Mùa dịch phải tắm đêm: Làm sao để an toàn?
Đột quỵ, trụy tim khi tắm đêm chủ yếu xảy ra ở người có sẵn bệnh lý như cao huyết áp và các bệnh tim mạch khác, khi tắm lại dội nước thẳng lên đầu, nguyên nhân nằm ở chính hiện tượng co mạch đột ngột.
Ảnh minh họa
Bạn đọc Trần Thị Hoài (nữ, 35 tuổi, TP HCM) hỏi: Tôi thuộc nhóm phải đi làm xuyên suốt mùa dịch Covid-19. Tôi thấy khuyến cáo rằng người đi làm như tôi về phải tắm, giặt ngay trước khi tiếp xúc người thân để tránh mang virus về nhà. Tuy nhiên, khi tôi đi làm về thì đã là buổi tối, tôi lại nghe tắm đêm, gội đầu đêm dễ bệnh, thậm chí có người đột quỵ. Vậy tôi nên làm sao?
- Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, trả lời: Bạn không nên quá lo lắng nếu sức khỏe bình thường, vì hiện tại đang là mùa nóng ở TP HCM và tuổi bạn cũng còn trẻ. Để an toàn, chỉ cần tắm đúng cách.
Lưu ý quan trọng nhất là khi bắt đầu tắm phải làm ướt mình từ từ, từ dưới lên trên để cơ thể quen dần với nhiệt độ rồi mới bắt đầu tắm. Tránh tình trạng mới vào phòng tắm đã xối nước thẳng lên đầu hay mở vòi sen làm ướt đầu trước. Lúc đó cơ thể chưa quen với nhiệt độ, sẽ gây co mạch ở vùng đầu, dễ cảm thấy nhức đầu, choáng váng, nhiễm lạnh gây cảm…
Video đang HOT
Đột quỵ, trụy tim khi tắm đêm chủ yếu xảy ra ở người có sẵn bệnh lý như cao huyết áp và các bệnh tim mạch khác, khi tắm lại dội nước thẳng lên đầu, nguyên nhân nằm ở chính hiện tượng co mạch đột ngột.
Nên chọn nước ấm khi tắm đêm, tắm nhanh chứ đừng dầm nước quá lâu, tắm trong phòng kín gió. Bạn cũng cần lau thật khô người và đầu tóc, đem quần áo khô, đủ ấm vào phòng tắm để mặc vào trước khi bước ra ngoài. Nên sấy khô tóc ngay rồi hãy đi làm việc khác.
Thu Anh ghi
Phòng bệnh mùa hè thời Covid-19
Khu vực phía Nam và TP HCM đang vào mùa nắng nóng, có thể xem là một thuận lợi lớn để chống lại Covid-19. Tuy nhiên, thời tiết này lại là điều kiện thuận lợi của một số bệnh
Virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây Covid-19 "sợ" nóng, ẩm nhưng vi khuẩn lại "thích". Vì vậy, mùa nắng nóng hãy coi chừng các bệnh do vi khuẩn, đứng đầu có thể kể đến là bệnh lý đường tiêu hóa.
Không phơi nắng quá đà
Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), thời tiết mùa nắng nóng là điều kiện thuận lợi của một số bệnh mà chúng ta cần phải đề phòng. Đầu tiên có thể kể đến là bệnh tay chân miệng, vốn thường bắt đầu đợt gia tăng vào tháng 3 và 4, khi trời nóng lên. Nhóm bệnh về đường tiêu hóa cũng cần phải lưu tâm vì trời nóng làm thức ăn dễ ôi, thiu dễ dẫn đến nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phía Nam cũng dễ mắc nhóm bệnh về đường hô hấp do thời tiết nắng nóng nên sử dụng nhiều quạt máy, máy lạnh; việc dùng máy lạnh không đúng cách khiến nhiệt độ phòng và bên ngoài chênh lệch quá cao, dễ bị nhiễm lạnh, nhất là về đêm.
Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng không chỉ giúp phòng Covid-19 mà có lợi cho cả các bệnh mùa hè - Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Riêng với Covid-19, theo BS Nguyễn Minh Tiến, thời tiết nắng nóng sắp tới sẽ giúp chúng ta bớt lo. Đặc tính sinh thái học của virus SARS-CoV-2 là dễ suy yếu trong môi trường nóng, chỉ nguy hiểm trong thời tiết lạnh, khô. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nhiệt độ từ 4 - 20 độ C, độ ẩm 20% thì virus SARS-CoV-2 có thể sống được khoảng 5 ngày trên các bề mặt. Với một số dạng bề mặt, nó sống còn lâu hơn ví dụ như kim loại. Thế nhưng khi thời tiết càng nóng, nó càng mau chết, đồng thời yếu đi, khiến khả năng gây bệnh giảm.
Thông tin virus SARS-CoV-2 "sợ" nắng, tia UV khiến nhiều người quá tích cực phơi nắng nhưng theo các BS, hiểu như vậy là chưa đúng. Hãy tận dụng điều này bằng cách mở cửa cho phòng của bạn thông thoáng, có nắng, có gió và phơi các vật dụng cần thiết dưới ánh nắng để diệt khuẩn. Khi dùng đèn UV diệt khuẩn phải chú ý không có người trong phòng. Để tăng cường sức khỏe, chỉ nên phơi nắng sớm trước 9 giờ ở mức vừa phải và tư vấn BS ngay nếu có dấu hiệu bỏng da, rát da do tiếp xúc với nắng quá đà.
"Bớt sợ" nhưng không được chủ quan
BS Nguyễn Minh Tiến cảnh báo virus SARS-CoV-2 suy yếu với nhiệt độ cao nhưng không có nghĩa sẽ chết hoàn toàn. Vì vậy vẫn phải phòng bệnh bằng các biện pháp như từ đầu mùa dịch đến nay, nhất là người lớn tuổi, có bệnh nền, sức đề kháng kém.
BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), khuyến cáo vào mùa nắng nóng, người lớn tuổi nên đề phòng một số bệnh về tim mạch và cả các cơn say nắng. Cơn say nắng (sốc nắng, sốc nhiệt...) là do đi quá lâu dưới trời nắng nóng, người cao tuổi có bệnh nền sẽ có nguy cơ cao hơn người trẻ. Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, do rối loạn trung tâm điều hòa thân nhiệt, giãn mạch, mất nước qua mồ hôi.
Những biểu hiện nhẹ ban đầu có thể là tăng nhịp tim, nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực... Nặng hơn là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, khó thở, chuột rút (hay còn gọi là vọp bẻ). Nếu không được can thiệp đúng và kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như ngất, hôn mê, trụy tim mạch, thậm chí tử vong.
BS Nguyễn Minh Tiến tư vấn: "Rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng không chỉ phòng Covid-19 mà còn giúp phòng bệnh tay chân miệng và nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa khác như thủy đậu, tiêu chảy, sởi... Nhà cửa thông thoáng thì vừa phòng Covid-19 vừa bớt lo cả sốt xuất huyết; môi trường sạch sẽ, thoáng đãng cũng làm các vi khuẩn gây bệnh khác khó sinh sôi nảy nở hơn. Dùng máy lạnh đúng cách, không để nhiệt độ phòng quá lạnh sẽ giúp không bị nhiễm lạnh...".
Biện pháp uống nước thường xuyên được các BS khuyến cáo trong mùa Covid-19 nhằm giúp đường hô hấp không bị khô, tăng khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể cũng phù hợp trong mùa nắng nóng. Vì theo BS Trương Quang Anh Vũ, bổ sung đủ nước cũng là cách để không bị say nắng, bởi say nắng liên quan mật thiết đến việc mất nước. Uống đủ nước còn tốt cho nhiều bệnh mạn tính, bệnh của người cao tuổi như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường...
Theo các bác sĩ, những biện pháp như rửa tay, uống nước thường xuyên, giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng không chỉ giúp phòng Covid-19 mà có lợi cho cả các bệnh mùa hè.
ANH THƯ
GS. TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ không lo đau ốm lúc giao mùa chỉ nhờ nồi lá xông của mẹ Những hôm trời xầm xì nồm ẩm người mỏi mệt mẹ lặng lẽ chuẩn bị nồi nước lá xông rồi gọi các con ra tắm... Tắm xong khỏe hẳn ra, người thơm tho ngủ cả đêm dậy vẫn còn mùi thơm. Ngày thơ bé mỗi khi trái gió trở trời, giao mùa mưa gió (hay trong tiết Đông - Xuân) tôi rất hay...