Mưu sinh trên “mỏ” nghêu sò – Kỳ 1: Bãi sò dậy sóng
Tuyến bãi cạn ven biển Tây thuộc địa phận hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau có tổng chiều dài hơn 300km từ lâu đã được coi là “mỏ” nghêu sò mà thiên nhiên ban tặng con người. Tuy nhiên những năm qua, việc quản lý, khai thác tài nguyên biển vẫn còn nhiều điều đáng nói, dân nghèo khó sống, trong khi người có vốn lớn âu lo không dám đầu tư lâu dài…
TT – Một ngày cuối tháng 3, hòa theo dòng người đi cào sò giống, chúng tôi thuê vỏ lãi băng qua Xẻo Bần, thẳng tiến ra bãi biển Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang.
Người dân rủ nhau đi bắt “ lộc trời” tại bãi biển xã Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang hồi cuối tháng 3 – Ảnh: Tấn Thái
“Vừa nghe bãi biển này “có đồ” (có sò giống – PV), hai cha con tui lập tức chạy vỏ lãi ra kiếm ăn, nhưng chỉ hưởng sái được hơn 2kg sò rí (loại sò con cỡ chân nhang) bởi dân các nơi đổ xô về vét hết rồi. Trâu chậm uống nước đục thôi” – ông Bảy Tâm (64 tuổi, ở số 6, xã Nam Thái A, huyện An Biên) cho biết.
Người dân rủ nhau đi bắt “lộc trời” tại bãi biển xã Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang hồi cuối tháng 3 – Ảnh: Tấn Thái
Rủ nhau đi bắt “lộc trời”
Video đang HOT
Ông Võ Văn Đặc (55 tuổi, ở tổ 16, ấp Xẻo Bần, xã Thuận Hòa) nói gần chục năm rồi mới thấy “lộc trời” (sò giống – PV) dày đặc như năm nay, mà thời gian sò xuất hiện cũng sớm hơn thông lệ gần tháng.
Đó là một ngày giữa tháng 3, đôi vợ chồng trẻ ở cầu số hai, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất trong khi cào sò thịt đã tình cờ phát hiện ổ sò giống này. Sợ mọi người biết kéo tới tranh phần, họ đã cào liên tục một ngày đêm được hơn 50kg sò rí. Thời điểm đầu mùa, lái sò từ Bến Tre qua trả hơn 2 triệu đồng/kg, vợ chồng ngư dân thu cả trăm triệu đồng.
Thực hư chưa rõ nhưng một đồn mười, mười đồn trăm, chỉ trong vài ngày cuối tháng 3, hàng trăm ngư dân ở An Minh, An Biên, Hòn Đất hè nhau kéo tới, bãi biển xã Thuận Hòa “dậy sóng”. Từng tốp ghe xuồng, vỏ lãi theo các con rạch băng ra biển rồi ai nấy nhảy ùm xuống mặt nước đục ngầu, trầm mình tới ngang ngực, dùng vợt hình chữ nhật có gắn lưới mành để cào lớp bùn ở đáy, đãi cho sạch đất, bắt sò giống. Có người không kịp vô bờ, lấy cơm mang theo ra ăn ngay trên mặt biển.
“Những cư dân sống ven biển như chúng tôi trước đây đi cào nghêu, bắt sò tự nhiên theo các bãi bồi, đầm lầy dọc bờ biển. Tuy nhiên hơn tháng qua, cánh cửa mở ra biển bất thần khép lại, sắp tới chúng tôi không biết làm gì để sống” – ông Nguyễn Văn Tâm, hơn 20 năm sống bằng nghề cào nghêu sò ở ấp Xẻo Bần, xã Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang, lo âu.
Gương mặt tái xanh, bàn tay nhăn nheo vì ngâm lâu trong nước, bà Lâm Thị Hạnh – nhà ở ấp Ba Biển, xã Nam Thái A – kể: “Trầm mình cả chục tiếng như thế này lạnh nổi da gà, nhưng năm thì mười họa mới có sò giống nhiều như vầy nên gắng thôi”.
Sát bên mẹ con bà Hạnh là nhóm của ông Lâm Thanh Tùng ở xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất cũng đang cật lực làm việc. Thấy chúng tôi đến, ông Tùng nghiêng cái thao đựng sò giống vừa đãi xong cho chúng tôi xem và khoe: “Cả nhà tôi cào từ sáng tới giờ được chừng này, chắc hơn 3kg, kể như cầm chắc trong tay khoảng 4,5 triệu đồng…”.
Ông Tùng cho hay mấy bữa qua sò giống đã giảm nhiều nên người đi cào cũng chia bớt qua bãi sò bên Xẻo Ngát, Xẻo Nhàu, Xẻo Lá (huyện An Minh), chứ cách đây hai hôm số người đi cào sò giống lên tới cả ngàn.
Các con kênh đổ ra vàm Xẻo Bần, Xẻo Quao từ 3-4g sáng đã nghe tiếng máy chạy xèo xèo ra vào bãi. Lái sò giống các nơi hay tin cũng chạy vỏ lãi tới đậu mé ngoài, cách chỗ ngư dân vài trăm thước, hễ thấy ai vẫy tay là lao vô tranh mua.
“Tiền trao cháo múc, giá sò cám (nhỏ như trứng cá) cân tại bãi khoảng 5 triệu đồng/kg, sò rí 1,5 triệu đồng/kg. Sò càng lớn giá càng hạ dần, thấy ham quá. Phải chi năm nào cũng được như vầy cho dân nghèo đỡ khổ” – bà Lâm Thị Lụa (53 tuổi, ở ấp Bảy Biển, xã Nam Thái A) hồ hởi.
Khai thác sò giống tại bãi biển vàm Xẻo Quao, huyện An Biên, Kiên Giang – Ảnh: Tấn Đức
Bỗng dưng thành… “sò tặc”
Hoạt động khai thác sò giống nhộn nhịp bước sang ngày thứ ba thì mọi người ngỡ ngàng khi thấy lực lượng công an đi trên xuồng cao tốc, bo-bo xuất hiện. Hàng chục ngư dân cùng phương tiện bị đưa về bến sông, gần trụ sở Công an huyện An Minh. Anh Võ Minh Phụng (32 tuổi, ấp Bảy Biển, một trong số những người bị câu lưu vì bị cho là cướp sò) phân trần: “Từ vàm Xẻo Bần kéo dài đến thứ (kênh) 8, thứ 9 cả chục năm qua ngư dân chúng tôi vẫn tới lui cào sò, đãi hến thoải mái có ai nói gì đâu. Chúng tôi là người đi khai thác tài nguyên biển chớ đâu phải sò tặc”.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tâm – người có gần 20 năm sống bám vào biển – bức xúc: “Nếu cho rằng bãi đã có chủ thì phải cắm cây làm dấu chủ quyền chứ. đằng này không thấy gì, dân biển chúng tôi cứ nghĩ là bãi tự nhiên kéo ra khai thác”.
Tình hình “cướp sò” đã lắng dịu kể từ đầu tháng 4. Tuy nhiên chuyện “cướp sò” hiện nay vẫn còn nóng bỏng. Xung đột giữa những người được thuê canh giữ bãi sò cho các chủ bầu (chủ bãi nuôi sò) và người đi khai thác xảy ra liên tục. Máu đã loang trên mặt biển khi anh em ông Võ Văn Hùng bị đâm xuồng tét đầu. Rất may người dân chứng kiến kịp thời can ngăn, đưa ông Hùng đi bệnh viện cấp cứu. Mấy ngày trước do hiểu lầm, anh em Nguyễn Vũ Tuấn, Nguyễn Vũ Bảo cũng suýt mất mạng khi bị một nhân công của một chủ bầu dùng vỏ lớn đâm trực diện.
Lý giải nguyên nhân khiến tình hình tại các bãi nghêu, sò “nóng” lên, ông Nguyễn Hoàng Khải, chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, cho biết bãi cạn có thể khai thác, nuôi dưỡng nghêu sò trên địa bàn xã có chiều dài gần 7 cây số, chiều rộng từ bờ ra biển khoảng 0,5-2km hiện phần lớn đã cho thuê, có những khu vực cho thuê từ năm 2008, có những khu vực mới cho thuê gần đây.
Tuy nhiên chỉ có một số khu vực giáp ranh với huyện đội An Minh và một phần khu vực Xẻo Bần thì người thuê cất chòi canh giữ. Phần diện tích còn lại người thuê bỏ trống, việc cắm mốc ranh giới giữa các hộ dân thuê với nhau cũng chưa rõ ràng, vì vậy khi sò xuất hiện dẫn đến nhiều phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp.
“Do nhiều người dân chưa hiểu hết vấn đề. Thấy những khu vực chưa cắm mốc họ tưởng đâu chưa có chủ nên vô tư vô khai thác sò giống. Ban đầu chúng tôi vận động họ không xâm nhập trái phép ở những nơi đã có chủ. Tuy nhiên vẫn có nhiều người không nghe, vì vậy lực lượng công an đã mời nhiều người khai thác sò trái phép về trụ sở để làm việc và yêu cầu họ cam kết không tái phạm” – ông Nguyễn Hoàng Khải cho biết.
Theo Tuổi Trẻ
Cả thôn lo bị giết vì trúng kỳ nam hàng chục tỷ đồng
Nghe bọn chúng hung hăng đòi chém giết, anh Công sợ quá lẩn trốn, chị Loan, vợ anh phải bấm bụng đưa cho bọn chúng 20 triệu đồng...
Gần một tuần nay, người dân ở đây ai nấy cũng đều tươi vui hớn hở bởi hơn 80 người dân hai thôn tiếp tục trúng trầm kỳ (còn gọi là kỳ nam hoặc trầm hương) với số tiền lên đến gần chục tỷ đồng. Tuy nhiên, khi niềm vui trúng "lộc trời" chưa qua, nỗi lo về an nguy tính mạng lại ập đến...
"Cuốc chơi đâu ngờ trúng tiền tỷ"
Cách đây hơn một tháng (5/4), trong số 15 người trúng đậm trầm kỳ với số tiền gần 23 tỷ đồng ở vùng rừng núi Sơ Ró, huyện Kon Chro, tỉnh Gia Lai ( VTC News đã phản ánh), có đến 9 người ở thôn Thạch Chẩm, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa (tỉnh Phú Yên).
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Toan, một trong số hơn 80 người trúng trầm kỳ ở thôn Thạch Chẩm (xã Hoà Xuân Tây) lo sợ bị những đối tượng xấu quấy rối, đe doạ tính mạng.
Một tháng sau (7/5), 9 người này hùn tiền lại thuê xe và rủ thêm hàng xóm láng giềng, bà con thân tộc theo họ lên lại địa điểm trên để tiếp tục "cuốc đất rừng tìm vận may".
Ông Đỗ Văn Thuấn, một trong những người đào trúng kỳ nam đợt này, nhớ lại: "Lúc đó là ngày 6/5, tôi đang cuốc đất sau vườn thì nghe tin mọi người đang tập hợp tại nhà Sáu Thu chuẩn bị lên Gia Lai tìm trầm. Tôi vội vàng dừng cuốc, vào nhà tắm rửa, sửa soạn đồ đạc nhằm kiếm ít đồng dưỡng già. Khi đến nhà Sáu Thu đã có hơn 80 người, hầu hết là dân hai thôn Thạch Chẩm và Thạch Tuân 1".
Ngay sau đó, cả nhóm lên đường. Khi đến lưng chừng núi Sơ Ró, cả nhóm lại gặp tiếp một nhóm khoảng 20 người đang thất thểu xuống núi. Thấy họ tội nghiệp nên mọi người trong nhóm kêu lại cho nhập bọn rồi cả nhóm (lúc này lên đến 99) tiếp tục thẳng tiến vào sâu trong núi, dàn hàng ngang cuốc đất tìm trầm.
Ông Trương Minh Lai, một trong những người tìm được trầm đầu tiên cho biết: "Là dân "gốc rạ" thứ thiệt, có bao giờ thấy trầm với kỳ lần nào đâu, nghe anh em rủ thì cũng đi cho vui, chứ trong lòng tôi nghĩ chẳng bao giờ được. Thấy mấy anh em trong "bầu" hăng hái đào đất, tôi cũng tham gia cho vui. Ngờ đâu chỉ đào vài nhát bỗng như cái "cụp"... Vậy là trúng kỳ nam khoảng 0,4kg". Trong lúc đó, các nhóm khác cũng đào được 0,8 kg kỳ nam. Vậy là tổng cộng được 1,2 kg, bán được 7,2 tỷ đồng.
Sau khi bán xong, mọi người họp lại và theo giới luật "bất thành văn" của giới đi điệu: tiền bán được bao nhiêu phải chia đều cho tất cả mọi người nên cả nhóm lấy 7,2 tỷ đồng chia đều cho 99 người, mỗi người được 72,5 triệu đồng.
Làm lụng vất vả bao nhiêu năm, giờ mới có trong tay số tiền lớn nên mấy ngày nay dân Thạch Chẩm và Thạch Tuân 1 rầm rộ kéo nhau đến tiệm xe máy "tậu" tay ga đời mới. Người nào ít thì Click, Air Blade, nhiều thì Dylan, SH... - một người dân cho biết. Nhiều người khác dùng tiền trúng trầm mở tiệc khoản đãi bà con lối xóm, sửa sang nhà cửa, góp tiền làm từ thiện, mở cửa hàng tạp hóa...
Liên tục bị "khủng bố" và đe dọa tính mạngChỉ vài ngày sau khi vui chơi "thả ga", những người trúng trầm lại đối mặt với nỗi lo khác: bị đe dọa tống tiền, khủng bố tinh thần và liên tục nhận được những lời "dọa giết" nếu không chịu "bỏ ít tiền cho anh em ăn nhậu".
Một hộ trúng trầm kỳ ở thôn Thạch Tuân 1 (xã Hoà Xuân Đông) chuẩn bị giã từ nhà tạm để lên nhà ngói
Theo ông Nguyễn Văn Nghiệp, Phó trưởng Công an xã Hòa Xuân Tây, bị "khủng bố" đầu tiên là những người trong gia đình ông Trương Minh Lai - một trong số 9 người ở thôn Thạch Chẩm trúng kỳ nam "đợt đầu" với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Theo đó, lúc 23h ngày 10/5, trong khi cả nhà ông Lai đang ngủ thì có ba thanh niên trong thôn đến gõ cửa xin tiền để nhậu. Do biết nhóm người này đã đến xin tiền và bản thân ông đã cho họ 400.000 đồng nên lần này ông Lai kiên quyết chỉ cho thêm 100.000 đồng. Ngay lập tức, 3 người này chê ông Lai keo kiệt, bủn xỉn và cho rằng ông Lai "cậy giàu coi khinh chúng tao" nên ấy đá ném liên tiếp vào ông Lai và cả ngôi nhà của ông làm cánh cửa nhà bị thủng lỗ chỗ, bản thân ông Lai bị xước trán, chảy máu.
Bà Phan Thị Hoa, vợ ông Lai, cho biết: "Mọi người trong gia đình phải khóa chặt cửa nhà trên, cố thủ ở nhà dưới vì sợ chúng đạp cửa xông vào gây sự". Ngay trong đêm đó, Công an xã Hòa Xuân Tây và Công an huyện Đông Hòa phải vào cuộc vãn hồi trật tự.
Nhưng nghiêm trọng nhất là vụ xảy ra sáng ngày 10/5. Nghe tin anh Nguyễn Thành Công, 39 tuổi, ngụ ở thôn Thạch Tuân 1, xã Hòa Xuân Đông trúng đậm trầm kỳ bán hơn 1 tỷ đồng, Trương Tuấn Dũng (32 tuổi) Phạm Ngọc Thạnh (25 tuổi), cùng ở thôn 4, xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa đến tận nhà anh Công đe dọa, tống tiền. Nghe bọn chúng hung hăng đòi chém giết, anh Công sợ quá lân trốn, chị Ngô Thị Loan, vợ anh phải "bấm bụng" đưa cho bọn chúng 20 triệu đồng để mọi người trong gia đình được yên thân.
Tưởng mọi việc đã xong, ngờ đâu, ngày hôm sau, Dũng và Thạnh tiếp tục gọi điện cho chị để đòi thêm... 25 triệu đồng. Không chịu nổi hành vi tống tiền trắng trợn trên, chị Loan bí mât báo cho Công an huyện Đông Hòa. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra và bắt khẩn cấp Trương Tuấn Dũng. Riêng Phạm Ngọc Thạnh đã nhanh chân trốn khỏi địa phương.
Sau hai vụ trên, hiện nay, nhiều người trúng trầm kỳ ở thôn Thạch Chẩm và Thạch Tuân 1 nơm nớp lo sợ kẻ xấu sẽ tiếp tục đến nhà họ xin đểu, gây sự, thậm chí sẵn sàng giết người để cướp tiền. Do đó, hằng đêm, ở những thôn này, lực lượng chức năng huyện Đông Hòa liên tục tổ chức lực lượng tuần tra và cho bà con số "đường dây nóng" để bà con liên lạc 24/24h nhằm đảm bảo an ninh trật tự và đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con.
Theo VTC
Những chuyện li kì nơi "hầm thần của" "Hầm thần của" ở xã Thanh Tâm (Thanh Liêm, Hà Nam) là một di tích cổ bí ẩn mà cho đến nay, nhiều nhà khoa học vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc cũng như thời gian ra đời ở một vùng quê hẻo lánh. Tuy nhiên, dọc theo "hầm thần của" đầy bí ẩn, những câu chuyện vừa hư vừa thực từng...