Mùa xuân và tuổi trẻ
Bây giờ châu Âu đang ở giữa mùa đông. Bầu trời màu chì và sương vẫn giăng trên những mái nhà của thành phố lúc chiều sớm hay sáng muộn. Đã qua 22 mùa xuân, lần đầu tiên trong đời, tôi không có Tết. (Trúc Vy, Anh)
“Diễn đàn” đón giao thừa online của tôi với những người bạn cũ. Ảnh: tác giả cung cấp
Theo lời gợi ý một người bạn lớp 9, năm nay, lớp chúng tôi sẽ tổ chức đón giao thừa online, do nhiều người bạn cũ của tôi hiện đang học tập và làm việc ở nước ngoài.
Đúng giờ hẹn, tôi thay bộ đồ mới chỉnh tề, lên mạng như đã hứa. Lúc bấy giờ, ở Việt Nam, kim đồng hồ chuẩn bị điểm sang ngày mới, nhà nhà có lẽ đang rộn ràng chuẩn bị đón giao thừa. Dù đường truyền Internet có lúc chập chờn, thỉnh thoảng có bạn chạy ra, chạy vào để gọi điện chúc Tết người thân, nhưng “diễn đàn” của chúng tôi vẫn kéo dài khá lâu.
Bồi hồi nhìn những gương mặt thân quen qua khung hình máy tính, tôi chợp thấy mình may mắn biết bao vì sau bao nhiêu năm, tôi vẫn còn họ “bên cạnh” để chia sẻ thời khắc quan trọng này. Chúng tôi đã ôn lại kỷ niệm hồi còn đi học, tâm sự về về cuộc sống hiện tại cũng như những hoạch định trong tương lai.
Gửi bài dự thi “ Xuân Quê hương” của bạn
Kỳ diệu làm sao, ở những múi giờ khác nhau, chúng tôi đang cùng hướng lòng mình về phía Đông, nơi hai tiếng quê hương vẫy gọi, nơi có lá cờ đỏ sao vàng,có gia đình, để đón cái Tết cổ truyền.
7 năm đã trôi qua kể từ ngày chúng tôi ra trường. Cơn gió vô tình đã cuốn chúng tôi theo những hành trình dài ngắn khác nhau, vấp ngã, trưởng thành và giờ đây là những con chim tha hương vẫn miệt mài bay lượn trên bầu trời. Thế nhưng, dường như, tiếng gọi của tuổi trẻ sôi sục vẫn không thôi thúc giục chúng tôi cố gắng, đôi khi mục tiêu chỉ đơn giản là dành tiền năm sau về quê ăn Tết hay tìm được công việc thực tập tốt.
Video đang HOT
Sáng hôm sau, tôi có hẹn với một cô bạn người Pakistan. Chúng tôi đi lòng vòng khu người Á, xem múa lân, rồi về nhà tôi ăn bữa cơm đầu năm, luận bàn về tuổi trẻ và ước mơ. Tôi nghe bạn kể về những khó khăn của người nhập cư, rồi kể cho bạn nghe về Tết cổ truyền Việt Nam. Tôi còn nói đùa rằng năm nay tôi được bạn xông đất.
Lần đầu tiên tôi cảm nhận sâu sắc về tuổi trẻ của mình khi đón Tết xa nhà. Ảnh: tác giả cung cấp
Khi tôi viết những dòng này, trời vẫn mưa đều, như một căn bệnh trường kỳ của thời tiết nước Anh. Tuy không có một cái Tết đúng nghĩa, nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận sâu sắc về tuổi trẻ của mình, tự hào về những vùng đất mình đã đi qua, hãnh diện về những người bạn đã gặp, nhưng cũng lòng không thôi khấp khởi về hành trình sắp tới mà chắc chắn rằng cần phải sống xứng đáng hơn.
Qua đây, tôi xin gửi lời tri ân tự đáy lòng mình đến mái trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Vĩnh Long, nơi tôi bắt đầu chặng đường 7 năm từ đứa con xa nhà, đến bây giờ thành đứa con xa xứ.
Tôi cũng gửi lời thương chúc những bạn đang sống xa nhà có một cái Tết ấm áp và một năm “cày bừa” thuận lợi, để mùa xuân năm sau có “vụ mùa bội thu”. Bao nhiêu mùa xuân đã đi qua, còn bao nhiêu cái xuân sẽ đến, chúng ta vẫn là những người rất trẻ mà người ta thường hay nói “Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước”.
Ngày mai, theo dự báo, trời sẽ có nắng. Ngước nhìn bản bản đồ thế giới trên tường, về phía tay phải, đó là nhà mình. Ngước nhìn ra bầu trời đêm, xin phép ghi một cái hẹn với tương lai, mong bình an đến với các bạn, để những người đi xa, dù có xa cách mấy, cũng có ngày trở về…
Theo VNE
Tết đầu tiên ở Mỹ, nhớ 'Nhà'
Đứng trước cánh cửa gỗ trạm trổ khéo léo, bỗng nhớ chiếc cửa sắt cọt kẹt nhà mình. Bao nhiêu vui buồn, mồ hôi nước mắt và niềm hạnh phúc chất chứa hết vào đó, để rồi giờ đây ra đi chỉ mang theo một số tiền và những kỷ niệm. (Vân Anh, California, Mỹ)
Tết đầu tiên ở Mỹ, nhớ căn nhà ấm áp tại Việt Nam. Ảnh do tác giả cung cấp.
Nửa đêm, bất giác nghe em út mơ màng giữa khuya "nhà", bỗng thấy một nỗi nhớ nhà kỳ lạ ngay đây. Đôi mắt nhắm nghiền nhớ về "nhà" xưa, nơi 22 mùa Tết của mình thật khác... "Nhà" bây giờ là một khái niệm xa xỉ trong suy nghĩ của 5 người nhà mình.
Đã 3 tháng hơn kể từ ngày không còn nhà, cái "không" của một hiện thực rất thật, đến mức đôi lần dằn lòng nói mạnh với mẹ câu này khi mẹ thở dài "Mẹ nhớ ngôi nhà của mình quá!", một câu tưởng vui mà đau lắm "Người ta cũng tốn ngần ấy tiền mới có nhà mình mà mẹ".
Phải! Ngày nhận 5 sổ hộ chiếu với 5 tấm visa thông hành đến nước Mỹ là ngày bố mẹ lo lắng chuyện bán nhà. Phải bán để có tiền mà đi. Phải bán vì nếu để lại sẽ không ai săn sóc. Phải bán, phải bán, phải bán! Ừ thì bán. Nhưng bán rồi vẫn chưa thể có nhà vì số tiền ấy mang qua Mỹ chỉ như thả chép vào hồ mà cá cứ loanh quanh một mình.
Ngày giao nhà cho người ta, mình đi học sớm nên không kịp nhìn ngôi nhà trống trải đến mức thênh thang lần cuối, chỉ nghe mẹ nói lúc ấy thấy thương ba bức tường gạch với chiếc cửa sắt lắm! Bao nhiêu vui buồn, mồ hôi nước mắt và niềm hạnh phúc chất chứa hết vào nơi này, để rồi giờ đây ra đi chỉ mang theo một số tiền và những kỉ niệm. Cả gia tài! Ừ thì đó là nơi 5 người nhà mình sống như một gia đình thực thụ cơ mà! Là tài sản bao năm lao động vất vả của bố của mẹ đấy thôi! Là nơi 3 đứa con tài năng trong mắt bố mẹ ra đời, lớn lên và sống là người có ích cơ mà!
Gửi bài dự thi "Xuân Quê hương" của bạn
Thế mà bỗng chốc một ngày cả năm người tạm biệt nơi ấy, nơi mỗi khi đi ngang lại thấy cay cay sống mũi, bỗng thấy số tiền tỷ ấy chẳng còn ý nghĩa gì.
Đã hơn 1 tháng từ ngày gia đình mình đến Mỹ, vẫn là những người không nhà dù đang trú ngụ ở một ngôi nhà bốn phòng tại một thành phố tốt ở California.
Cận Tết, cô chú đi chợ hoa mua sắm hoa trái, bánh mứt... để đón Tết như nhiều gia đình Việt khác. Mình không được xuống San Jose để theo. Ở nhà ngóng mọi người đi sắm Tết về, thấy cúc thấy lan vàng rực rỡ, thấy bánh kẹo không thiếu thứ gì, chỉ thiếu cái nô nức của một cái Tết sắp đến... Làm sao mà sắm Tết khi không còn ngôi nhà của gia đình mình để mặc sức mua và trang trí theo ý thích? Làm sao có thể tự tiện? Làm sao dám "khoe áo mới" vì áo mới đâu ra mà khoe khi chưa làm ra đồng tiền nào ở đất Mỹ? Vậy là nhớ "Nhà"...
Chị em mình được phân công dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Đứng trước cánh cửa gỗ trạm trổ khéo léo, bỗng nhớ chiếc cửa sắt cọt kẹt nhà mình. Đâu đây thôi mới hai năm trước, bố mẹ và 3 đứa con mấy ngày liền bất kể sáng, trưa, chiều, tối thay phiên nhau cạo từng miếng sơn đã bong tróc trên từng thanh sắt, lớp lá cửa để tặng mặt tiền ngôi nhà chiếc áo mới mang màu xanh da trời dịu mát.
Nhớ lắm cảm giác xúc động khi vừa làm vừa mẹ kể ngày xưa bố mẹ đã may bao nhiêu bộ áo dài mới đủ tiền làm chiếc cửa sắt này. Nhớ như y lần bị ổ khóa rớt trúng đầu vì bất cẩn lúc khóa cửa. Nhớ cả vợ chồng mèo mướp mấy năm trước chui qua lỗ cửa bên dưới, hai chiếc đầu xinh xinh nhìn ra đường ngắm xe cộ trong khi đuôi ngoe nguẩy liên tục, bố thấy thế thì bảo: "Chắc chúng nó đang tám chuyện thư giãn!" làm cả nhà cười ầm.
Nhớ lần mẹ bấm ổ khóa mà quên mang chìa khóa, báo hại cả nhà một phen hú vía tưởng phải ra đường ngủ, may thay anh Sửu hàng xóm khỏe như Sửu mang kềm công lực ra cắt khóa. Nhớ ngày xưa đi học về, thấy cửa khóa ngoài lại ngồi trước nhà chờ bố mẹ đi về mới được vào, đi học về đã mệt lại còn phờ phạc ngóng ra đường, để thấy bóng dáng cha mẹ từ xa là nhãy cẫng lên tuy đã 16, 17 tuổi.
Vừa làm vừa nhớ hơn 20 năm trời ở ngôi nhà này, cứ thế mà kể cho các em nghe, nhắc bố mẹ nhớ, rồi cả nhà cùng cười vang, những mệt mỏi theo thế mà tan ngay. Hôm nay đứng nhìn cửa gỗ, nhớ cửa sắt nhà xưa, nhớ những vất vả của cha mẹ, nhớ tuổi thơ lắm, nhớ không khí của hai mươi mấy Tết...
Tết đầu tiên xa quê hương, 5 người nhà mình có thấy buồn, nhưng nghĩ còn nhiều ngổn ngang phía trước cần giải quyết, lại lao vào học, vào làm, cứ như lấy công việc mà giết nỗi nhớ "Nhà", nỗi tủi thân của những kẻ không nhà mang riêng mình.
Tết này, ở nơi này, thiếu ông bà, thiếu bạn bè, thiếu hàng xóm để chúc Tết, nhưng đầy ắp quyết tâm để lại có "Nhà", bởi những mùa Tết sau mình mong nỗi nhớ này sẽ vơi dần lắng lo về một chỗ "chui ra chui vào" như cách nói giản dị của mẹ, để những kỷ niệm dưới mái nhà xưa sẽ luôn còn đây và trở thành động lực để gia đình mình ra sức làm và học cho tốt nơi miền đất mới.
Đêm, 4 người đã say ngủ, em út lại quơ quơ "Nhà!" chắc chiều nay em nghe mẹ thở dài "Bao giờ mới có nhà đây, nhà của mình, để được có Tết như ngày xưa?"
Tết đầu tiên, nhớ "Nhà" như thế đấy, bởi một mùa Tết trọn vẹn đơn giản chỉ là mọi người trong gia đình cùng nhau chuẩn bị đón Tết từ những công việc nhỏ bé nhất, cùng mang niềm vui sum vầy vào ngôi nhà của mình, vào chính "Nhà" mình thôi. Ấy vậy mà ở đây thèm "Nhà" ấy lắm!
Theo VNE
Kiều bào xúc động đón Tết quê hương Hơn 1.000 bà con kiều bào ở khắp các quốc gia trên thế giới hôm qua tề tựu tại tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội, để tham gia chương trình Tết "Xuân Quê hương" thường niên do Bộ Ngoại giao tổ chức. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu kiều bào trước tượng đài vua Lý Thái Tổ. Ảnh:...