Mua xe giá rẻ coi chừng mang họa
Cẩn thận khi mua xe không giấy tờ giá rẻ vì coi chừng xe do trộm cắp, cướp được.
“Nhiều người lên mạng mua xe máy giá rẻ mà không biết xe đó là do phạm tội mà có được. Có người biết nhưng vẫn mua vì ham đồ rẻ. Đến khi công an điều tra được, cái giá lại không hề rẻ chút nào” – trinh sát Phạm Quốc Cường, Đội Hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự, cho hay.
Vừa mất xe, mất tiền
Để mua được một chiếc xe máy làm phương tiện đi lại hiện không khó lắm. Lên các trang mạng xã hội, diễn đàn mua bán như chotot.com, muaban.net, 5giay.vn… chỉ cần vài cú click chuột đã có thể tìm thấy hàng ngàn thông tin rao bán xe với đủ hãng, màu sắc, giá cả khác nhau, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng đều có. Không ít trường hợp khẳng định “xe chính chủ, bao tranh chấp”. Nhưng thực tế, nguồn gốc xe từ đâu mà có thì chỉ có người bán mới biết.
“Xe Wave giá hãng giấy tờ đầy đủ, xe mới là 17-18 triệu đồng, xe cũ có giấy tờ khoảng 10-12 triệu đồng nhưng xe không giấy tờ thì chỉ tầm 4 triệu đồng. Mua xe không giấy tờ đa phần là do người mua vì ham đồ rẻ, nhẹ dạ cả tin. Cũng có trường hợp mua phải xe gian dù xe có giấy tờ đấy nhưng cà vẹt không chính chủ. Trường hợp này có thể chủ xe để giấy tờ trong cốp bị trộm mất cả xe và giấy tờ” – trinh sát Phạm Quốc Cường chia sẻ.
Anh Cường cho hay có một câu chuyện mà anh nhớ mãi là một trường hợp nạn nhân mua xe có giấy tờ nhưng cà vẹt không chính chủ. Người này mua xe trên trang chotot.com, là xe dòng Air Blade được rao bán 20 triệu đồng. Giá thị trường của chiếc xe này trên 40 triệu đồng, xem và giao xe ở Gò Vấp. “Xe chạy rất ổn, giá quá rẻ. Chỉ có ổ khóa xe bị hỏng, người bán giải thích là do cháu bé ở nhà đút lộn muỗng ăn vào. Nạn nhân tin tưởng mang về đi sửa, vừa mang xe ra tiệm thì bị Công an quận Tân Bình bắt lại. Xe bị tạm giữ, anh này cũng phải ở lại trụ sở công an một ngày để hỗ trợ điều tra” – trinh sát kể.
Từng mua phải xe gian, anh T. (Nghệ An) kể bên bán bảo xe mất giấy tờ, bao tranh chấp. Ai dè được mấy bữa thì công an gọi đến bảo đó là xe ăn trộm. Xe bị thu, còn anh T. phải ngồi đến tối mịt ở trụ sở công an mới được về. “Người mua phải mất xe do tang vật bị thu hồi. Nặng thì phải vào tù về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” – trinh sát Cường giải thích.
Video đang HOT
Một chiếc xe bị trộm cắp được công an phát hiện. Ảnh: Nguyễn Trà
Nguyễn Anh Duy (phải) và đồng phạm tại cơ quan điều tra.
Đến “được tù” vì tiêu thụ xe gian
Trường hợp phải vào tù do mua xe từ trộm cắp, cướp điển hình là Nguyễn Anh Duy. Duy là một mắt xích quan trọng trong đường dây “đá nóng” xe máy chuyên nhắm vào các cửa hàng thức ăn nhanh hoặc cửa hàng tiện ích 24/24 giờ trên địa bàn TP.HCM. Chuyên án được khám phá thành công sau nhiều tháng trinh sát đặc nhiệm (Đội 3, Đội Hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự) ròng rã đeo bám.
Theo đó, vào khoảng tháng 4-2018, trinh sát phát hiện đường dây trộm cắp xe máy hoạt động trên các địa bàn như Tân Bình, Gò Vấp, quận 2… Nhóm này đều nghiện ma túy đá, game bắn cá và chuyên “đá nóng” xe máy sau 0 giờ. Tất cả phương tiện do nhóm trộm đều được Nguyễn Anh Duy (ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cùng đàn em tiêu thụ. Vừa cưới hôm trước thì hôm sau Duy bị bắt. Tuy nhiên, có một chi tiết mà sau này tổ trinh sát kể lại, thực tế lệnh bắt Duy ban đầu chính là ngày cưới của thanh niên này.
“Khi có quyết định bắt Duy, vừa xuống nhà anh em sững sờ thấy hoa rạp cưới. Mọi người nhìn nhau hỏi giờ sao. Gọi điện thoại báo về lãnh đạo được đồng ý, anh em quyết định chờ xong ngày vui của người này mới tiến hành bắt, lại thêm một ngày anh em mất ăn mất ngủ đeo bám” – trinh sát Huỳnh Quốc Vũ (Đội Hình sự đặc nhiệm) nhớ lại.
Trinh sát Phạm Quốc Cường cho hay có một số thủ đoạn mà người mua xe thường mắc phải hiện nay là mua bán qua mạng, dằn cọc 500.000 đồng, nộp xong là người bán mất tích. Trường hợp khác thì bị làm cà vẹt giả. Hoặc mua đứt bán đoạn, mua xong bỏ 2-3 triệu đồng đặt cọc làm cà vẹt nhưng người bán nhận tiền xong là bặt tăm do không làm được. Có trường hợp mua xe biển số tỉnh quảng cáo bao tranh chấp nhưng phải tự đi làm, không kiểm chứng được. Anh cho hay nên hạn chế tối đa việc mua xe không chính chủ.
“Nhiều người nghĩ quy định sang tên đổi chủ phiền phức nhưng không nghĩ tới những hệ lụy sau này như xe bị mất, tranh chấp. Những trường hợp này phải chứng minh được là xe của mình mới được nhận lại xe. Công an qua điều tra, xác minh sẽ trả lại cho chủ xe đầu tiên, nếu không có người nhận sẽ tịch thu sung công quỹ nhà nước” – anh Cường lưu ý.
Để hạn chế mua phải xe do người phạm tội mà có, trinh sát Phạm Quốc Cường khuyến cáo người mua nên nhờ thợ sửa xe quen đi cùng để kiểm tra xe. Thứ nhất, phải xem giấy tờ, số khung, số máy có còn nguyên không, có bị đục lại hay không, có bị mờ không. Thứ hai, so sánh với cà vẹt của mình xem phôi bằng có giống nhau không: Chất liệu, màu sắc… Thứ ba, khi mua bán phải công chứng tại văn phòng công chứng.
NGUYỄN TRÀ
Theo PLO
Phòng ngừa, chấn chỉnh các hành vi công chứng nhằm trốn thuế tại Đà Nẵng
Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng - bà Võ Thị Như Hoa vừa ký ban hành Kế hoạch số 2485/KH-STP triển khai Đề án "Chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế trên địa bàn TP Đà Nẵng".
Giao dịch tại một phòng công chứng ở Đà Nẵng
Theo đó, Sở Tư pháp Đà Nẵng sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biển pháp luật nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực công chứng nhằm trốn thuế; các hành vi "ký gửi, ký chờ" của công chứng viên và các hậu quả pháp lý phát sinh từ việc "ký gửi, ký chờ" khi thực hiện việc công chứng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản nhằm trốn thuế; các hành vi "liên danh, liên kết, móc nối, thông đồng trích tỉ lệ % cho ngân hàng và nhân viên ngân hàng", tư vấn, hướng dẫn người yêu cầu công chứng ghi sai lệch giá trị giao dịch tài sản trong hợp đồng mua bán, chuyển nhượng so với giá trị giao dịch thực tế...
Hoạt động tuyên truyền trên nhằm để các tổ chức, cá nhân, người dân nắm được về thủ đoạn trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh thông qua các hành vi nêu trên để kịp thời tố giác với cơ quan chức năng.
Kế hoạch 2485/KH-STP cũng triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm khi thực hiện việc công chứng hợp đồng dân sự nhằm trốn thuế và phòng, chống việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức công chứng.
Cụ thể, sẽ tổ chức quán triệt và yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên ký cam kết tuyệt đối không thực hiện hành vi "ký gửi, ký chờ" khi công chứng các hợp đồng, giao dịch, đặc biệt, các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản nhằm trốn thuế và hành vi "liên danh, liên kết, móc nối, thông đồng trích tỉ lệ % cho ngân hàng, nhân viên ngân hàng" nhằm lôi kéo khách hàng.
Tham mưu văn bản yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng quán triệt đến các công chứng viên, nhân viên của tổ chức mình tuyệt đối không được tư vấn, hướng dẫn người yêu cầu công chứng ghi sai lệch giá trị giao dịch tài sản trong hợp đồng mua bán, chuyển nhượng so với giá trị giao dịch thực tế nhằm trốn thuế. Đồng thời phối hợp, phản ánh đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) - Chi nhánh Đà Nẵng về các tổ chức tín dụng "liên danh, liên kết, móc nối, thông đồng trích tỉ lệ %" với các tổ chức hành nghề công chức nhằm lôi kéo khách hàng, để Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp Đà Nẵng cũng rà soát, tổng hợp những vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định pháp luật trong lĩnh vực công chứng để đề xuất, kiến nghị cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Phối hợp, phản ánh đến NHNNVN - Chi nhánh Đà Nẵng những vướng mắc, bất cập khi công chứng các hợp đồng thế chấp, vay vốn được soạn thảo sẵn, gây thất thu thuế và ảnh hưởng đến quyền lợi người yêu cầu công chứng.
Cùng với đó, Sở Tư pháp Đà Nẵng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng; phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra chuyên đề về thu phí, thù lao công chứng, việc sử dụng hóa đơn, phiếu thu, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước... tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, Sở Tư pháp Đà Nẵng sẽ tập trung nâng cao chất lượng áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng; hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng và triển khai thực hiện tại tất cả các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn. Ngoài ra còn chia sẻ dữ liệu công chứng cho các cơ quan thuế, tài nguyên - môi trường tra cứu nhằm kịp thời phát hiện các hành vi giả mạo văn bản công chứng, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân. Sở Tư pháp Đà Nẵng cũng sẽ tham mưu UBND TP Đà Nẵng về Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn trong quý IV/2018.
Theo baophapluat
Nhiều hệ lụy từ 'hợp đồng âm dương' Có một bản án ghi nhận giá bán ký công chứng chỉ có 700 triệu đồng nhưng giá thật mua bán tới 8 tỉ đồng. Giới mua, bán nhà đất vẫn kháo nhau về việc sử dụng "hợp đồng âm dương" để trốn thuế. Hợp đồng âm là để đi công chứng và làm các thủ tục thuế, sang tên với giá ảo,...