Mỹ cảnh báo thương chiến nếu Canada áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số
Canada có kế hoạch áp thuế dịch vụ kỹ thuật số vào đầu năm 2024, một động thái đã vấp phải sự chỉ trích từ các quan chức Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia Bắc Mỹ này.
Bước đi khẩn trương của Canada
Những thành viên cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng thuyết phục Canada từ bỏ kế hoạch đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số. Các nhà lãnh đạo trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và Canada nói rằng động thái của Ottawa sẽ gây tổn hại cho thương mại và khiến tương lai của “Thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ” bị nghi ngờ.
Bộ trưởng Tài chính Canada, Chrystia Freeland cho biết nước này không thể ủng hộ việc trì hoãn áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số. Ảnh: Toronto Sun
Mức thuế 3% của Canada đối với doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cho người dùng Canada hoặc bán dữ liệu người dùng Canada sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1 năm 2024 và sẽ có hiệu lực hồi tố đối với doanh thu kể từ năm 2022. Bộ trưởng Tài chính Canada, Chrystia Freeland, cho biết vào tháng trước rằng thuế quan trọng đối với lợi ích quốc gia của nước này.
Hiện tại, các công ty công nghệ có thể hoạt động trên toàn thế giới trong khi vẫn tập trung lợi nhuận ở nước họ hoặc ở các khu vực pháp lý nhỏ, mức thuế thấp; nhờ đó họ chỉ phải trả khoản thuế tương đối ít ở các quốc gia có nhiều người dùng.
Một thỏa thuận thuế toàn cầu đã được nhất trí vào mùa thu năm 2021, sau khi gần như toàn bộ 140 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đạt được sự nhất trí về “Giải pháp hai trụ cột để giải quyết các thách thức về thuế phát sinh từ số hóa nền kinh tế”.
Thỏa thuận này đề ra những thay đổi về cách thức, địa điểm và mức độ đánh thuế các công ty đa quốc gia trên khắp thế giới, nhưng hiện vẫn chưa được thực thi. Mục tiêu là nhằm phân bổ lại việc đánh thuế khoảng 200 tỷ USD lợi nhuận doanh nghiệp trên toàn cầu, một động thái được thực hiện để hệ thống thuế thích ứng với những cách thức kinh doanh quốc tế mới đang nở rộ nhờ các tiến bộ trong công nghệ thông tin.
Canada đã ký thỏa thuận toàn cầu kể trên với một cảnh báo: Nếu thỏa thuận không được thực thi trước đầu năm 2024, Canada sẽ áp thuế dịch vụ kỹ thuật số của riêng mình. Canada lần đầu tiên đưa ra kế hoạch đánh thuế các công ty công nghệ vào mùa thu năm 2020, với mức thuế dự kiến áp dụng kể từ tháng 1 năm 2022.
Một số quốc gia đã đe dọa áp dụng thuế đặc biệt đối với các công ty công nghệ nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ. Ảnh: Getty Images
Tại Paris vào tháng trước, 138 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đồng ý trì hoãn một năm trong việc thực thi giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận thuế, đến đầu năm 2025. Canada không đồng ý với sự chậm trễ này và cho biết họ sẽ tiếp tục các kế hoạch triển khai các kế hoạch thuế kỹ thuật số của riêng mình. Vào thứ Sáu tuần trước, quốc gia Bắc Mỹ này đã ban hành hướng dẫn về cách áp dụng thuế kỹ thuật số được đề xuất.
Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland cho biết quyết định trước đó của Ottawa về việc trì hoãn thuế kỹ thuật số trong hai năm, mặc dù các quốc gia châu Âu khác vẫn giữ nguyên các loại thuế kỹ thuật số hiện có, “là một sự nhượng bộ đáng kể của Canada” và rằng nước này không thể ủng hộ việc tạm dừng kéo dài đối với thuế kỹ thuật số.
Video đang HOT
Cần nói thêm, các vấn đề về thuế kỹ thuật số được đề cập trong thỏa thuận năm 2021 tách biệt với một thỏa thuận toàn cầu khác, cũng do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đứng đầu, nhằm áp đặt mức thuế tối thiểu 15% đối với các công ty lớn ở mỗi quốc gia nơi họ hoạt động, mặc dù các thỏa thuận này có liên quan đến chính trị. Nhưng cả hai thỏa thuận đều cần thời gian để hoàn tất những bước cuối cùng trước khi đi vào thực tiễn. Trong khi đó, Canada thì không muốn chờ nữa.
Người Mỹ không vui
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã thúc giục Ottawa dừng kế hoạch áp thuế kỹ thuật số và Đại sứ Mỹ tại Canada, David Cohen, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên tờ National Post vào tháng trước rằng “nếu Canada quyết định tiến hành một mình, các bạn sẽ đẩy Hoa Kỳ vào hoàn cảnh không có lựa chọn khác ngoài việc thực hiện các biện pháp trả đũa thương mại, có khả năng là trong bối cảnh thương mại kỹ thuật số, để đáp trả điều đó”.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai thúc giục Ottawa dừng kế hoạch áp thuế kỹ thuật số. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Canada, bà Chrystia Freeland nói rằng các quan chức của quốc gia Bắc Mỹ này vẫn đang đàm phán với những người đồng cấp trong Nhóm G7 của họ về một thỏa hiệp, theo đó các lợi ích của Canada “có thể được bảo vệ và công nhận”.
Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Anh và Ý, đã áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số trước khi các cuộc đàm phán do OECD dẫn đầu đi đến việc đảm bảo một thỏa thuận thuế toàn cầu. Thỏa thuận bao gồm việc tạm dừng các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số mới cho đến khi hiệp định có hiệu lực. Các loại thuế kỹ thuật số hiện có, chẳng hạn như ở châu Âu, vẫn đang được áp dụng nhưng sẽ bị thu hồi sau khi hiệp định có hiệu lực. Các quan chức Canada nói rằng thật không công bằng khi một số khu vực tài phán của châu Âu có thể thu thuế từ công ty mẹ của Facbook là Meta và công ty mẹ của Google là Alphabet nhưng Canada thì không.
Đại diện thương mại Mỹ coi thuế dịch vụ kỹ thuật số, như loại thuế được đề xuất ở Canada, là phân biệt đối xử và là gánh nặng đối với thương mại của Mỹ vì lĩnh vực này do các công ty Mỹ thống trị. Năm 2020, một kế hoạch áp thuế tương tự từ Pháp đã khiến chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2020 chuẩn bị áp thuế 25% đối với hàng xa xỉ của quốc gia châu Âu này. Mối đe dọa đã được phía Mỹ rút lại sau khi Pháp tham gia thỏa hiệp định thuế toàn cầu.
Cơ hội để các thỏa thuận thuế toàn cầu được chính thức áp dụng trên toàn thế giới vẫn còn rất mong manh. Tại Mỹ, các thành viên Quốc hội đang chia rẽ về vấn đề này, khi các đảng viên cấp cao của đảng Cộng hòa tại Hạ viện cảnh báo chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng hiệp định OECD có thể vi phạm các hiệp ước thuế của Mỹ bằng cách mở rộng thẩm quyền đánh thuế của các quốc gia khác.
Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng đang phản ứng tiêu cực trước việc Canada buộc các công ty công nghệ trả tiền cho tin tức. Ảnh: TAG24
Michael Plowgian, một quan chức thuế cấp cao tại Bộ Tài chính Mỹ, nói với Quốc hội rằng các quan chức chính quyền, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, đang nói chuyện với các đối tác Canada “để ngăn cản họ thực hiện một loại thuế dịch vụ kỹ thuật số mang tính phân biệt đối xử”.
“Canada đã bị cô lập về vấn đề này” trong các cuộc đàm phán thuế gần đây của OECD tại Paris, ông Plowgian cho biết trong buổi điều trần vào tháng 7 trước Ủy ban Cách thức và Phương tiện Hạ viện Mỹ. “Đối với vấn đề từ Canada, chúng tôi đang xem xét tất cả các lựa chọn và chúng tôi muốn hợp tác với Quốc hội để giải quyết vấn đề đó”.
Phản ứng từ nhiều phía
Đại diện của hai tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, Google và Meta đã đề cập đến những nhận xét trước đây từ các giám đốc điều hành của họ, trong đó họ bày tỏ sự ủng hộ đối với một thỏa thuận đa phương về xử lý thuế đối với các công ty công nghệ. Canada và hai công ty công nghệ hàng đầu này hiện đang tranh chấp về kế hoạch của Ottawa buộc họ phải bồi thường cho các tổ chức tin tức vì đã chia sẻ và sử dụng những nội dung tin tức trên các nền tảng của họ.
Goldy Hyder, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Canada, lo ngại những hệ lụy từ việc áp thuế dịch vụ kỹ thuật số. Ảnh: IM
Meta tuần này cho biết họ đã bắt đầu chặn quyền truy cập vào các liên kết tin tức đối với người dùng Canada trên Facebook và Instagram để đáp lại các biện pháp của Canada, vốn được biết đến cái tên Đạo luật Tin tức trực tuyến và đã được Thượng viện nước này thông qua hồi tháng 6.
Trở lại với kế hoạch áp thuế dịch vụ kỹ thuật số của Canada, hiện những người thúc đẩy Washington gây áp lực kinh tế đối với Ottawa là Phòng Thương mại Mỹ (USCC), nhóm vận động hành lang kinh doanh lớn nhất của đất nước. “Canada đã nói rằng họ muốn duy trì quy trình của OECD, nhưng những hành động gần đây của họ không chứng minh điều đó”, Neil Herrington, Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Mỹ của USCC cho biết. Ông Herrington tin rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số của Canada có nguy cơ làm suy yếu các cuộc đàm phán của OECD bằng cách thúc đẩy các quốc gia khác áp đặt các khoản thuế tương tự trước một thỏa thuận toàn cầu.
Ngay tại Canada, cũng có những tiếng nói lo ngại đang được phát đi. Ông Goldy Hyder, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Canada, cho biết Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland cần xem xét lại kế hoạch, đồng thời cảnh báo rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số có thể làm phức tạp nỗ lực thuyết phục Quốc hội Canada gia hạn “Hiệp ước thương mại Mỹ – Mexico – Canada” khi nó được các nhà lập pháp xem xét vào năm 2026.
Hyder, người dẫn đầu nhóm đại diện cho các giám đốc điều hành của những công ty lớn nhất Canada, nhấn mạnh rằng việc nước này áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số trong khi các quốc gia khác đồng ý trì hoãn thuế công nghệ toàn cầu có thể đem lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. “Đây không đơn thuần là vấn đề thuế, mà còn là về thương mại”, ông Hyder nhấn mạnh. “Chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng các khía cạnh của kế hoạch”.
Thoả thuận khoa học đột phá hơn 40 năm giữa Mỹ và Trung Quốc đứng trước nguy cơ đổ vỡ
Trong hơn 40 năm, một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa Mỹ và Trung Quốc đã mang lại hợp tác trên nhiều lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, trở thành một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy các đối thủ có thể gác lại tranh chấp và hợp tác cùng nhau.
Thoả thuận hợp tác khoa học giữa Trung Quốc và Mỹ đã tồn tại hơn 40 năm. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, hiện tại, với mối quan hệ giữa hai bên đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, nội bộ chính phủ Mỹ đang sôi nổi tranh luận về việc có nên tiếp tục gia hạn Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Mỹ-Trung Quốc (STA) dự kiến hết hạn vào cuối năm nay hay không.
Trong bối cảnh Ngoại trưởng Antony Blinken đang ở Bắc Kinh với chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc của một ngoại trưởng Mỹ sau 5 năm và không có mấy kỳ vọng về bất kỳ bước đột phá song phương nào, cuộc tranh luận về hiệp định hợp tác song phương lâu đời nhất giữa Mỹ và Trung Quốc phản ánh một câu hỏi lớn hơn đang chia rẽ các nhà hoạch định chính sách: liệu lợi ích khi hợp tác với Trung Quốc có lớn hơn những rủi ro từ một đối thủ cạnh tranh?
Thỏa thuận STA được ký kết vào năm 1979 khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm năm một lần, thoả thuận này được gia hạn. STA đã được ca ngợi là một biểu tượng cho sự ổn định trong mối quan hệ của hai quốc gia, với sự hợp tác trong các lĩnh vực từ khoa học khí quyển và nông nghiệp đến nghiên cứu cơ bản về vật lý và hóa học. STA còn đặt nền móng cho sự bùng nổ về trao đổi học thuật và thương mại giữa hai bên.
Sự hợp tác đó đã giúp Trung Quốc phát triển thành một cường quốc công nghệ và quân sự, nhưng những lo ngại về việc Bắc Kinh đánh cắp các thành tựu khoa học và thương mại cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu thỏa thuận, dự kiến hết hạn vào ngày 27/8 tới, có nên tiếp tục hay không.
Những người ủng hộ gia hạn STA lập luận việc chấm dứt thoả thuận sẽ kìm hãm sự hợp tác học thuật và thương mại.
Mặc dù quan điểm chủ đạo của Mỹ dường như vẫn là ủng hộ gia hạn, nhưng ngày càng có nhiều quan chức và nhà lập pháp tin rằng hợp tác về khoa học và công nghệ sẽ ít có ảnh hưởng và ý nghĩa hơn do tính cạnh tranh giữa hai quốc gia.
"Việc gia hạn Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chỉ gây nguy hiểm hơn nữa cho nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của chúng tôi. Chính quyền phải chấm dứt thỏa thuận lỗi thời này", Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban đặctrách về Trung Quốc, cho biết.
Theo 3 quan chức biết rõ về vấn đề này, bên trong chính phủ Mỹ, bao gồm cả Bộ Ngoại giao, cơ quan dẫn đầu trong các cuộc đàm phán, vẫn tồn tại những quan điểm trái ngược nhau về việc có nên gia hạn thoả thuận hay không, để hết hạn hay đàm phán lại nhằm bổ sung các biện pháp bảo vệ chống gián điệp công nghiệp và yêu cầu có đi có lại trong trao đổi dữ liệu. Xét mối quan hệ Mỹ-Trung hiện nay, tìm cách đàm phán lại có thể gây nguy cơ làm đổ vỡ hỏa thuận.
Từ lâu, các doanh nghiệp Mỹ luôn phàn nàn về các chính sách của chính phủ Trung Quốc yêu cầu chuyển giao công nghệ.Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng tăng cường tập trung vào cạnh tranh công nghệ.
Những người ủng hộ gia hạn thỏa thuận cho rằng nếu không có STA, Mỹ sẽ đánh mất cơ hội hiểu sâu những tiến bộ kỹ thuật của Trung Quốc.
Denis Simon, giáo sư tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, người nghiên cứu chiến lược công nghệ ở Trung Quốc, cho biết: "Dù là bạn hay là thù, Mỹ cần tiếp cận với Trung Quốc để hiểu những gì đang xảy ra trên thực tế".
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ và Hội đồng An ninh Quốc gia từ chối bình luận về việc các cuộc thảo luận nội bộ đang diễn ra.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết một năm trước, các quan chức Trung Quốc đã đề cập đến thỏa thuận thiết lập cơ sở cho 40 năm hợp tác hiệu quả.
"Theo những gì chúng tôi biết, phía Mỹ vẫn đang tiến hành đánh giá nội bộ về việc gia hạn thỏa thuận", phát ngôn viên đại sứ quán Liu Pengyu cho biết, đồng thời cho biết thêm cả hai bên có thể xem xét điều chỉnh thỏa thuận ban đầu.
"Hy vọng rằng Mỹ sẽ đẩy nhanh việc xem xét nội bộ trước khi hết hạn thỏa thuận", ông Liu nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Blinken thăm Trung Quốc: Rộng đường trao đổi cấp cao Dù quan hệ Mỹ - Trung có thể khó đạt được đột phá sau chuyến thăm của ông Blinken nhưng nó sẽ mở ra cơ hội cho nhiều cuộc gặp cấp cao trong tương lai. Chiều 18-6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Tần Cương, chính thức bắt đầu chuyến thăm TQ kéo dài...