Mỹ cảnh báo Ai Cập về việc mua máy bay chiến đấu Nga
Việc kí thỏa thuận mua các máy bay chiến đấu Nga có thể sẽ khiến Ai Cập phải chịu những lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.
Chiến đấu cơ Su-35 của Nga.
Điều này đã được trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Clark Cooper cho biết tại Triển lãm Vũ trụ Quốc tế Dubai Airshow 2019, trang Sputnik International cho biết.
Theo đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ, việc mua các máy bay chiến đấu Nga có thể sẽ làm giảm khả năng mua thêm các thiết bị quân sự từ Mỹ của Ai Cập. Thêm vào đó, Washington đã thông báo cho Cairo về những rủi ro khi ký kết thỏa thuận với Nga.
Trước đó, Tạp chí Phố Wall đưa tin, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ trong một lá thư chung đã cảnh báo chính quyền Ai Cập về các biện pháp hạn chế mà Cairo sẽ phải đối mặt trong trường hợp mua lại các máy bay chiến đấu Su-35 của Nga. Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper đã kêu gọi Ai Cập hủy bỏ thỏa thuận mua máy bay chiến đấu với Nga.
Bình luận về thông tin này, Thượng nghị sĩ Nga Alexei Kondratyev cho rằng Washington vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế về việc mua bán vũ khí. Theo ông, trong một thị trường nhiều cạnh tranh, Mỹ đang cố tạo ra áp lực từ các lệnh trừng phạt.
Thông tin về việc Nga ký kết thỏa thuận cung cấp các máy bay chiến đấu Su-35 cho Ai Cập xuất hiện vào tháng 4 trên báo Kommersant, tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được xác nhận chính thức.
Video đang HOT
Theo một số nguồn tin, thỏa thuận này bao gồm việc cung cấp hơn 20 máy bay và vũ khí phòng không với giá trị khoảng 2 tỷ USD. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2018 và việc giao hàng có thể bắt đầu từ đầu năm 2020-2021.
Phương Võ
Theo giaoducthoidai.vn/Ria.ru
Lý do Ai Cập quyết mua Su-35S Nga
Ai Cập muốn hiện đại hóa không quân nhưng bị Mỹ từ chối bán F-35, buộc nước này chọn tiêm kích Su-35S của Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper hôm 13/11 gửi thư tới Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Mohamed Ahmed Zaki để hối thúc nước này hủy hợp đồng mua tiêm kích Su-35S Nga nếu không muốn bị trừng phạt, tờ Wall Street Journal của Mỹ tiết lộ.
"Ai Cập có nguy cơ bị trừng phạt theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua Lệnh cấm vận (CAATSA) nếu nhận bàn giao vũ khí hiện đại từ Nga. Điều đó ít nhất sẽ gây khó khăn cho giao dịch quân sự và hỗ trợ an ninh của Mỹ với Ai Cập", bức thư có đoạn.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi (trái) gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.
Chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Ai Cập định từ bỏ hợp đồng với Nga, dù chính quyền Mỹ từng đưa ra cảnh báo tương tự hồi cuối tháng 4. Giới chuyên gia cho rằng nước này sẽ không sẵn lòng thực hiện yêu cầu của Mỹ trong bối cảnh cần ưu tiên hiện đại hóa không quân để theo kịp các nước láng giềng.
Cairo từng nhiều lần kêu gọi Washington thực thi cam kết được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong cuộc gặp người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi hồi năm 2018, trong đó ông chủ Nhà Trắng hứa sẽ bán cho Cairo 20 siêu tiêm kích F-35.
"Cam kết này được nhắc đến trong mọi cuộc gặp giữa quan chức Ai Cập và Mỹ kể từ đó, nhưng nó liên tục bị bác bỏ ở các cấp độ làm việc", quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ. Đây được coi là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Ai Cập tìm đến Nga.
Lầu Năm Góc đang thực thi chính sách không bán tiêm kích tàng hình F-35 cho bất kỳ quốc gia nào tại Trung Đông ngoài Israel, đồng minh chủ chốt của Mỹ. Ngay cả khách hàng lớn của Mỹ như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng không được mua dòng F-35, dù từng tỏ ý quan tâm tới mẫu chiến đấu cơ này. Lệnh cấm dự kiến có hiệu lực trong nhiều năm tới, khiến cam kết của Trump với Al Sisi khó trở thành hiện thực.
Ai Cập sở hữu một trong những lực lượng vũ trang lớn nhất tại Trung Đông với chi tiêu quân sự khoảng 3,1 tỷ USD trong năm 2018. Tuy nhiên, nhiều quan chức nhận định nước này không đủ khả năng mua siêu tiêm kích Mỹ vì chi phí quá đắt đỏ, khi mỗi chiếc F-35A có giá xuất xưởng khoảng 83 triệu USD, chưa kể tới trang bị vũ khí và cơ sở hạ tầng phục vụ.
Ai Cập ký thỏa thuận trị giá 2 tỷ mua hơn 20 tiêm kích Su-35S với Nga hồi giữa tháng 3, tương đương số tiền Trung Quốc bỏ ra để sở hữu 24 chiến đấu cơ Su-35S kèm theo đầy đủ trang bị vũ khí.
Tiêm kích Su-35S trong biên chế không quân Nga. Ảnh: Russian Planes.
Hợp đồng này nằm trong kế hoạch hiện đại hóa không quân Ai Cập, giúp lực lượng này lần đầu sở hữu tiêm kích chiếm ưu thế trên không, hoàn thành mục tiêu được Cairo đặt ra từ giữa thập niên 1970 khi đề nghị Mỹ bán chiến đấu cơ F-15. Sự thiếu hụt tiêm kích hạng nặng khiến không quân Ai Cập luôn ở thế yếu so với các láng giềng như Israel và Algeria.
Mỹ từng bán hơn 200 tiêm kích F-16 cho Ai Cập, nhưng lại từ chối chuyển giao tên lửa đối không hiện đại như AIM-120 AMRAAM và AIM-9X Sidewinder. Phi đội F-16 Ai Cập chỉ được trang bị tên lửa tầm trung AIM-7 Sparrow và phiên bản AIM-9 lạc hậu, bị giới hạn đáng kể năng lực tác chiến và không thể đối phó với tiêm kích hiện đại trong biên chế Algeria, Arab Saudi và Israel.
Sự xuất hiện của hơn 20 chiếc Su-35S sẽ làm nên cuộc cách mạng trong năng lực không chiến của Ai Cập, cho phép nước này sở hữu một trong những tiêm kích hạng nặng hiện đại nhất thế giới, cùng kho vũ khí đa dạng với các tên lửa dẫn đường có tầm bắn trên dưới 100 km như R-27 và RVV-AE.
"Su-35S không chỉ giúp Ai Cập sánh ngang với các cường quốc khu vực, mà còn mang tới lợi thế rõ ràng trong những trận không chiến, cho phép họ tấn công những mục tiêu chiến lược như máy bay cảnh báo sớm của đối phương", tạp chí Military Watch có trụ sở tại Mỹ nhận xét.
Tiêm kích F-16 Ai Cập bay thử tại Mỹ năm 2012. Ảnh: Flickr/Carl Richards.
Washington từ lâu đã tìm cách buộc Cairo phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ phương Tây, đồng thời giới hạn năng lực tác chiến của Ai Cập nhằm duy trì cân bằng sức mạnh tại Trung Đông. Mỹ từng ngăn Pháp trang bị tên lửa hành trình Scalp cho phi đội Rafale hiện đại của Ai Cập.
Chính sách này được cựu tổng thống Anwar Sadat ủng hộ từ thập niên 1970, bất chấp sự phản đối của giới chức quân sự. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Al Sisi hiện nay muốn tăng tính độc lập trong quốc phòng, nhằm xây dựng lực lượng ngang ngửa những nước láng giềng.
Các hợp đồng mua tên lửa phòng không tầm xa S-300V4 và đề xuất đặt hàng xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 từ Nga cũng nằm trong kế hoạch đầy tham vọng trên của Ai Cập. Quan chức Mỹ khẳng định lợi ích của Ai Cập khi mua vũ khí Nga là rất nhỏ, nhưng danh sách khí tài Washington đồng ý xuất khẩu cho Cairo và các loại vũ khí Moskva chào hàng thể hiện tình hình hoàn toàn khác.
"Mỹ sẽ không thể cung cấp cho Ai Cập những khí tài cao cấp với chất lượng tương đương tiêm kích Su-35S, hay thậm chí là những loại tên lửa hiện đại để trang bị cho phi đội chiến đấu cơ lạc hậu của họ", bài viết trên tạp chí Military Watch có đoạn viết, nhưng cảnh báo nền kinh tế mong manh của Ai Cập có thể buộc nước này chấp thuận yêu cầu của Mỹ để tránh bị cấm vận.
Theo VNE
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc củng cố quan hệ hợp tác ba bên Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tái khẳng định sự sẵn sàng của họ trong việc tạo điều kiện cho các nỗ lực ngoại giao phi hạt nhân hóa và đảm bảo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, theo tuyên bố chung của người "ông chủ" Lầu Năm Góc Mark Esper tại Bangkok vào Chủ nhật với các đối tác Nhật...