Mỹ – Indonesia nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện
Trong cuộc gặp mặt tại Nhà Trắng ngày 13/11 với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ca ngợi một “ kỷ nguyên mới” trong mối quan hệ song phương khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Indonesia Joko Widodo bắt tay tại Nhà Trắng, Washington ngày 12/11.2023, Ảnh: AP
Cùng uống trà chiều và gặp gỡ các cố vấn hàng đầu khi khởi động mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ông Biden và ông Widodo đã tiến hành thảo luận về nhiều vấn đề kinh tế lẫn chính trị. Một trong các chủ đề được đưa vào chương trình nghị sự là việc mở rộng buôn bán các khoảng sản quan trọng như nickel – một kim loại thiết yếu được sử dụng để sản xuất pin xe điện. Indonesia hiện đang là quốc gia sản xuất nickel lớn nhất thế giới.
Video đang HOT
Theo hãng tin AP trích dẫn Tổng thống Indonesia, ông mô tả Mỹ là một trong những đối tác quan trọng nhất của quốc gia này, đồng thời nhấn mạnh vào việc song phương cần mang lại “ý nghĩa thực sự” cho mối quan hệ. Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden ca ngợi sự khởi đầu này “đánh dấu một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Mỹ và Indonesia về mọi mặt”.
Tuyên bố chung được hai bên đưa ra sau cuộc gặp mặt giữa hai nguyên thủ cũng cho biết Mỹ và Indonesia đã “đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau cũng như tăng cường hợp tác trong 8 năm kể từ khi thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược”.
Trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới, Tổng thống Biden và Tổng thống Widodo tiếp tục thể hiện ý định mở rộng hơn nữa hợp tác trên tất cả các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm cả quản trị, tôn trọng nhân quyền, pháp quyền, chủ quyền, phát triển bền vững và toàn vẹn lãnh thổ cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua đổi mới, phát triển bền vững, y tế công và chuyển đổi số.
Ngoài việc thảo luận về tăng cường quan hệ hợp tác, hai nhà lãnh đạo cũng có những trao đổi liên quan tới giao tranh đang diễn ra giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas. Với tư cách nguyên thủ quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, ông Widodo kêu gọi Mỹ “làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình hình ở Gaza và đạt được lệnh ngừng bắn vì lợi ích nhân loại”.
Quan điểm của phía chính phủ Mỹ là phản đối các lệnh kêu gọi ngừng bắn. Tuy nhiên, quốc gia này cũng kêu gọi Israel kiềm chế trong các hoạt động quân sự của mình, đồng thời thúc giục việc tạm thời đình chiến để cho phép cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân đang mắc kẹt trong giao tranh cũng như cho việc thả con tin do Hamas bắt giữ.
Trước khi có cuộc gặp gỡ Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng, ông Widodo đã dừng chân tại Đại học Georgetown, nơi đang lên kế hoạch thực hiện một chương trình giáo dục mới ở Indonesia.
Phát biểu tại đây, ông nhận định mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ có thể mang lại lợi ích vì “Mỹ là một quốc gia lớn và ảnh hưởng của nước này đối với bất kỳ quốc gia nào khác cũng rất lớn”.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh vào thái độ trung lập của Indonesia trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh chưa hạ nhiệt. Ông cho biết: “Indonesia luôn sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào và không đứng về phía bất kỳ cường quốc nào, ngoại trừ đứng về phía hòa bình và nhân đạo”.
Giai đoạn mới mang tính lịch sử của hợp tác Indonesia - Mỹ
Tại cuộc gặp ngày 13/11 ở Nhà Trắng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã nhất trí nâng cấp Quan hệ đối tác chiến lược lên Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (CSP), đánh dấu một giai đoạn mới mang tính lịch sử của hợp tác song phương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại cuộc gặp ở Nhà Trắng ngày 13/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khuôn khổ CSP, Indonesia và Mỹ nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế vì sự thịnh vượng chung thông qua việc đầu tư vào các công nghệ quan trọng và mới nổi; các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; và phát triển bền vững.
Cụ thể, hai bên sẽ hợp tác đa dạng hóa hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu; tăng cường kết nối kỹ thuật số ở các vùng nông thôn Indonesia; đầu tư vào các doanh nghiệp mới nổi của Indonesia; triển khai quan hệ đối tác du lịch; và thúc đẩy đầu tư tư nhân từ Mỹ.
Trong lĩnh vực khí hậu, Indonesia và Mỹ công bố nhiều chương trình mới, bao gồm hợp tác về năng lượng và khoáng sản bền vững; hỗ trợ lưới điện năng lượng tái tạo quy mô nhỏ; thúc đẩy kế hoạch chuyển đổi năng lượng sạch; triển khai các dự án thu hồi và lưu trữ carbon; tăng cường kết nối điện và cải thiện chất lượng không khí ở Đông Nam Á; thăm dò các giải pháp thay thế năng lượng sạch cho tăng trưởng công nghiệp; mở rộng hợp tác về quản lý chất thải; đầu tư phát triển thủ đô mới Nusantara thông minh và bền vững.
Về an ninh, hai bên nhất trí mở rộng hợp tác an ninh mạng; tăng cường an ninh hàng hải; thúc đẩy hợp tác quốc phòng với việc ký kết Thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới; và đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố. Hai bên cũng công bố các chương trình mới nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân, tập trung vào việc giáo dục thế hệ trẻ; tái thiết Bảo tàng Quốc gia Indonesia; trao đổi chuyên gia giáo dục, văn hóa và y tế.
Ngoại giao nghị viện là mắt xích quan trọng trong hợp tác Việt Nam - Pháp Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu Nghị Pháp - Việt, nghị sĩ Anne Le Hénanff đánh giá trong 10 năm qua kể từ khi Việt Nam và CH Pháp nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, quan hệ giữa hai nước đã không ngừng phát triển. Nghị sĩ Anne Le Hénanff, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Pháp - Việt....