Một số biện pháp tích cực khi thực hiện đánh giá học sinh tiểu học
Thuận lợi khi thực hiện Thông tư 30 tại trường Tiểu học Đồng Cương (Yên Lạc) có thể thấy rõ là những học sinh có học lực yếu hơn không bị áp lực, một mặt nào đó các em được khích lệ và được động viên, giúp các em có hướng phấn đấu, vươn lên trong học tập.
Giáo viên và phụ huynh quan tâm đến học sinh nhiều hơn. Học sinh được phát triển một cách toàn diện, tăng sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường. Trong đánh giá không có sự phân biệt học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu, học sinh không bị mặc cảm, áp lực về điểm số, giáo viên kịp thời phát hiện được sự tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và phát hiện những hạn chế để hướng dẫn, giúp đỡ học sinh trong quá trình học tập.
Đánh giá theo Thông tư 30 thực hiện mang tính nhân văn , đánh giá về sự tiến bộ của học sinh. Đánh giá bằng nhận xét, sẽ công nhận kết quả và chỉ ra cho học sinh chỗ nào học sinh làm đúng, chỗ nào học sinh còn thiếu, chưa đúng để học sinh còn có hướng khắc phục và cố gắng hơn, giáo viên có biện pháp hỗ trợ để bù đắp chỗ trống chứ không phải quyết định hoàn toàn kết quả bài làm của học sinh như đánh giá bằng điểm số.
Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Nhiều giáo viên trực tiếp đứng lớp và giáo viên bộ môn cho rằng, việc thực hiện theo Thông tư 30 vẫn còn nhiều áp lực cho giáo viên.
Cụ thể nhiều giáo viên chưa biết cách nhận xét, nên mất nhiều thời gian ghi lời nhận xét thường xuyên vào vở của học sinh và vào sổ theo dõi chất lượng, những lời nhận xét rất dễ trùng lặp. Nhiều giáo viên phải tranh thủ nhận xét trong giờ giải lao, ngày nghỉ trong tuần và nhất là phụ đạo cho học sinh yếu, từ đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học sinh.
Tâm lý của phụ huynh không thích cách nhận xét vì không biết con mình đạt ở mức độ nào? Nên chưa quan tâm nhiều đến việc nhận xét, chưa khuyến khích được cha mẹ học sinh tham gia đánh giá như yêu cầu của Thông tư 30.
Một số giáo viên chữ chưa đẹp, nhưng lại phải ghi nhận xét vào vở học sinh nên rất ngại viết những lời nhận xét vào vở của học sinh thường xuyên. Đối với việc học sinh tự đánh giá và tham gia nhận xét bạn thì học sinh lớp 1 2 chưa có khả năng tự nhận xét bản thân và các bạn trong lớp một cách khác quan vô tư và chính xác.
Thực tế, việc giáo viên tư duy để ghi lời nhận xét phù hợp với từng đối tượng học sinh, chứa đựng cả ưu điểm, tồn tại và biện pháp hỗ trợ đối với từng học sinh trong lớp ở từng môn học trong từng tháng là rất khó.
Từ những khó khăn trên Ban giám hiệu trường Tiểu học Đồng Cương cho rằng, để làm tốt việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30, cần tuyên truyền nội dung đánh giá của Thông tư 30 tới cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh; Tư vấn về cách đánh giá và ghi lời nhận xét, cách nhận xét bằng lời của giáo viên; Sinh hoạt chuyên môn tổ mỗi tháng 3 lần, sinh hoạt chuyên môn cấp trường mỗi tháng 1 lần vào tuần đầu tiên trong tháng .
Để Thông tư 30 thực hiện phát huy có tác dụng vào những năm học sau: Giáo viên cần tuyên truyền với phụ huynh về những ưu điểm của Thông tư để phụ huynh có thể yên tâm vào việc đánh giá nhận xét của giáo viên một cách công bằng, khách quan, mà học sinh có những cố gắng trong học tập đạt hiệu quả. Nhà trường và ngành giáo dục muốn quản lý được chất lượng giáo dục thì cần phải có sự đồng bộ từ cách quản lý đến việc thực hiện và đòi hỏi giáo viên phải có tâm, có tầm để đưa ngành giáo dục phát triển toàn diện.
Theo Phạm Thị Lịch – Phó Hiệu trưởng TH Đồng Cương (Vĩnh Phúc)
Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc