Muôn màu mùa hè: Chớ đặt quá nhiều kỳ vọng
Những năm gần đây, trại hè, Học kỳ Quân đội, các khóa học kỹ năng dành cho thiếu nhi được coi là lựa chọn ưa thích của nhiều bậc phụ huynh để đối phó với kỳ nghỉ hè dài của con.
Tuy nhiên, hoạt động này đang đặt ra nhiều băn khoăn khi một số tổ chức, cá nhân có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận, chưa chú trọng nâng cao chất lượng.
Đa dạng hình thức
Nắm bắt được tâm lý của nhiều phụ huynh muốn tìm sân chơi, nơi hoạt động ngoại khóa hay nơi gửi con trong những tháng hè nghỉ học, nhiều trung tâm, cơ sở giáo dục tư thục đã tổ chức các lớp rèn luyện kỹ năng, trại hè trong nước và cả nước ngoài để đáp ứng nhu cầu này.
Chi phí trung bình mỗi học viên của trại hè từ 7 triệu đến 12 triệu đồng. Đây là mức phí không rẻ so với thu nhập của nhiều gia đình nhưng vẫn thu hút quan tâm của nhiều phụ huynh, bởi mong muốn con mình được rèn giũa trong môi trường đòi hỏi tính tự lập, ý thức tự giác cao, các phẩm chất còn thiếu đối với nhiều trẻ em thành thị.
Từ mô hình chỉ chú trọng đến tham quan, dã ngoại, khám phá những miền đất mới đến trại hè rèn kỹ năng với những khóa học chú trọng vào kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng sinh tồn…; trại hè chuyên về giáo dục nghệ thuật cho trẻ được trải nghiệm đầy đủ, đa dạng các bộ môn: Nhảy, múa, ca hát, diễn xuất, vẽ… Và cả những trại hè độc đáo, với cách làm khác lạ như trại hè thiện nguyện với các hoạt động từ thiện tại vùng sâu vùng xa, cho trẻ được tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người khó khăn hơn mình để rồi học cách chia sẻ và giúp đỡ…; Rồi các khóa tu tập mùa hè kéo dài từ 3 đến 10 ngày, dạy về đạo lý nhà Phật, hướng dẫn tìm hiểu và thực hành Phật pháp để áp dụng trong cuộc sống hàng ngày… Còn ở trại hè quân đội, các em được trải nghiệm cuộc sống như một người lính, được rèn nếp sống ngăn nắp, nền nếp và kỷ luật.
Video đang HOT
Với những nội dung quảng cáo được nhiều trung tâm hứa hẹn như rèn luyện cho trẻ tính kỷ luật, hoàn thiện kỹ năng sống… nhiều bậc phụ huynh đặt kỳ vọng rất lớn khi đăng ký cho con em theo học. Chị Nguyễn Lan Anh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi cho con tham gia trại hè. Thấy bạn bè cho con đi trại hè nhiều nên năm nay mình cũng muốn cho con tham gia thử. Hy vọng sau chuyến đi này con sẽ trưởng thành hơn và hoàn thiện thêm nhiều kỹ năng”.
Cho trẻ quyền lựa chọn
Trước nhu cầu rất lớn về việc tìm nơi vui chơi cho trẻ, bên cạnh một số tổ chức và cá nhân đã nắm bắt cơ hội, tranh thủ kinh doanh bằng nhiều hình thức trong đó xuất hiện một số chương trình hè được tổ chức theo lối chộp giật, nội dung sao chép lẫn nhau, thiếu đầu tư, chuẩn bị kỹ về chuyên môn.
Tại một trung tâm ngoại ngữ nhận tổ chức trại hè tiếng Anh trên đường Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội, khi đặt câu hỏi về tài liệu, giáo trình được sử dụng trong chương trình đã được đơn vị nào kiểm tra về chất lượng thì nhân viên ở đây cho biết: “Tài liệu do trung tâm tự biên soạn, còn chất lượng thì tùy vào trình độ tiếp thu của từng trẻ và do phụ huynh tự đánh giá”.
Là một người có kinh nghiệm trong việc cho con tham gia trại hè bán trú, chị Thanh Hương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Khi phụ huynh xác định cho con đi trại hè phải tìm hiểu thật kỹ đơn vị đưa đi, các hoạt động con sẽ tham gia, mục đích làm gì, đi những đâu rồi hãy đăng ký đi hay không. Nên chọn những cơ sở đã có thương hiệu, uy tín để cho con tham gia”.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Anh Thư (Khoa Tâm lý – ĐHKHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, phụ huynh không nên thấy người ta cho con đi trại hè cũng “a dua” cho con mình đi theo mà nên cân nhắc nhiều yếu tố: Sức khỏe, tâm lý của con, môi trường có tác dụng gì với chúng hay chỉ coi đó là nơi giữ trẻ đơn thuần. Bởi, mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau trong khi có những hoạt động chỉ phù hợp với một số trẻ nhất định. Có trẻ sau khi tham gia các khóa học ở chùa, học làm nông dân hay Học kỳ Quân đội đã hình thành được lối sống mạnh mẽ, hướng thiện, yêu thích lao động, nhưng cũng có em vì tâm lý e ngại nhút nhát lại càng trở nên tự ti, bất mãn hơn…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho biết: Có những lớp dạy kỹ năng sống cho trẻ rất hiệu quả nhưng cũng có nhiều lớp mở ra chỉ nhằm mục đích thu lợi, hiệu quả giáo dục không cao. Thậm chí, có nơi dạy kỹ năng giáo dục cho các em chưa đúng cách, kết quả đạt được chỉ là con số 0, đôi khi còn ảnh hưởng nguy hại đến tâm lý, suy nghĩ của trẻ. Chẳng hạn, chương trình “Học kỳ Quân đội” chỉ là trải nghiệm, không phù hợp với trẻ nhỏ khi các em tiếp xúc với súng đạn, thao trường.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, học kỹ năng sống là quá trình, phải học thường xuyên, học cả đời, không thể chỉ trông chờ vào một, hai khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn ngày như lời quảng cáo của các trung tâm. Do đó, việc nở rộ các khóa học hè là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh khi không có điều kiện tự giữ trẻ, dạy trẻ trong dịp nghỉ hè. Tuy nhiên, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý tự bảo vệ con mình, xem xét, chọn những khóa học phù hợp độ tuổi, sở trường lẫn năng khiếu của trẻ mới mong có kết quả như ý, đừng lơ là hay đặt quá nhiều kỳ vọng để rồi thất vọng, thậm chí tiền mất tật mang.
Bảo Minh
Theo GDTĐ
Trẻ con không có mùa hè!
Khi phượng hồng bắt đầu thắp lửa và ve sầu rỉ rả suốt ngày báo hiệu hè sang, con trẻ đang mơ về một mùa hè của riêng mình. Nhưng phải chăng trẻ con đang bị tước đoạt kỳ nghỉ hè một cách không thương tiếc?
Dường như nhịp sống của xã hội hiện đại đang cuốn chúng ta đi một cách vô hình với guồng quay bộn bề của công việc. Quanh năm suốt tháng bố mẹ làm lụng chăm từng miếng ăn, giấc ngủ cho trẻ và hơn hết là cố gắng lo lắng chu toàn con đường học vấn của trẻ. Học thêm môn gì, thầy cô nào dạy giỏi, trung tâm nào nổi tiếng... là những thông tin luôn được bố mẹ hỏi han, cập nhật. Để rồi không tiếc chi ra những khoản tiền không nhỏ đưa con đến lớp học thêm cho bằng bạn bè. Và guồng quay học và học ấy cứ nối dài sang đến những ngày hè.
Gọi là nghỉ hè nhưng có mấy đứa trẻ được hưởng trọn vẹn những ngày nghỉ đâu! Đầu tháng 6, các lớp học thêm rục rịch lên lịch dạy hè, nhà văn hóa thiếu nhi dán thời khóa biểu các môn năng khiếu, các trung tâm kỹ năng sống rải tờ rơi chiêu dụ học viên...
Bị bủa vây giữa các lớp học mà theo nhiều bố mẹ đánh giá là "không thể không học" ấy, có mấy ai vững lòng để con vui chơi giữa đời? Các con vẫn ngày ngày đến lớp học thêm và chuyện "nghỉ hè" chỉ là khái niệm rỗng. Trong tâm trí các con sẽ không hiểu được thế nào là mùa vui chơi, thư giãn. Trong trái tim các con sẽ chẳng hun đúc dòng cảm xúc nôn nao khi hè về... Tất nhiên, ký ức tuổi thơ của các con cũng sẽ trống rỗng đến tội nghiệp!
Niềm vui tát cá ngày hè của trẻ con ở miền quê. Ảnh: INTERNET
Dẫu biết so sánh là khập khiễng, hồi ức thường đẹp hơn thực tại song không thể không nhắc thời chúng tôi ngày xưa. Khi rục rịch hè sang là lũ trẻ chúng tôi đã háo hức mường tượng cảnh được thong dong, thư thả mỗi buổi sáng sớm không lo đến trường. Rồi rủ rê nhau hè chơi gì, hè làm gì cho niềm vui trọn vẹn.
Lúc phượng bắt đầu nhú lên thắp lửa và tiếng ve cất lên ra rả ngoài sân trường thì chúng tôi bắt đầu mùa thi cuối năm. Cũng ê a học bài, cũng bận rộn thi cử và sống cùng áp lực điểm số nhưng nhẹ nhàng hơn so với lớp trẻ bây giờ. Mỗi lớp có vài ba bạn học sinh giỏi, dăm bảy bạn học sinh tiên tiến, còn lại phần đông là trung bình. Giờ thì tỉ lệ ấy đảo ngược lại và cha mẹ nào cũng mong con mình đạt danh hiệu cao nhất vô tình làm khổ những tâm hồn thơ dại.
Giờ đây 3 tháng hè đã bị rút ngắn còn 2 tháng, có nơi còn nhập học sớm hơn. Mấy tháng hè của trẻ vẫn xoay quanh chuyện học. Mỗi ngày hè của trẻ vẫn bị bao vây bởi kiến thức. Bởi vậy, không có gì lạ khi nhiều em sợ học, thiếu kỹ năng sống và cả những ứng xử vô tâm với mọi người...
Mùa hè kỳ diệu đã sắp trôi qua rồi, bố mẹ có biết chăng? Xin ngừng lại một chút để bù đắp những ngày nghỉ còn lại đầy ý nghĩa cho con trẻ. Để con trẻ còn có niềm vui chờ đợi hè sang... Để mãi lưu giữ những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến mỗi khi hè về. Để luôn tin chắc rằng một tuổi thơ trọn vẹn luôn là dòng nước mát lành tưới tắm tâm hồn mỗi chúng ta khi trưởng thành.
Nguyễn Thanh
Theo nguoilaodong
Trại hè có thực sự bổ ích như quảng cáo? Cứ mỗi dịp hè, tình cảnh "không biết gửi con ở đâu" lại trở thành nỗi lo của không ít ông bố bà mẹ ở thành phố. Đánh trúng tâm lý đó, các trại hè cho thiếu nhi được mở ra và hoạt động hết công suất. Trước những lợi ích khó cưỡng mà các trại hè đưa ra, nhiều phụ huynh hồ...