Mức điểm sàn công bố: Dư thừa nguồn tuyển cho các trường
Trao đổi với báo chí ngay sau khi công bố điểm sàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, hệ số dịch chuyển năm nay cao hơn rất nhiều nên chắc chắn nguồn tuyển sẽ rất dồi dào. Điều quan trọng là các trường sẽ hút thí sinh như thế nào?
Thứ trưởng Ga cho hay, Hội đồng điểm sàn của Bộ đã họp với 32 thành viên. Sau khi xem xét, cân nhắc tất cả các nguyên tắc xây dựng điểm sàn trong đó gồm việc quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, chỉ tiêu tuyển sinh, kết quả thi tuyển của các trường cũng như cơ cấu nhân lực các vùng miền. Tại cuộc họp này cũng có sự góp mặt của 3 thành ủy viên Hội đồng đến từ các trường ngoài công lập.
Điểm sàn ĐH năm 2012: khối A,A1-13,0 khối B-14,0 khối C-14,5 và khối D-13,5. Mức điểm sàn CĐ giảm 3 điểm so với sàn ĐH. Điểm sàn công bố không nhân hệ số, chưa tính điểm ưu tiên và khu vực.
Với mức điểm sàn xác định như đã công bố thì hệ số dịch chuyển của thí sinh (TS) cao hơn năm trước. Cụ thể, đối với khối A tỷ lệ giữa số TS dư và TS thiếu là 1,8 lần. Đối với khối B là trên 10 lần và khối C,D là trên 2,5 lần. Với hệ số dịch chuyển lớn như vậy thì các trường sẽ có nguồn tuyển rất dồi dào.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, với hệ số dịch chuyển lớn như vậy thì chắc chắn cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ cao hơn nhiều so với năm trước?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thí sinh trúng tuyển phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Thứ nhất là hệ số dịch chuyển đối với các khối ngành. Thứ 2 là khả năng dịch chuyển của TS từ vùng này sang vùng kia… Để đảm bảo khả năng trúng tuyển của TS cao thì năm nay Bộ GD-ĐT đã có chủ trương cho các trường xét tuyển nhiều đợt, cho TS đăng ký nhiều nguyện vọng, không quy định điểm trúng tuyển NV sau phải cao hơn NV trước. Với cơ chế mềm dẻo như vậy hi vọng các trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu và tất cả các TS có điểm trên sàn có NV học ở các trường ĐH sẽ tìm được chỗ học phù hợp.
Quan điểm của đại diện của các thành viên trường ngoài công lập về mức điểm sàn năm nay như thế nào?
Cả 3 thành viên đến từ các trường ngoài công lập đều hoàn toàn nhất trí với phương án điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đề ra. Khi biểu quyết mức điểm sàn ĐH, CĐ thì 100% ủy viên Hội đồng đều thống nhất với phương án đã công bố.
Video đang HOT
Có một vấn đề đặt ra là mùa tuyển sinh nào Bộ GD-ĐT cũng đảm bảo dư nguồn tuyển nhưng các trường ngoài công lập vẫn luôn gặp khó khăn trong việc tuyển đủ chỉ tiêu, Thứ trưởng có thể giải thích về hiện tượng này?
Với hệ số di chuyển lớn như năm nào cùng với cơ chế mềm dẻo của Bộ GD-ĐT trong khâu xét tuyển thì các trường không khó để tuyển được đủ chỉ tiêu. Vấn đề ở chỗ là làm sao các trường có thể thu hút được TS vào học bằng sự uy tín và chất lượng đào tạo của mình. Có rất nhiều TS trên điểm sàn nhưng lại không đầu đơn vào các trường còn chỉ tiêu thì điều đó chúng ta không thể can thiệp được. Chính vì thế các trường cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao sức hút đối với TS.
Sau bao nhiêu năm điểm sàn khối C luôn ổn định ở mức 14,0 thì năm nay đã có sự thay đổi là tăng thêm 0,5 điểm. Vậy có phải chăng chất lượng TS dự thi khối C đã được cải thiện?
Trong những năm qua, chất lượng giáo dục các trường phổ thông đã được cải thiện đáng kể nhờ sự đầu tư của nhà nước và sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành. Tất nhiên chúng ta không hi vọng nó sẽ có sự thay đổi đột biến được mà phải dần dần. Cụ thể năm nay chúng ta thấy rất là rõ sự chuyển biến này. Ví dụ như ở các môn thi khối C nếu trước đây chúng ta thường hay lo lắng TS không học hoặc học không có hiệu quả thì năm nay kết quả phổ điểm của khối này rất là tốt thể hiện ở chỗ điểm cực đại đối với 3 môn thi của TS là 15,0 điểm (Số thí sinh đạt tổng điểm 3 môn thi là 15 điểm chiếm phần lớn – PV).
Những năm gần đây Bộ GD-ĐT đã có những cải cách rất rõ ràng đối với việc dạy và học cũng như cách thi đối các môn thuộc khối Xã hội nhân văn sau khi có những cảnh báo về chất lượng cũng như việc cân đối ngành nghề. Chính những cải cách đó đã tạo cho HS sự sự hứng thú khi học các môn này. Chẳng hạn như không bắt buộc phải học thuộc lòng nhiều mà chuyển sang suy luận, thể hiện ý kiến cá nhân…
Trong khâu xét tuyển các NV kế tiếp thì thí sinh cần phải quan tâm đến những điểm nào thưa Thứ trưởng?
Có một vấn đề mà các TS cần phải quan tâm đó là năm nay hầu hết các vùng miền tỷ lệ giữa TS dư và chỉ tiêu thiếu của các trường thuộc vùng đó có thể tự cân đối với nhau, chẳng hạn như ở vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ…Nghĩa là những TS thuộc vùng đó mà không trúng tuyển NV1 hoàn toàn có thể lấp đầy các chi tiêu còn thiếu của các trường còn lại trong khu vực đó. Do đó nếu có sự di chuyển của TS vùng khác đến tham gia xét tuyển thì sự cạnh tranh sẽ cao hơn.
Chính vì thế khi nộp xét tuyển các NV kế tiếp thì TS phải tự nhìn nhận mức chỉ tiêu của các trường phù hợp với khả năng của mình. Tất nhiên TS vẫn có cơ hội rút hồ sơ xét tuyển sau khi đã nộp vào một trường nào đó.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
S.H (thực hiện)
Theo dân trí
Hôm nay, Bộ GD-ĐT ấn định điểm sàn
Trên cơ sở tổng hợp số liệu tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đưa ra 3 phương án điểm sàn năm 2012. Tại cuộc họp sáng nay 8/8, Hội đồng điểm sàn quốc gia thảo luận để chọn ra phương án khả thi nhất để các trường có đủ nguồn tuyển nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Các phương án điểm sàn đem ra thảo luận gồm hoặc giữ nguyên điểm sàn như năm 2011 (khối A, D: 13 điểm khối B, C: 14 điểm), hoặc tăng đều điểm sàn ở mỗi khối thêm 0,5 điểm và phương án thứ 3 là giữ nguyên điểm sàn khối A, B như năm 2011, tăng 0,5 điểm đối với khối C,D.
Theo số liệu thống kê của Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), với mức điểm sàn khối A là 13 thì có 110.000 thí sinh trúng tuyển NV 1. Còn 38.000 chỉ tiêu dành cho các nguyện vọng tiếp theo. Trong đó, số thí sinh có mức điểm đủ điều kiện xét là 66.500. Như vậy, so với chỉ tiêu còn thiếu thì số dư gấp 1,8 lần. Tỷ lệ này đã cao hơn năm 2011 là 1,6, do đó nguồn tuyển sẽ nhiều hơn. Đối với khối A1 nếu ấn đinh là 13 thì thiếu khoảng 10.000 chỉ tiêu nhưng các trường có thể tuyển bổ sung từ nguồn của khối A.
Khối B, nếu mức điểm sàn là 14 thì có 29.500 thí sinh trúng tuyển NV1. Số chỉ tiêu còn thiếu là 5.800, trong khi số dư lên tới 60.000. Đây là khối thi có hệ số cao nhất 1/11. Tuy nhiên, ở khối thi này có nhiều thí sinh ảo nên hệ số này đảm bảo để các trường không thiếu nguồn tuyển.
Đối với khối C lấy ở mức 14 điểm như năm 2011 thì số thí sinh trúng tuyển NV1 là 19.500. Số chỉ tiêu còn thiếu là 4.500, trong khi số dư là 16.500 gấp 3,6 lần. Vì vậy nếu tăng mức điểm sàn lên 14,5 thì số dư là 13.700, so với số chỉ tiêu còn thiếu vẫn gấp 2,7 lần.
Khối D1, với dự kiến mức điểm sàn là 13,5, tăng hơn năm 2011 0,5 điểm thì số thí sinh trúng tuyển NV1 là 45.000. Số thí sinh còn dư gấp 2,9 lần chỉ tiêu.
Từ số liệu phân tích này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng phương án điểm sàn khối A, A1: 13 khối B: 14 khối C: 14,5 và khối D 13,5 điểm là có chiều hướng khả thi nhất. Với phương án này sẽ có khoảng 218.000 thí sinh trúng tuyển NV1.
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thì năm nay Hội đồng điểm sàn sẽ không xảy ra việc tranh cãi nhiều. Việc quyết định sẽ không khó khăn như năm trước. Nếu năm trước điểm sàn được dự kiến sát ngưỡng chỉ tiêu khiến hội đồng phải cân nhắc kỹ, thì năm nay với mức sàn dự kiến, số dư (thí sinh)/số thiếu (chỉ tiêu) đều đủ cho các trường lựa chọn.
Tuy nhiên, theo thông lệ hàng năm thì mức việc quy định mức điểm sàn không có nhiều ý nghĩa đối với các trường công lập bởi phần lớn các trường đều có thể tuyển đủ chỉ tiêu ngay ở NV1. Trong trường hợp muốn nâng cao chất lượng đầu vào thì có thể tuyển một số chỉ tiêu không đáng kể ở NV kế tiếp. Khó khăn nhất vẫn dồn về các trường ngoài công lập. Chính vì rào cản điểm sàn mà nhiều năm nay không ít các trường ngoài công lập vẫn kêu khó trong khâu tuyển sinh.
Một chuyên gia tuyển sinh đánh giá, với việc phổ điểm trung bình năm 2012 được tăng lên đồng nghĩa với việc số thí sinh đạt mức điểm trên sàn nhiều hơn nếu vẫn ấn định trong phạm vi từ 13-15. Như vậy cơ hội dành cho các trường ngoài công lập là rất lớn bởi năm nay Bộ GD-ĐT không khống chế thời gian xét tuyển các NV kế tiếp mà cho kéo dài đến cuối tháng 12/2012. Tuy nhiên cách làm này của Bộ GD-ĐT cũng hướng đến mục tiêu thanh lọc các trường kém chất lượng nên không hút được thí sinh.
"Khi các trường ngoài công lập không còn kêu ca về nguồn tuyển thì vấn đề còn lại là thí sinh có lựa chọn để vào học đơn vị nào. Hiện nay nhận thức của thí sinh đã khác trước. Nếu trường nào đó đào tạo không tốt, chất lượng không được xã hội thừa nhận thì chắc chắn thí sinh sẽ không lựa chọn đầu đơn xét tuyển mà sẵn sàng chờ đợi để năm sau dự thi lại" - chuyên gia tuyển sinh này nhấn mạnh.
Đúng 8h sáng nay, Hội đồng điểm sàn quốc gia làm thảo luận. Dự kiến khoảng 11h trưa sẽ có quyết định cuối cùng. Dân trí sẽ cập nhật thông tin điểm sàn năm 2012 sau khi có kết luận chính thức từ Hội đồng điểm sàn. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, các trường sẽ đồng loạt công bố điểm chuẩn chính thức vào trường.
S.H
Theo dân trí
Đại học ngoài công lập lo không có thí sinh vào học Với mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, sẽ có khoảng 218.000 thí sinh trúng tuyển NV1 và còn gần trăm nghìn thí sinh đạt điểm bằng sàn và trên sàn không đỗ NV1 tham gia xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo. Bộ GD-ĐT vừa công bố mức điểm sàn ĐH khối A, A1: 13,0 điểm khối B: 14,0 khối...