Muốn xóa định kiến với bằng tại chức không thể chỉ bằng Luật
Bằng tại chức có giá trị đến đâu sẽ được thị trường lao động đánh giá chứ không phải Luật bảo có giá trị ngang chính quy là ngang được.
Cách đây 8 năm, tôi và nhiều bạn bè sau khi tốt nghiệp đại học đều nhất quyết, nếu cần học thêm một văn bằng hai đại học, nhất định phải học trường Luật.
Năm đầu tiên nhóm chúng tôi 8 người dùi mài kinh sử đi thi văn bằng hai Luật, chỉ có một người đỗ.
Người duy nhất đỗ trong nhóm có dì làm trong trường này. 7 người còn lại trượt thẳng cẳng cùng với mô típ thiếu 0,5 điểm so với điểm trúng tuyển.
Năm thứ hai, 7 người trong nhóm chúng tôi lại tiếp tục nộp hồ sơ. Theo thông tin sơ bộ từ bộ phận tuyển sinh của trường, tỉ lệ chọi đầu vào văn bằng hai năm đó tương đương tỉ lệ chọi đầu vào đại học ở kỳ thi chung toàn quốc.
Ảnh minh họa: Vũ Ninh
Ở mục nghề nghiệp, những người nộp hồ sơ thi văn bằng hai trường Luật đa phần là cán bộ huyện, cán bộ xã ở các tỉnh thành phía Bắc.
Lúc đó tôi tự hỏi, họ làm cán bộ Nhà nước, ở xa Hà Nội vậy lấy thời gian đâu để mà đi học như chúng tôi, những người đang sống và làm việc ở Hà Nội?
Trước số lượng hồ sơ dự tuyển văn bằng hai đông đảo như vậy, một vị cán bộ thu hồ sơ khi biết nhóm chúng tôi thi đến năm thứ hai đã “khai sáng” cho chúng tôi.
Vị này bảo là “học văn bằng hai tại chức có phải dễ hơn không? Đầu vào dễ, học cũng dễ. Thầy cô cũng linh động, nhẹ tay”.
Chúng tôi nghe thấy vậy liền nói vui: “Chúng em muốn học chính quy văn bằng hai Luật để lỡ sau có ly hôn nếu tranh chấp gì không phải tốn tiền cho luật sư”.
Vị cán bộ cười bảo với chúng tôi: “Vậy thì khó đấy”.
Đúng là khó thật. Cả nhóm 7 người tiếp tục trượt vì đều thiếu 0,5 điểm. Sau hai lần đi thi không nên cơm cháo gì, nhiều người trong nhóm chúng tôi chuyển qua thi tại chức và họ đều đỗ cả.
Câu chuyện của quá khứ gợi nhắc tôi đến việc rất thời sự trong những ngày qua của giáo dục đại học.
Một trong những câu chuyện được nhiều người quan tâm là từ ngày 1/7/2019, Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) sẽ có hiệu lực với nhiều điểm mới.
Đáng chú ý là quy định các loại bằng đại học đều có giá trị như nhau, đồng nghĩa với việc không ghi hình thức đào tạo khi cấp bằng cử nhân cho sinh viên tốt nghiệp.
Video đang HOT
Mục đích của quy định mới này được cho là tạo điều kiện cho các sinh viên theo học các hình thức đào tạo khác nhau khi tốt nghiệp đại học có cơ hội ngang nhau trong việc công nhận văn bằng, tuyển dụng lao động.
Trước đây, hình thức đào tạo đại học ở nước ta có 2 loại hình chính là hệ chính quy và không chính quy (đào tạo từ xa, tại chức, liên thông). Tương ứng với đó, các loại hình đào tạo cũng được ghi trên văn bằng.
Thực tế, từ lâu nay, hai hình thức đào tạo chính quy và không chính quy có nhiều điểm rất khác biệt ở cả khâu tuyển sinh và quá trình đào tạo.
Nếu như hệ đào tạo chính quy có một kỳ thi tuyển sinh quốc gia với sự quan tâm và giám sát của toàn xã hội. Các thông tin được công khai, bàn thảo rất nhiều thì tuyển sinh các hệ đào tạo khác lại vô cùng im ắng.
Khi tuyển sinh hệ tại chức, nhiều trường từ lâu mặc định chấp nhận đầu vào thấp hơn hệ chính quy.
Cùng với đó, người học bận rộn đi làm hoặc họ chỉ cần cái bằng cho có. Chính người học cũng “mặc định” với cái vỏ bọc vừa đi học vừa đi làm nên tự cho phép mình lơ là việc học.
Thẳng thắn mà nói, không ít người đi học tại chức vì văn bằng đại học là một trong công cụ để hợp thức hóa điều kiện bổ nhiệm hay được nhận vào làm ở nhiều nơi.
Còn về phía nhà tuyển dụng, đối với các doanh nghiệp, họ chỉ biết rằng tuyển sinh hệ chính quy rất gắt gao và nghiêm túc còn tại chức lại mù mờ nên không có niềm tin với ứng viên học hệ tại chức là điều dễ hiểu.
Thậm chí, những năm trước nhiều địa phương đã nói không với bằng tại chức khi tuyển công chức. Điều đó phần nào nói lên niềm tin với tấm bằng này đến đâu từ chính các cơ quan nhà nước.
Tất cả các hệ đào tạo phải đều là “con đẻ” được chăm sóc, nuôi nấng bằng sự minh bạch, kiểm định chất lượng tốt để cho ra những cử nhân có bằng được xã hội, doanh nghiệp, thị trường lao động tin tưởng.Lý ra, chính Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm sao để dư luận, người dân tin vào sự bảo đảm bình đẳng về chất lượng đào tạo của hai loại hình.
Vì thế, nếu cái gốc của đào tạo tại chức là chất lượng không đủ độ tin cậy, minh bạch thì việc nó vẫn bị coi là “con ghẻ”, bị phân biệt không thể được giải quyết chỉ bằng một điểm quy định trong Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi).
Thanh Thủy
Theo giaoduc.net
'Bằng tại chức thì sao, tôi vẫn thành chủ doanh nghiệp như thường'
Bằng tại chức không có nghĩa người học bất tài. Xã hội khó công nhận nó tương đương bằng đại học chính quy vì trường coi đây là "nồi cơm" và sinh viên học kiểu bỏ tiền lấy bằng.
"Thời buổi này, bằng chính quy hay tại chức không quan trọng bằng năng lực. Bạn có năng lực, đi làm, bạn được giữ lại. Còn không, dù có bằng chính quy, bạn cũng 'out' như thường", độc giả Thịnh Nguyễnbình luận về thông tin bằng chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau từ 1/7.
Quy định không phân biệt loại hình đào tạo gây ra hai luồng ý kiến trái chiều. Người mừng vì bằng tại chức có giá trị. Kẻ lo khi chất lượng đào tạo hệ không chính quy (trong đó có tại chức) còn nhiều hạn chế, bất cập.
Không phải cứ tại chức là bất tài
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7 này nhận được sự ủng hộ của không ít người trên mạng xã hội. Họ cho rằng đây là cơ hội của những người không đủ điều kiện học hệ chính quy.
Một độc giả cho biết từng trúng tuyển đại học với điểm số tương đối tốt. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, anh phải chuyển sang hệ vừa làm vừa học. Người này khẳng định bản thân đủ năng lực làm việc với tấm bằng tại chức.
Anh không phải người duy nhất tự tin về tấm bằng "không chính quy" của mình. Bạn đọc Vũ Mạnh Thắng kể sau khi trượt đại học, anh học tại chức ở một trường mỹ thuật. Người này cho rằng tại chức và chính quy không khác nhau về môn học, thầy giáo giảng dạy... Khác biệt lớn nhất là hệ tại chức có thời gian học ngắn hơn.
Quy định bằng chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau mang lại cơ hội cho những người không đủ điều kiện học chính quy. Ảnh minh họa: Lao Động.
Vũ Mạnh Thắng nhận định trình độ người có bằng tại chức và chính quy tương đương. Sau khi ra trường, anh xin được việc và đáp ứng yêu cầu công việc. Đến nay, anh làm chủ một doanh nghiệp. Khi tuyển nhân viên, anh không quan tâm có bằng chính quy hay tại chức, chỉ cần người lao động làm việc hiệu quả.
Nhiều người cũng đánh giá cao quy định mới, cho rằng nó tạo sự công bằng giữa các loại hình đào tạo. "Những người học tại chức, liên thông cũng bỏ sức để học, không phải cứ học chính quy mới đủ tài, đức, còn học tại chức, từ xa là bất tài", bạn đọc Duc Minh nêu quan điểm.
Đây cũng là ý kiến chung của nhiều độc giả, đặc biệt những người từng học chương trình của tại chức. Thậm chí, không ít người khẳng định sinh viên tại chức còn học chăm chỉ hơn cả chính quy.
Bạn Quốc Huy chia sẻ chuyện học hành tại trường Bách khoa, phải dành buổi tối để làm bài tập lớn, thí nghiệm, tự mày mò những kiến thức giảng viên dạy lướt. Vì thế, những người ủng hộ quy định mới cho rằng đã đến lúc thay đổi định kiến, xóa bỏ sự phân biệt bằng chính quy và tại chức.
"Làm ơn hãy đặt cảm xúc của người học tại chức! Đâu phải ai cũng muốn học tại chức. Chúng ta nên cảm thông, đừng cứng nhắc như robot vậy", Stephenpan bình luận.
Quy định có bất công?
Tuy nhiên, quy định bằng chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau cũng khiến không ít người lo ngại khi thực tế đào tạo ngoài chính quy hiện nay còn nhiều bất cập. Ngay cả người ủng hộ quy định này như độc giả Quốc Huy cũng thừa nhận khi thi cử "sinh viên tại chức được châm chước hơn chính quy".
Nhiều người đánh giá quy định mới bất công khi sinh viên chính quy phải học tập vất vả trong khi vấn nạn thuê người học hộ, thi hộ vẫn còn xảy ra thường xuyên ở hệ tại chức. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.
Hoàng Công Dũng khẳng định những người vừa học vừa làm lại thi cử không nghiêm túc không thể có bằng tương đương người tập trung học.
Cùng quan điểm, độc giả Ken đồng thuận với mục đích tốt của luật nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn khi hệ tại chức còn không ít bất cập trong khâu nội dung học, thời gian lên lớp, kiến thức chuyên môn...
Chỉ riêng việc đề thi cho sinh viên chính quy khó hơn tại chức đã cho thấy sự chênh lệch giữa hai văn bằng và khiến quy định mới có thể bất công với những người bỏ sức ôn luyện, thi cử, học hành nghiêm túc.
Tài khoản Mr. H kể năm 2005, Bộ GD&ĐT cho phép thi liên thông trở lại, anh tham gia để học đại học chính quy. Đợt đấy, 460 người thi, chỉ 25 người trúng tuyển. Đầu vào khó, đầu ra còn khó hơn. Mr. H nghỉ làm hẳn hai năm để học, chấp nhận đánh đổi công việc vì tấm bằng "chính quy". Vì thế, anh cảm thấy quy định mới phủ nhận sự cố gắng của những người như mình.
Nhiều người càng ấm ức hơn khi chứng kiến nạn học hộ, thi hộ tràn lan trong giới sinh viên tại chức. "Đa số học viên tại chức nhờ thi hộ, cứ có tiền sẽ có bằng. Giờ hai bằng ngang nhau, người ta còn cố học làm gì nữa? Đi xuất khẩu lao động hai năm cũng đủ lo cho có tấm bằng", bạn đọc Hoàng nói.
Anh khẳng định khi vấn nạn học hộ, thi hộ còn tồn tại, bằng chính quy và tại chức không thể có giá trị như nhau.
Đừng coi tại chức là "nồi cơm"
Trong khi đó, Phạm Dũng khẳng định quy định hợp lý, góp phần hướng tới mục tiêu xã hội học tập và học tập suốt đời. Học tại chức không có nghĩa chất lượng thấp.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ việc thực thi đào tạo không đúng, dẫn tới chất lượng đầu ra thấp, tạo ra định kiến sai lầm trong xã hội. Đơn giản khi lấy ví dụ, nếu được chọn giữa bác sĩ tốt nghiệp hệ chính quy và bác sĩ học tại chức, chắc chắn phần lớn sẽ chọn người sau.
Theo ông, nếu xây dựng chương trình tốt, tổ chức đào tạo nghiêm túc, học viên có thái độ học tập tốt, chất lượng tại chức cũng như đào tạo chính quy.
Xã hội chỉ thừa nhận bằng chính quy, tại chức tương đương khi việc dạy, học nghiêm túc, chất lượng đảm bảo. Ảnh: VOV.
Cùng quan điểm, Nguyễn Quỳnh Anh cho rằng hệ tại chức "mang tiếng xấu", trách nhiệm chính thuộc về Bộ GD&ĐT và các trường đại học.
"Bộ, trường hãy lập lại trật tự ở hệ đào tạo này trước, đừng coi đào tạo tại chức là 'nồi cơm' mang lại doanh thu cho các trường. Đào tạo chức không phải hoàn toàn là kinh doanh", Quỳnh Anh ý kiến.
Thực tế, chất lượng đào tạo tại chức bị nghi ngại không phải không có lý khi nhiều trường đào tạo tràn lan, thu học phí cao, chất lượng lại rất kém. Vì thế, nhiều người sẵn sàng đánh giá hai văn bằng tương đương, miễn hệ tại chức đảm bảo chất lượng.
Nhiều ý kiến đồng ý rằng bằng tại chức và chính quy chỉ có giá trị ngang nhau khi người lao động được nhà tuyển dụng chấp nhận.
"Học hệ nào cũng tự học là chính. Xác định để lấy kiến thức thì học, còn chỉ vì cái bằng, học cũng như không. Vì bây giờ, không phải cứ trình bằng ra là được tuyển dụng", một độc giả bình luận.
Như trường hợp Duy Trần, tốt nghiệp cao đẳng, ứng tuyển vào một công ty công nghệ, tỷ lệ 1 "chọi" 30. Nhà tuyển dụng không hỏi đến bằng cấp. Khi anh chuyển chỗ làm, người ta cũng chỉ để ý kinh nghiệm, hiệu quả công việc.
Do đó, trong xu thế giảm dần tầm quan trọng của văn bằng, chứng chỉ, nhiều người ủng hộ quy định mới. Họ chỉ mong người học thay đổi thái độ học, nhà trường nghiêm túc đào tạo, cơ quan quản lý thắt chặt chất lượng đầu ra.
"Ít nhất, cứ cho sinh viên tại chức thi chung, cùng thang đánh giá với sinh viên chính quy, mọi người sẽ nhìn nhận khác ngay", Hoàng Maiđề xuất.
Theo Zing
'Xã hội chưa thể công nhận bằng chính quy và tại chức ngang nhau' Theo một số chuyên gia, đánh giá bằng đại học chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau là bước tiến, nhưng xã hội chưa thể công nhận ngay, do chất lượng đào tạo không đồng đều. Từ tháng 7/2019, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi chính thức có hiệu lực. Bằng đại học sẽ không ghi hình thức đào...