Mr Pips Phó Đức Nam “quây” nhà đầu tư, kiếm hàng nghìn tỷ đồng như thế nào?
Theo Công an quận Cầu Giấy, Phó Đức Nam và đồng bọn lập trình sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán quốc tế và thao túng, điều chỉnh được kết quả đầu tư.
Liên quan chuyên án bắt giữ Phó Đức Nam (30 tuổi, TikToker Mr Pips) với cáo buộc lừa đảo, ngày 11/12, Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, thông tin về thủ đoạn của Nam và đồng bọn.
Theo Công an quận Cầu Giấy, sau khi thành lập hàng chục văn phòng tại Việt Nam, Phó Đức Nam, Lê Khắc Ngọ và nhóm người nước ngoài thiết lập các sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán quốc tế giả mạo, có giao diện giống các sàn quốc tế như GTMX, ALPHA, TRDING, IQX…
Các sàn này được Nam và đồng bọn lập trình có đòn bẩy tài chính lớn (từ 20 đến 1.000 lần số tiền khách nạp), luôn thắng – tức là tài khoản nhà đầu tư chắc chắn sẽ “cháy” khi đặt lệnh.
Đối tượng Phó Đức Nam (Ảnh: T.A.).
Cơ quan điều tra khẳng định, các sàn này không được cấp phép tại Việt Nam, hoạt động bất hợp pháp và sử dụng phần mềm giao dịch giả để thao túng kết quả.
Đối với các nhà đầu tư, Nam chỉ đạo nhân viên cấp dưới làm nhiệm vụ sale tư vấn, cam kết với “con mồi” mức lợi nhuận cao, thưởng hấp dẫn nếu đầu tư. Chúng giới thiệu sàn giao dịch này không có rủi ro và được bảo hiểm 100% vốn.
Bên cạnh đó, để kiếm thêm nhiều nhà đầu tư, Nam tổ chức hội thảo, sự kiện và khóa học đầu tư trên mạng, quảng bá xây dựng hình ảnh cá nhân là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán quốc tế.
Đặc biệt, “mồi câu” hấp dẫn của Nam và Ngọ chính là những khóa đào tạo đầu tư online về phương pháp kiếm tiền dễ dàng từ đầu tư chứng khoán quốc tế, kích thích bị hại nạp tiền.
Video đang HOT
Hàng chục siêu xe của Nam bị cảnh sát tạm giữ (Ảnh: Hải Nam).
Sau khi “con mồi” bước chân vào ma trận của nhóm đối tượng, Nam và đồng bọn cho nhân viên quản lý, sale… sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội, lập nhiều hội nhóm đầu tư để “quây” nhà đầu tư.
Cụ thể, các đối tượng giả làm chuyên gia tài chính, “thầy đọc lệnh”, phân tích kỹ thuật, mã lệnh; đóng giả làm nhà đầu tư khác để tạo niềm tin cho nhà đầu tư thật, điều tra thông tin tài chính của họ và dụ dỗ nạp tiền.
Bên cạnh đó, các đối tượng cũng “chăm sóc” bị hại 1:1, một cách liên tục và thân mật, để nhà đầu tư thấy được đồng hành, tôn trọng. Sau đó, chúng đưa lệnh, đọc lệnh trên các hội nhóm, đưa bị hại cuốn vào dòng tiền bị thua, thôi thúc họ tiếp tục nạp thêm tiền để gỡ.
Nạn nhân càng nạp tiền, càng đặt lệnh thì càng nhanh “cháy” tài khoản.
Để thao túng được bị hại như trên, các đối tượng cho nhà đầu tư hưởng lãi ở những khoản đầu tư đầu tiên, ít tiền. Chúng hướng dẫn bị hại rút những khoản lợi nhuận nhỏ để gây dựng lòng tin, sự uy tín.
Một thủ đoạn khác để lấy lòng tin bị hại là Nam và đồng bọn thuê một số văn phòng ở gần trụ sở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, nói với nhà đầu tư rằng nếu phát sinh kiện cáo, có thể đến trụ sở để giải quyết.
Đại diện Công an quận Cầu Giấy thông tin về chuyên án (Ảnh: Hải Nam).
Theo cơ quan điều tra, bộ máy của Nam có hơn 1.900 nhân viên, phân cấp, với các nhiệm vụ như marketing, quản lý tele sale, kế toán, chăm sóc khách hàng, kỹ thuật, hỗ trợ nạp rút tiền, duy trì máy chủ và các sàn, an ninh, tuyển dụng…
Công an quận Cầu Giấy cho biết, từ tài liệu điều tra và trích xuất dữ liệu từ máy tính của các đối tượng, cảnh sát xác định được 2.661 bị hại nạp tiền lần đầu, với tổng số tiền khoảng gần 50 triệu USD.
Hiện cơ quan điều tra mới chỉ tiếp nhận trình báo của 18 người với tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 28 tỷ đồng.
Trong quá trình xác minh bị hại, cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn do nhiều bị hại nghĩ các kênh của Mr Pips là những trang sàn chứng khoán được cấp phép, chính thống, việc họ bị mất tiền là do may rủi nên không trình báo.
Đặc biệt, nhiều trường hợp khi được cơ quan công an liên hệ thì không hợp tác, từ chối cung cấp thông tin của các đối tượng lừa đảo.
Đến nay, Công an TP Hà Nội đã khởi tố 31 bị can về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Không tố giác tội phạm, Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, đồng thời đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ các đối tượng liên quan, xác minh các bị hại, truy thu tài sản do Phó Đức Nam và đồng bọn phạm tội mà có.
Cảnh sát cũng đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa khối tài sản ước tính khoảng 5.200 tỷ đồng của Phó Đức Nam.
Cơ quan điều tra yêu cầu những người liên quan đến hành vi phạm tội của các sàn giao dịch, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản khẩn trương ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật.
Đồng thời, nhà chức trách đề nghị những người là bị hại cần trình báo với Phòng Cảnh sát hình sự Công an các tỉnh, thành trên toàn quốc hoặc Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội (số 90 Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội; số điện thoại: 0886.882.338).
Mr Pips Phó Đức Nam bước đầu khai gì tại cơ quan điều tra?
Mr Pips Phó Đức Nam khai rằng phải khoe "nhà đẹp, xe sang" để tạo sự tin tưởng cho các nạn nhân
Liên quan đến đường dây Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips; SN 1994, trú Bà Rịa - Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter, SN 1990, trú Hà Nội) lừa đảo, Thượng tá Cao Văn Thái, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, cho biết trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định có 2.661 bị hại. Tổng số tiền các bị hại đã nạp vào khoảng 50 triệu USD (khoảng hơn 1.260 tỉ đồng).
TikToker Mr Pips Phó Đức Nam khoe tiền bạc, sự giàu có khi đầu tư thành công thời điểm trước khi bị bắt - Ảnh: FBNV
"Đây mới là thông tin của bị hại ở một phần số máy tính thu giữ. Chúng tôi tiếp tục xác minh lời khai của bị hại, khi họ bị lừa đến lúc hết tiền, không còn "cháy" nữa thì mới biết tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt" - Thượng tá Cao Văn Thái nói.
Theo ông Thái, việc truy bắt nhóm đối tượng Phó Đức Nam gặp rất nhiều khó khăn. Vì Nam thường xuyên trốn ở Campuchia, thỉnh thoảng mới về Việt Nam. Nam bị bắt giữ khi Nam về Việt Nam và trú ở quận 4, TP HCM.
Thượng tá Cao Văn Thái cho biết việc quảng cáo trên mạng xã hội của nhóm Phó Đức Nam tinh vi. Do đó, nhiều người tin tưởng nên số nạn nhân bị nhóm này chiếm đoạt tiền là rất lớn.
Khai báo tại cơ quan công an, Mr Pips Phó Đức Nam thừa nhận những hành vi phạm tội. Theo bị can 30 tuổi này, việc bản thân thường xuyên khoe "nhà đẹp, xe sang" nhằm truyền sự tin tưởng cho người xem, dẫn dụ người xem bị cuốn hút vào các hình ảnh này. Từ đó, các các bị can dễ dàng lôi kéo, dẫn dụ nạn nhân tham gia vào các sàn giao dịch lừa đảo của chúng.
Nhóm "chân rết" và nhân viên của Mr Pips có nhiệm vụ mời chào khách hàng vào các nhóm Zalo, Telegram... Sau đó, chúng tự tạo các nick ảo, khoe thành công nhờ theo chân Mr Pips (thực chất là các nhân viên tự "diễn" với nhau) nhằm tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư. Khi bị hại nạp tiền giao dịch trên các sàn này, đội ngũ của Mr Pips sẽ can thiệp vào hệ thống để nạn nhân thua hết tiền. Thậm chí, nếu nhà đầu tư có lãi thì cũng không rút tiền ra được.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phó Đức Nam, Lê Khắc Ngọ và 29 bị can khác về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Không tố giác tội phạm", "Rửa tiền", "Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Trong đó, 26 bị can bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; 3 bị can về tội "Rửa tiền"; 1 bị can tội "Không tố giác tội phạm"; 1 bị can tội "Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Đến nay, cơ quan chức năng đã thu giữ tài sản ước tính 5.200 tỉ đồng. Trong đó, 316 tỉ đồng trong tài khoản; 9 tỉ đồng trái phiếu; 200 tỉ đồng sổ tiết kiệm; 69 tỉ đồng tiền mặt; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe; 7 môtô hạng sang; 84 trang sức vàng, khảm kim cương; phong tỏa 125 bất động sản.
Bất ngờ về danh tính công ty liên quan đến TikToker Mr. Pips Phó Đức Nam Công ty này thành lập ngày 23/10/2020. Vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 100 triệu đồng và có một lao động theo kê khai thuế. Chiều 10/12, Công an TP Hà Nội đã công bố thông tin về việc bắt giữ Phó Đức Nam, hay còn được biết đến với tên TikToker Mr Pips, tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng...