Mưa bão hoành hành tại Áo, Italy, Pháp gây nhiều thiệt hại về người và tài sản
Ngày 18/8, châu Âu đang trải qua các hình thái thời tiết cực đoan khi mưa bão hoành hành tại Áo, Italy và Pháp trong khi hạn hán đe dọa hoạt động sản xuất nông nghiệp của Romania.
Thành phố du lịch nổi tiếng Venice, Italy cũng bị thiệt hại do bão. Ảnh: AFP
Tại Áo, cơn bão với sức gió hơn 100 km/giờ đã đổ bộ vào chiều 18/8, làm đổ cây khiến 5 người thiệt mạng, gây ra tình trạng mất điện buộc công ty đường sắt quốc gia Áo OBB phải ngừng toàn bộ dịch vụ đường sắt ở phần lớn khu vực tại 2 tỉnh miền Nam Styria và Carinthia, giáp biên giới Slovenia và Italy. Nhiều đường sá tại 2 tỉnh này cũng phải đóng cửa.
Tại Italy, cơ quan cứu hộ nước này cho biết các trận bão mạnh hoành hành tại một số vùng ở nước này sau các đợt nắng nóng nghiêm trọng kéo dài trong nhiều tuần trước. Theo các nhà khí tượng học, sức gió lên tới 140 km/giờ tại một số vùng ở miền Bắc Italy, tàn phá các khu nghỉ dưỡng trên bãi biển ở vùng Liguria và Tuscany. Bão lớn làm đổ cây, khiến 2 người thiệt mạng và 4 người bị thương ở vùng Tuscany. Người đứng đầu vùng Tuscany Eugenio Giani đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong khu vực.
Trong khi mưa gió hoành hành ở miền Bắc Italy, phần lớn miền Nam nước này vẫn đang hầm hập trong cái nóng như thiêu như đốt, với nhiệt độ lên tới gần 40 độ C ở nhiều nơi tại vùng Sicily.
Tại Pháp, một cơn bão mạnh ngoài dự báo đã càn quét đảo Corsia của nước này ở Địa Trung Hải, làm ít nhất 6 người thiệt mạng.
Video đang HOT
Mưa đá, mưa to và gió lên tới 224 km/giờ đã càn quét đảo này vào sáng 18/8, tàn phá những địa điểm cắm trại, buộc dịch vụ đường sắt phải ngừng hoạt động và làm đổ cây cối.
Theo cơ quan khí tượng thủy văn Pháp Meteo France, các trận bão hình thành ở ngoài khơi sẽ ảnh hưởng tới các vùng rộng lớn ở phía Tây đảo Corsica từ đêm 18/8 đến đêm 19/8.
Trên đất liền, nhiều hộ gia đình bị mất điện sau khi bão đổ vào các tỉnh Loire và Ain miền Nam nước này.
Bão hoành hành khi nhiều vùng của nước Pháp ghi nhận lượng mưa trong vài giờ cao hơn lượng mưa gộp lại trong những tháng gần đây.
Trong khi đó, tại Romania, hạn hán kéo dài đe dọa làm giảm sản lượng nông nghiệp tại phần lớn các tỉnh của nước này trong năm nay.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Romania cho biết hạn hán đã ảnh hưởng tới 375.423 ha đất trồng trọt tại 33 trong số 41 tỉnh của nước này, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, khoảng 54% thiệt hại được ghi nhận trong hoạt động trồng lúa mì và lúa mì đen, 17% trong trồng trọt ngô và 16% ở hạt cải dầu và cây hoa hướng dương.
Theo số liệu chính thức, sản lượng lúa mì của nước này giảm 18% so với năm ngoái. Dự báo, sản lượng hướng dương cũng có thể bị ảnh hưởng bởi hạn hán buộc người nông dân phải tiến hành thu hoạch sớm hơn nhiều so với thường lệ.
Italy ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại
Ngược với xu hướng giảm cách đây 1 tháng, số ca mắc mới COVID-19 tại Italy đang tăng trở lại với mức tăng 14,4% trong tuần qua.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Cremona, miền bắc Italy. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Italy, quốc gia đầu tiên tại châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, ghi nhận số ca mắc mới tăng từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7/2022, sau đó giảm. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm mới lại gia tăng trong vài ngày qua.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Italy, ngày 18/8 nước này ghi nhận trên 27.000 ca mắc mới, giảm so với trên 36.000 ca ghi nhận một ngày trước, song tăng gấp 3 lần so với mức dưới 10.000 ca/ngày trong những ngày trước đó.
Trong tuần từ ngày 10 - 17/8, số ca mắc mới COVID-19 tại Italy tăng 14,4%. Ngày 18/8, tỷ lệ xét nghiệm có kết quả dương tính tăng từ 15,8% lên 16,3%. Mặc dù vậy, số ca mắc mới trong mùa hè này ghi nhận mức đỉnh thấp hơn nhiều so với đợt tăng mạnh trong thời gian từ cuối năm 2021 đến đầu tháng 2/2022, trong đó nhiều ngày ghi nhận số ca mắc mới lên tới 200.000 ca.
Số ca tử vong theo ngày do COVID-19 tại Italy gần đây cũng tăng, với 147 ca ngày 18/8, từ 128 ca một ngày trước, 70 ca vào ngày 16/8 và 42 ca vào ngày 15/8. Tỷ lệ tử vong tăng, nhưng vẫn thấp hơn mốc đỉnh trên 400 ca/ngày hồi đầu năm nay và gần 1.000 ca/ngày trong 2 đợt dịch nghiêm trọng xảy ra năm 2020.
Italy có tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 thuộc hàng cao nhất trong Liên minh châu Âu. Tính đến ngày 18/8, đã có 94,1% dân số trên 12 tuổi được tiêm vaccine đủ liều hoặc đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc COVID-19 trong 6 tháng trước.
* Tại Mỹ, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ngày 17/8 thừa nhận rằng cơ quan này phản ứng không hiệu quả với đại dịch COVID-19, đồng thời công bố chương trình cải cách sâu rộng.
Trong video gửi đến các nhân viên, Giám đốc CDC Mỹ, bà Rochelle Walensky cho rằng cơ quan này có trách nhiệm đối với nhiều sai sót - từ xét nghiệm đến thu thập dữ liệu và truyền thông. Bà Walensky đã chỉ định bà Mary Wakefield, cựu Thứ trưởng Y tế Mỹ, dẫn đầu các nỗ lực này cải cách CDC.
Theo hãng CNBC, bà Walensky đưa ra một số thay đổi cơ cấu tổ chức để CDC thực hiện trong những tháng tới nhằm khắc phục sai sót xảy ra trong 2 năm rưỡi đại dịch. Cụ thể, kế hoạch cải cách tập trung vào mục tiêu chia sẻ dữ liệu nhanh hơn và đưa ra hướng dẫn y tế công cộng dễ hiểu hơn. CDC cũng lập một phòng điều độ nhằm đảm bảo lực lượng lao động của cơ quan này bao gồm nhiều thành phần trong dân số Mỹ và truyền đạt tốt hơn các hướng dẫn y tế công cộng cho tất cả các nhóm dân số.
Nguy cơ lũ quét, dông bão tại Pháp và Italy sau nhiều tuần hạn hán Sau đợt nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều tuần qua, Pháp đang hứng những trận mưa như trút nước, có khả năng gây lũ quét. Cảnh tàn phá sau trận ngập lụt tại miền Nam nước Pháp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Mưa bão đã bắt đầu ảnh hưởng đến hầu hết các địa phương trên cả nước của Pháp từ tối 16/8,...