Mục tiêu quan trọng cho sinh viên năm cuối
Đây là thời điểm tốt để các bạn sinh viên suy nghĩ về mục tiêu cho năm cuối cấp.
1. Có 1 công việc
Hãy tìm kiếm cơ hội việc làm bất cứ lúc nào khi bạn còn ngồi trên ghế nhà trường. Một công việc phù hợp với ngành nghề và đam mê là 1 trong những mục tiêu quan trọng nhất của sinh viên năm cuối. Nếu nỗ lực không ngừng trong những năm học đại học, rất có thể bạn sẽ có 1 công việc tốt trong suốt cả cuộc đời. Hãy tìm hiểu và liên hệ với đơn vị tuyển dụng mà bạn nhắm đến ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
2. Đi du lịch
Điều này không có vẻ không phải là “mục tiêu”, nhưng được đi du lịch để khám phá và hiểu biết về những vùng đất mới là 1 điều tuyệt vời. Nhất trong độ tuổi bạn đang tràn trề sức khỏe và có nhiều thời gian rảnh. Bạn có thể không có nhiều tiền để đăng ký những tour du lịch đắt tiền. Nhưng bạn có thể sắp xếp việc đi lại, ăn ở cùng với bạn bè mình theo hướng tiết kiệm nhất có thể. Và kỷ niệm với bạn bè của bạn trong chuyến đi ấy sẽ được ghi nhớ suốt đời.
3. Tốt nghiệp
Tốt nghiệp là đỉnh cao của sự nghiệp học tập ở đại học của bạn. Hãy nỗ lực hết mình để có thể tốt nghiệp với số điểm tốt nhất có thể. Tốt nghiệp và ra trường sẽ nằm trong danh sách những công việc phải làm năm nay. Bạn biết rằng bạn đang có cơ hội để tốt nghiệp, vì vậy, hãy cố gắng hết mình và tránh những sự cố đáng tiếc trong học tập cũng như thi cử.
Video đang HOT
4. Theo đuổi giáo dục cao học
Rất nhiều tân cử nhân sẽ “co rúm người” khi nói đến học cao học. Tuy nhiên đó cũng là 1 mục tiêu đáng để hướng tới khi bạn là 1 sinh viên năm cuối. Giáo dục cao học sẽ mang cho bạn đến 1 đỉnh cao mới về kiến thức cũng như công việc. Với tấm bằng cao học, bạn sẽ có cơ hội việc làm cũng như thu nhập cao hơn.
5. Kết bạn mới
Kết bạn là 1 mục tiêu quan trọng và khi ra trường đi làm, bạn càng hiểu hơn về tầm quan trọng của những mối quan hệ và những người bạn đích thực. Những người bạn mới có thể sẽ là người thầy, người cộng sự của bạn sau này. Vì vậy đừng ngần ngại cũng như bỏ lỡ bất kỳ cơ hội được tiếp xúc và bắt đầu 1 mối quan hệ mới với bất kỳ 1 người nào.
6. Đối xử tốt với mọi người
Đây là điều bạn nên làm mỗi ngày, đơn giản là mỉm cười và đối xử tốt với tất cả mọi người. Đây là 1 mục tiêu đơn giản nhưng mang lại hiệu quả tuyệt vời và có tác động lớn đến bạn và bạn bè của bạn trong năm học cuối cấp. Tất cả mọi người sẽ có những chuỗi ngày vui, đáng nhớ và những kỷ niệm đẹp trong thời khắc cuối cùng khi còn là sinh viên.
7. Tự lập kế hoạch và xác định hướng đi cho bản thân
Trong năm cuối cấp của bạn, bạn dần cảm thấy bản thân đã chín chắn và trưởng thành. Và đã đến lúc bạn tự lập cho bản thân 1 bản kế hoạch để xác định hướng đi trong 1-2 năm tới. Bản kế hoạch sẽ tạo tiền đề để bạn có những bước đi cũng như những cố gắng nhất định cho sự nghiệp và cuộc sống trong tương lai của mình. Nhưng đồng thời, đừng tỏ ra quá tham vọng khi đặt ra cho mình quá nhiều đích đến.
Theo Trithuctre
Đánh giá giảng viên: Dễ phát sinh tiêu cực
"Chúng em không quan tâm lắm đến nội dung đánh giá giảng viên vì tiêu chí khá chung chung và bản thân cũng không muốn ảnh hưởng đến tiêu chí bình xét thi đua của giảng viên" - một sinh viên năm cuối ĐH Hà Nội chia sẻ.
Cần xây dựng văn hóa đánh giá giảng viên trong giảng đường đại học
(Ảnh minh họa)
Làm hình thức - trả lời cho có
Yêu cầu lấy ý kiến đánh giá giảng viên từ sinh viên đã được đặt ra 5 năm nay nhưng cho đến giờ, vẫn được thực hiện cầm chừng. Điều đáng nói là ngay một trường ĐH lớn ở Hà Nội nhưng sinh viên khi được hỏi lại khá thờ ơ với hoạt động này.
N.H.Tú, sinh viên năm cuối ĐH Hà Nội cho biết, nhà trường vẫn phát phiếu khảo sát hàng năm để lấy ý kiến đánh giá của sinh viên với giảng viên nhưng nội dung như thế nào thì sinh viên này hoàn toàn không nhớ. "Em cũng không quan tâm nhiều đến nội dung. Chủ yếu là đánh dấu vào phần trả lời đánh giá tốt cho giảng viên lấy thành tích, xếp loại thi đua. Nếu nhà trường thực sự muốn lấy ý kiến của sinh viên để điều chỉnh, nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên thì sinh viên cũng sẵn sàng hợp tác. Còn nếu làm chỉ vì thành tích thì sinh viên cũng chỉ đánh dấu cho có, cho đủ" - nữ sinh viên này cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh phân tích, phần lớn các trường không đánh giá cao ý kiến của sinh viên, làm qua loa, đưa ra các tiêu chí đánh giá chung chung, mơ hồ. Chính điều này đã khiến cho sinh viên trả lời quấy quá cho xong việc. Như vậy, kết quả khảo sát không thu được những ý kiến xác đáng, giảng viên nào cũng nhận được những đánh giá tốt nhưng hoàn toàn không thực chất.
Xây dựng văn hóa đánh giá
Việc khảo sát ý kiến sinh viên được một số trường triển khai dưới nhiều hình thức. Không chỉ lấy ý kiến đánh giá giảng viên qua phiếu khảo sát, trường ĐH Nội vụ còn có những cuộc đối thoại trực tiếp giữa đại diện sinh viên các lớp với lãnh đạo nhà trường. Đây là cơ hội để sinh viên phản ánh thực tế học tập, sinh hoạt của mình tại trường cũng như đưa ra các nhận xét, đề xuất về các giờ học trong trường. Tuy nhiên, việc làm này lại không tránh khỏi những trở ngại từ phản ứng thiếu tích cực của giảng viên. "Có thầy giáo sau khi nhận được ý kiến đóng góp của sinh viên về việc trả điểm chậm đã yêu cầu khoa họp lại và phải chỉ ra xem sinh viên nào đưa ra ý kiến đó" - một sinh viên trường này cho biết. Với "văn hóa" tiếp nhận ý kiến đánh giá như vậy, sinh viên chỉ có thể im lặng hay phản ánh qua quít.
Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nghiệp vụ sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: "Giảng viên cần có ý thức sinh viên đánh giá giảng viên là tất yếu, không thể vì học trò đánh giá mình mà không hài lòng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng: "Việc lấy ý kiến sinh viên đánh giá giảng viên đòi hỏi sự thận trọng, nên chia thành nhiều giai đoạn, triển khai từng bước vì nếu không cẩn thận sẽ đem lại kết quả ngược, dễ phát sinh tiêu cực. Còn nếu không lắng nghe những đánh giá của sinh viên, thì không loại trừ tính chủ quan của tập thể giảng viên, trong khi chất lượng giảng dạy là sự sinh tồn của một trường đại học".
Theo ANTD