Mũi Hảo Vọng – niềm hy vọng khi chưa có kênh đào Suez
Khi tàu Ever Given bịt kênh đào Suez, nhiều tàu phải chuyển hướng vòng qua Mũi Hảo Vọng dù chi phí cao và thời gian di chuyển dài hơn.
Đường vòng qua Mũi Hảo Vọng dài hơn kênh đào Suez, tàu thuyền còn có nguy cơ gặp cướp biển.
Trước khi có kênh đào Suez nối biển Đỏ và Địa Trung Hải, Mũi Hảo Vọng chính là niềm hy vọng của ngành hàng hải, bởi nó trấn giữ tuyến đường nối Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Khi đi vòng qua mũi đất đá ở Bán đảo Cape của Nam Phi vào năm 1487, nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Bartolomeu Dias trở thành người châu Âu đầu tiên đặt chân đến nơi này, từ đó mở ra tuyến đường biển nối châu Âu với châu Á. Ông đặt tên cho nó là Mũi Bão Táp (Cape of Storms) vì vùng biển tại đây rất dữ dội. Nhưng sau đó, nơi này được đổi tên thành Mũi Hảo Vọng. Một tài liệu lịch sử ghi chép vua Bồ Đào Nha John II là người đổi tên mũi đất này, bởi cuộc khám phá mở ra hy vọng rằng người châu Âu có thể đến Ấn Độ bằng đường biển. Vài tài liệu khác ghi rằng cái tên mới do Dias tự đổi.
Trên đường trở về, Dias đi qua một mũi đất khác mà không hề biết rằng điểm không mấy ấn tượng này mới chính là cực nam của châu Phi. Trước đó, nhiều người vẫn tin rằng Mũi Hảo Vọng là điểm cực nam của lục địa đen. Thực tế danh hiệu đó thuộc về Mũi Agulhas cách Mũi Hảo Vọng hơn 150 km về phía đông nam và nằm trên đường phân chia chính thức Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Video đang HOT
10 năm sau phát hiện của Dias, hy vọng về tuyến đường biển nối châu Âu với châu Á mới thành hiện thực. Cuối năm 1497, nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Vasco da Gama trở thành người châu Âu đầu tiên dong thuyền đi vượt Đại Tây Dương, đi qua Mũi Hảo Vọng vào Ấn Độ Dương. Người Bồ Đào Nha đã mất 70 năm để tìm đường dọc theo bờ biển châu Phi từ quần đảo Canary đến Cape. Vasco da Gama chỉ mất 23 ngày trên tàu Sao Gabriel để đi từ châu Phi đến Ấn Độ).
Chữ thập Vasco da Gama là một trong hai tượng đài được dựng lên khu vực Cape Point phía đông nam bán đảo Cape, chiếc còn lại là Chữ thập Dias. Chính phủ Bồ Đào Nha xây dựng chúng như hải đăng giúp tàu thuyền tránh vùng Whittle Rock nguy hiểm ở vịnh False.
Trước khi có kênh đào Suez, tuyến đường biển qua Mũi Hảo Vọng là hải trình ngắn nhất nối châu Âu và châu Á. Ngay cả khi kênh đào đi vào hoạt động từ cuối thế kỷ 19, nhiều tàu thuyền vẫn đi qua mũi đất huyền thoại này. Bởi thời kỳ đầu, kênh đào nhân tạo chỉ đủ rộng cho tàu thuyền nhỏ, hầu hết tàu cỡ lớn vẫn vòng qua phía nam châu Phi.
Mũi Hảo Vọng là một phần của Công viên Quốc gia Núi Bàn. Núi Bàn cũng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng với du khách quốc tế khi đến Nam Phi. Công viên này là di sản thế giới tự nhiên của Nam Phi, bao gồm một phần rộng lớn của Mũi Tây, từ Mũi Hảo Vọng đến Núi Bàn. Đến đây du khách có thể ghé bãi biển Boulders, nơi cư trú của một đàn chim cánh cụt châu Phi và núi Bàn – biểu tượng của Cape Town.
Mũi Hảo Vọng gắn với truyền thuyết về con tàu ma Flying Dutchman (Người Hà Lan bay), mang số phận luẩn quẩn trong vùng nước mênh mông, không bao giờ tìm ra đường vòng qua mũi đất đầy bão táp này.
Nguy cơ gia súc chết đói trên hàng chục tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez
Nhiều ngày qua, có ít nhất 20 tàu thuyền chở gia súc qua kênh đào Suez bị tắc nghẽn do có tàu mắc kẹt. Điều này làm dấy lên lo ngại về tình trạng của số gia súc này nếu tắc nghẽn tại kênh Suez còn kéo dài.
Tàu neo đậu bên ngoài kênh đào Suez ở Ain Sokhna, gần kênh đào Suez, Ai Cập, ngày 26/3. Ảnh: EPA
Theo trang The Guardian (Anh), con tàu Ever Given chở 220.000 tấn hàng đang "án ngữ" trên kênh đào Suez khiến tuyến giao thương huyết mạch này bị chặn lại trong thời gian lâu nhất trong nhiều thập kỷ. Ước tính có hơn 200 con tàu không thể đi qua kênh đào. Nhiều tàu đang trên đường đến cũng phải chuyển hướng đi vòng qua Mũi Hảo Vọng phía nam châu Phi.
Ông Georgios Hatzimanolis, người phát ngôn của trang web theo dõi giao thông hàng hải Marine Traffic, cho biết trong khi một số tàu chở gia súc đang đợi để được thông quan, 3 chiếc tàu khác, bao gồm Omega Star, Unimar và Sea Star, dường như đã bị mắc kẹt ở nhiều điểm khác nhau trên kênh đào. Dữ liệu của Marine Traffic cũng cho thấy 11 tàu chở gia súc chăn nuôi đang bị mắc kẹt. Một tổ chức phi chính phủ đã xác định nhiều chiếc tàu khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tổng cộng có khoảng 20 tàu chở gia súc bị ảnh hưởng.
Theo tổ chức phi chính phủ Animals International, 5 trong số này chở gia súc từ Tây Ban Nha, 9 tàu chở gia súc từ Romania.
Gerit Weidinger, điều phối viên châu Âu của Animals International, cho biết dữ liệu từ các trang web theo dõi hàng hải cho thấy tàu Unimar đã rời Tây Ban Nha từ ngày 15/3 để đến Jeddah. Trong khi đó, tàu Omega Star đã rời Tây Ban Nha từ ngày 16/3 để đến Port Said (Ai Cập).
Hiện tại, tình trạng của gia súc trên tàu chưa có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, việc giải cứu tàu Ever Given và khơi thông kênh đào có thể mất đến vài tuần do con tàu quá lớn. Các tàu xung quanh có thể phải rời đi và tìm những tuyến đường thay thế dài hơn.
Khi đó, các tàu có thể tiếp thức ăn cho động vật tại cảng Said và Suez gần đó nếu nguồn cung gần hết. Tuy nhiên, quá trình này có thể không đơn giản vì có rất nhiều tàu cũng neo tạm tại các cảng này để chờ đợi.
Bà Weidinger cho biết bà e rằng nếu cuộc khủng hoảng kéo dài, tình trạng sức khỏe của động vật có thể trở thành một vấn đề đáng lo ngại.
"Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là động vật hết thức ăn và nước uống. Chúng bị mắc kẹt trên tàu và không thể chuyển đi nơi khác vì thủ tục giấy tờ. Bị mắc kẹt trên tàu có nghĩa là có nguy cơ động vật bị đói, mất nước, bị thương, tích tụ chất thải, khiến chúng không thể nằm xuống. Thủy thủ đoàn cũng không thể xử lý xác động vật trong kênh đào Suez. Về cơ bản, đó là một quả bom hẹn giờ nguy hiểm với động vật, thủy thủ đoàn và bất kỳ người nào liên quan", bà nói.
Siêu tàu lại "mắc kẹt" ở kênh đào Suez sau sự cố gây thiệt hại 1 tỷ USD Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez yêu cầu tàu hàng Ever Given chưa được rời đi cho đến khi hoàn tất điều tra vụ con tàu chắn ngang kênh gần 1 tuần, gây thiệt hại ước tính 1 tỷ USD. Tàu container Ever Givevn dài 400m bất ngờ xoay ngang, chặn kênh đào Suez hôm 23/3 và được giải phóng hôm 29/3...