Một số thực phẩm người mắc ung thư nên ăn khi chữa bệnh
Một số thực phẩm giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, do đó, trong những bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là người bệnh ung thư nên bổ sung những loại thực phẩm giúp hỗ trợ, nâng cao sức khỏe…
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, người mắc ung thư nên ăn các loại thực phẩm dưới đây để tăng cường sức khỏe trong quá trình điều trị:
Thực phẩm giàu protein tốt cho người bệnh ung thư
Protein trong chế độ ăn uống có vai trò quan trọng giúp cơ thể phục hồi, sửa chữa, xây dựng kháng thể và thúc đẩy quá trình tổng hợp glutathione cần thiết cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Bên cạnh đó, hệ thống miễn dịch sản xuất các protein gọi là các interferon, nhằm chống lại các tác nhân ngoại lai như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư.
Khi xảy ra tình trạng cơ thể thiếu hụt protein có thể dẫn đến suy giảm đáng kể chức năng miễn dịch, làm tăng khả năng mắc bệnh truyền nhiễm. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, người bệnh ung thư cần tiêu thụ 1,3-1,4g protein/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Các thực phẩm giàu protein như các loại cá, thịt gia cầm, thịt bò, thịt cừu, các loại hải sản, trứng, bông cải xanh, sữa, các chế phẩm của sữa, đậu phụ, đậu đỗ…
Hải sản cung cấp acid béo omega-3 tăng cường sức đề kháng
Acid béo omega-3 có vai trò củng cố thành tế bào, giúp đại thực bào tiêu diệt mầm bệnh và hỗ trợ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ khi có sự xâm nhập của virus, mầm bệnh hoặc vi khuẩn. Acid béo omega-3 có trong một số loại cá, chẳng hạn như cá hồi, cá mòi, cá trích và cá thu…
Hải sản cung cấp acid béo omega-3 tăng cường sức đề kháng cho người bệnh ung thư.
Thực phẩm giàu magiê
Hệ thống miễn dịch (hay còn gọi là sức đề kháng) của cơ thể được tạo thành từ nhiều thành phần, bao gồm các protein như kháng thể, tế bào lympho và đại thực bào. Tất cả các thành phần này kết hợp với nhau để đẩy lùi mầm bệnh từ bên ngoài có thể xâm nhập cơ thể. Trong đó, magiê đóng một vai trò quan trọng do có thể cải thiện chức năng của từng loại protein này.
Các thực phẩm giàu magiê bao gồm chuối, bơ, các loại hạt, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt… trong đó, sô cô la đen là thực phẩm rất giàu magiê với 64 mg magiê trong khẩu phần 28 gram.
Thực phẩm giàu kẽm, vitamin A
Kẽm có vai trò thúc đẩy tăng trưởng và hoạt động của các tế bào miễn dịch. Các thực phẩm giàu kẽm bao gồm thịt đỏ, động vật có vỏ như hàu, cua, sò, hến, các loại hạt, sữa, trứng, ngũ cốc nguyên hạt… Bên cạnh đó, vitamin A hoạt động như một chất chống oxy hóa, tạo ra các tế bào bạch cầu và điều chỉnh phản ứng của tế bào miễn dịch. Vitamin A có trong thịt, cá, trứng sữa, cà rốt, ớt chuông, khoai lang, bí ngô…
Video đang HOT
Cam quýt và rau lá xanh cung cấp vitamin C hỗ trợ miễn dịch
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm cho biết, vitamin C có chức năng như một chất chống oxy hóa để bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây oxy hóa có hại.
Bên cạnh đó, vitamin C còn có chức năng chống lại dị ứng, kích thích tạo dịch mật và giải phóng các hormon steroid, làm tăng chức năng miễn dịch. Cơ thể không tự tạo ra vitamin C, nên cần được cung cấp từ thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày.
Các thực phẩm giàu vitamin C bao gồm cam, quýt, chanh, dâu tây, quả việt quất, cà chua, bông cải xanh, các loại rau lá xanh như cải xoăn và ớt chuông… Để giúp giữ lại nguồn vitamin C tối đa, bạn nên tiêu thụ những thực phẩm này ở dạng thô, do loại vitamin này rất nhạy cảm với nhiệt, nếu chế biến sẽ làm giảm lượng chất dinh dưỡng này mà cơ thể có thể hấp thụ.
Bên cạnh thực phẩm giàu vitamin C, để tăng cường sức đề kháng, cần bổ sung các thực phẩm giàu vitamin E, selen như hạt hướng dương, hạnh nhân, quả óc chó… Tuy nhiên, với các loại hạt này cần lưu ý kiểm soát khẩu phần ăn do chúng chứa nhiều calo, nếu ăn quá nhiều có thể góp phần làm tăng cân.
Cam quýt và rau lá xanh cung cấp vitamin C giúp tăng cường miễn dịch cho người bệnh.
Thực phẩm hỗ trợ sức khỏe đường ruột
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm cho biết, đường ruột khỏe mạnh đóng góp tới 70%- 80% hệ miễn dịch biểu mô của cơ thể. Khi đường ruột khỏe mạnh, không bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón… sẽ đảm bảo quá trình tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng diễn ra suôn sẻ giúp tăng cường sức khỏe, miễn dịch trong cơ thể.
Không chỉ thế, một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, chống lại nhiễm trùng. Để tăng cường sức khỏe đường ruột, bạn có thể tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất xơ như đậu bắp, chuối, hành, rau đay, mồng tơi… hoặc các thực phẩm lên men như sữa chua, rượu nếp, nem thính, nem chua…
Cần lưu ý hạn chế các thực phẩm lên men chứa nhiều muối như dưa muối, cà muối…
Tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ tốt cho đường ruột và tăng cường hệ miễn dịch.
Ăn thực phẩm hữu cơ có giúp phòng ngừa ung thư không?
Ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm hữu cơ vì cho rằng nó lành mạnh hơn và giúp phòng ngừa ung thư.
Vậy thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe như thế nào?
1. Thực phẩm hữu cơ là gì?
Thực phẩm hữu cơ là thực phẩm được sản xuất bằng các phương pháp ưu tiên các quá trình tự nhiên và cân bằng sinh thái. Các quy định cụ thể khác nhau tùy theo quốc gia, nhưng nhìn chung, canh tác hữu cơ cấm sử dụng thuốc trừ sâu tổng hợp, phân bón, sinh vật biến đổi gene và kháng sinh trong chăn nuôi.
Nông nghiệp hữu cơ sử dụng phân bón tự nhiên như phân trộn và phân chuồng, luân canh cây trồng và phương pháp diệt trừ sâu bệnh sinh học.
TS Trần Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu Rau quả cho hay, quá trình canh tác hữu cơ là dùng các sản phẩm hữu cơ khác để chăm bón cho một sản phẩm hữu cơ nào đó. Cũng do dùng sản phẩm hữu cơ nên hàm lượng vi chất, chất đạm cũng vì thế cao hơn. Kèm theo không dùng thuốc kích thích tăng trưởng nên thời gian trồng kéo dài hơn. Đây cũng là thời gian tích lũy các chất dinh dưỡng, vì thế có thể nói rằng dinh dưỡng trong sản phẩm hữu cơ cũng cao hơn các loại tương tự.
Một số nghiên cứu cho thấy thực phẩm hữu cơ có thể chứa hàm lượng cao hơn một số chất dinh dưỡng nhất định như chất chống oxy hóa, vitamin C, sắt, magie và phốt pho. Tuy nhiên, sự khác biệt thường không đáng kể và có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại thực phẩm và phương pháp canh tác được sử dụng.
Nông nghiệp hữu cơ nói chung tốt cho môi trường. Nó thúc đẩy đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm từ thuốc trừ sâu và phân bón, đồng thời tăng cường độ phì nhiêu cũng như cấu trúc của đất.
Thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe và môi trường.
2. Lợi ích của thực phẩm hữu cơ đối với sức khỏe
Vào tháng 12 năm 2016, Cơ quan Nghiên cứu Nghị viện Châu Âu đã công bố Ý nghĩa của thực phẩm hữu cơ và nông nghiệp nghiệp hữu cơ đối với sức khỏe con người . Tài liệu này là bản đánh giá các nghiên cứu khoa học đã công bố trước đây đã đánh giá các khía cạnh về tác động của thực phẩm hữu cơ đối với sức khỏe con người. Mặc dù dữ liệu có sẵn có phần hạn chế nhưng kết quả cho thấy có một số mối liên hệ có lợi giữa việc ăn nhiều hơn so với ăn ít thực phẩm hữu cơ. Dữ liệu đã công bố cho thấy rằng:
Tiêu thụ nhiều thực phẩm hữu cơ hơn có thể liên quan đến nguy cơ dị ứng ở trẻ em thấp hơn;
Những người ăn nhiều thực phẩm hữu cơ hơn có xu hướng tuân theo chế độ ăn uống tổng thể lành mạnh hơn với lượng tiêu thụ nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt hơn và tiêu thụ ít thịt hơn;
Người lớn ăn thực phẩm hữu cơ thường xuyên hơn ít có khả năng bị thừa cân hoặc béo phì;
Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng việc tiêu thụ thức ăn chăn nuôi hữu cơ thay vì thức ăn chăn nuôi thông thường có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh ở các thế hệ tương lai;
Nông nghiệp hữu cơ dựa vào thuốc trừ sâu phân hủy sinh học phân hủy nhanh và không độc hại hoặc chỉ độc hại tối thiểu đối với con người, thay vì thuốc trừ sâu nhân tạo dai dẳng hơn;
Người nông dân thực hiện phương pháp hữu cơ có xu hướng sử dụng ít phân bón hơn và cho động vật ăn cỏ, không sử dụng kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng... dẫn đến ít có khả năng làm ô nhiễm nguồn nước và tồn tại dư lượng hóa chất có hại cho sức khỏe con người. Ở những động vật chủ yếu ăn cỏ và ăn ít ngũ cốc, sữa của chúng có hàm lượng acid béo omega-3 cao hơn và hàm lượng acid béo omega-6 thấp hơn so với sữa do động vật ăn ngũ cốc sản xuất...
3. Ăn thực phẩm hữu cơ có giúp phòng ngừa ung thư không?
Mặc dù chúng ta biết rằng ăn nhiều thực phẩm hữu cơ và ít thực phẩm được trồng theo phương pháp thông thường sẽ làm giảm lượng dư lượng thuốc trừ sâu trong cơ thể nhưng điều này thực sự có ý nghĩa gì đối với sức khỏe?
Nghiên cứu cho thấy, khi chúng ta chuyển từ ăn thực phẩm thông thường sang thực phẩm hữu cơ hơn, nồng độ chất chuyển hóa thuốc trừ sâu trong nước tiểu sẽ giảm.
Rau xanh và trái cây là thực phẩm lành mạnh giàu chất chống oxy hóa giúp hỗ trợ ngăn ngừa ung thư.
Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã phân loại ba loại thuốc trừ sâu thường được sử dụng trong nông nghiệp là chất gây ung thư cho con người. Đó là glyphosate, malathion và diazinon.
Trong một nghiên cứu theo nhóm dân số gồm 68.946 người trưởng thành ở Pháp, nguy cơ mắc bệnh ung thư giảm đáng kể ở những người tiêu thụ nhiều thực phẩm hữu cơ.
Dữ liệu được đưa vào từ những người tham gia có thông tin về tần suất tiêu thụ thực phẩm hữu cơ và lượng thức ăn tiêu thụ. Đối với 16 sản phẩm, những người tham gia đã báo cáo tần suất tiêu thụ thực phẩm hữu cơ (không bao giờ, thỉnh thoảng hoặc chủ yếu). Ngày theo dõi là từ ngày 10/5/2009 đến ngày 30/11/2016.
Trong số 68.946 người tham gia (78,0% là nữ; độ tuổi trung bình khi bắt đầu là 44,2): 1.340 trường hợp ung thư lần đầu đã được xác định trong quá trình theo dõi, trong đó phổ biến nhất là 459 trường hợp ung thư vú, 180 trường hợp ung thư tuyến tiền liệt, 135 trường hợp ung thư da, 99 trường hợp ung thư đại trực tràng, 47 trường hợp u lympho không Hodgkin và 15 trường hợp u lympho khác. Điểm số thực phẩm hữu cơ cao có liên quan nghịch đảo với nguy cơ ung thư nói chung.
Nghiên cứu kết luận: Tần suất tiêu thụ thực phẩm hữu cơ cao hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư. Nếu những phát hiện này được xác nhận, cần phải nghiên cứu thêm để xác định các yếu tố cơ bản liên quan đến mối liên quan này.
4. Có cần chuyển sang ăn hoàn toàn thực phẩm hữu cơ không?
Thực phẩm hữu cơ mang lại nhiều lợi ích, từ việc giảm tiếp xúc với thuốc trừ sâu và tính bền vững của môi trường cho đến hương vị và dinh dưỡng có thể tốt hơn. Tuy nhiên, các yếu tố khác như cân nặng, chế độ ăn uống và hoạt động thể chất có ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ mắc ung thư.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên không nhất thiết phải cắt bỏ những nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng chỉ vì chúng không phải là thực phẩm hữu cơ. Việc tiêu thụ nhiều thực phẩm lành mạnh giàu chất chống oxy hóa (có tác dụng hỗ trợ chống ung thư) như trái cây và rau quả, dù là hữu cơ hay thông thường, vẫn được khuyến khích như một phần của chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Để an toàn hơn, bạn nên tránh các loại trái cây và rau quả "bẩn" bị nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu cao và nên lựa chọn thực phẩm theo mùa sẽ tốt hơn.
5 thực phẩm là 'người hùng' ngăn ngừa ung thư vú không phải ai cũng biết Ung thư vú là nỗi ám ảnh của rất nhiều chị em phụ nữ. Bên cạnh việc tầm soát định kỳ, một chế độ ăn uống lành mạnh với những thực phẩm giàu dưỡng chất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa căn bệnh này. 5 thực phẩm dưới đây là 'người hùng' ngăn ngừa ung thư vú không phải...