Mỹ hưởng lợi gì từ việc leo thang khủng hoảng Ukraine thành xung đột phương Tây-Nga?
Tình trạng căng thẳng ở miền Đông Ukraine đã bùng nổ trong tuần này khi xảy ra hàng trăm vụ vi phạm lệnh ngừng bắn Minsk.
Các nhà quan sát tin rằng Mỹ là bên hưởng lợi chính từ cuộc xung đột và họ cần kéo Nga vào cuộc.
Lực lượng vũ trang Nga và Belarus tham gia cuộc tập trận chung “Zapad-2021″ tại tỉnh Nizhny Novgorod, cách thủ đô Moskva (Nga) khoảng 350km về phía Đông. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Alexander Clackson, người sáng lập tổ chức cố vấn chiến lược Global Poli Insight, có trụ sở tại Anh, tin tưởng rằng mối ưu tiên của Mỹ và một số nước phương Tây khác là biến Nga trở thành kẻ xâm lược chính trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine ngay từ đầu.
Tình hình an ninh tại các khu vực đòi độc lập ở miền Đông Ukraine như Donetsk và Lugansk bắt đầu xấu đi nhanh chóng từ ngày 17/2, khi các lực lượng dân quân và phái bộ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại khu vực liên tục báo cáo báo về các vụ tấn công bằng pháo, súng cối, bắn tỉa và âm mưu đánh bom.
Sự leo thang ở vùng Donbass đã nổ ra vài tháng sau khi các quan chức và phương tiện truyền thông phương Tây liên tiếp tuyên bố rằng Nga đang chuẩn bị một “lực lượng 100.000 quân” hùng hậu để tiến hành một cuộc xâm lược vào Ukraine.
Chiến tranh là cái bẫy lợi nhuận
Ông Clackson giải thích việc lôi kéo Nga vào cuộc xung đột sẽ có lợi cho Mỹ vì điều này sẽ cho phép Washington áp đặt nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với Nga và cô lập đất nước này trong mắt cộng đồng quốc tế. Điều này cũng sẽ cho phép Washington giành được thị phần của Nga trong thị trường năng lượng châu Âu, cũng gia tăng nhu cầu mua vũ khí của Mỹ.
Nhà quan sát trên nói: “Theo tôi, có những lợi ích thương mại nếu Nga xâm lược Ukraine. Đó là lý do tại sao Mỹ tiếp tục hành động để kích động Nga thực hiện một bước đi như vậy”.
Video đang HOT
Người dân Kiev tham gia lớp tập huấn sử dụng súng trường ngày 13/2. Ảnh: AP
Đồng thời, ông Clackson lưu ý rằng khả năng Nga tấn công Ukraine là rất khó xảy ra và có thể là hoàn toàn không thể xảy ra. Chuyên gia tại Global Poli Insight lưu ý Moskva sẽ không thể đưa ra quyết định như vậy trước những thiệt hại to lớn về kinh tế và tổn hại danh tiếng mà nó có thể gây ra.
Đồng tình với đồng nghiệp của mình, nhà phân tích chính trị Alan Bailey tại Anh cho rằng chắc chắn Mỹ đang kích động các cuộc tấn công gần đây nhằm vào Donetsk và Lugansk vì Washington muốn Nga lao vào một cuộc xung đột vũ trang toàn diện với Ukraine
Chiến lược của Mỹ có thể gọi là “cà rốt trên cây gậy”: đe dọa sự an toàn của công dân vùng Donbass và buộc Nga phải vào cuộc. Một khi vũ khí của Nga vượt qua biên giới, lệnh trừng phạt lớn mà nhiều phương tiện truyền thông từng đề cập sẽ đi vào hoạt động. Và họ quay trở lại kế hoạch lớn nhất là cố gắng phá vỡ nền kinh tế Nga. Theo ông Bailey, đó là con đường duy nhất để đạt được mục tiêu của họ vì Nga không thể bị đánh bại về mặt quân sự.
Nhà quan sát Alan Bailey lưu ý rằng không phải tất cả mọi người ở phương Tây đều muốn chứng kiến chiến tranh nổ ra ở Ukraine, đặc biệt là một số cường quốc châu Âu như Pháp và Đức. Mặc dù họ là các quốc gia có chủ quyền tại khu vực, nhưng họ chỉ là “người chơi” nhỏ trong các sự kiện và có thể ít chịu tác động.
Do vậy, theo ông Bailey, Washington muốn một cuộc chiến mới để có thể lôi kéo Nga vào cuộc và nói với cả thế giới rằng “Chúng tôi đã nói đúng về cuộc xâm lược của Nga! Hãy mua vũ khí của chúng tôi, cho chúng tôi xây dựng căn cứ trên đất nước của bạn”. “Washington không chấp nhận sự cạnh tranh và buộc phải dập tắt nó trước. Và đây là những gì chúng ta đang chứng kiến”, nhà quan sát này khẳng định.
Chủ tịch tổ chức tư vấn Tầm nhìn & Xu hướng Toàn cầu có trụ sở tại Rome, ông Tiberio Graziani cho hay lợi ích của các quốc gia châu Âu không phải là mối quan tâm đặc biệt đối với Washington. Về mặt khách quan, các quốc gia châu Âu đang phụ thuộc Mỹ về quân sự (thông qua NATO) và chính trị, bất chấp sức mạnh riêng về kinh tế và công nghiệp của họ.
Một dân quân Donetsk trực chốt chiến đấu. Ảnh: Sputnik
Hy vọng cho hòa bình?
Nhà quan sát người Italy nhận định Mỹ và phương Tây đặc biệt không muốn nhượng bộ Nga, đặc biệt là về khả năng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine. Nhà quan sát lập luận rằng phương Tây không muốn bị coi là đồng ý với bất kỳ yêu cầu nào của Nga vì lý do này.
Đối với cuộc xung đột Donbass và hy vọng rằng tránh được những hành động chiến tranh toàn diện thông qua các Hiệp định Minsk, chuyên gia Graziani nhận xét Mỹ và các đồng minh chưa bao giờ tin tưởng vào thỏa thuận hòa bình trên.
Với chiến lược được cho là bắt chước từ “split et impera” (phân chia và cai trị) của người La Mã, Washington không muốn các bên đạt được thỏa thuận là để họ xây dựng các “vòng khủng hoảng” ở nhiều khu vực khác nhau trên hành tinh nhằm duy trì quyền bá chủ thế giới. Tuy nhiên, ông Graziani tin mục đích của Washington đang bị đe dọa bởi sự kiên cường của Liên bang Nga và sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ngoài ra, chuyên gia này cáo buộc phương Tây đã cố tình che đậy thảm họa nhân đạo ở Donbass bởi vì mục đích chính của họ – do Mỹ dẫn đầu – là tạo ra càng nhiều rắc rối cho Nga càng tốt, thông qua một loạt các hành động khiêu khích, kể cả phải trả giá bằng sinh mạng con người.
Bài toán chưa có lời giải
Sau vài năm bị chỉ trích từ nhiều phía, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã trở lại trung tâm của vũ đài địa chính trị châu Âu trong cuộc khủng hoảng liên quan tới Ukraine.
Bài toán về vị trí của Kiev trong mối quan hệ phức tạp giữa Moskva và phương Tây vẫn chưa có lời giải.
Biểu tượng của NATO cùng cờ của Liên minh châu Âu và Ukraine tại Kiev, Ukraine. Ảnh: Getty Images
Giữa tháng 2, đơn vị lính Mỹ đầu tiên đã tới Romania để tăng cường sức mạnh cho sườn phía Đông của NATO, theo cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ sung 3.000 quân đến châu Âu như động thái trấn an đồng minh giữa lúc căng thẳng Nga-Ukraine lên đến đỉnh điểm. Trước đó, Đức đã tuyên bố gửi thêm 300 quân đến Lítva để hỗ trợ cho lực lượng NATO ở Bắc Âu, còn Đan Mạch thì đặt các đơn vị quân đội nước này nằm trong diện có thể được NATO huy động vào tình trạng báo động. Cả Pháp, nước đang kêu gọi củng cố "tự chủ chiến lược" cho Liên minh châu Âu (EU), cũng đề cập đến khả năng triển khai hàng trăm lính đến Romania trong khuôn khổ chiến dịch của NATO.
Không khó để nhận ra rằng NATO đã phản ứng rất mạnh mẽ với cuộc khủng hoảng được cho là liên quan trực tiếp đến an ninh của các nước đồng minh phía Đông. Điều này xuất phát từ thực tế, đối với cả Nga và phương Tây, Ukraine có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong bàn cờ lớn thế giới. Từ lâu, trong thế chiến lược của lục địa Á-Âu, Ukraine luôn được quan tâm vì nước này là trung tâm tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ tại lục địa Á-Âu, cửa ngõ chiến lược án ngữ con đường hướng sang phía Tây của Nga và ra Địa Trung Hải. Năm 1997, chiến lược gia kỳ cựu Zbigniew Brzezinski (Mỹ) cho rằng Washington nên giành quyền kiểm soát Ukraine để ngăn chặn nước Nga khôi phục ảnh hưởng trong khu vực mà trong Chiến tranh Lạnh từng gắn bó với Liên Xô.
Vì những lý do đó, những động thái điều chuyển quân Nga tại khu vực gần biên giới Ukraine kéo dài trong nhiều tháng đã trở thành cái cớ để phương Tây lớn tiếng cảnh báo về nguy cơ một cuộc tấn công của Moskva nhằm vào Kiev. Bất chấp những tuyên bố bác bỏ của Moskva, những lời trấn an của chính Kiev và thái độ bình tĩnh của nhiều nước châu Âu, Washington đều đặn sử dụng tất cả các công cụ trong cỗ máy truyền thông để cảnh báo thế giới về một cuộc chiến tranh sắp nổ ra. Chiến dịch thổi lửa của Mỹ đã đẩy châu Âu-NATO vào tình thế hết sức hoang mang, một phần lớn do không nắm được hoàn toàn ý đồ của hai trong số rất ít nhân tố chính quyết định xu hướng của cuộc khủng hoảng: Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Quan ngại của các nước châu Âu càng lớn dần khi Nga và Mỹ lần lượt bác bỏ các để xuất an ninh của nhau.
Suốt vài tháng qua, NATO đã theo đuổi cách tiếp cận kép nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng. Một mặt, NATO duy trì thái độ hết sức cứng rắn đối với Nga. Đầu tiên, tổ chức này, với tư cách là một khối thống nhất, đã bác bỏ hoàn toàn yêu cầu của Nga liên quan đến Ukraine và chính sách mở rộng liên minh. Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại trụ sở ở Brussels giữa tháng 12/2021, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định "sẽ không thỏa hiệp về quyền của Ukraine được lựa chọn con đường đi của mình, chúng ta sẽ không thỏa hiệp về quyền của NATO bảo vệ tất cả các đồng minh và chúng ta cũng không thỏa hiệp về việc NATO duy trì quan hệ đối tác với Ukraine". Đến cuối tháng 1, tuyên bố này đã được cụ thể hóa bằng một lá thư ngoại giao chính thức.
Mặt khác, liên minh quân sự để ngỏ cánh cửa ngoại giao, các nước thành viên chủ chốt tích cực vào cuộc và kết hợp chặt chẽ với các thiết chế của phương Tây khác, đặc biệt là EU, với hy vọng thuyết phục Moskva bằng cả những đề nghị đối thoại lẫn đe dọa trừng phạt. Lần lượt hàng chục chuyến đi con thoi và cuộc điện thoại giữa Tổng thống Nga với lãnh đạo phương Tây đã dần dần làm cho tình hình tạm lắng dịu, nhất là sau khi Nga tuyên bố kết thúc các cuộc tập trận gần biên giới Ukraine và bắt đầu điều chuyển lực lượng về doanh trại.
Tuy vậy, các động thái hòa hoãn của Moskva dường như không nhận được phản ứng tương tự từ phía NATO. Tại hội nghị Bộ trưởng quốc phòng NATO ngày 17/2, các nước thành viên đã ra tuyên bố chung cảnh báo Nga "sẽ phải trả giá đắt" nếu tấn công Ukraine. Tuyên bố của NATO không đề cập đến những tín hiệu giảm căng thẳng của Moskva trong mấy ngày qua.
Việc phát sinh căng thẳng Nga-Ukraine không phải bất ngờ do tính chất nhạy cảm của quan hệ hai nước, hơn nữa căng thẳng leo thang từng bước suốt nhiều tháng nay. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là NATO có vẻ đã siết chặt hàng ngũ để đối phó với sự biểu dương sức mạnh của nước Nga. Ít ai có thể tưởng tượng chỉ cách đây một thời gian ngắn, một tổng thống Mỹ đã lớn tiếng chỉ trích liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh là "lỗi thời", Tổng thống Pháp coi đó là "chết não" còn Thổ Nhĩ Kỳ, gia nhập NATO từ năm 1952 - bỏ ra hàng tỷ USD để sắm tên lửa phòng không S-400 của Nga và mở chiến dịch quân sự tại Syria chống lại lực lượng dân quân người Kurd đồng minh của phương Tây, sau đó đe dọa hải quân Hy Lạp, một nước thành viên khác, tại Địa Trung Hải. Cuộc rút quân vội vã của Mỹ khỏi Afghanistan mà không tham vấn trước các đồng minh càng làm cho bức tranh thêm u ám. Giới nghiên cứu phương Tây đa số có chung nhận xét, cuộc khủng hoảng Ukraine đã trao cho NATO cơ hội níu kéo được lý do để tiếp tục tồn tại, nhân danh bảo vệ phương Tây trước sức mạnh của nước Nga.
Nếu nhìn vào phản ứng của NATO và Mỹ, cũng như những bước đi của Nga gần đây, rất dễ rút ra một kết luận là, Moskva đã không đạt được những mục tiêu như tuyên bố. Nhưng trên thực tế, Nga đã đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, mà điều đầu tiên là buộc NATO nói riêng và phương Tây nói chung chấp nhận đối thoại về cơ cấu an ninh châu Âu, theo chương trình nghị sự và thời gian biểu do Moskva áp đặt. Trong một thời gian dài, những quan ngại của Nga đối với sự mở rộng ảnh hưởng của NATO sang phía Đông, phương Tây tăng cường quân lực tại một số nước thành viên mới thông qua chương trình Hiện diện ở phía trước (EFP) bằng cách diễn giải tùy tiện Định ước cơ bản Nga-NATO về quan hệ, hợp tác và an ninh năm 1997, ... đã bị phớt lờ.
Quan hệ Nga-NATO sẽ còn sóng gió, ngay cả trong những ngày sắp tới khi cả Mỹ và NATO vẫn theo dõi tuyên bố rút quân của Nga với sự dè dặt. Câu hỏi đặt ra là, trong trường hợp căng thẳng giảm bớt, Ukraine sẽ có chỗ đứng như thế nào trong cuộc cờ lớn tại châu Âu? Rõ ràng, Nga sẽ không thể thỏa hiệp về việc Ukraine tiến dần lại với quỹ đạo phương Tây, dù triển vọng nước này trở thành một thành viên NATO còn rất xa vời và không thể nằm trong chương trình nghị sự của bất cứ nước châu Âu nào. Nhưng ngay cả đối với phương Tây, việc xác định cho Ukraine một thế đứng mới phù hợp với những toan tính chiến lược của họ đồng thời không chọc giận "người láng giềng lớn phía Đông" cũng không hề là một điều dễ dàng. "Cần phải tìm kiếm ngay lập tức một thuật ngữ cơ bản", Tổng thống Macron nói với các phóng viên tháp tùng ông trên chuyên cơ đến Kiev cách đây hơn một tuần. "Tôi nghĩ chúng ta phải phát minh ra một điều gì mới, ngay cả từ định nghĩa", ám chỉ mô hình Phần Lan hóa có thể không phù hợp. Thực tế, mô hình này, mặc dù có thể làm cho Nga hài lòng, đã bị nhiều nước phản đối, nhất là Ba Lan và chắc chắn cả Ukraine. Trước mắt, các nhà lãnh đạo phương Tây tạm bằng lòng với việc khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO "không nằm trong chương trình nghị sự" của khối.
Song song với đó, Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng NATO cũng công bố quyết định tiếp tục gia tăng hiện diện quân sự ở Đông Âu. Ngày 17/2, hàng trăm lính dù Mỹ đã được triển khai sang Ba Lan, cách biên giới Ukraine chỉ vài trăm km. Những đợt triển khai này có thể không phải là tạm thời. Bà Amelie Zima, chuyên gia về NATO của Đại học Paris-Pantheon- Assas nhận xét: "Nếu không có tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng rõ ràng từ phía Nga, các nước Đông Âu sẽ không chấp nhận để NATO rút quân". Sau hội nghị thượng đỉnh Vácsava 2016, tức là hai năm sau khi Nga sáp nhập Cremea, NATO đã quyết định triển khai 4 lữ đoàn cơ động đến các nước Baltic và Ba Lan trong khuôn khổ chương trình EFP. Đến nay, lực lượng này vẫn chưa rút đi. Sự hiện diện song song của quân đội Nga và NATO ở Đông Âu sẽ còn khiến mâu thuẫn song phương kéo dài, dễ bùng lên thành một cuộc khủng hoảng mới do những thỏa thuận hay hiệp ước liên quan đến cấu trúc an ninh châu Âu vẫn còn tương đối sơ sài và dễ dược diễn giải một cách tùy tiện.
Tiến Nhất (Phóng viên TTXVN tại Pháp)
Khủng hoảng Ukraine dưới góc nhìn từ Belarus Có vẻ như Điện Kremlin và Washington đang tiến hành một chiến dịch phối hợp, bất thành văn, để gây áp lực buộc Ukraine tuân thủ Thỏa thuận Minsk. Giáo sư, Tiến sĩ Grigory Ioffe, người Nga, sống ở Mỹ, chuyên nghiên cứu về Belarus bình luận trong chương trình Giám sát Á-Âu hàng ngày của Quỹ Jamestown hôm 16/2 cho rằng, căng...