Một số vấn đề về Hội đồng Hiến pháp
Thực hiện các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thời gian qua, cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân đã nhiệt liệt hưởng ứng, tích cực tham gia góp ý vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thực sự là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng trong toàn xã hội.
Tiếp tục kế thừa Hiến pháp 1992, đưa đất nước tiến lên vững chắc, phồn vinh
Với trách nhiệm công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng với điều kiện cụ thể của nước ta, không cần quy định Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mà tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp. Bởi lẽ, vấn đề bảo vệ Hiến pháp ở nước ta đã được quy định rất rõ và cụ thể ở tất cả các bản Hiến pháp được ban hành trong lịch sử. Đó là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Trong Hiến pháp năm 1992 hiện hành, các Điều 79, 84, 91, 103, 112, 114… đã quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ Hiến pháp. Điều 84 Hiến pháp năm 1992 đã quy định: “Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: 1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật; quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; 2. Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội…”; Điều 91 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: …3. Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh… 5. Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao…”.
Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992, nhiều đạo luật đã được ban hành, trong đó có các quy định bảo vệ Hiến pháp, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân… Ví dụ: Điều 27 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Ủy ban Pháp luật có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: … 3. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, dự án pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua… 6. Giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách”.
Video đang HOT
Như vậy, các quy định của Hiến pháp và các luật này đã giao nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp cho nhiều cơ quan đảm nhiệm, mà trách nhiệm cao nhất thuộc về Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, Tòa án, Viện kiểm sát, chính quyền địa phương các cấp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội. Những quy định này rất chặt chẽ, cụ thể để kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Từ góc độ quán triệt thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã xác định quan điểm sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992: “Tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản hiến pháp trước đây còn phù hợp; đồng thời, chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, phù hợp với tình hình mới và những nội dung đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định”; Kết luận Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và những nội dung cơ bản về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cũng chỉ rõ: “Tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản hiến pháp trước đây còn phù hợp. Chỉ sửa đổi những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, đã có đủ cơ sở, được sự thống nhất cao”.
Quán triệt các quan điểm chỉ đạo trên của Đảng, cần tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây, cũng như các quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân… về cơ chế bảo vệ Hiến pháp đang còn phù hợp, mà không cần quy định Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 1992 cho thấy, trong những năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ… đã thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp quy định, trong đó đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, góp phần quan trọng vào việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nếu như thành lập thêm Hội đồng Hiến pháp thì rõ ràng sẽ chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ… và phải sửa đổi các luật có liên quan, gây tốn kém, lãng phí.
Lê Minh
Theo ANTD
Sao chưa ai bị phạt?
Theo thống kê của Bộ Tư pháp năm 2012, qua kiểm tra 1.054.366 văn bản, các Bộ, ngành, địa phương đã phát hiện 5.240 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp (4.371/5.240 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, chiếm 83%).
Như vậy, tính trung bình, mỗi ngày có tới hơn 10 văn bản trái pháp luật được ban hành! Năm 2013 chưa có số liệu thống kê những văn bản trái pháp luật, không khả thi của các cơ quan Nhà nước ban hành, nhưng xem ra với tần suất các văn bản "kỳ lạ" xuất hiện trong 6 tháng đầu năm tạo sự bức xúc không chỉ ngoài xã hội mà còn vào cả nghị trường Quốc hội.
Một loạt văn bản dưới dạng Nghị định, Thông tư đã ban hành hoặc chuẩn bị ban hành gần đây do các Bộ, ngành chuẩn bị cũng bị lỗi rất nhiều. Lỗi không chỉ ở câu từ, ngữ pháp... mà có không ít quy định có nội dung xa rời thực tế, thiếu tính khả thi và không phù hợp, đồng bộ với các quy định pháp luật đã có, hiện đang áp dụng ở các luật, chính sách khác của Nhà nước. Không ít văn bản pháp quy dù mới chỉ dưới dạng dự thảo, nhưng đã gây xáo trộn trong đời sống, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sự ổn định của xã hội.
Với một văn bản, quy định mới vừa đưa ra đều có phản hồi từ dư luận, âu cũng là tự nhiên. Nhưng dư luận phản ứng không phải vì sợ mất đi sự tự do của mình, mà vì quy định vô lý và thiếu sức sống.
Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn sự lãng phí về tiền bạc, thời gian, công sức khi ban hành các văn bản không khả thi. Có ý kiến cho rằng sự lãng phí đó không kém gì tham nhũng. Lãnh đạo Chính phủ cũng đã tỏ ý không hài lòng với chất lượng các dự thảo văn bản lần cuối được trình ký khiến cho gần đây, có một số văn bản, quyết định khi ban hành có nhiều lỗi "không đáng có", phải sửa đổi. Việc dừng phát hành Thông tư khi bút ký còn chưa ráo mực hoặc phải liên tục sửa đổi, bổ sung như đã xảy ra vì quy định bất khả thi là cần thiết. Nhưng qua đó có thể thấy để xảy ra lỗi như vậy là một điều đáng báo động về tư duy, cách thức làm chính sách ở nhiều Bộ hiện nay, gây thêm nhiều tốn kém, chi phí cho Nhà nước.
Tuy nhiên, đến nay việc chịu trách nhiệm khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật từ thiếu thực tế đến có sai sót mới chỉ xem xét dưới góc độ công vụ như quan liêu, thiếu sâu sát, thiếu trách nhiệm. Cơ quan ban hành văn bản sai, cứ vô tư thu hồi, hủy bỏ là xong! Chưa thấy cán bộ nào bị kỷ luật khi ban hành văn bản theo "tư duy phòng máy lạnh". Hơn nữa, những kiểu ban hành các văn bản pháp quy yếu kém, nhiều văn bản sai khi ban hành không chỉ làm dư luận bức xúc, gây tình trạng "nhờn pháp luật" mà còn làm mất lòng tin trong dân, giảm hiệu lực quản lý Nhà nước.
Phạt hành chính (cách chức, kỷ luật) đối với người soạn thảo, người ký ban hành những văn bản xa rời cuộc sống, thiếu tính thực tế, thậm chí trái luật, mới có thể chấm dứt được tình trạng này. Đây là đòi hỏi của dân, và của cả xã hội.
Theo ANTD
Chính sách "trên trời": Trách nhiệm Bộ trưởng Tư pháp? Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Tư pháp trước những chính sách xa rời thực tế cuộc sống được ban hành trong thời gian gần đây. Sáng nay (20/8), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội về các nội dung: Trách nhiệm của Bộ trưởng trong...