Muốn làm cán bộ, phải học!
Nhiều cán bộ cấp xã vẫn cố gắng đi thi để tốt nghiệp THPT dù tuổi đã cao và thi rớt liên tục
Mấy hôm nay, nhà anh Hồ Văn Poan (36 tuổi, dân tộc Tà Ôi) ở bản Chai, xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế rất đông người tới chúc mừng anh thi đỗ tốt nghiệp. Gặp ai, Poan cũng cười ra mặt, giọng hớn hở kể về thành tích đạt 21 điểm tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.
4 lần thi mới đỗ tốt nghiệp
Anh Poan hiện là Phó trưởng Công an xã Đông Sơn và nổi tiếng với “thành tích” 4 lần đi thi tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). “Mình là cán bộ mà không có cái bằng THPT thì bà con không phục nên phải cố gắng” – anh Poan tâm sự.
Nhớ lại 3 lần xuống TP Huế thi tốt nghiệp những năm trước, Poan nói rằng đó là một thử thách lớn trong cuộc đời vì gặp phải những đề thi rất khó nên trượt. “Năm nay tổ chức thi ở quê, trước lúc thi, tôi xin nghỉ hơn 3 tháng đến trường ôn bài cả ngày mới có kết quả như vậy” – anh nói giọng đầy tự hào.
Video đang HOT
Anh Hồ Văn Poan – Phó trưởng Công an xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế – dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 Ảnh: QUANG NHẬT
Là cán bộ ở một xã còn nghèo khó, dân trí thấp do hậu quả của chiến tranh, anh Poan lúc nào cũng có ý thức học tập để nâng cao trình độ. Poan kể rằng do trước đây, học hành chưa tới nơi tới chốn nên nhiều lúc công việc bế tắc, giải quyết cho dân không suôn sẻ.
“Nhiều cuộc hội thảo, cán bộ cấp trên phát tài liệu, mình cầm đọc mà thấy lùng bùng cái đầu, khó hiểu lắm. Hay khi dân đến làm thủ tục, đôi lúc mình cũng chạy xắn lên, tìm người này người khác để nhờ giải thích phải làm như thế nào” – Poan kể. Giờ đây, khi đã có tấm bằng tốt nghiệp THPT, anh Poan tự tin sẽ đảm nhận được công việc tại địa phương và sẽ tính đường học lên trung cấp, cao đẳng nhằm phục vụ người dân tốt hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên – cũng không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn khi còn trẻ. Năm 1989, ông Hòa tốt nghiệp THPT nhưng vì gia đình khó khăn, ông ở nhà làm nông và xin vào làm một chân chuyên viên ở xã rồi kế toán xã. Năm 2009, nghe phong thanh về việc chuẩn hóa cán bộ xã, phường, ông vội vàng đăng ký thi và ngày 2 buổi đạp xe vào TP Tuy Hòa học lớp ĐH tài chính kế toán tại chức do Trung tâm GDTX Phú Yên liên kết với Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM mở. Hơn 2 năm sau đó, ông nhận tấm bằng ĐH và được bầu vào chức phó chủ tịch UBND xã. Trong lần đại hội Đảng bộ xã vừa qua, nhờ đạt chuẩn về trình độ mà cái ghế phó chủ tịch xã của ông không bị lung lay. “Nói thiệt, lớn rồi đi học, nhiều người ngại là phải. Vợ réo, con đòi mà cũng khó tiếp thu hơn. Tuy nhiên, muốn làm cán bộ thì phải học. Không học nghĩa là anh chấp nhận bị loại” – ông Hòa tâm sự.
Cán bộ xài bằng “dỏm” đi học lấy bằng thật
Nhiều cán bộ sau khi bị phát hiện sử dụng bằng giả hoặc khai khống về bằng cấp đã bị kỷ luật nhưng vẫn được tạo điều kiện đi học thêm để tốt nghiệp THPT.
Huyện ủy Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông vừa phát hiện 10 cán bộ xã Quảng Tân mua bằng THPT giả để được thăng quan tiến chức. Những người này sau đó đã tự nguyện rút khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ và không tham dự đại hội Đảng bộ xã Quảng Tân nhiệm kỳ 2015-2020. Sắp tới, huyện ủy sẽ có hình thức kỷ luật, không bố trí họ vào cán bộ chủ chốt của xã; đồng thời khuyến khích họ đi học lại.
“Họ đã có nhiều đóng góp cho địa phương, tự nguyện rút lui và thành khẩn nhận sai phạm… nên không chuyển hồ sơ sang cơ quan công an” – ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, nói.
Ông A. – chủ tịch UBND một xã ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam – vào năm 2014 từng bị kỷ luật cảnh cáo vì dùng bằng THPT giả. Tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động, ông A. thừa nhận khi học đến lớp 11, do điều kiện gia đình nên phải nghỉ học. Sau đó, ông được anh trai “cho một cái bằng tốt nghiệp THPT nhưng không biết đó là bằng giả”. Thế là ông dùng bằng này đi học tại Trường ĐH Nông Lâm Huế và lấy bằng ĐH từ năm 1998. Năm 2011, ông được bầu làm chủ tịch UBND xã cho đến nay.
“Mình không biết đó là bằng giả nên mới dùng bằng đó để đi học ĐH” – vị chủ tịch xã phân trần.
Ông này cũng chia sẻ hiện tại đã học xong chương trình lớp 11 và đang tiếp tục hoàn thiện chương trình lớp 12 tại một Trung tâm GDTX ở Quảng Nam. Một điều đáng ngạc nhiên là khi được hỏi, nhiều cán bộ xã nơi vị chủ tịch này công tác cho biết ông A. điều hành công việc tương đối tốt. Bộ mặt của xã ngày càng thay đổi từ khi ông làm chủ tịch. Nhiều người dân cũng nhận xét vị chủ tịch xã này gần dân, giải quyết công việc của dân phản ánh một cách rốt ráo.
“Thú thực, khi cơ quan biết chuyện thì mình cũng bị áp lực lắm. Dù không ai nói trực tiếp nhưng mình biết cũng có người nói ra nói vào. Vừa rồi đại hội, mình định xin nghỉ để mình hoàn thiện bằng cấp rồi tính tiếp nhưng anh em vẫn tin tưởng, đề nghị tiếp tục làm chủ tịch xã” – vị cán bộ này trần tình.
Bằng thật còn chẳng ăn thua…
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An – thừa nhận cán bộ đi học bổ túc văn hóa tại trung tâm do kiến thức hạn chế nên tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất thấp. Trong khóa học bổ túc văn hóa THPT 2006-2009 ở trung tâm này có đến 123/141 học sinh không đỗ tốt nghiệp.
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, nhận định cán bộ cấp xã hiện nay phần lớn có trình độ trung cấp, nếu có bằng ĐH thì cũng là tại chức, trong khi khối lượng, tính chất công việc ở cấp xã rất nặng nề. “Nhiều người có bằng cấp thật, được đào tạo một cách bài bản còn làm không xong, nói gì đến bằng cấp giả” – ông Hùng nhận định.
Theo NLĐO