“Mùi” của quê tôi
Tôi là “tín đồ” của món bún nước lèo, nên nếu kể về món ăn này, tôi cũng khá rành, rành cả cách ăn và cách chế biến.
Nhưng thôi, tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ” bởi xứ tôi có đến vài trăm quán bún nước lèo ở các huyện, thị xã và trung tâm thành phố mà chỗ nào cũng đắt khách. Riêng tôi có một nơi đặc biệt bởi ở đó bún vừa ngon, vừa có không khí ấm cúng và mọi thứ để làm nên món ngon này đều là cây nhà lá vườn, đó là quán bún của cô Út tôi.
Ảnh minh họa: B.T
Video đang HOT
Đã là dân miền Tây thì hầu như ai cũng ưa mắm, vì vậy mà món bún nước lèo (có nơi gọi là bún mắm) trở thành món ngon khó cưỡng. Món này có thể ăn mọi lúc, mọi nơi, nhưng theo kinh nghiệm của dân sành món ăn dân dã thì ăn sau khi đã dùng quá nhiều thịt mỡ hay “sơn hào hải vị” tiệc tùng liên miên thì bún nước lèo sẽ giúp người ta lấy lại “cái ngon”.
Khi tôi vừa thi tốt nghiệp THPT, cô Út tôi muốn bồi dưỡng cho đứa cháu vốn gầy còm vừa trải qua kỳ thi căng thẳng, thế là cô nấu bún nước lèo. Sau 2 tiếng đồng hồ chuẩn bị nguyên liệu như nước dừa tươi, cá lóc, tôm đất sống, bún, rau thơm, giá, bắp chuối, sả… mùi thơm đã lan tỏa khắp nhà cũng là lúc bún được dọn lên, nói là đãi cháu nhưng cả nhà đều được một bữa no nê.
Nhìn những miếng cá lóc được hấp chín cạnh dĩa tôm đất đỏ au, rồi các loại rau cùng với chén nước mắm ớt…, nước miếng đã tiết ra. Rau được bỏ vào tô rồi để bún lên trên, cô Út cẩn thận trụng cho bún nóng rồi mới để cá, tôm lên, nước lèo bốc khói được chan sau cùng. Bấy giờ chỉ còn nghe tiếng hít hà. Một tô rồi hai tô, mấy đứa nhỏ thách nhau ăn thêm tô nữa, chẳng mấy chốc nồi nước lèo trơ đáy, mấy dĩa rau còn sót lại vài cọng buồn hiu. Một món ngon hòa quyện bởi vị ngọt của cá tôm, của nước dừa xiêm thanh dịu, cọng bún trắng ngần đủ dai để quấn lấy mấy món rau ăn kèm mà không bị tách rời trong khoang miệng.
Ngày xưa không biết ai bày ra bún nước lèo, đã phối màu sắc, hương vị của sản vật đồng quê, cho ra đời tên tuổi của món ngon được lưu truyền hàng thế kỷ qua và hiện nay vẫn rất được ưa chuộng. Theo thời gian, người ta đã “biến tấu” bún nước lèo đa dạng hơn so với cách nấu truyền thống mà tôi vừa kể. Ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu…, ngoài cá lóc hay tôm đất, bún nước lèo còn có thịt heo quay, bì, chả lụa… làm cho tô bún thêm phong phú. Bún nước lèo đã trở thành thương hiệu ẩm thực miền Tây, ai đến đây mà không thưởng thức món ngon này thì coi như là một sự thiệt thòi không hề nhỏ.
Chưa ai thống kê đầy đủ các món ngon của miền Tây Nam bộ, nhưng tôi tin chắc một điều là bún nước lèo sẽ nằm trong tốp đầu của bảng thống kê đó. Mùi mắm đồng đã đi theo những người xa xứ một cách lặng lẽ, quyện chặt vào ký ức của họ và sẽ trỗi dậy khi được đánh thức bằng khứu giác, thị giác, vị giác. Thế mới biết tình quê luôn có sẵn trong ta dù thời gian cứ trôi nhanh về phía trước.
Nhớ tô canh hến dân dã ngày hè
Ngày xưa, hến sống trên các sông rạch miền Tây nhiều vô số kể. Những trưa hè oi ả, tôi thường rủ bọn trẻ cùng xóm tụm năm, tụm ba xách thau, rổ nhảy xuống sông mò hến. Không ai mò hến theo kiểu bắt từng con vì "bắt kiểu đó chừng nào mới đủ mà ăn".
Hến là một loài nhuyễn thể họ sò. Vùi mình trong bùn, ngậm phù sa mà lớn, con to nhất cũng chỉ cỡ đầu ngón tay út.
Người ta bắt hến theo kiểu lặn xuống đưa tay rà sát đáy sông, thấy chỗ nào cồm cộm là nơi ấy có nhiều hến. Dùng rổ cào mạnh xuống lớp bùn ấy rồi mang lên đãi. Bùn đất theo nước trôi đi, những con hến bị chao đi, chao lại dưới đáy rổ nghe thật vui tai.
Sản lượng hến ít ỏi khiến nghề cào hến ngày dần lụi tàn. Ảnh: T.L
Hến bắt lên rồi, người ta thường ngâm trong thau nước mưa một buổi để chúng nhả sạch bùn đất. Sau đó bắt một nồi nước to lên bếp chụm lửa đến khi nước sôi sùng sục mới thả hến vào rồi dùng và khuấy mạnh. Tiếp đó, lấy vợt hớt phần thịt hến nổi lên trên mặt, phần vỏ nặng hơn đã chìm xuống đáy nồi. Thịt hến có thể chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng như: Cháo hến, xào sả ớt, xào giá hẹ, làm nhân bánh xèo...
Thời bao cấp khốn khó, hến là một nguồn bổ sung chất đạm quan trọng của người dân quê nghèo. Ngay cả nước luộc hến màu trắng đùng đục như nước cơm vo cũng chớ dại mà đổ đi. Chờ cho nước nguội, bùn đất còn sót lại trong con hến lặn xuống đáy, người ta gạn lấy phần trong nó. Nước luộc hến có vị ngọt rất riêng, đậm đà, chứ không phải ngọt theo kiểu "thịt thăn xương ống". Ra vườn bứt nắm rau dại: Bình bát dây, mỏ quạ, cải trời... bỏ vào nước hến luộc đun sôi là đã có được tô canh ngày hè ngọt mát. Canh hến rau vườn ăn chung với thịt hến xào sả ớt thì... "thủng nồi, trôi rế".
Bây giờ, do phong trào nuôi vịt đồng thả lan nở rộ, hến dưới đáy sông rạch trở thành thức ăn tự nhiên của lũ vịt háo mồi nên con hến miền Tây không còn nhiều như trước nữa. Ngoài ra, do ô nhiễm nguồn nước, biến đổi khí hậu làm thay đổi dòng chảy tác động nghiêm trọng đến môi trường sống, khiến cho con hến ở miền Tây không còn trù phú như xưa.
Thi thoảng, ở các chợ dân sinh đồng bằng, hến đã qua công đoạn luộc sơ chế sẵn, thịt trắng đục vẫn được bày bán nhưng với số lượng rất ít ỏi. Thịt hến vẫn mềm ngọt, vẫn tươi nguyên nồng nàn hương vị phù sa nhưng khi ăn tôi vẫn cứ như vương vấn một điều gì đó như thiếu tô canh nước luộc hến nấu rau tập tàng! Tự hỏi: Không biết khúc sông nào ở miền Tây còn hến nhỉ?
Bún nước lèo - món ăn dân dã làm nên thương hiệu ẩm thực đất Mũi Bún nước lèo là món ăn dân dã được rất nhiều thực khách ưa thích bởi nước dùng thoang thoảng mùi mắm cá linh, cá sặc quyện cùng vị ngọt của tép bạc khiến món ăn trở nên khó quên. Du khách đến miền Tây có thể thưởng thức món bún nước lèo ở nhiều địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu.. nhưng...