Mỹ chi hàng triệu USD cho cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam
Sau nhiều năm chờ đợi, hôm 18.6, chính phủ Mỹ đã chấp thuận trợ cấp tàn tật cho 2.100 lính dự bị Lực lượng Không quân và lực lượng hoạt động công vụ tiếp xúc với dư lượng chất độc da cam trên các máy bay được sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Các máy bay Mỹ đã phun hàng triệu gallon chất diệt cỏ độc hại xuống các vùng đất của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.
Luật liên bang mới do Văn phòng Quản lý Tài chính của Nhà Trắng phê chuẩn, chính thức có hiệu lực từ hôm nay (19.6).
Chi phí dự kiến trong 10 năm là 47,5 triệu USD.
Luật mới của liên bang bao gồm một nhóm mở rộng các nhân viên quân sự từng bay hoặc làm việc trên máy bay Fairchild C-123 ở Mỹ, trong thời gian từ năm 1969 đến 1986 và được cho là từng tiếp xúc với chất độc da cam.
Các máy bay này đã được sử dụng để rải hàng triệu gallon chất diệt cỏ độc hại xuống các vùng đất của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.
“Đây là một tin tuyệt vời”, Ed Kienle, 73 tuổi, đến từ Wilmington, Ohio nói. Kienle cũng từng làm công việc của một thợ cơ khí trên một máy bay C-123 từ năm 1972 đến năm 1980.
Kienle cho hay, ông bị bệnh ung thư da, gặp các vấn đề về đường hô hấp và có dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Ông đã sắp xếp các thủ tục giấy tờ để được bồi thường mà trước đó bị (Bộ Cựu chiến binh Mỹ – VA) từ chối. Kienle là một trong những lính dự bị trong “Buckeye Wing” đóng quân ở Ohio.
“Tôi sẽ gọi điện thoại cho tất cả bạn bè ăn mừng tối nay”, Kienle nói.
Đây là lần đầu tiên VA thiết lập một điều luật đặc biệt về chất độc da cam dành cho các lực lượng không chiến đấu trên bộ hoặc không phục vụ trên tuyến đường thủy nội địa trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Video đang HOT
Tuy nhiên, viện dẫn bằng chứng khoa học yếu kém, VA cho biết điều luật mới này sẽ không bao gồm khoảng 200.000 cựu chiến binh “Blue Water” – những người nói rằng họ tiếp xúc với dư lượng chất độc da cam trong khi phục vụ trên tàu hải quân nước sâu ngoài khơi bờ biển của Việt Nam.
Nghiên cứu của một Viện Y học công bố trong tháng 1 năm nay kết luận, một số lính dự bị trên các máy bay C-123 đóng quân ở Ohio, Pennsylvania và Massachusetts đã tiếp xúc với dư lượng chất độc da cam trên các máy bay và phải chịu các nguy cơ cao đối với sức khỏe.
Khi đánh giá các hồ sơ quân sự, VA cho biết họ đã xác định các phi công, thợ cơ khí và các nhân viên y tế phục vụ tại 7 địa điểm khác nhau ở Mỹ và ở nước ngoài cũng có khả năng bị ảnh hưởng, bao gồm các bang Florida, Virginia, Arizona, cũng như Đài Loan, Panama, Hàn Quốc và Philippines.
Những cá nhân chịu ảnh hưởng theo luật lệ mới hiện nay sẽ có đủ điều kiện để nhận trợ giúp cho người khuyết tật, trong đó có những lợi ích cho người sống sót và chăm sóc y tế.
Các cựu chiến binh này phải chứng minh được họ làm việc trên các máy bay bị nhiễm chất độc da cam và sau đó mắc 1 trong 14 loại bệnh như: Ung thư tuyến tiền liệt, bệnh tiểu đường và bệnh bạch cầu, được VA xác định có liên quan đến chất độc da cam.
Các cựu chiến binh đủ điều kiện trên có thể bắt đầu nộp đơn xin trợ cấp ngay lập tức, bắt đầu từ hôm nay (19.6).
Theo Thảo Nguyên/AP
Lao Động
Báo Singapore viết về nỗi đau da cam 40 năm sau chiến tranh
Dù 40 năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hàng triệu nạn nhân vẫn đang phải vật lộn với những di chứng do chất độc da cam, loại hóa chất được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh, gây ra.
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt được gần bốn thập niên song kể từ đó tới nay, vẫn còn khoảng 3 triệu nạn nhân của chất độc da cam đang phải gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh, tờ News Channel Asia của Singapore viết.
Một nạn nhân chất độc da cam (Ảnh: AFP)
Trong số đó này, có Đạt, cậu bé mới chỉ 14 tuổi. Với bố mẹ của em, các bữa ăn hàng ngày là những lần thử thách sự ý chí và sự kiên trì. Di chứng của chất độc da cam khiến cậu bé gặp vấn đề về phát triển.
Mẹ của Đạt, bà Hiển cho biết: "Con tôi không giống những đứa trẻ khác, có thể tự đi lại và đến trường. Tay chân nó bị xoắn lại khi mới lên ba. Bác sĩ bảo chúng tôi rằng nó bị bại não".
Trong khi đó, cha của Đạt, ông Khoa cũng bị những ảnh hưởng tương tự như người con trai vì cha của ông đã nhiễm chất độc da cam trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Tuy vậy, trong gia đình của ông Khoa, 4 anh chị em khác của ông đều khỏe mạnh và con cái họ cũng vậy. "Cả nhà chỉ có mình tôi", ông Khoa buồn bã nói.
Chất độc da cam
Trong giai đoạn từ năm 1961 đến 1972, quân đội Mỹ đã rải xuống các khu vực ở miền Trung của Việt Nam một lượng lớn chất diệt cỏ hay còn gọi là chất độc da cam, với mục đích làm rụng lá cây rừng để quân du kích Việt Nam không còn nơi trốn tránh.
Biển cảnh báo khu vực nhiễm dioxin tại Đà Nẵng (Ảnh: AFP)
Chất độc da cam có chứa dioxin, một loại chất độc hại có thể gây ung thư, dị dạng và rối loại chức năng cho những người bị nhiễm và các thế hệ sau của họ.
Đạt hiện nhận được khoản tiền trợ cấp hàng tháng cho người khuyết tật 40 USD, khoảng 800.000 VND, nhưng đây là số tiền không đủ để gia đình em chi trả các loại viện phí và thuốc men chữa bệnh. Dẫu vậy, đây vẫn là khoản thu nhập ổn định duy nhất của gia đình và khi thiếu thốn, họ lại phải trông đợi từ sự hỗ trợ của người thân trong gia đình và những lần quyên góp.
Hiện mẹ của Đạt ở nhà để dành toàn bộ thời gian chăm sóc con, trong khi cha của em đang thất nghiệp. Cách đây 7 năm, ông Khoa đã phải nghỉ làm vì các cơn đau ở khớp trở nên nghiêm trọng.
Không bồi thường
Huyện Ứng Hòa thuộc ngoại thành Hà Nội là một trong những địa điểm bị quân đội Mỹ rải chất độc da cam. Theo nguồn thông tin nơi sở tại, khoảng 3.000 nạn nhân chất độc da cam đang sống tại huyện này, trong khi vẫn chưa có số thông kê chính xác về nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3.
Theo Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA), chỉ có 10% trong tổng số khoảng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam được hưởng trợ cấp của chính phủ. Nguyên nhân có nhiều như tình trạng quan liêu, cơ sở hạ tầng y tế kém chất lượng và ngân sách hạn chế.
"Chúng tôi vẫn còn nghèo. Chính phủ không thể hỗ trợ được cho toàn bộ các nạn nhân", bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch VAVA cho biết.
Kinh tế Việt Nam phát triển hiện được coi là cơ hội duy nhất giúp các nạn nhân của chất độc da cam được hưởng trợ cấp đầy đủ.
Tổng thư ký của VAVA, ông Nguyễn Thế Lực cho rằng: "Hỗ trợ tài chính cho các nạn nhân chất độc da cam phụ thuộc nhiều vào tình hình phát triển kinh tế của đất nước. Khi đất nước phát triển, chúng tôi có thể tăng khoản hỗ trợ lên".
Hiện chính phủ Mỹ đã đầu tư 40 triệu USD cho một dự án tẩy độc tại Đà Nẵng, và đề nghị hỗ trợ kinh phí cho nạn nhân chất độc da cam nói chung ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tới lúc này, các nạn nhân của chất độc da cam vẫn chưa nhận được bất cứ khoản đền bù nào từ các công ty hóa học sản xuất ra loại chất độc hại này. Các công ty như Monsanto hay Dow Chemical vẫn luôn bác bỏ vai trò trong việc gây ra những trường hợp thương tâm vì chất độc da cam tại Việt Nam.
Ngọc Anh
Theo Dantri/AFP
Sự thật tàn nhẫn và những bức ảnh báo chí gây tranh cãi Đó là những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc, những sự thật khủng khiếp của nhân loại. Chính sự thật khủng khiếp đến mức không thể chấp nhận- đã khiến nhân loại tranh cãi suốt bao nhiêu năm... Dưới đây là những bức ảnh gây tranh cãi nhất trong lịch sử báo chí hiện đại. Những bức ảnh đã khiến độc giả...