Mùa thi, gặp lại thầy Đỗ Việt Khoa
Tôi hẹn gặp anh vào một buổi chiều trước ngày cơn bão số 2 đổ bộ vào đất liền, khi mà các tỉnh đang lần lượt công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Trông anh già đi nhiều với mái tóc bạc quá nửa. Vẫn cách nói chuyện tưng tửng pha chút hài hước, anh trải lòng về công việc hiện tại, về cuộc sống gia đình, những trăn trở của mình.
5 năm rồi, chẳng thí sinh nào phải sợ tôi!
Hẳn nhiều độc giả còn nhớ, hồi tháng 5-2010, báo chí rộ lên thông tin thầy giáo Đỗ Việt Khoa nộp đơn xin thôi việc. Rồi sau đó ít lâu lại có thông tin anh chuyển về công tác tại trường THPT Nguyễn Trãi. Nay gặp, hỏi anh chuyện công việc, anh cười thông báo: “Tôi chuyển về trường THPT Thường Tín từ ngày 1-1-2011 rồi, nghĩa là sau 7 tháng hưởng lương mà không phải lao động ở trường cũ (THPT Vân Tảo – PV)”.
Hỏi ra mới hay, anh nộp đơn xin thôi việc từ tháng 5. Sau nhiều lần thông báo sẽ giải quyết cho anh nghỉ việc, mãi đến cuối tháng 8, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội điều động anh về công tác tại trường THPT Nguyễn Trãi, cách nhà ngót chục cây số nhưng anh không đồng ý, yêu cầu giải quyết đơn. Đầu năm học 2010 – 2011, khi phân lịch giảng dạy, anh không hề có tên trong giáo viên đứng lớp. “Thế là đến hết tháng 12, nghĩa là cả học kỳ một, tôi vẫn nhận lương và 30% phụ cấp đứng lớp đều đặn dù họ không phân công dạy một buổi nào. Họ còn cấm tôi vào trường!”, anh cho hay.
Ngày 23-12, sau nhiều lần Sở thuyết phục, hứa hẹn, anh tạm nhận điều động về trường THPT Thường Tín để chờ giải quyết tiếp vụ việc. Môi trường mới khác hẳn nơi cũ cũng đem lại cho anh phần nào niềm an ủi. Nhiều người thở phào vì thầy Khoa vẫn có cơ hội được gắn bó với sự nghiệp trồng người đã ngót hai chục năm theo đuổi.
Dẫu vậy, có một điều đôi lúc khiến anh phải chạnh lòng. “Từ sau vụ tôi tố cáo chuyện tiêu cực thi tốt nghiệp, học sinh mà nhìn thấy tôi coi thi thì sợ lắm. Nhưng thật may cho các em là 5 năm rồi chả em nào phải sợ tôi nữa, vì tôi có được làm giám thị đâu! Có một lần hồi năm 2008, tôi được cử làm giám thị biên tới 5 môn. Trong quy định, “giám thị biên không được đến gần phòng thi” thì coi như cũng chẳng phải là đi coi thi rồi”.
Tin đồn xấu về tôi nhiều lắm!
Thầy Khoa cho tôi hay: Từ ngày “bất đắc dĩ nổi tiếng”, anh nhận được rất nhiều những sự sẻ chia, mong được chỉ giúp của các bạn đồng nghiệp. Nói khác đi, anh trở thành “biểu tượng” của sự không ngại đấu tranh trong con mắt nhiều người. “Hầu như không ngày nào tôi không nhận được thư từ, đơn tố cáo của các bạn đồng nghiệp trong cả nước nhờ góp ý”.
Thế rồi, lại có một dạo sau đó, thông tin về Đỗ Việt Khoa tiếp tục được đăng tải trên báo chí khi anh lại… làm đơn tố cáo những tệ nạn mới, tạo ra những luồng dư luận trái chiều. Nhiều người bảo anh là “khùng”, là “thích kiện cáo”, là “chập mạch”.
Thầy Khoa cười, chua chát mà rằng: “Thôi thì, có phải ai cũng hiểu được cho mình! Nhưng hóa ra khùng cũng có cái hay của nó vì từ dạo đó, tôi ít nhận được thư nhờ tư vấn hơn”. “Tự anh thấy, mình có “gàn” không?”, tôi hỏi. Anh cười “tin đồn xấu về tôi nhiều lắm. Nhưng kệ họ, mình cứ làm những gì đúng với trách nhiệm của người thầy, không vì bản thân là được”.
Sáng là thầy, chiều làm thợ
Video đang HOT
Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng bởi cơn mưa giông đón bão ầm ập đổ xuống mái tôn. Thầy Khoa vội vàng cáo lỗi chạy sang căn phòng bên cạnh. Chỉ tay lên mái nhà, thầy phân trần: “Phòng ngủ với phòng khách tôi đã chăng bạt nên không sao. Phòng bếp thì chưa nên cứ mưa to là dột ướt nhẹp, phải lấy chậu hứng nước cho đỡ trơn”.
Thầy Khoa đang kèm con gái thi vào lớp 10
Thấy vẻ ái ngại của tôi, thầy Khoa tưng tửng: “Đồng lương của tôi bao năm nay vẫn chỉ ở mức trên ba triệu, có thấy thay đổi gì đâu? Làm thêm nữa cũng chỉ đủ để trang trải chi tiêu, lo cho hai đứa con học hành, chưa thể nói đến chuyện làm nhà cửa được. Để sau này hẵng hay”.
Như mọi năm, hè là thời gian thầy Khoa dành nhiều cho những công việc tay trái ấy, thu nhập cũng được cải thiện hơn chút đỉnh. “Nhưng năm nay, cô con gái lớn luyện thi vào lớp 10. Do vậy, tôi phải tập trung lo dạy kèm cho cháu”.
Nhìn căn phòng học của hai bố con cũng chính là phòng làm việc của vợ anh rộng chưa đầy chục mét vuông, bày biện nào bảng đen, bàn, ghế, bộ đèn chụp ảnh, chỉ chừa lại một lối đi nhỏ vào bếp, thầy Khoa bảo: “Nhiều khi khách đến chụp hình, vợ chụp thì cứ chụp, còn con vẫn cặm cụi làm bài. Cũng bất tiện lắm nhưng biết làm sao. Cha mẹ khó khăn thì các con cũng phải hiểu và chấp thuận thôi”.
Khi nghe tôi đặt vấn đề: “Đồng lương dù không nhiều nhưng cũng giúp vợ chồng anh trang trải chi tiêu. Anh thôi ý định bỏ nghề rồi chứ?”, thầy Khoa lắc đầu nguầy nguậy: “Mình đang chờ Sở thực hiện một lời hứa rồi sẽ về nghỉ luôn. Không phải là mình chê tiền, chỉ là vì nghề không cho mình tình yêu được nữa rồi. Nơi đây là quê hương mình, học trò, đồng nghiệp của mình còn đó mà không bảo vệ được họ cũng buồn lắm. Cái xấu thì đắc thắng. Nhưng thôi thì…”, anh bỏ lửng câu nói, không nhìn thẳng người đối diện là tôi mà hướng ánh mắt ra phía cửa. Ngoài kia, mưa giăng trắng trời.
Theo PLXH
Sĩ tử khốn đốn với dịch vụ mùa thi
Đến hẹn lại lên, trước kì thi ĐH, hàng loạt dịch vụ ăn theo mùa thi như các lớp luyện thi ĐH cấp tốc, cho thuê trọ lại nở rộ khiến không ít "sĩ tử" nhiều phen khốn đốn.
Đến lò luyện mới đỗ ĐH?
Khi mùa thi bắt đầu cũng là lúc những lò luyện mọc lên như nấm. Dạo qua các lò luyện thi "có tiếng" trên địa bàn Hà Nội ở đường Cầu Giấy, Chùa Bộc, Yết Kiêu...có thể thấy ngập tràn những tấm bảng treo biển của các lớp luyện thi cấp tốc, ôn thi ĐH cấp tốc, luyện đề thi. Dù giá vé ôn các môn năm nay tăng cao hơn so với năm trước (từ 1 triệu - 1,5 triệu/ vé tháng) nhưng những lò luyện thi nổi tiếng vẫn thu hút đông đảo học sinh. Có những lớp ôn lên tới 400 người trong một căn phòng chỉ vẻn vẹn 30m2.
Đối với các sĩ tử ở các trường ở trung tâm như Việt Đức, Trần Phú thì không khó để tìm được lò luyện hay, thầy dạy tốt. Nhưng những sỹ tử ở các địa phương khác ôm "lều chõng" lên Hà Nội ôn thi thì việc tìm "lò", chọn thầy là vấn đề nan giải.
Lớp học 300 người tại một lò luyện thi ở Chùa Bộc.
Còn Nguyễn Mai Hương (Gia Lạc, Gia Viễn, Ninh Bình) lại nghe theo lời chèo kéo của "cò" lò luyện ở Cầu Giấy nên đã đăng kí "bừa" một lớp ôn khối C với giá 45.000/ buổi nhưng đến khi đi học mới tá hỏa : "Thầy cô dạy "buồn ngủ" quá nên lớp chỉ lèo tèo vài người, đi học thì chán nhưng nghỉ thì lại tiếc tiền nên em đành phải cố".
Các bảng quảng cáo lò luyện nhan nhản ở nhiều nơi khiến không ít sĩ tử mới "hoa mắt, chóng mặt". Bởi vậy, nhiều bạn học sinh cảm thấy hoang mang trong việc lựa chọn lớp, chọn thầy để yên tâm "dùi mài kinh sử". Đào Thị Duyên (Thái Thụy, Thái Bình) chia sẻ: "Em và mẹ phải vất vả lắm mới tìm được lò luyện nhưng khi đăng kí lớp lại không biết phải chọn ai, nên thấy thầy cô nào đông người học thì em theo".
Thêm vào đó, các trung tâm luyện thi cũng tung ra một loạt chiêu bài câu khách như phát tờ rơi, lịch học, tổ chức thi thử, giới thiệu thầy "xịn", cô "xịn", bảng "thành tích" ghi danh sách những học sinh đỗ thủ khoa các năm...
Thậm chí tại trung tâm Thầy D. (đường Xuân Thủy, Cầu Giấy) còn có hẳn người đứng ở đầu phố để phát lịch học và quảng cáo cho lò luyện thi của mình. Khi các sỹ tử đến "hỏi thăm", chị xởi lởi: "Tiếng Anh thì phải học lớp cô Hà, một rưỡi chiều thứ sáu, bây giờ ôn thi thì phải chọn lò có chất lượng, tìm đến đây là đúng chỗ rồi đấy! Học phí ở đây chỉ 20.000 đồng/ ca, học liên tục 2 ca, học nhiều vào, kiểu gì chẳng đỗ."(?)
Độc chiêu hơn, một số lò luyện thi ở Chùa Bộc còn đánh trúng vào tâm lý của các sỹ tử vào những ngày hè oi nóng, khi trang bị lớp học rộng rãi, thoáng mát, có lắp đặt điều hòa để thu hút học viên.
Không tin tưởng vào các lò luyện, nhiều ông bố, bà mẹ đã tìm đến các trung tâm gia sư để tìm thầy về dạy kèm cho con mình. Nếu lò luyện thi tập trung học sinh ở đủ các tỉnh thành, thì gia sư phần lớn chỉ dạy kèm cho học sinh khu vực nội thành. Hiện tại, nhiều trung tâm gia sư tại Hà Nội cũng đã không còn gia sư vì đã "kín lịch".
Không an tâm chất lượng của gia sư từ các trung tâm, cô Lê Hoa (Hoàn Kiếm - Hà Nội) nhờ người quen để tìm gia sư kèm môn toán cho con với mức giá là 120.000 đồng/buổi/2 giờ. Theo ý kiến của nhiều bạn học sinh thì học gia sư chủ yếu chỉ là để củng cố kiến thức, còn về phương pháp dạy, truyền đạt thì không bằng thầy giáo ở các lò luyện thi được.
Mùa "hái ra tiền" của...cò
Tại một số nhà trọ xung quanh khu vực Xuân Thủy (Cầu Giấy) đã treo đầy biển thông báo cho thuê trọ. Ở những khu vực gần các trường ĐH như ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, hay đường Tạ Quang Bửu gần ĐH Bách khoa, phòng cho thuê cũng sốt không kém.
Mức giá thuê nhà trọ dao động trong khoảng trung bình từ 1.000.000 đến 1.700.000 đồng cho một phòng trọ từ 7m2 đến 15m2. Mặc dù giá phòng tăng mạnh so với năm ngoái nhưng ở thời điểm này, để tìm được một phòng trọ không phải chuyện dễ.
Sĩ tử chen chân đăng ký vào lò
Em Nguyễn Văn Hải (Nam Sách, Hải Dương) cho biết: " Em phải nhờ người quen đặt chỗ trước mới thuê được một phòng 10m2 với giá 1,3 triệu đồng/ tháng, còn nếu bây giờ đi tìm thì chắc không có chỗ để ở".
Đây cũng là lúc "hái ra tiền" của những "cò nhà" ở gần các lò luyện thi. Tùy vào nhu cầu và điều kiện của các sỹ tử mà "cò nhà" áp dụng những cách "phục vụ" riêng. Nếu gia đình nào kinh tế eo hẹp thì "cò" xếp cho phòng rẻ với mức giá từ 600.000 - 800.000 đồng. Những phòng loại này thường là dãy nhà cấp bốn lụp xụp, tồi tàn, ẩm thấp và chật hẹp.
Từ vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Thị Mây cùng mẹ "khăn gói" lên Hà Nội ôn thi, vất vả lắm hai mẹ con mới tìm được một phòng trọ có giá 700 nghìn/ tháng nhưng vì phòng rẻ nên mọi sinh hoạt đều rất khó khăn. " Ở đây, nắng thì nóng như trong lò nung, còn mưa thì dột, có khi nước mưa hắt ướt hết cả gối không sao ngủ được. Tôi chỉ mong cháu thi nhanh còn về quê." - mẹ của Mây chia sẻ.
Còn một số gia đình có điều kiện thì "cò nhà" tìm cho phòng rộng rãi, thoáng mát với giá "cắt cổ", có những phòng lên tới 2 - 2,5 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, xung quanh các lò luyện thi đều "cháy" phòng trọ.
Để tiết kiệm chi phí, một số sinh viên đưa ra sáng kiến cho ghép phòng, ở chung với các em học sinh từ tỉnh khác lên Hà Nội luyện thi, vừa giảm được gánh nặng tiền thuê nhà, vừa giúp đỡ được các em khi tìm chỗ thuê trọ. Hồng Quân - sinh viên ĐH Xây Dựng cho biết: "Em có 2 đứa em cùng quê lên đây ôn thi ĐH, em đưa lên đây ở cùng luôn, vừa đỡ được tiền nhà, vừa có người trông phòng hộ khi em về quê nghỉ hè".
Dù biết mùa thi "đến hẹn lại lên" nhưng nỗi lo về lớp ôn, lò luyện cùng áp lực thi cử luôn bủa vây các tân sĩ tử chưa biết bao giờ nguôi ngoai?
BĐVN
Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT Mặc dù Bộ GDĐT chưa công bố chính thức kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 chung trên cả nước, nhưng thông tin từ các tỉnh đều cho thấy, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay hầu hết đều ở mức trên 90%. "Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh Nam Định là 99,89%. Như vậy, cứ 1.000 em thì...