Muốn đổi mới phải dùng “thuốc đắng”
Trước những công bố mới nhất của Bộ GD-ĐT về thay đổi trong cách ra đề thi môn Ngữ văn, đồng thời giảm thời lượng làm bài còn 120 phút, nhiều ý kiến xin hoãn đã được phản ánh với Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định muốn thay đổi thì phải dùng “thuốc đắng”.
- Đổi mới về đề thi năm nay khiến cả thầy và trò đều khó trở tay. Thứ trưởng giải thích thế nào về việc thay đổi khi kỳ thi sẽ diễn ra trong vài tuần nữa?
- Không phải bây giờ Bộ mới đặt ra vấn đề đổi mới. Chúng tôi đã có hướng dẫn cụ thể trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học, với tất cả các môn, không riêng môn Ngữ văn. Tuy nhiên, các môn khoa học xã hội – trong đó có môn Ngữ văn – được chú trọng hơn. Đây là yêu cầu đã được nói trước, nhắc đến nhiều – đúng hơn là nhắc nhiều năm gần đây rồi. Và chúng ta đã có nhiều hội thảo trao đổi về việc này. Vậy nên nói gây xáo trộn bất ngờ với học sinh, giáo viên là không đúng.
Ngoài ra, đã coi kiểm tra đánh giá là khâu đột phá thì có nghĩa là, kiểm tra đánh giá phải đi trước một bước để áp dụng thực tiễn, nếu thầy cô dạy chưa đúng thì cần điều chỉnh cho đúng với mục tiêu. Tôi khẳng định kiểm tra đánh giá phải đi trước, không thể chiều theo thầy cô nào, học sinh nào cố tình học theo kiểu cũ, đòi hỏi kiểm tra theo kiểu cũ để hợp với quá trình dạy – học.
- Được biết môn thi Ngữ văn sẽ bao gồm phần đọc hiểu và làm văn, đây có phải là cấu trúc chính thức của đề thi môn này?
- Trước hết tôi phải khẳng định, vài năm trở lại đây, Bộ GD-ĐT không đưa ra cấu trúc đề thi và năm nay cũng vậy. Hiện tại chúng tôi chỉ có khái niệm ma trận đề thi mà thôi. Thật ra không có thay đổi gì lớn mà là quán triệt đúng hơn với mục tiêu dạy học và quán triệt sát sao hơn với những điều Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn lâu nay. Kiểm tra đọc hiểu là một yêu cầu bắt buộc của môn Ngữ văn và điều này được thực hiện từ tiểu học, đến trung học, việc dạy năng lực đọc hiểu cũng chiếm tỷ trọng lớn trong thời gian cũng như kết cấu nội dung của bộ môn Ngữ văn.
Cách ra đề mới yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức nhiều hơn
- Nhiều giáo viên băn khoăn không biết đề thi Ngữ văn sẽ có phần nằm ngoài sách giáo khoa, thưa Thứ trưởng?
Video đang HOT
- Việc hiểu về đề thi môn Ngữ văn không thoát khỏi các tác phẩm được đưa vào trong nhà trường là không đúng, là hạn chế. Chương trình yêu cầu học sinh phải đạt được năng lực, kỹ năng nhất định, không có nghĩa là học tác phẩm nào thì thi tác phẩm đó, mà thông qua những tác phẩm đó thì năng lực đọc hiểu của học sinh tới đâu, năng lực cảm thụ văn học tới đâu, chứ không phải kiểm tra nhớ được tác phẩm đó tới đâu.
- Về việc rút ngắn thời gian làm bài xuống còn 120 phút cũng khiến giáo viên lo ngại học sinh chưa được chuẩn bị đủ kỹ năng làm bài?
- Tôi xin nhấn mạnh, thay đổi ở đây chính là quán triệt mục tiêu dạy học. Ma trận đề thi sẽ yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức nhiều hơn. Với việc rút ngắn thời gian làm bài thì dung lượng cũng sẽ phù hợp hơn cho học sinh làm bài, không chỉ môn Văn mà đối với môn khác khi có sự thay đổi về thời gian thì phải đảm bảo yêu cầu đó. Đề thi phải vừa sức với bậc phổ thông.
- Vậy còn băn khoăn giữa yêu cầu ra đề mở nhưng đáp án và người chấm lại không “mở”?
- Chắc chắn trong đề thi sẽ có câu hỏi theo hướng mở, tuy nhiên vẫn phải có chuẩn như chuẩn về đạo đức, chuẩn về giá trị sống. Tuy nhiên, không thể để học sinh đem bài văn mẫu vào chép mà vẫn được điểm tối đa.
Theo TNO
Bộ GD-ĐT tiết lộ chiêu ôn luyện đề văn theo kiểu mới
"Giữa đáp ứng mục tiêu với an toàn, thi đỗ 100% thì Bộ ưu tiên đề thi đáp ứng mục tiêu dạy học".
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 môn ngữ văn tại hội thảo"đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông" diễn ra ngày 10/4 .
Chốt cho thi tốt nghiệp
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã "thống nhất" với các đại diện của các Sở GD-ĐT trong cà nước một số nội dung cụ thể liên quan đến đề thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Ông Hiển cho biết "Sẽ không nói chuyện cấu trúc đề thi nữa. Không chấp nhận việc giáo viên đòi cấu trúc mà không biết ma trận đề là gì".
Về hình thức đề thi, theo ông Hiển sẽ có phần đọc hiểu và phần viết, để đánh giá năng lực tổng hợp, kiến thức kỹ năng, cách sử dụng kiến thức kỹ năng trong cuộc sống của học sinh.
"Đề thi có 2 hay 3 câu hỏi không quan trọng. Nội dung nghị luận xã hội và nghị luận văn học có thể là hai câu riêng, nhưng cũng có thể là một câu, miễn là đáp ứng với ma trận đề.
Phần ngữ liệu đọc hiểu không lấy trong sách giáo khoa. Phần ngữ liệu này sẽ vừa với học sinh: dài vừa phải, số lượng câu phức và câu đơn hợp lý, không có nhiều từ địa phương để học sinh cả nước đều có thể hiểu văn bản, cân đối giữa nghĩa đen và nghĩa bóng...
Với phần viết là câu hỏi mở, nhưng có chuẩn. Khó nhất là tư tưởng, đạo đức đến mức độ nào, còn thì vẫn có chân giá trị, giá trị sống để làm chuẩn" - đây là những thông tin về đề thi mà ông Hiển công bố.
Cũng theo ông Hiển, bài văn có hai giá trị: Giá trị thông điệp - nói thế nào để người khác hiểu được, và giá trị thứ hai là sự trong sáng của tiếng Việt - dấy chấm phẩy, câu cú, từ ngữ... Sau đó mới là cảm xúc, sự sáng tạo.
Trước những lo sợ về việc ra đề theo kiểu mới sẽ khiến đa phần giáo viên giáo viên không đủ năng lực chấm được bài văn của học trò, ông Hiển ví von "Qua sông thì phải luỵ đò, chưa qua đã sợ có ngày chết oan".
"Giáo viên chưa biết ra đề, chấm đề mở thì sẽ tập huấn, bồi dưỡng để quen dần. Chấm không chính xác nhưng tiếp cận mục tiêu còn hơn chấm chính xác mà xa rời mục tiêu" - ông Hiển nhấn mạnh yêu cầu đối với việc kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn.
Chiêu luyện cho học sinh
Trước những băn khoăn của giáo viên văn cả nước vè việc ôn tập cho học sinh theo hướng ra đề mới, ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, đã gợi ý giáo viên tập trung vào một số nội dung.
Về năng lực tiếp nhận văn bản - phần Đọc hiểu, theo ông Thống, thứ nhất là phải ôn cho học sinh thế nào là đọc hiểu văn bản: Nội dung chính, thông tin quan trọng, ý nghĩa của văn bản. Thứ hai là phải hiểu từ ngữ, cú pháp, chấm câu, hình thức biểu tượng, ký hiệu ngôn ngữ... Ví dụ như hỏi một từ trong đoạn văn đó có ý nghĩa gì cũng là một cách kiểm tra đọc hiểu.
Thứ ba là nhận ra và thấy tác dụng của một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản, không chỉ là các biện pháp tu từ. Học sinh không chỉ phát hiện ra mà còn thấy được tác dụng của biện pháp nghệ thuật, cao hơn là nêu được ý nghĩa giá trị của văn bản đó chứ không chỉ nội dung chính.
Tiếp theo là ôn cho học sinh về kỹ năng đọc hiểu: Cách hiểu có đúng không, phương pháp hiểu văn bản. Và hướng học sinh tới cảm xúc, cảm tưởng sau đọc hiểu văn bản. Về phần tạo lập văn bản - phần Viết, ông Thống cho biết giáo viên cần chú ý ôn luyện cho học sinh trước hết phải có tri thức về văn bản - kiểu đoạn, cấu trúc, quá trình nhận thức đúng nhiệm vụ và yêu cầu của đề bài.
Trang bị cho các em khả năng viết các loại văn bản phù hợp với đối tượng, tình huống giao tiếp. Viết để làm gì, viết cái gì, viết như thế nào. Ông Thống nhấn mạnh: "Cho dù đề thi mở, khuyến khích sáng tạo nhưng vẫn có những nguyên tắc, quy chuẩn của văn chương trường ốc, có căn cốt của kỹ năng cơ bản. Không có đề mở nào mà đến mức độ viết lung tung được. Đề mở, nhưng là mở phù hợp với trình độ học sinh".
Theo Vietnamnet
Thi tốt nghiệp THPT: Sẽ đưa văn bản ngoài SGK vào đề văn Trao đổi với phóng viên Thanh Niên hôm qua 8.4, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT đã nói rõ hơn về cách đổi mới ra đề môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Học sinh lớp 12 Trường trung học thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)...