Mỹ “gạ” Ấn Độ mua F-16 để tránh bị trừng phạt vì S-400
Mỹ khẳng định việc đặt hàng tiêm kích F-16 sẽ giúp Ấn Độ tránh bị cấm vận sau thương vụ mua tên lửa phòng không S-400 Nga.
Tiêm kích F-16 trong biên chế không quân Mỹ. Ảnh: USAF.
“Tổng thống Mỹ Donald Trump cần một thỏa thuận tốt để có thể miễn trừ các biện pháp trừng phạt Ấn Độ theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA). Washington đã đề xuất New Delhi đặt mua lượng lớn tiêm kích F-16 để phục vụ mục đích này hồi đầu tháng 10″, tờ Indian Express của Ấn Độ hôm qua dẫn nguồn tin ngoại giao giấu tên tiết lộ.
Ấn Độ từng nhiều lần từ chối mua tiêm kích F-16, do đây là mẫu chiến đấu cơ được không quân Pakistan vận hành từ hàng chục năm nay. Mỹ dự kiến chào bán biến thể F-16 Block 70 tối tân, có nhiều tính năng vượt trội hơn phiên bản Block 50/52 của Pakistan, cũng như chuyển giao dây chuyền sản xuất tiêm kích F-16 cho Ấn Độ. Tuy nhiên, các đề xuất của Washington vẫn chưa thuyết phục được New Delhi.
Video đang HOT
Ngoài lý do “mang tính chính trị”, Ấn Độ cũng khẳng định các tiêm kích Mỹ như F-16 và F-18 đều không tương thích với tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos do nước này và Nga hợp tác phát triển.
Hợp đồng bán tên lửa S-400 trị giá 5,4 tỷ USD được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ký hôm 5/10 tại hội nghị thượng đỉnh Nga – Ấn lần thứ 19 ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Hai lãnh đạo cũng thống nhất thỏa thuận bán 4 tàu chiến Đề án 11356 cho New Delhi với mức giá 2,2 tỷ USD.
Mỹ từng nhiều lần khẳng định việc Ấn Độ mua tên lửa S-400 có thể làm ảnh hưởng tới kế hoạch chuyển giao công nghệ quốc phòng của Washington cho New Delhi trong thời gian tới. Giới chức Ấn Độ khẳng định việc mua S-400 là đòi hỏi cấp bách về an ninh quốc gia, đồng thời đảm bảo các hệ thống này sẽ không gây nguy hiểm cho những vũ khí mà New Delhi đã hoặc sẽ mua của Washington.
Theo Vũ Anh (VnExpress)
Chuyên gia: Trừng phạt S-400, Mỹ đẩy Ấn Độ vào vòng tay Nga
Ấn Độ biết rõ việc ký mua các hệ thống S-400 sẽ phải đối mặt với phản ứng từ Mỹ. Tuy nhiên, nước này lên tiếng cho rằng mua vũ khí từ Nga là lợi ích của Ấn Độ và CAATSA là luật của Mỹ chứ không phải luật quốc tế.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumf được đặt tại khu vực Moscow (Nga). Ảnh: Sputnik.
Phản ứng trước việc Ấn Độ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, Tổng thống Donald Trump tuyên bố nước này sẽ có những biện pháp mạnh tay theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA).
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng, bất kỳ đòn trừng phạt nào của Washington nhằm vào New Delhi sẽ tác động không nhỏ tới quan hệ song phương giữa hai nước.
"Việc này sẽ đặt một dấu hỏi lớn trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ vốn đang không êm ả trong thời gian qua. Thực tế, nó sẽ là phản tác dụng và chỉ đưa Ấn Độ về gần phía Nga hơn bao giờ hết" - ông Amit Cowshish, cựu cố vận tài chính (về mảng mua khí tài quân sự) của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, nói với Sputnik.
Được biết, Ấn Độ biết rõ việc ký mua các hệ thống S-400 sẽ phải đối mặt với phản ứng từ Mỹ. Tuy nhiên, nước này lên tiếng cho rằng mua vũ khí từ Nga là lợi ích của Ấn Độ và CAATSA là luật của Mỹ chứ không phải luật quốc tế.
"Khi phía Nga hỏi tôi về các lệnh trừng phạt của Mỹ, tôi đã đáp lại rằng: 'Vâng, chúng tôi biết rõ là sẽ có thể bị trừng phạt. Thế nhưng, chúng tôi theo đuổi chính sách độc lập. Các ông có thể yên tâm. Dù chúng tôi có thể có liên kết tới Mỹ trong việc phát triển công nghệ, chúng tôi theo đuổi chính sách độc lập.'" - Tổng Tư lệnh Quân đội Ấn Độ Bipin Rawat tuyên bố.
"Ấn Độ sẽ phải sống với cấm vận. Nước này sẽ tìm các giải pháp thay thế để đáp ứng yêu cầu quốc phòng của mình. Trong vấn đề máy bay chiến đấu, Nga, Pháp và Thụy Điển sẽ giúp Ấn Độ như họ đã từng làm trong quá khứ" - ông Cowshish nhận định.
Theo Danviet
F-16: Di sản vĩ đại của quân đội Mỹ Với nhiều người Mỹ, F-16 Fighting Falcon là biểu tượng cho sức mạnh trên không của quân đội Mỹ. Biên chế lần đầu vào năm 1976, cho tới nay đã có 4.500 chiếc F-16 được sản xuất, đóng 1 vai trò lớn không chỉ trong không quân xứ cờ hoa mà còn nhiều quốc gia khác. F-16 đã được sử dụng tại những...