Muôn nẻo nhọc nhằn can thiệp trẻ tự kỷ (2): Những điều bé mọn cũng thành ước ao
Đối với những cha mẹ có con tự kỷ, kỳ tích chỉ đơn giản là con có thể “bày tỏ” với mẹ mỗi khi muốn đi vệ sinh.
Nghe chị N. ước ao con trai biết gọi “mẹ ơi”, thấy những đôi mắt lấp lánh của các phụ huynh khi biết con mình sắp được “dã ngoại”, được cầm bút màu “vẽ” những đường nguệch ngoạc, hay nghe Trung Hiếu biết cầm tiền ra hiệu thuốc đầu ngõ mua lọ nước nhỏ mũi cho mẹ, mới hiểu việc sinh được một đứa con khỏe mạnh đã là được nhận hồng ân của tạo hóa.
Háo hức cho con được hoạt động ngoài trời
Tại trung tâm chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở phố Kim Mã (TP.Hà Nội), nhà điêu khắc Đinh Công Đạt trình bày với bà giáo Thúy Nga về dự định làm điều gì đó có ý nghĩa cho các cháu ở đây. Làm cha của cậu bé tự kỷ, hơn ai hết, anh Đạt hiểu điều gì tốt cho con. Anh tính sẽ để các con vẽ, trang trí lại phòng học của mình. Rồi cho các con nhuộm vải, vẽ trên vải để anh và cộng sự làm thành sản phẩm, bán đấu giá lấy tiền gây quỹ cho các con – những đứa trẻ trong cộng đồng tự kỷ.
Bà Nga trầm ngâm: “Tôi sợ các con không làm được. Cả trung tâm chỉ có hơn mười cháu gọi là khá hơn các bạn thôi”. Anh Đạt hồ hởi: “Cô giáo cho tôi tiếp xúc với các con xem sao”. Bà Nga dẫn anh xuống các lớp. Anh đưa tờ giấy, cây bút cho từng cháu và bảo “con cầm bút, làm bất cứ điều gì con muốn lên tờ giấy này”. Mỗi lúc các cháu cầm bút viết, anh Đạt đều cúi xuống thật thấp, tay luôn ở thế sẵn sàng… giật cây bút của các cháu bất cứ lúc nào. Anh giải thích: “Tôi nuôi con tự kỷ, tiếp xúc nhiều với trẻ tự kỷ nên biết, có những cháu giơ ngược ngòi bút săm soi rất kỹ, chúng tò mò, nhưng càng nhìn càng bị kích thích và muốn nhìn thật gần, có khi chọc thẳng ngòi bút vào mắt”.
Có cháu vẽ những đường loằng ngoằng như trẻ lên hai, có cháu chỉ chấm những chấm đen xuống trang giấy. Đến P.A., cô giáo phụ trách lớp ái ngại: “cháu chưa biết vẽ, mới biết tô màu thôi”. Anh Đạt kiên nhẫn đánh dấu hai điểm lên trang giấy bảo P.A. nối hai điểm lại, P.A. đưa nét bút ngon lành. Cháu T.N. bảy tuổi, cầm bút viết tên mình trong sự hò reo của các bạn và sự động viên, phấn khởi của các cô giáo và anh Đạt. Cháu viết được 4/5 chữ cái của tên mình, đôi mắt anh Đạt ánh lên niềm vui: “Thế là quá tuyệt rồi!”. Anh Đạt khẳng định các con có thể tham gia những hoạt động mà mình dự tính: “Riêng việc các con sẵn sàng cầm bút, thao tác lên tờ giấy mà không hề sợ sệt đã là thành công”.
Bà Nga e dè: “Trung tâm hoàn toàn ủng hộ, những việc làm ấy sẽ chứng minh các bé có thể phát triển, tiến triển được và chúng ta có quyền hy vọng. Nhưng còn bố mẹ các cháu?”. Chẳng ngờ, tất cả phụ huynh của mười hai cháu đều đồng ý, thậm chí còn hồi hộp, háo hức hơn bọn trẻ. Bà nội của cháu L. chia sẻ: “Tôi từng rất đau lòng khi đưa cháu đến trường công lập, chứng kiến phụ huynh chỉ thẳng mặt cháu mình mà nói với con họ rằng, thằng này nó bị dở hơi, mẹ cấm con không được chơi với nó. Tôi luôn mong cháu được giao lưu. Tôi cũng mong nhiều hội đoàn, tổ chức quan tâm hơn đến các cháu. Với các cháu tự kỷ thì chỉ vài giờ được tham gia hoạt động ngoài trời cùng nhau, đã là điều chúng tôi luôn ao ước”.
Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt và các cô giáo hướng dẫn trẻ cầm bút tương tác với giấy.
Kỳ tích: biết dọn dẹp và nấu cơm
Chị Mai Anh và con trai Trung Hiếu là hai mẹ con nổi tiếng trong cộng đồng tự kỷ. Từ khi Hiếu tám tháng tuổi, chị đã linh cảm được điều bất thường của con.
Video đang HOT
Hiếu không có một chút ngôn ngữ nào, không có giao tiếp mắt, không có phản ứng với tên mình. Chị Mai Anh không dạy con được bất cứ một hành động nào, cũng không bao giờ gây được sự chú ý cho con. Bấy giờ, chị chỉ mơ ước làm sao để đêm con ngủ cho mình cũng được ngủ, mỗi lần muốn đi ngoài thì biết “bày tỏ” với mẹ.
Năm 2002, chị Mai Anh tham gia khóa học đầu tiên về tự kỷ ở Việt Nam. Cùng học với chị còn có khoa Giáo dục đặc biệt của Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Sau một năm không hiệu quả, chị học thêm một khóa ở khoa Giáo dục đặc biệt của trường đại học này và bắt đầu can thiệp bài bản cho con. Chị phải dạy Hiếu rất nhiều, vì cháu không nhận thức được bất cứ điều gì.
Từ que kem, vỏ ống bơ, vỏ sữa chua, hạt na, hạt mít, sỏi đá, miếng rửa bát… chị đều giữ lại để dạy con. Chị đặt những khay cát, sỏi, gạo, đỗ xanh để dạy con về xúc giác, dạy con cảm nhận xem ấn vào sỏi thì cảm giác như thế nào, cát thì mịn làm sao. Rồi chị lấy sỏi, hạt na, đỗ xanh trộn lại để dạy con cách phân loại… Bất kể lúc nào con thức, chị đều mang những thứ quá đỗi bình thường ấy ra để dạy con.
Sau ba tháng, thi thoảng Hiếu đã biết chạy ra bô ngồi, gọi Hiếu ơi thì biết quay lại, bảo vuốt má mẹ là vuốt, bảo lấy cái này cái kia cũng biết, ban đêm bắt đầu ngủ. Năm tuổi Hiếu mới nói được. Còn bây giờ, Hiếu đã có thể chơi guitar, piano, thổi kèn; biết đan khăn, đan áo, móc mũ len, dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm cho mẹ… Nhiều phụ huynh đến nhà, thấy Hiếu làm được những điều ngỡ như trong mơ ấy, đều tủi thân: “Tôi xấu hổ khi thấy chị dạy cháu được như thế này”.
Đã cùng con lập kỳ tích, song chị Mai Anh vẫn chưa nguôi trăn trở, bởi ở tuổi đôi mươi, Hiếu rất cần những cơ hội được giao lưu, nhưng không phải môi trường nào cũng có thể chấp nhận cậu. “Đến Hiếu còn mờ mịt về tương lai nữa là những bạn tự kỷ nặng. Chưa kể sau này, khi chúng tôi già yếu, mất đi, thì không biết các con tự kỷ sẽ sống như thế nào”.
Theo phunuonline.com.vn
Nhiều bố mẹ Việt không có bản lĩnh: Oằn mình làm ra của cải rồi cho con hết, sợ con thua kém bạn bè, con vòi vĩnh gì cũng đáp ứng
"Con không đi cái xe đấy đâu, xấu hổ lắm, bạn bè con toàn đi xe ga, mẹ mua xe ga con mới đi..."
Câu chuyện của hai mẹ con cự nự nhau sau lưng trong quán cafe trưa nay làm tôi bất giác có một chút buồn, nhưng rồi lại chợt cảm thấy ấm lên một niềm vui khi nghĩ về một câu chuyện tương tự của bố con tôi hơn 10 năm về trước.
"Bố cho con cái gì?" - Nhớ một thời còn trẻ con, nông nổi, tôi đã có đủ "dũng cảm" hỏi cha mình câu đó, lần đầu tiên và cũng là duy nhất. Đó là một ngày không lâu sau khi nhận tin đỗ vào đại học. Một cuộc trò chuyện rất nghiêm túc và thẳng thắn giữa hai người đàn ông.
Bố tôi trả lời một cách không thể bình thản hơn:
"Bố mẹ bố cho bố cái gì, bố sẽ cho lại con cái đó: một lý lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của mình - con có khả năng học đến đâu bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết!"
Tôi, hơi shock, nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói "lên dây cót" cho chàng sinh viên mới.
Và rất tiếc là bố tôi chẳng đùa, bố hành động rất thật theo đúng những tuyên bố đấy. Bố tính toán rất kỹ và cho tôi một khoản tiền trợ cấp 300 nghìn/tháng trong suốt những năm học đại học. Tiền học phí học kỳ đầu tiên được cho, từ học kỳ thứ 2 tôi tự kiếm được nên tự động không xin nữa. Bất kể những năm sau khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn gấp nhiều lần thì khoản trợ cấp đấy vẫn được duy trì cho đến khi tốt nghiệp, nhận bằng là cắt tiền.
6 năm tôi đi học ở nước ngoài, bố không phải lo cho tôi một đồng nào. Với tôi, bố luôn là Napoleon còn tôi chỉ là một anh binh nhì. Nhưng ít nhất tôi luôn coi đó như một chiến công nho nhỏ của riêng mình.
Bố tôi rất hay, luôn phân định rất rõ ràng: "Đây là nhà của bố nhé, đây là xe của bố nhé... Và con đang... ở nhờ và đi nhờ. Không hài lòng hả, quyền đi bộ... luôn thuộc về con." Nếu nhờ tôi giúp việc gì không nằm trong trách nhiệm của con cái, thay vì thuê người ngoài, bố sẽ thuê tôi làm và trả tiền rất sòng phẳng, không quên thể hiện là một khách hàng khó tính.
Không tự ái - không phiền lòng - tôi biết rõ mình chỉ có một con đường nếu muốn có ngôi nhà riêng của mình: tự mua.
Cũng có người nghe thấy và thắc mắc cái kiểu nói ấy "Nhà của bác thì sau này không của nó thì của ai, sao bác lại nói thế?". Và bố tôi "chỉnh" ngay: "Của tôi chứ, nếu nó không cố gắng, tôi sẽ cho từ thiện."
Bố tôi thì chẳng giàu như Bill Gates, nhưng dám làm như Bill Gates thì tôi tin là làm thật.
Bữa ăn ít người của nhà tôi luôn có những câu chuyện về các loài vật, những câu chuyện được lặp đi lặp lại, được kể lúc này lúc khác.
Bố hay nói chuyện: Con gà con đến tuổi tự kiếm ăn , gà mẹ sẽ đuổi chạy chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo.
Hay câu chuyện về loài đại bàng: Đại bàng con sẽ được mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh, và sau đó nó sẽ cắp con bay lên đỉnh núi thật cao và thả xuống. Con nào chịu đập cánh vào không trung và bay đi thì sống và bắt đầu cuộc đời mới, con nào không tự bay được thì sẽ tự rớt xuống và vực thẳm sẽ chờ ở dưới. Quy luật tự nhiên là vậy, và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không là ngoại lệ.
Mùi răn đe trong những câu chuyện "thơm nức" suốt những năm tháng tuổi thơ tôi.
Những điều tôi kể trên đây với nhiều người - nhiều ông bố bà mẹ có lẽ là những điều ngược đời, tuy nhiên, bước một bước ra bên ngoài thế giới, tôi thấy mình hóa ra không phải ngoại lệ.
Phần đông các gia đình phương Tây đều như vậy, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta thấy ở Phương Đông. Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm - tình thương - và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi một khoảnh khắc của sự ỷ lại hay trông chờ vô lý ngay từ khi bước vào đời.
Bạn không có tiền học đại học? Hãy vay đi rồi sau này tự trả. Các bạn nước ngoài của tôi rất nhiều người chọn giải pháp như vậy, mặc dù rất nhiều bạn có bố mẹ trên cả giàu và luôn sẵn sàng tài trợ.
Sự hào phóng không đúng chỗ của rất đông các ông bố bà mẹ Việt giống như bà mẹ trong câu chuyện lúc đầu của tôi đang để lại cho đất nước những thế hệ yếu ớt - không có khả năng sống độc lập và tự trọng với chính người thân của mình.
Họ nghiễm nhiên cho mình cái quyền được xin xỏ, được vòi vĩnh, được lạm dụng vô hạn tình yêu thương của cha mẹ... và các vị phụ huynh thì vẫn cứ tin tưởng trong sai lầm rằng để cho con kém bạn kém bè ngay cả khi chúng đã trưởng thành là không tròn trách nhiệm cha mẹ.
Ở nước mình, cái vòng luẩn quẩn ấy biết khi nào mới thôi? Cố gắng có của cải để mà cho con đã là khó, nhưng cố gắng để có của cải mà vẫn không cho thì còn khó gấp vạn lần. Nghe có vẻ trái với quy luật của tình cảm con người, nhưng đó là một sự ngược chiều cần thiết. Điều đó có lẽ thuộc về bản lĩnh của nghề làm cha mẹ.
Rất nhiều lúc tôi đã tự hỏi mình: "Vậy sau cùng, bố sẽ cho mình cái gì nhỉ?"
Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng đấy, vào lúc tôi tự mua được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ gì bố, tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà bố đã để dành cho riêng tôi mấy chục năm nay.
Theo phunugiadinh.vn
Mẹ ngỡ ngàng khi dành riêng một ngày bên con Mẹ vẫn nghĩ, mua cho con những thứ thật tốt đã là đủ mà không hiểu rằng, điều con cần nhất là thời gian ở bên mẹ. Mẹ trở nên bần thần sau cuộc trò chuyện với cô giáo của con. Lần này, cô mời mẹ lên gặp không phải để phàn nàn về chuyện con lười ăn hay không chịu tập hát...