện. Cụ thể, Trung Quốc đã đưa ra đề nghị hai nước rút toàn bộ tàu thuyền ra khỏi bãi cạn Scarborough và đưa ra một số lợi ích kinh tế khác dành cho Philippines với điều kiện Manila không tiếp tục theo đuổi vụ kiện. Tuy nhiên, Manila đã thẳng thừng bác bỏ điều này.
Theo Vnmedia
Biển Đông: Cần thế 'chân vạc' Mỹ Ấn Nhật? Trên thực tế, việc hồi sinh quan hệ Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản có trước khi cựu Tổng thống G.Bush nhậm chức. LTS: Sự kiện biển Đông dậy sóng trong suốt thời gian qua đã gây nhiều quan ngại và căng thẳng trong quan hệ giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc. Sau đây là một số nhận định...