Mưa ẩm kéo dài, chị em cần biết mẹo vệ sinh ‘vùng kín’
Vào mùa mưa, thời tiết ẩm làm tăng nguy cơ các vi sinh vật gây bệnh và phát triển, do đó chị em cần chú ý vệ sinh vùng kín đúng cách để phòng bệnh.
Nhiều người cho rằng bộ phận sinh dục chỉ là một bộ phận của cơ thể và chỉ cần được giữ sạch sẽ như một phần của chế độ vệ sinh bình thường và không cần quan tâm đặc biệt gì.
Tuy nhiên, đây là một khu vực nhạy cảm và dễ bị tổn thương nên chị em cần biết giữ vệ sinh vùng kín đúng cách. Điều này có nghĩa là phụ nữ nên tuân theo các mẹo vệ sinh cụ thể cho khu vực này, hàng ngày hoặc vào những ngày cụ thể của chu kỳ, nhưng hãy cẩn thận để không bị ám ảnh hoặc “làm sạch quá mức” vì việc làm sạch quá mức và sai cách cũng gây hại.
1. Chỉ làm sạch bên ngoài
Một cách để làm sạch phần bên ngoài của bộ phận sinh dục (âm hộ) là dùng nước ấm sạch và sản phẩm có độ PH trung tính (không có chất tạo màu, nước hoa,…) trong khi tắm hoặc rửa vùng kín.
Không cần thiết và không nên làm sạch bên trong bộ phận sinh dục (âm đạo) vì âm đạo có chức năng tự làm sạch do các thành phần của âm đạo tạo ra chất dịch làm sạch (dịch tiết âm đạo) mang các tế bào chết và các vi sinh vật khác ra khỏi cơ thể. Việc thụt rửa sâu vào âm đạo không được khuyến khích, trừ khi được bác sĩ tư vấn trong một số trường hợp đặc biệt.
2. Không lạm dụng dung dịch vệ sinh
Chị em nên chọn dung dịch vệ sinh có độ pH an toàn với vùng da nhạy cảm.
Mặc dù xà phòng thường có độ pH cao hơn và chứa hương liệu có thể làm khô hoặc thậm chí gây kích ứng cho vùng da nhạy cảm nhưng dung dịch vệ sinh phụ nữ không hẳn là lựa chọn thay thế an toàn hơn. Đảm bảo sử dụng đúng sản phẩm vệ sinh vùng kín phụ nữ vì một số sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có mùi hương có thể gây dị ứng hoặc kích ứng vùng âm hộ, âm đạo.
Trong điều kiện bình thường, chỉ nên rửa vùng kín với dung dịch vệ sinh duy nhất 1 lần trong ngày. Dùng tay rửa nhẹ nhàng và tráng lại với nước sạch. Rửa quá nhiều có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ da khiến da dễ bị kích ứng và nhiễm trùng.
Video đang HOT
3. Chọn đồ lót chất liệu an toàn
Một mẹo vệ sinh phụ nữ rất quan trọng khác là ngoài việc rửa sạch, việc bảo vệ cũng rất cần thiết. Theo ThS. BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy – Trưởng khoa khám Sản tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Vi khuẩn kỵ khí tồn tại trong âm đạo khi gặp môi trường thuận lợi sẽ phát triển, ví dụ như mặc quần áo quá chật, quá bí trong một thời gian dài.
Do đó lựa chọn chất liệu đồ lót là rất quan trọng giúp “vùng kín” luôn khô thoáng. Nên mặc đồ lót làm từ sợi tự nhiên. Quần lót nên được thay giặt ít nhất 1 lần 1 ngày. Sau khi được giặt sạch, nên phơi đồ lót ngoài ánh nắng mặt trời hoặc sấy khô trước khi mặc. Những ngày mưa ẩm kéo dài, nên sấy khô hoặc là khô quần lót. Mặc quần áo bó sát có thể cản trở việc vệ sinh vùng kín. Cố gắng tránh mặc quần áo tập luyện chật chội và thay vào đó hãy chọn quần áo thông thoáng.
4. Vệ sinh kinh nguyệt thật tốt
Không nên sử dụng các sản phẩm làm thay đổi độ pH âm đạo.
Da ở vùng âm hộ thường nhạy cảm hơn các vùng khác trên cơ thể, đặc biệt là vào chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, trong những ngày có kinh, chị em nên giữ sạch sẽ vùng sinh dục. Nhẹ nhàng làm sạch bằng nước ấm. Tránh sử dụng các sản phẩm có thể làm thay đổi mức độ pH âm đạo.
PGS.TS.BS. Lưu Thị Hồng, Tổng thư ký Hội Phụ Sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Y học Sinh sản Giới tính Việt Nam cho biết, môi trường có máu là môi trường rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Trong kỳ kinh nguyệt, nếu không vệ sinh đúng cách có thể gây ứ trệ máu kinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây một số viêm nhiễm.
TS. BS. Lưu Thị Hồng lưu ý:
Chị em cần phải đảm bảo thời gian thay băng vệ sinh tối đa là từ 4-6 giờ/lần. Đối với những ngày máu kinh ra nhiều thì cần thay băng vệ sinh sau mỗi 3-4 giờ. Trước và sau khi thay băng vệ sinh cần rửa tay sạch sẽ để tránh vi khuẩn xâm nhập.
5. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nếu âm hộ hoặc da vùng kín nhạy cảm khi chạm vào đỏ, sưng và ngứa, có thể do kích ứng vùng kín và cần tới gặp bác sĩ. Giải pháp có thể đơn giản như thay đổi dung dịch vệ sinh mà bạn sử dụng và duy trì chế độ chăm sóc bản thân tốt, nhưng tốt nhất là đến gặp bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân và cách điều trị thích hợp.
ThS. BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy cho biết thêm: Khi có bất cứ biểu hiện nào khác thường như mùi âm đạo hôi, tanh kèm theo khí hư ra quá nhiều, có màu vàng, màu xanh hoặc màu hồng nhạt, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa khám để được chẩn đoán và điều trị đúng.
Chưa quan hệ tình dục, vẫn mắc bệnh phụ khoa?
Con tôi năm nay 16 tuổi, cháu chưa có quan hệ tình dục nhưng gần đây tại "vùng kín" thường xuyên ngứa.
Xin bác sĩ cho biết liệu chưa quan hệ tình dục có thể mắc bệnh phụ khoa không?
Nữ giới chưa quan hệ tình dục vẫn có thể mắc bệnh phụ khoa - Ảnh minh họa
Đây là câu hỏi của chị N.T. (Hà Nội) gửi về chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc của Tuổi Trẻ Online.
Giải đáp câu hỏi của chị T., bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền, khoa khám chuyên gia, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết viêm nhiễm phụ khoa có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả nữ giới chưa từng quan hệ tình dục.
Bác sĩ Hiền nêu rõ thông thường nhiều bệnh phụ khoa vẫn có thể xuất hiện khi chưa có quan hệ tình dục, bởi bệnh không nhất thiết lây nhiễm qua con đường giao hợp, mà nguyên nhân có thể là do lối sống sinh hoạt, chế độ vệ sinh vùng kín không đảm bảo, vùng kín ẩm ướt... tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn có cơ hội phát triển và gây bệnh.
"Do cấu tạo hệ sinh dục nữ có cấu trúc mở, vì vậy nếu nguồn nước hoặc dung dịch vệ sinh không đảm bảo thì vùng kín rất dễ bị tác động, mầm bệnh gây viêm tấn công thành bệnh.
Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh do vệ sinh kém khiến vi khuẩn tấn công, từ đó dẫn đến nhiễm trùng âm hộ - âm đạo, nhiều trường hợp vệ sinh kỹ lưỡng quá mức cũng rất dễ dẫn đến trầy xước và nhiễm trùng.
Có nhiều trường hợp nữ giới trong độ tuổi vị thành niên bị viêm âm đạo do thụt rửa sâu âm đạo, một số trường hợp do đặt thuốc tự ý mà không có chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, những va chạm ngoài khu vực âm hộ cũng có thể khiến "vùng kín" bị nhiễm vi khuẩn. Môi trường ẩm ướt, không được vệ sinh sạch sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát triển nấm và vi khuẩn", bác sĩ Hiền cho hay.
Ngoài ra, việc mắc bệnh phụ khoa còn có thể do rối loạn nội tiết, trong đó bao gồm viêm phụ khoa và u xơ, u nang tử cung. Việc mặc quần chật cũng khiến cho "vùng kín" bị bó sát trong thời gian dài, ẩm ướt do bí khí, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát sinh.
Cũng theo bác sĩ Hiền khi gặp phải những triệu chứng như cảm giác nóng rát, ngứa, khó chịu, vùng kín có mùi hôi, ra khí hư bất thường... chị em cần phải thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và có hướng điều trị rõ ràng, đem lại hiệu quả.
"Với nữ giới chưa quan hệ tình dục nên nếu đi khám, bác sĩ sẽ không thăm khám sâu mà chỉ có thể lấy chút dịch ngoài cửa âm đạo để soi tươi tìm nguyên nhân. Không làm ảnh hưởng đến màng trinh của nữ giới.
Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp để điều trị. Kết hợp với việc dùng thuốc, cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thay đồ lót ngày 2 lần, tuyệt đối không được rửa sâu vào bên trong âm đạo vì sẽ gây tình trạng viêm nhiễm nặng hơn.
Để phòng bệnh, cần phơi đồ lót dưới ánh nắng, nên sử dụng quần lót có chất liệu cotton, thấm hút mồ hôi tốt để vùng kín luôn khô thoáng, không nên mặc đồ lót khi còn ẩm và không nên mặc quần bó sát.
Cũng không nên dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh, chất kháng khuẩn để vệ sinh vùng kín, không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ", bác sĩ Hiền khuyến cáo.
Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
Những lưu ý với phụ nữ muốn đạp xe cho khỏe Đạp xe là bộ môn thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, phù hợp với cả nam và nữ. Thế nhưng việc đạp xe không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến "vùng kín", đặc biệt đối với nữ giới. Đạp xe không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe không mong muốn - Ảnh minh...