Mùa đông mà ở miền Bắc thì nhất định phải làm món bánh đúc nóng ăn 1 lần là gây thương nhớ
Bánh đúc nóng có độ dai nhưng ăn tới đâu là xắn ra miếng tới đó, rồi cứ thế quyện cùng nước dùng chua ngọt, thịt băm xay nhỏ xào mộc nhĩ, nấm hương và hành khô vàng giòn.
Tất cả đan xen cùng chút thơm mát của rau mùi và rau thơm thái nhỏ, tạo nên thức quà ngày đông ngon miệng, không ngán ngấy, độc đáo và khó quên.
Ảnh minh họa.
Không biết tự bao giờ, bánh đúc nóng trở thành thức quà gắn với mùa đông Hà Nội. Cái hay của bánh đúc nóng, đầu tiên nằm ở phần bánh đúc trắng mịn, sánh, dẻo. Bánh đúc nóng có độ dai nhưng ăn tới đâu là xắn ra miếng tới đó, rồi cứ thế quyện cùng nước dùng chua ngọt, thịt băm xay nhỏ xào mộc nhĩ, nấm hương và hành khô vàng giòn. Tất cả đan xen cùng chút thơm mát của rau mùi và rau thơm thái nhỏ, tạo nên thức quà ngày đông ngon miệng, không ngán ngấy, độc đáo và khó quên.
Có người không thích vị nồng của nước vôi trong khi khuấy bánh đúc. Nhưng nếu ai đã quen vị, thì chính chút hăng hăng nhẹ nhẹ của nước vôi trong lại trở thành nét đặc trưng của món ăn này. Để rồi những ngày trời se lạnh, nhiều tâm hồn yêu ẩm thực lại nhớ quá bát bánh đúc nóng, ăn đến đâu là ấm lòng đến đấy.
Trong bài viết hôm nay, mời bạn đến với công thức chi tiết của món bánh đúc nóng sánh dẻo, thơm ngon, vẫn sử dụng nước vôi trong ở quá trình khuấy bánh. Đây là cách làm của Facebooker Nuleha Vo, tên thật là Võ Nữ Lê Hà, hiện đang sống và làm việc tại Cộng hoà Séc. Xa quê hương nhưng chị Lê Hà và căn bếp nhỏ của chị lại là nơi để đông đảo các chị em học cách làm nhiều món bánh đặc trưng của Việt Nam.
Nguyên liệu làm bánh đúc nóng:
- 280g bột gạo tẻ
- 20g bột năng
- 5g muối
- 150ml nước vôi trong (xem cách lấy nước vôi trong ở phần tiếp theo của bài)
- 1 lít nước (có thể dùng nước luộc gà, luộc thịt, nước hầm xương hoặc nước thường)
- 300g thịt nạc dăm xay nhỏ
- 3 tai mộc nhĩ
- 5 cái nấm hương
- Hành khô
- Hành lá, rau mùi
- Lượng nhỏ hành phi vàng giòn để rắc lên bánh.
Video đang HOT
Nguyên liệu để pha nước mắm chua ngọt chan cùng bánh đúc nóng:
- 300ml nước lọc
- 1 thìa ăn cơm đường
- 2 thìa ăn cơm nước mắm
- 1 thìa ăn cơm giấm gạo
Cách làm bánh đúc nóng
Bước 1: Làm nước vôi trong
- Hoà 50g vôi đã tôi cùng 400ml nước lạnh. Khuấy cho vôi tan hết rồi để yên hỗn hợp trong 1- 2 tiếng cho vôi lắng xuống.
- Vớt bỏ lớp màng ở trên cùng và chắt lấy nước vôi trong phía bên trên.
- Lấy 150ml nước vôi trong để dùng. Phần nước vôi trong còn lại cho vào lọ đậy kín và bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, dùng dần khi cần.
Bước 2: Làm phần bột bánh đúc nóng:
- Chuẩn bị chảo sâu lòng hoặc nồi đáy dày để khuấy bánh đúc.
- Cho bột gạo, bột năng, muối, 150ml nước vôi trong và 1 lít nước vào.
- Khuấy cho hỗn hợp bột tan hết.
- Để bột nghỉ ít nhất 1 tiếng và nếu có thể, nên để khoảng 2 tiếng.
Bước 3: Sơ chế các nguyên liệu:
- Ướp thịt với 1/2 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê nước mắm trong khoảng 20 phút cho thịt ngấm.
- Mộc nhĩ ngâm nước ấm 30 phút cho nở rồi bỏ chân, rửa sạch và băm nhỏ.
- Hành lá rửa sạch và thái nhỏ
- Rau mùi rửa sạch và thái vừa ăn.
- 1 thìa ăn cơm hành khô đem bóc vỏ rồi băm nhỏ.
Bước 4: Làm phần nhân dùng cùng bánh đúc nóng
- Làm nóng chảo, cho dầu ăn vào và đợi dầu nóng. Phi thơm hành khô đã băm nhỏ ở trên.
- Cho thịt vào đảo đều đến khi thịt tơi.
- Giảm lửa, xào thêm 8 phút cho thịt chín rồi cho tiếp mộc nhĩ vào đảo trong 3 phút.
- Rắc hành lá thái nhỏ, hạt tiêu xay vào đảo đều rồi tắt bếp.
Bước 5: Khuấy bánh đúc nóng
- Khuấy lại nồi bột cho hỗn hợp được đều.
- Bắc nồi lên bếp và để ở mức lửa vừa.
- Dùng thìa gỗ hoặc đũa cả khuấy nồi bột đều tay đến khi bột sánh đặc lại.
- Cho 2 thìa ăn cơm mỡ lợn hoặc dầu ăn vào khuấy tiếp. Lúc này sẽ cảm thấy bột rất nặng tay và hơi vón cục.
- Nhấc nồi ra khỏi bếp, khuấy mạnh và nhanh tay đến khi bột mịn mượt thì lại đặt nồi lên bếp.
- Tiếp tục khuấy bột với lửa nhỏ đến khi bột có độ trong và không dính nồi.
- Cách kiểm tra bột đã đạt hay chưa: múc bột lên thấy rơi thành từng mảng hoặc nếm thử thấy không còn mùi bột sống nữa là bột bánh đúc nóng đã hoàn thành.
Bước 6: Pha nước mắm chua ngọt dùng cùng bánh đúc nóng
- Chuẩn bị nồi nhỏ có kích cỡ phù hợp.
- Cho toàn bộ phần nguyên liệu pha nước mắm ở trên vào.
- Bắc nồi lên bếp và đun với lửa vừa để đường tan.
- Thấy nước mắm sôi lăn tăn thì tắt bếp.
Thành phẩm và thưởng thức:
- Múc bánh đúc ra bát, thêm thịt xào, rau mùi, hành phi vàng giòn, vài lát ớt lên trên. Chan nước mắm nóng và thưởng thức.
- Bánh đúc nóng sánh, dẻo nhưng không bị dính quyện cùng thịt mềm, rau mùi, hành phi vàng giòn và nước chấm chua ngọt ấm thơm.
Theo Helino
Hai quán bánh đúc nóng dân dã ngon nức tiếng ở Hà Nội
2 quán bánh đúc nóng nổi tiếng ở Hà Nội giữ chân được thực khách suốt nhiều năm bởi bánh đúc sánh mềm thơm mùi bột gạo, nhân thịt xào mộc nhĩ giòn giòn, chan nước xương hầm ngọt dịu.
Banh đuc nong Lê Ngoc Hân
Quán bánh đúc nóng ở Hà Nội lâu năm nhất phải kể đến một quán nằm khuất trong một con ngõ ở đầu phố Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng). Đường vào quán nhỏ bé, khách vừa tới đã phải gửi lại xe ở đầu ngõ.
Một bát bánh đúc nóng đủ vị thông thường phải có bánh đúc sánh mềm làm từ bột gạo, nhân bánh làm từ thịt xào mộc nhĩ giòn giòn, chan nước xương hầm ngọt dịu, thêm vài cọng rau thơm.
Khác với nhiều nơi, điểm đặc biệt nhất của quán là bát bánh đúc luôn có thêm 3, 4 miếng đậu phụ rán bày lên trên cùng. Đậu chỉ được rán qua trong chảo ngập dầu, vừa đủ phồng vàng là được vớt, khi ăn vẫn giữ được cảm giác mềm mịn bên trong, giòn tan bên ngoài, ngấm nước dùng thơm thơm rất hợp vị.
Nước dùng trong vắt và nhân thịt đậm đà chính là điểm cộng của món bánh đúc nóng tại quán.
Một điểm nữa tạo nên thương hiệu cho quán là thứ nước dùng ngọt dịu vị xương hầm, màu vàng nhẹ nhưng vẫn giữ được độ trong đẹp mắt và thanh mát vừa phải chứ không nổi đầy váng mỡ. Bánh đúc ở đây cũng đặc, khi dùng thìa xúc lên bột bánh dẻo quánh, kéo thành dây chứ không đứt đoạn, loãng như nhiều nơi khác.
Bánh đúc của quán từ bao năm vẫn nguyên mức giá 15.000 đồng/bát dù vật giá leo thang. Giá này rất phải chăng so với các món ăn vặt tương tự của Hà thành. Đây cũng là điều níu chân các thực khách ưu ái gắn bó với món ăn cổ truyền này.
Quán khá đông nên ở đây cũng không có chuyện đếm bát tính tiền hay hóa đơn lại cho từng bàn. Khách ăn xong ra cửa tự giác đọc cho bà chủ số đồ đã gọi để cộng tiền. Khi được hỏi có sợ khách "ăn bớt" món không, bà chủ cười xòa: "Tôi cứ tính thế đấy, ai ăn bao nhiêu thì bảo. Hơn nữa cũng nhiều khách quen nên chắc chẳng ai làm thế".
Bánh đúc nóng Trung Tự
Nằm sâu ở ngõ hẽm khu tập thể C2, Trung Tự, Hà Nội, quán bánh đúc của bà Tuyết Minh là một điểm sáng trong khu ẩm thực Trung Tự. Bánh đúc của bà Minh làm rất đặc biệt, ăn ngày nóng hay lạnh cũng ít bị ngán. Lý do là nước dùng ở đây rất vừa ăn, không nặng nề vị mì chính hay đường mà dậy lên vị ngọt từ xương, thịt. Miếng bột bánh dẻo mịn và rất dai, thơm mùi gạo, khi ăn cùng với nhân thịt băm xào mộc nhĩ, rau mùi, hành khô, bỗng gợi lên hương vị rất riêng biệt.
Bát bánh đúc đầy đặn, giá chỉ 15.000 đồng.
Nằm khuất trong sân chơi khu tập thể nhưng 20 năm qua, quán ăn này vẫn luôn nhộn nhịp khách ra vào. Mở cửa từ lúc 14h mà chỉ đến tầm 18h chiều thì quán đã gần như "cháy" hàng và đến 19h chủ quán đã thu dọn hàng, chuẩn bị ra về.
Quán bánh nhìn bên ngoài chẳng có gì đặc biệt này đã có tới 20 năm tuổi đời.
Theo Danviet
Những món ăn nóng hổi khiến bạn "không thể cưỡng lại được" trong ngày đầu đông se lạnh Những ngày trời đông lạnh giá, ngay cả khi ngủ đông thôi bạn cũng sẽ cảm thấy đói rất nhanh. Bộ sưu tập "thiên đường món ngon mùa đông" dưới đây sẽ giúp bạn vượt qua mùa đông lạnh lẽo một cách ấm bụng và no nê nhất. Không gì tuyệt vời hơn khi thưởng thức các món ăn nóng trong một ngày...