Một số điều ‘luẩn quẩn’ trong dự thảo luật Giáo dục ĐH
Dự thảo luật Giáo dục ĐH được công bố để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội có một số điểm mới đáng chú ý về nhấn mạnh quyền tự chủ trong việc xác định các nhiệm vụ, quản trị và tài chính, hội đồng trường…
Thí sinh làm thủ tục nhập học vào một trường ĐH tại TP.HCM
Tuy nhiên, nếu nghiên cứu toàn văn bản dự thảo còn khá nhiều điều cần trao đổi khi đất nước và thế giới đang có nhiều thay đổi, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguyên tắc ghi trong dự thảo luật về quy hoạch mạng lưới rất đúng theo lý thuyết nhưng khái niệm này không phù hợp với quan điểm phát triển. Không có quốc gia nào trên thế giới có khái niệm quy hoạch mạng lưới như của ta. Quy hoạch mạng lưới của ta thường bị phá vỡ do quy hoạch sai hoặc tiếp cận sai. Ngày nay UNESCO khuyến cáo cách tiếp cận hoặc phát triển giáo dục mang tính tích hợp do bản thân giáo dục không phải là ngành độc lập mà liên quan chặt chẽ đến nhiều lĩnh vực khác. Vì thế nên thay đổi việc quy hoạch mạng lưới thành quy hoạch phát triển giáo dục quốc gia và trách nhiệm này nên giao cho Chính phủ phê duyệt.
Thế giới đang đứng trước những thay đổi như vũ bão về khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội bị ảnh hưởng và luật pháp liên quan đến giáo dục không thể không tính đến.
Công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi phương thức, công cụ giáo dục, tài liệu học tập, cách thức tổ chức dạy và học, biên giới truyền thống của các thiết chế giáo dục, lớp học truyền thống thay đổi. Đo lường đánh giá, công nhận trình độ văn bằng chứng chỉ của người học, chi phí giáo dục, quản trị nhà trường sẽ phải thay đổi và cần phải được điều chỉnh bằng luật. Để tránh việc luật không bắt kịp với tiến bộ hoặc sự lạm dụng công nghệ thái quá mà chưa có nghiên cứu, nên chăng quy định hẳn một chương về ứng dụng công nghệ trong giáo dục ĐH.
Video đang HOT
Toàn bộ dự thảo cho thấy một hai chỗ đề cập đến khung trình độ quốc gia mà lại không đúng vị trí. Những vấn đề mục tiêu đào tạo, việc công nhận quá trình học trước, việc cần thiết kiểm soát chất lượng văn bằng gắn với khung trình độ quốc gia hầu như không thể hiện. Nếu không sớm luật định việc này thì việc công nhận văn bằng chứng chỉ giữa các quốc gia và minh bạch hóa thông tin thị trường lao động qua khung trình độ quốc gia sẽ gặp khó khăn.
Đây là cơ hội rất lớn để xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản vì các trường ĐH được tự chủ như dự thảo và chúng ta đã có Nghị quyết số 19/NQ-TƯ của Hội nghị BCH T.Ư lần thứ 6 đòi hỏi phải tinh giản biên chế. Vì thế, không nên giữ lại cơ chế bộ chủ quản tồn tại từ nền kinh tế kế hoạch tập trung như trước kia vốn các trường đào tạo phục vụ nhân lực cho ngành mình.
Dân chủ trong nhà trường là vấn đề lớn. Nếu trong luật chỉ ghi mỗi câu thực hiện theo quy chế dân chủ ở cơ sở là chưa ổn do tính chất đặc thù của giáo dục. Hiện tượng vi phạm dân chủ vẫn diễn ra trong quan hệ giữa lãnh đạo với giảng viên, giữa giảng viên với sinh viên… Vì vậy phải quy định rất cụ thể, rõ hơn việc thực hiện cơ chế này.
Dự thảo có quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và mở ngành đào tạo. Ngày nay, ngành đào tạo ít được sử dụng trong giáo dục ĐH mà người ta thường dùng thuật ngữ chương trình. Khoa học ngày nay mang tính liên ngành và thay đổi theo sự tích hợp của các chương trình để có một chương trình mới. Nếu cứ mãi luẩn quẩn câu chuyện ngành và chuyên ngành sẽ mất đi sự năng động, tự chủ của nhà trường đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành đào tạo là một bước nhấn, nhưng sẽ rất loạn nếu các trường tự chủ mở ngành và xác định chỉ tiêu theo ngành dẫn đến phá vỡ quy hoạch, nguy cơ thất nghiệp do quy định trường có năng lực đến đâu đào tạo đến đó mà thiếu bàn tay điều tiết vĩ mô của nhà nước.
Theo TNO
Giảm quyền lực của hiệu trưởng
Trong suốt thời gian dài, trường ĐH công lập ở Việt Nam không có hội đồng trường, quyền lực tập trung trong tay hiệu trưởng. Hội đồng trường ĐH thành lập sẽ giám sát các hoạt động của hiệu trưởng
Thí sinh nộp hồ sơ vào một trường ĐH tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Hội đồng trường ĐH được nói đến nhiều năm kể cả ghi vào luật nhưng không thực hiện được chức năng cơ bản của mình là xây dựng chính sách phát triển và giám sát toàn bộ các hoạt động của nhà trường thông qua hiệu trưởng. Dự thảo Luật Sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục ĐH đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra lấy ý kiến, trong đó hội đồng trường được nhiều thực quyền.
Hiệu trưởng có nên nằm trong hội đồng trường?
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho biết nội dung của đợt sửa đổi lần này đi sâu vào quản trị ĐH. Trong đó có nội dung hội đồng trường (trong trường công) phải là hội đồng có thực quyền. Để đáp ứng yêu cầu đó, cơ cấu của hội đồng trường với những nội dung mới như tối thiểu 30% là thành phần ngoài trường quan tâm và chi phối, có quyền và lợi ích liên quan đến sự phát triển của trường; trong hội đồng trường còn có các thành viên trong trường là đại diện cấp ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên cấp trường, hiệu trưởng, một phó hiệu trưởng, đại diện sinh viên, viên chức, người lao động.
Trước những nội dung mới trong quyền hạn của hội đồng trường, không ít ý kiến băn khoăn về vai trò của hiệu trưởng và sự tham gia của hiệu trưởng trong tổ chức này. Tại hội thảo góp ý sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây tại TP HCM, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), cho rằng hội đồng trường là thiết chế quyền lực của trường mang tính đối chọi với ban giám hiệu nên hiệu trưởng không nên là thành viên trong hội đồng đó. Bên cạnh đó, sinh viên cũng không nên là thành viên của hội đồng trường, các em có thể qua hội sinh viên trường mà có đóng góp chín chắn hơn, nếu đưa sinh viên vào thì cũng chỉ là hình thức, nên xem lại.
Tương tự như hội đồng trường là HĐQT ở trường tư thục. Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Thiết cho rằng HĐQT là đại diện của những người góp vốn nhưng thành viên của HĐQT lại có những đối tượng không góp vốn, như đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể, thậm chí cả hiệu trưởng. "Tôi không rõ khi biểu quyết thì đối vốn hay đối nhân?" - vị này băn khoăn.
Đồng tình ý kiến này, chủ tịch HĐQT Trường ĐH Công nghệ Miền Đông cho rằng những thành phần, cá nhân không góp vốn thì không tham gia HĐQT.
Tăng thực quyền của hội đồng trường
PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho rằng quyết nghị về cơ cấu tổ chức, danh mục vị trí việc làm, xác định cơ cấu lao động theo chức danh nghề nghiệp nên để cho vai trò của hiệu trưởng bởi nếu như luật sửa đổi thì vai trò hiệu trưởng không còn.
"Chúng ta muốn tăng vai trò của hội đồng trường nhưng không nên để hội đồng trường là bộ thu nhỏ để quản lý ban giám hiệu quá mức. Cần để hội đồng trường và hiệu trưởng tương đối độc lập" - PGS-TS Trần Diệp Tuấn nói.
Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, vấn đề quan trọng nhất là chất lượng từng thành viên trong hội đồng trường chứ không phải là sự tham gia của hiệu trưởng và một hiệu phó vào hội đồng trường. "Hội đồng trường làm chính sách, chiến lược còn hiệu trưởng là người thực thi. Hai cơ cấu song hành sẽ tốt hơn một hiệu trưởng vừa làm chiến lược vừa thực hiện chiến lược" - ông Tùng nói. Ông cũng đề nghị nên đưa hiệu trưởng lên làm chủ tịch hội đồng trường vì hiệu trưởng hiểu tường tận các vấn đề của trường.
Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng giáo dục ĐH Việt Nam quá nhiều cơ quan tham gia quản lý nhà nước, phân vai và trách nhiệm không rõ ràng. Vì vậy, hiệu trưởng băn khoăn về vai trò cũng là điều dễ hiểu. Khi tăng quyền hội đồng trường, quyền lực truyền thống của hiệu trưởng sẽ giảm, như các lợi ích về tài chính, chính trị, học thuật, tuyển dụng, mua sắm, xây dựng... và lại phải chịu sự kiểm soát chặt của hội đồng trường trong chi tiêu và giải trình.
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết hội đồng trường trong dự thảo này mong muốn phải có thực quyền vì vậy trong nhiệm vụ quyền hạn, hội đồng trường có quyền quyết định về tất cả các vấn đề phát triển của trường, từ định hướng phát triển đến các vấn đề chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất, giảng viên, cơ chế thu chi tài chính, quy chế tổ chức hoạt động..., thậm chí định hướng về mua sắm tài sản hằng năm.
Theo NLĐ
Đắk Nông ban hành kế hoạch truyền thông giáo dục Sở GD&ĐT Đắk Nông ban hành kế hoạch công tác truyền thông về GD&ĐT năm học 2017-2018. ảnh minh họa Theo đó, nội dung truyền thông tập trung nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2017- 2018: Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phố thông; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục và Luật giáo dục ĐH. Kế...