Muốn có “học bạ thật” thì nên bỏ cơ cấu 30% trong điểm xét tốt nghiệp
Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền nêu quan điểm rằng, hoặc có kẽ hở trong quản lý điểm học bạ hoặc đang thiếu sự liêm chính trong hệ thống giáo dục.
Gần đây vấn đề giữ lại hay bỏ 30% cơ cấu điểm học bạ trong xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông được nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý trong ngành giáo dục tranh luận nhiều.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền – thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận khi chúng ta dùng khái niệm “phao cứu sinh” để ám chỉ dùng điểm học bạ để xét tốt nghiệp trung học phổ thông có nghĩa là điểm số trong học bạ thiếu độ tin cậy.
Trong khi, học bạ chính là hồ sơ đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong suốt quá trình học tập, đáng ra nó phải là tấm gương phản chiếu trung thực nhất những điểm yếu, điểm mạnh của người học qua đó giúp thầy cô, nhà trường, cả hệ thống giáo dục có những điều chỉnh phù hợp để phát huy những điểm mạnh, hạn chế những mặt yếu về phẩm chất và năng lực của người học nói riêng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung.
Ảnh minh họa: Thùy Linh
“Nếu như học bạ được phục vụ cho những động cơ ngoài những mục đích căn bản đó thì chắc chắn chúng ta đang tạo ra những sản phẩm giáo dục giả dối, và nguy hiểm hơn nó làm ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực tương lai của một quốc gia”, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền nhận định.
Vậy câu hỏi đặt ra tại sao dư luận xã hội lại hoài nghi về điểm số trong học bạ và nguyên nhân nào khiến điểm số trong học bạ lại bị nhiều người ví là “phao cứu sinh” chứ không phải là một căn cứ tin cậy trong việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông?
Giải đáp băn khoăn này, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền nêu quan điểm rằng, hoặc có kẽ hở trong quản lý điểm học bạ hoặc đang thiếu sự liêm chính trong hệ thống giáo dục.
Video đang HOT
Bởi lẽ theo vị này, ở những quốc gia có nền giáo dục phát triển và môi trường giáo dục liêm chính thì việc dùng điểm học bạ để xét tốt nghiệp như là một lựa chọn có cơ sở khoa học để đánh giá đúng năng lực và phẩm chất của người học. Nước Úc là một ví dụ, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh được cấu thành từ 2 thành phần điểm đó là 50% điểm của học bạ dựa trên điểm kiểm tra của các môn trong 4 kỳ của bậc trung học phổ thông với 50 % điểm của kỳ thi cuối lớp 12.
Chưa kể, khi ban hành chính sách cộng điểm học lực lớp 12 vào điểm thi tốt nghiệp, lúc đầu là 50%, sau giảm xuống 30%, điều này minh chứng cho việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thiếu tin cậy trong việc sử dụng điểm học bạ để xét tốt nghiệp.
“Chừng nào chúng ta tạo ra một môi trường giáo dục liêm chính nơi mà trò phải ra trò, thầy phải ra thầy. Môi trường giáo dục đó phải lấy các giá trị chân, thiện, mỹ làm mục tiêu hướng tới cho đào tạo con người, là nơi đề cao các giá trị nhân bản, nhân văn hướng tới phục vụ cho cộng đồng cho nhân loại.
Nhà trường phải là nơi học sinh có cơ hội để phát huy hết những tài năng của mình và được quyền theo đuổi đam mê, đồng thời cũng là nơi tôn vinh các giá trị con người, đề cao phẩm chất và thúc đẩy tài năng chứ không phải chăm chăm vào thành tích, điểm số thi khi ấy mới nói đến “học bạ thật”", chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, dư luận lo ngại việc nâng và sửa điểm học bạ đã râm ran từ vài năm nay rồi kể từ khi có chính sách cộng 50% rồi sau là 30% điểm học lực theo học bạ lớp 12 vào điểm thi tốt nghiệp.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh lý giải: “Lẽ ra nên bỏ chính sách này nhưng rất tiếc cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi ban hành chính sách cộng điểm học lực lớp 12 vào điểm thi tốt nghiệp đã không nghiên cứu thấu đáo, đến khi chính sách đi vào thực tế lại cũng không có đánh giá tác động của nó đến việc học thật và dạy thật thế nào nên “thích” thì 50% mà không “thích” 50% thì nhích xuống 30% một cách tùy tiện sao không phải 35 hay 40% hoặc 20, 25%. Ít có quốc gia nào làm chính sách như vậy.
Một khi hạ xuống 30% điểm học lực năm lớp 12 để cộng vào điểm tốt nghiệp thì như một lẽ tự nhiên một bộ phận giáo viên có thể sẽ nâng mạnh điểm học lực lên để bù vào cái 20% mất đi kia của năm trước cộng những 50% để năm sau không tụt tỷ lệ tốt nghiệp so với năm trước. Kết quả là xu hướng lạm phát điểm học bạ gia tăng”.
Việc cho điểm đánh giá học lực trung học phổ thông chắc chắn sẽ khó có một chuẩn thống nhất giữa các giáo viên, ở các trường và trên các vùng miền khác nhau.
Ở đâu, trường nào giáo viên làm nghiêm túc thì có thể học sinh sẽ thiệt thòi hơn so với những nơi dễ dãi trong đánh giá học lực nếu lấy học bạ làm chuẩn xét tuyển. Điều đó gây ra sự mất công bằng trong xét tuyển vào đại học.
“Việc dựa vào một cái tưởng là chuẩn nhưng không chuẩn sẽ mất chuẩn và gây ra các hệ lụy tiêu cực khác. Kết quả xét tốt nghiệp có 30% điểm học bạ nên việc trượt tốt nghiệp trung học phổ thông có khi khó hơn đi lên trời. Một hệ lụy tiêu cực khác nữa cần chú ý tới là học sinh rất có thể phải đi học thêm ở nhà những giáo viên phụ trách môn học xét tuyển để cho đẹp học bạ và việc dẹp bỏ học thêm lại có điều kiện trỗi dậy mạnh hơn”, vì này nêu thực tế.
Mặt khác, ông Vinh cho rằng do có sự đánh giá thiếu nghiêm túc mà ảnh hưởng đến xu hướng chọn lựa con đường học tập của một số thí sinh do nhầm tưởng mình học lực khá để vào đại học thay vì các em biết sức học thật của mình chuyển đi học nghề thì cơ hội thành công có thể cao hơn. Lỡ vào học vài năm sức học đuối lại bị ra khỏi trường đại học hoặc lưu ban (nếu trường đại học giữ nghiêm mức chất lượng) thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các em sau này và lãng phí sức người, tiền của và chi phí cơ hội.
Do đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng nên bỏ quy định 30% điểm học bạ trong xét tốt nghiệp.
Ý tưởng về ma trận đề thi chung sẽ rất khả quan nếu Bộ Giáo dục tích cực làm
Việc có ma trận đề thi chung trong kiểm tra đánh giá định kỳ của các địa phương sẽ đảm bảo tính công bằng giữa các địa phương.
Sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm học 2020-2021, dư luận lại bàn tán xôn xao về cơ cấu điểm học bạ trong việc xét tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ cấu điểm học bạ chiếm 30% trong điểm xét tốt nghiệp là vấn đề cần xem lại. Bởi nếu công tác quản lý học bạ không tốt còn dễ nảy sinh tiêu cực, tạo ra sự không công bằng giữa các địa phương với nhau khi sẽ có nơi đánh giá định kỳ dễ để điểm học bạ đẹp từ đó giúp tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao lên.
Qua các ý kiến trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, các chuyên gia, nhà quản lý đã nhắc đến ý tưởng của Vụ giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) từng đề xuất về việc tổ chức ma trận đề thi chung cho cả nước trong các bài kiểm tra định kì. Rồi sau đó, các tỉnh căn cứ vào ma trận của Bộ giáo dục để triển khai thành một đề thi riêng, cụ thể ở trường mình. Tuy nhiên, ý tưởng đó chưa được triển khai.
Ông Cao Đình Thưởng - Đại biểu Quốc hội khóa 14. Ảnh: Quochoi.vn
Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Đình Thưởng - Đại biểu Quốc hội khóa 14 cho rằng: "Về tính khả thi của ý tưởng này theo tôi, nếu "tích cực" hơn thì Bộ Giáo dục có thể triển khai được. Nói như vậy là bởi vì, chúng tôi cũng có nhiều trăn trở về tiến độ thực hiện của các chương trình khác của Bộ, như chương trình biên soạn sách giáo khoa chẳng hạn.
Đáng lý ra, việc viết một bộ sách giáo khoa chuẩn là trách nhiệm của Bộ Giáo dục, nhưng lại giao việc này cho các nhà xuất bản, giao cho tư nhân. Mà cốt lõi ở đây, giáo dục là quốc sách hàng đầu, Bộ phải chủ động.
Còn theo tôi, việc ra một bộ đề thi chung này nếu được Bộ quan tâm và có hướng dẫn, chỉ đạo sát sao thì các tỉnh, các trường có thể góp sức. Trong đó, Bộ đương nhiên phải đóng vai trò chủ động. Ý tưởng này tôi đánh giá rất khả quan.
Tuy nhiên, trong chuyện này cần cho các tỉnh, các trường và những đơn vị thực hiện xác định rõ mục tiêu của việc "thi để làm gì?". Vì nếu thi chỉ để lấy bằng tốt nghiệp cấp 3 thì các trường họ cũng có thể biết được là nên ra đề thi như thế nào.
Thậm chí, qua một đợt thi mà kết quả đỗ tốt nghiệp cấp 3 của một tỉnh đạt đến gần 100%, nhưng kết quả ấy lại không phản ánh đúng thực tế thì việc tổ chức thi theo phương án nào cũng chỉ là hình thức.
Việc có ma trận đề thi chung trong kiểm tra đánh giá định kỳ của các địa phương sẽ đảm bảo tính công bằng giữa các địa phương. Phương án này sẽ giúp một đề thi của tỉnh hoặc trường chọn phân định được ra những câu hỏi dành cho học sinh học lực trung bình yếu, trung bình và các học sinh khá giỏi.
Nếu học sinh nào không làm đề ở trình độ cao sẽ được điểm ít, còn ai làm được tất cả thì chứng tỏ học sinh đó giỏi hơn. Điều này có thể đảm bảo được sự khách quan trong đánh giá thực lực học sinh, từ đó điểm số trong học bạ giữa các địa phương sẽ công bằng hơn".
Ông Cao Đình Thưởng chia sẻ thêm "Theo tôi, trong giáo dục của nước ta đang có nhiều cái vướng mắc, nhất là sự luẩn quẩn về vấn đề thi cử. Hơn nữa, trong thời buổi hiện nay có thể nhận thấy, động cơ học tập khi cho con đi học mà nhiều phụ huynh đưa ra để trả lời cho câu hỏi "học để làm gì?" thì chủ yếu sẽ là "học để thi đại học!".
Cho nên, việc này vô tình tạo ra sự khó khăn cho các cơ quan quản lý giáo dục trong việc phân luồng học sinh. Điển hình nhất có thể thấy đó là nhiều học sinh xét về thực lực thì không xứng đáng vào đại học nhưng vẫn vào đại học ầm ầm, thậm chí là có thể trúng tuyển nhiều trường một lúc.
Việc các học sinh vào đại học quá dễ sẽ dẫn đến việc, sau này đầu ra sẽ có chất lượng kém. Ngoài ra, số lượng sinh viên học xong đại học không có việc làm rất nhiều là hệ luỵ của việc trường đại học mở ra tràn lan.
Hiện tại tôi thấy nhiều trường đại học chỉ cần tốt nghiệp cấp 3, đem học bạ lớp 12 đi đăng ký xét tuyển là có khả năng vào đại học rất cao như hiện nay là điều đáng báo động. Ồ ạt đào tạo, vào đại học quá dễ, trong khi nhu cầu thực tế và chất lượng đào tạo có thực sự đáp ứng được nhu cầu sử dụng xã hội. Đó là những điều khiến chúng ta không thể không lo lắng ".
Đối sánh giữa học và thi: Học bạ được 'làm đẹp' Bộ GDĐT vừa công bố báo cáo so sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn của từng địa phương. Theo đó, trung bình điểm thi của hầu hết các môn đều thấp hơn điểm trung bình ghi trong học bạ. Đáng lưu ý có sự chênh lệch lớn ở...