Muốn có hạt giống đỏ cần có những vườn ươm
Trong số 120 học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS tiêu biểu, xuất sắc vừa được tuyên dương tại Thủ đô Hà Nội, có hơn 80% các em là học sinh của khối các trường chuyên, trường nội trú và trường vùng cao Việt Bắc. Con số này đang phản ánh, môi trường giáo dục tốt là điều kiện cơ bản để các em học sinh DTTS có cơ hội phát triển và tỏa sáng.
Trưởng thành từ “ngôi nhà thứ 2″
Lên với các ngôi trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT), cảm nhận đầu tiên đó là môi trường học tập chỉnh chu, quy củ. Nơi ấy, thầy cô vừa làm công tác giảng dạy, vừa là người cha, người mẹ, người anh quan tâm, chăm sóc học sinh. Mỗi học sinh cũng xem ngôi trường như “ngôi nhà thứ 2″ của mình – nơi các em học tập, sinh hoạt suốt cả tháng, thậm chí cả học kỳ – mới đến lịch về thăm bố mẹ.
Giờ học võ thuật của học sinh người DTTS Trường Phổ thông dân tộc nội trú Di Linh
Đặc biệt hơn, trái với suy nghĩ: Học sinh người DTTS thường nhút nhát, e thẹn… học sinh ở những trường nội trú, trường chuyên, dù là con em đồng bào Thái, Mông, Dao, Ơ Đu hay Cờ Ho đều rất vui vẻ, tự tin, hòa đồng với bạn bè, thầy cô. Từ bản làng heo hút, khó khăn, được xuống học tập trung ở những ngôi trường xây cất khang trang, trang thiết bị học tập đầy đủ, các em không chỉ rèn giũa tính tự lập, tinh thần chủ động mà còn có nền tảng để xây đắp ước mơ, hoài bão.
Chuyện của thầy K’ Bras – giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) mà tôi từng tiếp xúc là một minh chứng. Khi còn nhỏ, cậu bé người dân tộc Cờ Ho nhỏ thó, nhút nhát K’ Bras chưa từng nghĩ có ngày lại đi ra khỏi thôn Ka La (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh). Thật may mắn, năm học lớp 6, K’Bras được lên học ở Trường PTDTNT Di Linh. Đây chính là cơ hội để cậu bé K’Bras được tiếp xúc với môi trường học tập mới và mạnh dạn có những mơ ước lớn cho cuộc đời.
“Ban đầu tôi cũng rất e ngại, vì đang quen ở cùng gia đình dưới thôn làng. Nhờ có các thầy cô quan tâm, chỉ bảo; điều kiện học tập, sinh hoạt ở trường cũng rất tốt…nên tôi đã nhanh chóng thích nghi. Dần dần tôi trở lên tự tin, bạo dạn và yêu thích việc học tập hơn rất nhiều” – thầy K’Bras nhớ lại. Cũng bởi yêu ngôi trường, biết ơn những năm tháng thầy cô đã nâng cánh ước mơ cho mình nên chàng thanh niên K’ Bras đã chọn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và trở về giảng dạy, truyền cảm hứng cho các học sinh người DTTS ở chính ngôi trường mà thầy đã từng theo học.
Ươm hạt giống đỏ
Đến nay, tại 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Trường PTDTNT. Tất cả 53 DTTS đều có con em theo học tại các ngôi trường này. Với số lượng tuyển có hạn, tiêu chuẩn lựa chọn là thanh niên, thiếu niên là người DTTS có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; có học lực trung bình trở lên… không phải học sinh nào cũng có thể theo học ở những ngôi trường này. Bù lại, nếu được học tại các trường PTDTNT, các em không chỉ được ăn, ở, sinh hoạt trong khu nội trú và được hưởng các chế độ ưu tiên, ưu đãi theo quy định của Nhà nước; mà còn được học tập ở các phòng học kiên cố, với các thầy cô giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề. Đây cũng là lý do khiến nhiều phụ huynh người DTTS rất tự hào khi có con em theo học ở các ngôi trường này. Với nhiều em học sinh, trường PTDTNT cũng chính là cái nôi để các em có điều kiện phát huy năng lực, kiến thức; trở thành những hạt giống đỏ đóng góp trí tuệ xây dựng bản, làng.
Thực tế cũng đã cho thấy, kết quả các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia những năm gần đây không ít giải Nhất, Nhì học sinh DTTS tại các ngôi trường PTDTNT ở các tỉnh miền núi, đặc biệt là Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc. Cùng với đó, số lượng học sinh là con em đồng bào DTTS học giỏi 3 năm liền, thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng trên cả nước cũng ngày càng nhiều. Ngoài các em trưởng thành từ những trường chuyên, trường năng khiếu; còn lại đa phần là học sinh đến từ trường PTDTNT các tỉnh. Thậm chí, nếu không có trường PTDTNT, nhiều em có lẽ đã không thể theo học lên cao. “Nhà em là hộ nghèo, có 3 anh em cùng đi học, bố mẹ cố lắm mới cho các con theo học được hết lớp 9. Năm lớp 10, nhờ được vào trường nội trú em mới có điều kiện để học hết cấp 3, rồi thi đỗ vào Trường Đại học Biên phòng. Không có sự ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước, học sinh nghèo ở vùng sâu, xa như chúng em, không biết sẽ ra sao?” - em Giàng A Thắng (làng Vùa 2, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) chia sẻ.
Video đang HOT
Phương Tú
Theo congthuong.vn
Dù khó khăn đến mấy, tôi vẫn quyết tâm bám trường!
Gần 10 năm gắn bó với ngôi trường vùng cao của Quảng Ninh, cô giáo Hoàng Thị Phương đã nỗ lực cố gắng, vượt khó bám trường, dành hết tình yêu cho con trẻ.
Qua sự giới thiệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Chẽ, chúng tôi tới điểm trường Tân Tiến thuộc Trường Mầm non Đồn Đạc, xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) để gặp cô giáo Hoàng Thị Phương.
Dáng người nhỏ nhắn, cô Phương tiếp chúng tôi khi chuẩn bị kết thúc một giờ dạy học cho các bé lớp 3 tuổi tại trường.
Cô giáo Phương chia sẻ: "Tôi sinh năm 1986, xây dựng gia đình từ năm 2010, đã có 2 con.
Cháu thứ hai không may bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh, nên hằng tháng vợ chồng tôi đều phải cho cháu đi truyền máu thải sắt định kỳ tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Hiện nay, tôi đang ở nhờ nhà ông bà ngoại tại Ba Chẽ để tiện công tác, chồng tôi ở Tiên Yên làm lao động tự do nên cuối tuần mới về.
Tới thời điểm này, tôi cũng đã gắn bó với nghề giáo viên và dạy học tại trường mầm non Đồn Đạc được gần 10 năm".
Cô giáo Hoàng Thị Phương dạy vẽ cho trẻ (Ảnh: CTV)
Theo cô Phương, Trường Mầm non Đồn Đạc có 11 điểm trường, khoảng cách giữa các điểm khá xa.
Khi về công tác tại trường, cô giáo Phương đã được phân công dạy học ở nhiều điểm trường có điều kiện đi lại khó khăn.
Nhiều khi giáo viên phải vượt rừng để vận động người dân cho con đi học, nhưng bởi tình yêu trẻ nhỏ nên cô vẫn quyết tâm "bám nghề".
Cô giáo Phương luôn tâm niệm, là giáo viên mầm non, đã dấn thân vào nghề thì cái tâm luôn phải đặt lên hàng đầu.
Giáo viên phải là người mẹ của trẻ, phải chăm sóc, yêu thương trẻ như con của mình.
Vì vậy, cô luôn trăn trở trước hàng loạt những vụ bạo hành trẻ tại các trường mầm non trong thời gian gần đây.
Thực tế, còn rất nhiều thầy cô tâm huyết, có chuyên môn, coi học sinh như những đứa con của mình.Tuy nhiên, cô cho rằng những sự việc này chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" trong môi trường sư phạm.
Cô Phương cũng khẳng định trong những trường hợp như thế, nếu không có bản lĩnh vượt qua, người giáo viên rất dễ sa vào những việc vi phạm đạo đức nghề giáo.
Cũng theo cô giáo Phương, bậc học mầm non chính là cánh cửa đầu tiên trong quá trình hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ.
Do đó, mỗi giáo viên mầm non không chỉ đơn thuần là cô giáo, mà còn phải là mẹ, là bác sĩ, ca sĩ, họa sĩ, là tấm gương sáng cho trẻ noi theo.
Vì vậy, trong mỗi trang giáo án, cô Phương luôn trăn trở, đầu tư tâm huyết xây dựng bài giảng, lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, tạo lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái cho các em qua mỗi tiết học.
Cô Phương cũng luôn quan tâm, sâu sát từng học sinh để nắm bắt tâm lý, tính cách, sở thích của mỗi em, từ đó lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp, hài hòa.
Cô giáo Hoàng Thị Phương tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ mầm non. (Ảnh: CTV)
Chị Hoàng Thị Hiên (trú tại thôn Làng Mô, xã Đồn Đạc) là phụ huynh có con đang học tại Trường Mầm non Đồn Đạc, chia sẻ:
"Cô Phương là một giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, vất vả, vừa phải lo toan cuộc sống, vừa phải chăm lo cho người con không may bị mắc bệnh hiểm nghèo.
Tôi rất yêu quý cô Phương. Cháu nhà tôi được cô chăm sóc, dạy dỗ rất ngoan. Nhờ có cô quan tâm, yêu thương mà cháu rất thích đến trường".
Nhận xét về cô giáo Phương, cô giáo Đoàn Thị May, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồn Đạc cho biết:
"Tuy là giáo viên trẻ nhưng cô Phương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong công việc luôn thể hiện tình yêu nghề, mến trẻ, có chuyên môn vững vàng, sáng tạo, nhiệt tình, luôn ôn hòa với đồng nghiệp, được phụ huynh, giáo viên và các em nhỏ yêu quý.
Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng của bản thân, nhiều năm liền cô Phương đều được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và giáo viên dạy giỏi cấp huyện".
TUẤN KIỆT
Theo giaoduc.net
Lưu ý những nội dung quan trọng trong tuần sinh hoạt đầu năm học mới Sở GD&ĐT Gia Lai hướng dẫn các đơn vị tổ chức "Tuần sinh hoạt đầu năm" năm học 2019-2020. Ảnh minh họa/internet Theo đó, một số nội dung chính của hoạt động này được Sở GD&ĐT lưu ý có việc giới thiệu cho người học và gia đình nội dung cơ bản chương trình giáo dục, những hoạt động lớn của nhà trường...