Muôn cách chạy trường điểm cho con, nhiều khi chỉ để cho…oai
Trong số phụ huynh muốn con vào học trường điểm vẫn còn không ít phụ huynh chỉ đơn giản giải quyết “khâu oai” với mọi người còn thực tế ra sao thì không biết.
Các phụ huynh lại chuẩn bị mùa “chạy trường” cho con (Ảnh: sggp.org.vn).
LTS: Cô giáo Phan Tuyết với hơn 20 năm kinh nghiệm dạy tiểu học, trong bài viết này đã có những về việc chạy trường cho con cái của các vị phụ huynh học sinh.
Theo đó, cô cho rằng, họ đã vận dụng mọi cách thức, mối quan hệ để có thể xin cho con em vào học tại các trường điểm, trường chuyên, lớp chọn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Như đã thành lệ, cứ sau dịp Tết Nguyên đán là phụ huynh có con em ở độ tuổi vào các lớp đầu cấp bậc tiểu học, trung học cơ sở lại bắt đầu rục rịch tìm cách chạy cho con vào học ngôi trường mình cho là tốt nhất. Thế là, một cuộc chạy đua ngấm ngầm đã bắt đầu nổ ra.
Muôn cách “chạy”
Có người nói vui “thời gian này chạy là chậm rồi. Không ít phụ huynh đã “đặt” chỗ cho con từ vài năm về trước.
Tưởng họ chỉ đùa vui nhưng qua tìm hiểu một ngôi trường điểm của thị xã được biết “ nhà trường xét tuyển kèm theo hộ khẩu. Thế nhưng khá nhiều gia đình ở một nơi nhưng nhập khẩu ké cho con về địa bàn gần trường để tiện cho việc xét tuyển”.
Thế là, số lượng học sinh đủ điều kiện vào những nơi này luôn quá tải.
Để hạn chế lượng học sinh xin nhập học quá đông gây khó khăn cho việc tổ chức dạy học, nhà trường lại xiết yêu cầu chỉ tuyển học sinh có hộ khẩu thường trú trước đó 3 năm và có gia đình định cư ổn định”.
Thế mà cũng có khá nhiều em được “lọt lưới” do cha mẹ có sự chuẩn bị dài hơi như làm giấy khai sinh, nhập hộ khẩu từ khi lọt lòng.
Thậm chí, có gia đình sẵn sàng mua nhà tại địa phương rồi đóng cửa để đấy chờ con lớn lên.
Lại có em chẳng biết bằng cách nào gia đình lại có đến 2 hộ khẩu. Một cái ở nơi cư trú, một hộ khẩu ở tại địa phương có trường điểm đóng.
Khác với những phụ huynh có sự chuẩn bị dài hơi như thế, một số phụ huynh khác lại tận dụng những mối quan hệ, để nhờ vả xin cho con mình được vào học.
Được thì không sao nhưng không xin được cũng bị mang đủ tai tiếng. Những lời thì thầm rỉ tai nhau mất chừng nọ chừng kia nhưng chẳng biết đâu mà kiểm chứng.
Lời đồn cứ truyền tai lan đi trước những ánh nhìn chẳng mấy thiện cảm của nhiều người về nghề giáo vốn trong sạch, liêm chính.
Khổ nhất cho ai bị chính người thân nhờ vả nhưng không xin được.
Video đang HOT
Họ lãnh tiếng “có người nhà (hoặc thân quen) làm trong nghề giáo dục mà khi cần chẳng nhờ vả được gì”. Hay “chắc chưa có gì nên mới thế…nhờ người dưng còn dễ hơn người nhà”…
Trường điểm có thật sự khác biệt về giảng dạy và giáo dục học sinh?
Là giáo viên trong nghề lâu năm, chúng tôi hiểu hơn ai hết việc “chạy trường” cho con là không cần thiết.
Nhưng với suy nghĩ “trường điểm”,”trường có tiếng” (Có thể tự phong hoặc gọi nhiều thành quen) thì con mình sẽ học giỏi, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người mà không dễ gì có thể thay đổi được.
Mọi người thường nói: “trường điểm”, “trường có tiếng” sẽ có nhiều thầy cô giỏi. Con mình được vào học ở những ngôi trường như thế sẽ giỏi hơn. Không thể phủ nhận, thầy giỏi mới có trò giỏi.
Nhưng những năm gần đây, tại thị xã nơi chúng tôi giảng dạy luôn thực hiện chính sách luân chuyển giáo viên hàng năm. Vì thế, tỉ lệ giáo viên dạy giỏi về các trường đã được cân đối khá đồng đều.
Ngay cả việc, trang bị các trang thiết bị hiện đại, phục vụ công tác dạy và học của các em như ti vi, đèn chiếu, bảng tương tác, dàn máy tính… cũng được đầu tư về các trường vùng xa, trường không mang danh trường điểm.
Trường học nào cũng có thầy cô giỏi, tận tâm và nhiệt tình vì học sinh. Bên cạnh đó, dù được gọi là trường điểm cũng vẫn có một số thầy cô chưa thật sự dạy dỗ hết mình.
Nếu học ở những ngôi trường như thế, mà con cái chúng ta phải học với những thầy cô ít nhiệt tình và tận tâm, liệu các em học có giỏi hơn?
Phụ huynh nhiều người chỉ quan tâm đến danh hiệu của trường mà bỏ qua việc quan trọng hơn là vai trò của người thầy.
Trong số những phụ huynh thật sự muốn con vào học tại trường điểm vẫn còn không ít phụ huynh chỉ đơn giản giải quyết “khâu oai” với mọi người “con học trường điểm là giỏi hơn các trường khác” để thỏa mãn lòng tự hào, niềm hãnh diện còn thực tế ra sao thì không quan trọng lắm.
Điều kiện vật chất được đầu tư như nhau, trình độ giáo viên đồng đều, thì tại sao chúng ta cứ mất công chạy theo những nếp nghĩ cũ?
Để làm nên thành công trong việc dạy dỗ và giáo dục một đứa trẻ thì vai trò của người thầy, cùng với sự hỗ trợ, kết hợp của gia đình là quan trọng nhất.
Chừng nào phụ huynh hiểu được điều đó, thì các nhà quản lý giáo dục sẽ không bị áp lực vì nạn “chạy trường” như hiện nay.
Theo Giaoduc.net
Chương trình mới sẽ khiến trẻ em phải đi học thêm từ 4-5 tuổi
Những yêu cầu về kiến thức của chương trình mới đối với học sinh lớp 1 như thế chỉ phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh khối lớp 2.
Nếu áp dụng chương trình mới này thì học sinh sẽ buộc phải đi học thêm. (Hình biếm họa về dạy thêm học thêm của Satế)
LTS: Đánh giá về dự thảo chương trình mới, cô giáo Phan Tuyết cho rằng chương trình đang đặt yêu cầu quá cao đối với học sinh lớp 1.
Nếu áp dụng chương trình này, cô Tuyết bày tỏ lo lắng học sinh sẽ buộc phải đi học thêm để có thể theo kịp các tiêu chuẩn đề ra.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Học sinh bước vào lớp 1 ở độ tuổi lên 6, trong số đó có không ít em sinh cuối tháng 12, nếu tính tháng những học sinh này chỉ mới 5 tuổi.
Độ tuổi này chủ yếu đang vui chơi, ca hát. Thế nhưng vào lớp 1, ngay từ đầu năm, các em đã phải vùi đầu vào học đủ các môn học như các anh chị khối 3, 4.
Khá nhiều giáo viên dạy lớp 1 than rằng, mỗi ngày buộc các em học một âm vần, vừa đọc thuộc vừa viết vài trang vở là quá sức.
Âm vần mỗi ngày một khó, thế nên có em chưa kịp nhớ âm cũ đã phải nhồi thêm âm vần mới nên nhớ quên lẫn lộn. Nhiều học sinh học trước quên sau vì lẽ đó.
Chương trình hiện hành đối với học sinh lớp 1 đã là quá tải, là vượt sức đối với các em.
Nhưng nếu xem chương trình môn học vừa mới công bố, nhiều thầy cô tiểu học không khỏi giật mình vì mức độ yêu cầu chuẩn kiến thức đạt được cho học sinh lớp 1 còn nặng hơn chương trình hiện hành rất nhiều.
Hình như các nhà biên soạn chương trình đã lấy chuẩn kiến thức của học sinh lớp 2 ở chương trình hiện hành lắp vào cho học sinh lớp 1 trong chương trình mới để thấy được cái "đổi mới" hay sao?
Đơn cử, trong chương trình hiện hành, chuẩn kiến thức kĩ năng của học sinh lớp 1 chỉ yêu cầu tốc độ đọc của các em 30 tiếng/phút.
Trong khi chương trình mới lại yêu cầu học sinh lớp 1 "Đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn. Tốc độ đọc: 40 - 50 tiếng/phút. Biết ngắt hơi ở chỗ có dấu phẩy, dấu kết thúc câu hay ở chỗ kết thúc dòng thơ".
Thực tế thì những học sinh đạt tốc độ đạt chuẩn theo quy định 30 tiếng/phút vẫn thể hiện đọc ngắc ngứ, ê a, chưa thật sự trôi chảy.
Nay quy định học sinh lớp 1 phải đạt tốc độ đọc 40 - 50 tiếng/phút phải chăng là quá cao?
Theo một khảo sát trong Luận án Tiến sĩ của nghiên cứu sinh Bùi Thế Hợp, tốc độ đọc trung bình của nhóm học sinh lớp 1 phát triển bình thường là 32,5 tiếng/phút.
Trong thống kê trên nhóm đối tượng học sinh lớp 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh (nghiên cứu của Nguyễn Thị Ly Kha và Phạm Thị Lê) vào tuần thứ 5, 6 của học kì I thì tốc độ trung bình của học sinh đạt 36.67 tiếng/phút.
Nhưng nếu khảo sát học sinh vùng nông thôn thì chắc chắn tốc độ đọc của các em còn thấp hơn nhiều.
Ở phần viết, với học sinh lớp 1 mà đã yêu cầu các em biết viết "Quy tắc viết chữ cái đầu câu, viết tên riêng người Việt".
Biết "Công dụng của dấu chấm, dấu chấm hỏi: đánh dấu kết thúc câu. Nhờ sự gợi ý, hỗ trợ, hiểu được ý nghĩa hay bài học được rút ra từ văn bản, thể hiện qua khả năng trả lời câu hỏi.
Chẳng hạn: "Em học được điều gì tốt ở nhân vật trong truyện?", "Câu chuyện/bài thơ khuyên chúng ta điều gì?".
Đọc mở rộng văn bản văn học với dung lượng khoảng 30 trang/năm, mỗi trang khoảng 110 chữ, có tranh minh họa.
Nhờ sự gợi ý, hỗ trợ, hiểu được đề tài hay thông tin chính của văn bản, thể hiện qua khả năng trả lời câu hỏi, chẳng hạn: "Văn bản này viết về điều gì?".
Đọc mở rộng văn bản văn học với dung lượng khoảng 30 trang/năm, mỗi trang khoảng 110 chữ, có tranh minh họa.
Đọc mở rộng văn bản thông tin với dung lượng khoảng 20 trang/năm, mỗi trang khoảng 90 chữ, có hình ảnh.
Viết đúng chính tả đoạn thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 30 - 35 chữ theo các hình thức nhìn - viết (tập chép), nghe - viết, tốc độ viết khoảng 30 - 35 chữ/15 phút, không mắc quá 5 lỗi".
Những yêu cầu về kiến thức của chương trình mới như thế chỉ phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh khối lớp 2.
Để theo kịp chương trình mới, học sinh phải học thêm từ 4-5 tuổi
Với chương trình cũ (đã nặng) nhưng vẫn được đánh giá nhẹ hơn chương trình mới về kiến thức, kĩ năng.
Thế mà, học sinh lớp 1 hiện nay đã phải đi học thêm chữ từ 5 tuổi.
Nhiều phụ huynh than rằng phải cho con đi học trước vì không thể theo nổi chương trình lớp 1 hiện hành.
Nhìn những cô cậu học trò bé tí đang tuổi hát ca bỗng phải chạy xô đến lớp học thêm sau thời gian đi mẫu giáo để chuẩn bị cho năm học mới ai thấy cũng nghẹn lòng.
Có phụ huynh đã nhất quyết không cho con đi học trước nhưng chỉ vài tuần sau đã than rằng mình sai lầm nên đã biến con thành "con vịt lạc đàn" trong lớp.
Một số giáo viên lớp 1 chương trình hiện hành cho biết: "Cuối năm học, học sinh lớp 1 mới chỉ đủ trình độ nhìn văn bản chép (tập chép). Nếu đọc viết chỉ khoảng 2/3 học sinh trên lớp đáp ứng được".
Nay kiến thức mới dự kiến được nâng cao nhiều hơn "nghe - viết, tốc độ viết khoảng 30 - 35 chữ/15 phút, không mắc quá 5 lỗi" thì học sinh chuẩn bị vào lớp 1 càng phải học thêm tăng tốc là điều không tránh khỏi.
Lâu nay người ta cứ than chương trình nặng và khó, là quá tải với độ tuổi của các em.
Đã có khá nhiều chỉ đạo giảm tải để học sinh học vừa sức. Nhưng không hiểu sao thay đổi chương trình những nhà biên soạn chương trình lại không lưu ý điều này?
Mỗi lần thay sách là một lần yêu cầu kiến thức với các em cao hơn một bậc.
Điều này để chứng minh rằng đây là sự đổi mới hay thực sự trình độ năng lực của học sinh chúng ta đã giỏi đến mức như vậy?
Học sinh học xong lớp 1 biết cầm sách đọc chữ đã đạt yêu cầu rồi. Việc đọc sẽ được nâng lên trong quá trình các em học và rèn luyện ở lớp trên.
Đừng vì hai tiếng "đổi mới" mà buộc những đứa bé còn thơm mùi sữa phải vùi đầu học miệt mài suốt đêm ngày vẫn chưa xong.
Theo Giaoduc.net
Chương trình phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2019-2020 Bộ GD-ĐT xác định thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ năm học 2019-2020. Đại diện Bộ GD-ĐT thông tin về chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai áp dụng từ năm học 2019-2020....