Mùa ruốc sông
Tháng chín âm lịch, những cơn gió heo may se lạnh, nắng hanh vàng, dòng sông nước chảy êm đềm mải miết về phía biển. Đông đã về cũng là mùa rươi, mùa ruốc theo con nước “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”.
Ảnh do tác giả cung cấp.
Quê tôi là vùng triều của hai con sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, vùng nước có nhiều rươi, ruốc đặc sản lộc trời của đất Hải Dương (Xứ Đông).
Con ruốc sống ở trong bùn đất vùng bãi triều, đến mùa sinh sản những con ruốc bé nhỏ như hạt cát, hạt cám gạo bơi lên mặt nước kết đôi, kết bè để sinh sản từ tháng chín âm lịch năm trước, đến đầu tháng hai âm lịch năm sau.
Video đang HOT
Ruốc có mùi tanh như tôm tép, chỉ sống ở môi trường tự nhiên (vùng triều) không bị ô nhiễm. Vì con ruốc quá bé nhỏ, nên muốn bắt được nó phải có dụng cụ đặc biệt và không phải ai cũng đánh bắt được. Con ruốc không bơi ngược dòng được, vì nhỏ bé nên nó bị trôi theo dòng nước.
Bắt ruốc phải dùng săm vải, một loại dụng cụ bằng vải thô có độ thoáng nhất định. Săm vải có hình như chiếc phễu miệng rộng khoảng năm sáu mét, đuôi săm dài khoảng chục mét, cuối đuôi có một cửa để lấy ruốc (cửa này phải buộc dây thật chặt khi thả săm). Người vớt ruốc, theo kinh nghiệm chỉ nhìn dòng nước là biết vệt trôi của ruốc, ruốc chỉ trôi theo một dòng, chứ không trôi cả mặt sông.
Khi đã tìm được dòng, người ta đóng một hàng cọc ngang dòng rồi buộc săm vải vào, chỉ buộc một nửa miệng săm chìm dưới nước (gọi là đóng săm). Con ruốc trôi theo dòng nước vào săm, dồn xuống đáy. Cứ khoảng vài giờ, lại bơi thuyền ra nhấc đáy săm, cởi dây đáy đổ ruốc ra thúng. Con nước nhiều ruốc, một lần đổ được mấy chục cân ruốc. Những người làm nghề đóng săm họ đều là dân (thuyền chài) có kinh nghiệm mới làm được.
Ruốc sông có mầu nâu đỏ, khi nấu chín có mầu đỏ au rất bắt mắt. Ruốc sông rất giầu chất đạm, chế biến được nhiều món ngon, như rang khô với riềng, rau răm, tóp mỡ hoặc rang khô với gừng, khế chua, rau răm ăn với dưa cải bắp; nấu riêu với khế, lá gừng tươi ăn với rau diếp thái nhỏ…
Trời se lạnh như hôm nay mà có đĩa ruốc sông rang khô ăn với cơm nóng, dưa cải bắp thì đúng vị làng quê đấy các bác ạ.
Canh khoai môn của người Thái
Bạn đi phượt hay đi du lịch cộng đồng ở khu vực miền núi, nếu đã ăn canh đắng, canh uôi thì cũng nhớ một lần ăn canh môn của người Thái để thấy hết sự tinh tế, thi vị của món ăn dân dã này.
Món canh khoai môn của người dân tộc Thái.
Người Thái là một trong 7 tộc người ở xứ Thanh có nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc. Những mường lớn như mường Trịnh Vạn (Thường Xuân), mường Ca Da (Quan Hóa), mường Khòong (Bá Thước) đều có người Thái sinh sống. Văn hóa người Thái thể hiện trong vẻ đẹp của nhà sàn, của trang phục, của khúc then, điệu xòe, điệu sạp... nhất là trong ẩm thực.
Vẻ đẹp văn hóa của cộng đồng này đang được gìn giữ, phát huy, nhất là khi du lịch cộng đồng được mở ra. Bạn đi phượt hay đi du lịch cộng đồng, nếu đã ăn canh đắng, canh uôi thì cũng nhớ một lần ăn canh môn của người Thái để thấy hết sự tinh tế, thi vị của món ăn dân dã này.
Môn là tên gọi của loài cây thân mềm, thường có hai màu trắng và tía, thường được gọi là khoai môn. Đặc tính loài cây này là rất mát, ngọt lợ và the the ngứa. Môn để làm canh môn của người Thái là loài môn trắng, dọc xanh có phấn, mặt trên lá có điểm nâu ở giữa, được trồng hoặc mọc tự nhiên bên bờ suối. Chỉ chọn đúng môn loài này ở độ bánh tẻ mới ngọt mát, thơm dịu và không bị ngứa.
Để nấu nồi canh môn chuẩn vị, phải có xương ống, da trâu hoặc bò và phần xương cẳng chân bò còn nguyên cả da, phần da đã thui sạch có màu vàng óng. Xương đem chặt khúc, da thái bản, tao gừng, tỏi, sau đó đổ ngập nước đun sôi rồi để nhỏ lửa ninh cho nhừ. Trong quá trình đun, vớt bọt để nước xương trong và sánh.
Khi xương đã được ninh kỹ, vớt ra để gỡ phần thịt riêng, đồng thời đem lọc nước để loại bỏ xương răm. Phần thịt và gân bò thái ngang thớ thật mỏng, cho lại vào nồi nước xương cùng một nhúm gạo tẻ đã được ngâm, giã dập vỡ ba vỡ tư. Cho thêm 3 thìa mẻ đã được chà lọc kỹ, cuối cùng cho môn đã được làm sạch thái khúc vào nấu cùng trong thời gian khoảng 20 phút. Các nguyên liệu đã nhừ, chỉ việc dùng đũa cả đánh nhuyễn.
Một thành phần không thể thiếu làm nên mùi vị thơm ngon của món ăn này là rau mùi tàu được thái chỉ và hạt mắc khẻn đã rang, tán nhỏ.
Cũng như canh đắng, canh môn phải ăn nóng mới cảm nhận được hết sự hấp dẫn của món ăn này.
Cá gỏi kiến vàng Kon Tum: Đặc sản nức tiếng vùng đất bạt ngàn nắng gió Tây Nguyên Cá gỏi kiến vàng được chế biến từ 'lộc trời ban' ở Tây Nguyên, mỗi năm chỉ có một mùa vào khoảng cuối tháng 5 - đầu tháng 6. Nghe tên gọi "cá gỏi kiến vàng" có vẻ độc lạ, hấp dẫn nhưng nhìn cách bà con chế biến, hẳn nhiều người sẽ không dám ăn. Tuy nhiên, nếu lỡ nếm thử một...