Muỗi hổ châu Á là loại muỗi gì?
Hiện sốt xuất huyết đang vào mùa. Các cơ quan thông tin đại chúng có đưa tin Sở Y tế thành phố Đà Nẵng thông báo tại thành phố này đã xuất hiện loài muỗi hổ châu Á truyền bệnh. Vậy muỗi này là loại muỗi gì?
Muỗi hổ châu Á (Aedes alpopictus)
Tại sao gọi là muỗi hổ châu Á?
Muỗi hổ châu Á có tên gọi khoa học là Aedes albopictus thuộc loài muỗi Aedes.
Muỗi Aedes có mặt ở khắp nơi trên thế giới và có khoảng trên 950 loài, nó gây ra mối phiền hà rất lớn do đốt máu người và gia súc ở vùng nhiệt đới và có khi ngay cả ở những nơi có khí hậu mát mẻ. Ở những nước nhiệt đới, muỗi vằn Aedes aegypti truyền bệnh Dengue, bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh sốt vàng và các bệnh do vi-rút khác. Một loài muỗi tương cận với loài muỗi này là Aedes albopictus cũng có thể truyền bệnh Dengue, bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Muỗi Aedes albopictus đầu tiên chỉ phát hiện thấy hoạt động ở châu Á, Madagasca và bản chất của nó rất mạnh mẽ, hung dữ, hiếu chiến, hùng hổ … giống như con hổ nên thường được gọi là muỗi hổ châu Á (Asian tiger mosquito). Từ khoảng vài chục năm gần đây, loài muỗi hổ châu Á bắt đầu xâm nhập đến châu Âu, châu Mỹ, châu Úc cũng như Tây Phi. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát và ghi nhận vào năm 1985, muỗi hổ châu Á phát hiện thấy xuất hiện lần đầu tiên tại Houston, Texas và sau đó lan truyền đến 25 tiểu bang khác ở Mỹ. Hồi cứu tình hình và được biết từ năm 1983 đến 1985, Mỹ đã nhập khẩu bằng tàu biển qua cảng trên 5 triệu vỏ xe hơi từ Trung Quốc. Trên đường di chuyển, tàu biển phải ghé vào lưu trú tại nhiều hải cảng khác nhau của các nước ở châu Á và muỗi hổ châu Á có điều kiện xâm nhập vào trong lòng các vỏ xe có nước tích tụ để đẻ trứng, phát triển trong suốt tuyến đường đến Mỹ và xâm nhập vào đất nước này. Như vậy, muỗi hổ châu Á cũng có tình trạng vượt biển để đến Mỹ và các nước khác như các thuyền nhân vượt biển một thời trước đây.
Cũng có thể nói tại các nước thuộc các châu lục khác có muỗi hổ châu Á xâm nhập hoạt động là do muỗi châu Á ngoại nhập và nhập cư để đảm nhận vai trò truyền bệnh tại đây.
Đặc điểm của loài muỗi hổ châu Á (Aedes albopictus)
Loài muỗi hổ châu Á (Aedes albopictus) cũng giống như các loài muỗi Aedes khác, chúng đẻ trứng rời từng chiếc trên những diện tích ẩm ướt, ngay trên thành hoặc gần sát với mặt nước, trong những dụng cụ chứa nước tạm thời nhưng nó vẫn ưa đẻ trứng tự nhiên ở trong rừng, trong vườn tại các hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, vỏ dừa…
Video đang HOT
Muỗi Aedes albopictus cũng có thể đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước tạm thời trong nhà nhưng mức độ ít hơn là loài muỗi Aedes aegypti. Mặc dù gọi là muỗi hổ châu Á nhưng nó là một loài muỗi nhỏ con, có sọc trắng chạy dài từ đầu dọc theo lưng và ra tận phía sau chân, thân muỗi có
khoang trắng. Đặc điểm sinh lý, sinh thái của loài muỗi hổ châu Á là rất hiếu chiến, năng động, thường hoạt động đốt người giữa ban ngày và đặc biệt là vào lúc rạng đông hoặc khi trời về chiều vừa chợp tối.Vì vậy cần biết những đặc điểm, tập tính này của muỗi để thực hiện các biện pháp phòng chống đốt có hiệu quả.
Muỗi hổ châu Á truyền bệnh gì?
Như chúng ta đã biết, muỗi vằn Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh chủ yếu của bệnh Dengue và bệnh sốt xuất huyết Dengue. Tuy vậy, loài muỗi tương cận với Aedes aegypti là muỗi hổ châu Á (Aedes albopictus) cũng có khả năng là trung gian truyền bệnh này ở một số nơi.
Ngoài ra, nó cũng là trung gian truyền một số bệnh đã được mô tả và xác định như bệnh sốt Tây sông Nin (West Nile virus), bệnh viêm não Saint Louis, bệnh virus Chikungunya… Bệnh virus Chikungunya do loại Arbovirus gây ra qua trung gian muỗi
Aedes albopictus truyền bệnh. Triệu chứng của bệnh này cấp tính hơn bệnh sốt Dengue, thường thấy nhức đầu dữ dội, đau các khớp xương, da nổi ban đỏ. Trong đó, triệu chứng viêm khớp xương rất tiêu biểu, các đốt xương có vẻ cứng vào buổi sáng, khi cử động rất đau nhức, khó chịu. Bệnh có thể kéo dài một tuần lễ, thậm chí có khi kéo dài cả tháng nhưng bệnh ít gây tử vong, ngoại trừ bị biến chứng viêm màng não ở trẻ em và ở những người cơ thể đang bị suy yếu vì một chứng bệnh nào đó. Bệnh virus Chikungunya do loài muỗi hổ châu Á truyền được báo cáo phát hiện ở châu Phi, Ấn Độ, Philippines và một số các quốc gia ở vùng Đông Nam Á. Cũng như một số bệnh virus do muỗi truyền khác, bệnh virus Chikungunya chưa có vaccin để phòng ngừa.
Sốt xuất huyết có thể do muỗi hổ châu Á (Aedes alpopictus) truyền
Biện pháp phòng bệnh
Việc phòng bệnh tốt nhất là thực hiện các biện pháp tự bảo vệ phòng chống muỗi đốt một cách tích cực như: mặc quần áo dài khi có hoạt động cần thiết ở ngoài trời nhất là vào buổi sáng sớm hoặc lúc xế chiều, dùng các loại thuốc xua muỗi loại DEET để xoa vào da ở những chỗ hở và áo quần; sử dụng thường xuyên màn ngủ có tẩm hóa chất xua diệt muỗi thành tập quán.
Ngoài ra cần triệt phá những nơi tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và phát triển ở chỗ chứa nước tạm thời ở ngoài nhà và trong nhà như vỏ xe cũ, lon đồ hộp, chậu, lu, thùng phi chứa nước, vũng nước đọng, máng nước, lọ hoa, bát bẫy kiến đặt dưới tủ dựng thức ăn…
Có thể sử dụng các loại cửa có lưới ngăn chận muỗi đột nhập vào nhà, thường xuyên thau vét bọ gậy, vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chứa nước sử dụng trong sinh hoạt. Thực hiện biện pháp phòng bệnh ở đây cần hiểu rõ việc giải quyết môi trường tốt sẽ không tạo nơi thuận lợi cho muỗi đẻ trứng để phát triển thành bọ gậy và muỗi trưởng thành.
Muỗi trưởng thành có tỷ lệ và mật độ hoạt động thấp thì không có khả năng lây truyền bệnh.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
Theo Dân trí
Muỗi hổ có dữ như "hổ"?
Thông tin do Sở Y tế TP.Đà Nẵng phát đi trên các phương tiện thông tin đại chúng: "Tại đây xuất hiện loại muỗi hổ Châu Á nguy hiểm gây bệnh sốt xuất huyết (SXH)" đã khiến nhiều người dân lo ngại.
Dù không phải lo ngại về muỗi hổ nhưng công tác phòng ngừa vẫn phải tích cực triển khai.
Bởi ở nước ta, vốn dĩ quanh năm, muỗi aedes aegypti đã liên tục gây nên xấp xỉ 80 - 100 nghìn ca bệnh và 90 - 100 ca tử vong vì SXH mỗi năm. Vậy muỗi hổ Châu Á có phải là loại muỗi mới và mức độ nguy hiểm thực sự của chúng ra sao? Báo Lao Động đã phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ.
Vì sao lại gọi là muỗi hổ Châu Á? Bệnh sốt xuất huyết do muỗi hổ Châu Á này có nguy hiểm hơn so với SXH thông thường?
Năm 1894, một nhà côn trùng học Australia đã lần đầu tiên mô tả loại muỗi này và gọi là "muỗi hổ Châu Á" (ASIAN tiger mosquito). Tên gọi như vậy là do muỗi này có đặc điểm chân có khoang trắng đen và mình nhỏ, có màu trắng hoặc đen có nguồn gốc từ Đông Nam Châu Á. Dân gian gọi là muỗi vằn. Trên thế giới có nhiều bằng chứng khoa học và thực tiễn các vụ SXH bùng phát dịch cho thấy, 2 loài muỗi Aedes aegypti và muỗi aedes albopictus đều có khả năng cảm nhiễm và truyền bệnh SXH như nhau. Nhiều vụ dịch sốt xuất huyết ở Châu Á và trên thế giới, muỗi ades albopictus trong truyền bệnh sốt xuất huyết do virus Chikungunia. Tuy nhiên, riêng ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, truyền bệnh SXH Dengue vẫn chủ yếu là aedes aegypti. Chưa có bằng chứng sự lưu hành của virus Chikungunia gây SXH và cũng chưa có bằng chứng về SXH do muỗi hổ Châu Á (ades albopictus) gây ra.
Muỗi hổ Châu Á có ở Đà Nẵng. Vậy trên thực tế, loài muỗi này còn xuất hiện ở đâu nữa?
Trước năm 2000, muỗi aedes aegypti chiếm ưu thế và chủ yếu gây bệnh SXH Dengue ở Việt Nam. Gần đây, các kết quả giám sát nghiên cứu về côn trùng của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho thấy, ở các tỉnh/TP phía bắc, muỗi hổ đang dần thay thế muỗi aedes aegypti. Mật độ xuất hiện của loại muỗi hổ giảm dần từ Bắc vào Nam. Ở phía bắc muỗi ades albopictus chiếm ưu thế, thì ở phía nam muỗi ades aegypti lại chiếm ưu thế chủ yếu.
Vậy mức độ của SXH do muỗi nào gây ra sẽ nặng hơn?
Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã và đang nghiên cứu và giám sát sự lưu hành, vai trò truyền bệnh SXH và mức kháng hóa chất diệt muỗi của muỗi trong các vụ dịch. Các kết quả cho thấy muỗi aedes aegypti vẫn truyền bệnh SXH Dengue chủ yếu ở Việt Nam như đã nói. Đặc biệt là muỗi vằn ở miền Bắc nhiều hơn. Ở Ấn Độ, từng có những vụ dịch SXH do muỗi vằn gây ra, ghi nhận hàng trăm bệnh nhân nhưng không có ca nào tử vong. Người ta cho rằng, bệnh cảnh do muỗi vằn gây ra thường nhẹ hơn so với ades aegypti gây ra. Do đặc điểm phân bố của 2 loại muỗi vằn này ở VN, nên chúng tôi cũng đưa ra giả thiết: Có phải vì thế mà dịch SXH ở miền Bắc nhiều năm nay thường nhẹ hơn miền Nam.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại các ổ dịch SXH ở VN đều có mặt aedes aegypti, chỉ rất ít ổ dịch có 2 loài, trong đó muỗi vằn chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp. Nhiều địa phương có lưu hành muỗi vằn với mật độ cao, nhưng nhiều năm liền không có thông báo về bệnh SXH. Kết quả phân lập cũng cho thấy, cũng chỉ có muỗi aedes aegypti dương tính với virus dengue.
Vậy theo ông, người dân không nên lo ngại về loại muỗi này?
Đúng như thế. Do không thấy bệnh nhân SXH do muỗi hổ ở VN và nếu có thì cũng sẽ gây bệnh cảnh rất nhẹ. Tuy nhiên, hiện đang là cao điểm của dịch SXH nên người dân cần chủ động áp dụng và duy trì thường xuyên hoạt động diệt bọ gậy, phá hủy nơi sinh sản của muỗi, thu gom và xử lý phế thải, vệ sinh môi trường sử dụng tác nhân sinh học (thả cá, Mesocyclops), hợp tác với ngành y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc SXH để có biện pháp phòng, chống thích hợp và kịp thời.
Xin cảm ơn ông!
Theo Quang Duy
Lao động
Bệnh sốt xuất huyết: Dễ chết do chủ quan! Có 60%-70% bệnh nhân sốt xuất huyết ở thành thị. Đặc biệt, người lớn bị sốt xuất huyết dễ tử vong hơn trẻ em do chảy máu nhiều, xuất huyết não, suy đa tạng. Lâu nay, không ít người nghĩ rằng bệnh sốt xuất huyết (SXH) chỉ tấn công trẻ nhỏ, còn ở người lớn gần như miễn nhiễm, ít bị mắc bệnh....