Muôn ‘chiêu’ đóng góp kiểu thoả thuận đầu năm
Nhiều gia đình than phiền phải lo tiền triệu cho con mình đóng góp đầu năm học. Với gia đình công nhân, nông dân đây thực sự là gánh nặng.
Năm học mới 2015-2016 đã bước vào tuần thứ 2. Đến thời điểm này nhiều trường đã tổ chức họp phụ huynh đầu năm và công bố các khoản thu. Năm nay, dù ngành giáo dục ráo riết vào cuộc nhưng nhiều gia đình phải lo tiền triệu cho con mình đóng đầu năm học. Với các gia đình trung lưu thì không có gì đáng bàn, nhưng với những gia đình làm nông nghiệp, công nhân thì đây thực sự là “gánh nặng” đè lên vai.
Tân sinh viên ‘hoa mắt’ với các khoản phụ phí khi nhập học Cùng với niềm vui đỗ đại học, nhiều sinh viên đã “choáng” trước hàng loạt các khoản phí khi làm thủ tục nhập học tại trường.
Tại trường THPT Đ.T (Tây Hồ, Hà Nội), tất cả các khoản thu đầu năm được thông báo đến cha mẹ học sinh là 2.250.000 đồng (Hai triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng).
Sau buổi họp phụ huynh hôm cuối tuần trước, nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc vì mức thu của nhà trường. Chị L.V.H (phụ huynh học sinh) chia sẻ: “Tôi làm công nhân lương tháng được 4 triệu đồng. Cả gia đình tôi trông chờ vào suất lương ấy, còn bố các cháu thì đi làm những việc vặt vãnh, kiếm chác không đủ nuôi thân. Giờ 2 cháu học trong trường tôi phải đóng 4,5 triệu đồng thì lương của tôi không đủ. Trong trường cháu nhiều gia đình bố mẹ chỉ ở nhà làm nội trợ, bán hàng ngoài chợ thì lấy đâu ra tiền để trang trải khoản thu đầu năm học như thế này. Trong trường cháu đã có một số phụ huynh phản ứng không nộp tiền rồi”.
Cũng là một khoản thu tự nguyện, năm nay, nhiều trường trên địa bàn Hà Nội tiếp tục đưa ra bản thỏa thuận với các phụ huynh học sinh về “sổ liên lạc điện tử”. Mức thu dao động từ 20.000 – 40.000 đồng/tháng/cháu.
Các khoản thu ngoài qui định thường được đưa vào Biên bản thỏa thuận để cha mẹ học sinh ký. Nếu có khiếu kiện gì thì đây là sự thỏa thuận của hai bên.
Video đang HOT
Một phụ huynh có con đang học ở trường tiểu học của quận Hoàn Kiếm cho biết: “Khoản thu sổ liên lạc điện tử của trường con tôi là 40.000 đồng/tháng. Khoản thu này tôi thấy còn đắt hơn cả sử dụng dịch vụ điện thoại nhắn tin. Đáng ra, “điện tử” thì phải rẻ và thuận tiện hơn giấy thì mới nên dùng chứ thời buổi công nghệ thông tin rồi mà các dịch vụ sơ đẳng như thế này vẫn thu tiền cao ngất ngưởng như vậy”.
Đem thắc mắc này đi hỏi một chuyên gia công nghệ thông tin thì được tính toán sơ bộ thế này: Nếu thu 40.000 đồng/cháu thì một trường có 1.000 học sinh thì thu khoảng 40.000.000 đồng/tháng (bốn mươi triệu đồng). Loại tin nhắn này sử dụng phần mềm spam nên nhắn tin rất rẻ. Cứ cho giá 400 đồng/tin nhắn, 10-15 tin/tháng thì mỗi cháu hết khoảng 4.000-5.000 đồng/tháng là nhiều.
Năm nay, nhiều bậc phụ huynh phản ứng trước việc thu BHYT học sinh, sinh viên 15 tháng trong 1 lần đầu năm học. Sửa lại, Bộ GD-ĐT có công văn hướng dẫn thu 6 tháng/lần và yêu cầu các trường không thu thêm bất kỳ khoản bảo hiểm tự nguyện nào khác. Bộ GD-ĐT yêu cầu là vậy nhưng thực tế hầu như trường nào cũng thu thêm BH thân thể học sinh với giá 60.000 đồng/cháu.
Anh N.M.H (ở Mai Dịch, Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã đóng đầy đủ các khoản đầu năm học cho con nhưng lại thấy có thêm khoản BH thân thể học sinh, định không đóng nhưng thấy nhiều người đóng cho con chẳng lẽ mình lại không đóng”.
Ngoài ra, một số phụ huynh có con học trái tuyến ở Hà Nội cho biết, ngoài các khoản đóng góp chung, có trường còn thu thêm khoản tiền “trái tuyến” lên tới tiền triệu.
Còn nữa, những khoản thu đầu năm do các trường đặt ra cuối cùng thực thi là các cô giáo chủ nhiệm. Nhiều cô giáo chia sẻ họ cũng rất “khó ăn khó nói” với phụ huynh học sinh nhưng vì nhà trường đã “giao” chỉ tiêu cho từng lớp không thực hiện không được. May mắn thì gặp được các phụ huynh dễ tính, xuề xòa, bảo sao nộp vậy chứ gặp phải Ban phụ huynh “rắn” thì đến khổ.
Thế nhưng, với ban phụ huynh, nhiều người than phiền: Nhiều vị trong Ban phụ huynh có điều kiện kinh tế, với họ những khoản thu đầu năm không thấm tháp gì nên họ cũng “hùa theo” nhà trường để thu, thậm chí có những người thấy mức thu còn thấp, tiền còn hơi lẻ thì huy động thu thêm cho chẵn. May mắn cho lớp nào trưởng ban phụ huynh mà chân chất, chia sẻ một chút thì các phụ huynh khác được nhờ, vì họ tính toán, cân đối các khoản thu với mặt bằng chung của lớp, trường trên tinh thần hợp lý, tiết kiệm.
Như đoán được nội dung chính của kỳ họp đầu năm, nhiều lớp rất vắng phụ huynh đến họp vì họ biết rằng, đến lớp con những ngày này chỉ để đóng tiền và làm quen với cô giáo chủ nhiệm.
Vì sao năm nào câu chuyện lạm thu đầu năm học cũng được nhắc đến nhưng năm nào cũng “ nóng”? Một lý do ai cũng có thể dễ nhận thấy là dù có phát hiện ra việc lạm thu nhưng không ai bị xử lý nghiêm, không bị đuổi khỏi ngành, không bị truy cứu trách nhiệm… nên dù cơ quan quản lý có ra văn bản kiểu này kiểu khác để nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng vẫn không ai sợ.
Theo Vũ Hạnh/VOV
Nhà trường lên tiếng về tiền quỹ hơn 150 triệu đồng
Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3 cho biết, thông tin phản ánh "lạm thu" là không hợp lý.
Liên quan việc bị phụ huynh phản ánh lạm thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7 (TP HCM) và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3 (bị phản ánh) cho biết, nhiều thông tin phụ huynh phản ánh không hợp lý.
Theo thông tin của một phụ huynh lớp 1/3, Trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7 phản ánh với báo chí, số tiền mà mỗi phụ huynh ở lớp này phải đóng cho các hạng mục bổ sung cơ sở vật chất cũng như tiền khen thưởng và hỗ trợ các hoạt động cho học sinh trong năm học 2015-2016 là 3 triệu đồng.
Ngoài ra, còn khoản dự thu tạm gọi là "quỹ trường" với số tiền 400.000 đồng. Sĩ số lớp 1/3 là 47 học sinh. Nếu đúng với số tiền nêu trên, khoản thu này xấp xỉ 160 triệu đồng.
Tuy nhiên, bà Trần Thu Hương, Phó ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3, Trường tiểu học Võ Thị Sáu, cho biết, thông tin trên không hoàn toàn chính xác.
"Hình ảnh mà tờ báo đưa ra chỉ là tờ dự trù, không phải tờ chính thức của buổi họp phụ huynh hôm đó. Sau buổi họp, chúng tôi đã có điều chỉnh sau khi thống nhất ý kiến với các phụ huynh tại đó. Phụ huynh đưa thông tin lên truyền thông lại là phụ huynh không tham dự buổi họp ngày hôm đấy. Qua sự việc lần này, chúng tôi nhận thấy mình phải trao đổi phụ huynh nhiều hơn, lấy nhiều ý kiến hơn trước khi đưa ra quy định thống nhất chung. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sau sự việc lần này", bà Hương nói.
Ảnh: Phụ Nữ TP HCM
Bà Hương giải thích: Đầu năm học 2015-2016, số tiền mà mỗi phụ huynh lớp 1/3 hỗ trợ về cơ sở vật chất cho nhà trường là 1,5 triệu đồng. Toàn bộ cơ sở vật chất đó được sử dụng suốt 5 năm học. Khoản thu thứ 2 cũng 1,5 triệu đồng bao gồm tiền khen thưởng, hỗ trợ các hoạt động trong suốt năm học. Theo tính toán, nếu thu đủ, số tiền sẽ là 141 triệu đồng.
Bà Hương khẳng định, đây là các khoản thu tự nguyện, phụ huynh nộp hay không thì học sinh cũng không bị phân biệt đối xử.
Ngôi trường bị các phụ huynh phản ánh lạm thu (Ảnh: phunuonline.com.vn)
Còn theo bà Nguyễn Hà Phương Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu, thông tin phụ huynh phản ánh số tiền "quỹ trường" sau khi thu sẽ nộp một phần về trường là không chính xác, vì Ban giám hiệu không nhận khoản này mà Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp tự thống nhất cách thức sử dụng.
Riêng về khoản tiền gần 13,5 triệu đồng mà phụ huynh đề cập, bà Thanh giải thích, do trước đó nhà trường đặt mua giúp học sinh kệ sách treo tường có giá 1,8 triệu đồng, tủ để gối 8,3 triệu đồng và bàn phụ cho giáo viên hơn 3,3 triệu đồng. Điều đáng nói là cả 3 vật dụng này đều chưa qua quy trình tham khảo ý kiến của phụ huynh. Vì thế, rất có thể đây là nguyên nhân khiến phụ huynh cảm thấy không hài lòng.
Bà Thanh nói: "Qua đây trường cũng rút kinh nghiệm. Về mặt quản lý, tôi thấy mình vẫn còn thiếu sót khi để Ban đại diện cha mẹ học sinh làm như vậy chưa được hài hòa lắm. Từ năm sau, mọi việc đều sẽ đưa ra bàn bạc, trao đổi trước. Khi được sự thống nhất của 100% phụ huynh mới tiến hành thực hiện".
Phòng Giáo dục - Đào tạo quận 7 đã yêu cầu Ban giám hiệu trường Tiểu học Võ Thị Sáu tường trình vụ việc cụ thể để có hướng xử lý.
Theo Mỹ Dung/VOV
Ý kiến về khoản thu, phụ huynh bị 'bêu tên' giờ chào cờ Trong cuộc họp phụ huynh trường THSC thị trấn Vạn Hà (Thanh Hóa), anh Văn thắc mắc về một số khoản thu. Đến thứ hai đầu tuần, anh được hiệu trưởng "bêu tên" giữa buổi chào cờ. Sáng nay 17/9, anh Văn, ngụ thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, tỏ ra bất bình trước việc Hiệu trưởng trường THCS...