Một phần ba thí sinh từ chối thi đại học
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, theo số liệu thống kê ngày 21/6, 32% thí sinh không đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Cụ thể, theo số liệu thống kê sơ bộ, 880.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia, giảm 12% so với năm ngoái. Số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp là 32% (chiếm một phần ba).
Như vậy, so với năm 2015, số thí sinh đăng ký dự thi giảm 12%. Năm ngoái, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi, trong đó tỷ lệ các thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét chứng nhận tốt nghiệp chiếm xấp xỉ 28%.
Trước đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận xét: Số học sinh chọn đại học giảm là tín hiệu tốt. Điều này thể hiện sự lựa chọn của các em đã được cân nhắc trên cơ sở năng lực bản thân và hoàn cảnh gia đình. Đây là bước phát triển hợp lý.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh: Bộ GD&ĐT.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đến nay, đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT ghi nhận các địa phương chuẩn bị nghiêm túc. Công tác phối hợp của các đơn vị liên quan được chuẩn bị từ rất sớm, đến nay đã hoàn tất.
Thứ trưởng Bộ giáo dục cũng yêu cầu Ban chỉ đạo các cụm thi cần lưu ý nhu cầu chỗ trọ cho thí sinh; không để thí sinh tập trung về các thành phố dự thi mà không có chỗ nghỉ ngơi, ngủ vật vờ ngoài đường, không bảo đảm sức khỏe để làm tốt bài thi.
“Riêng thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, Đoàn thanh niên các tỉnh cần có phương án hỗ trợ các em đi thi, không để em nào vì khó khăn mà bỏ kỳ thi”, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho hay.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, tất cả các cụm thi trong cả nước, do đại học hay sở GD&ĐT chủ trì đều được tổ chức trong một khuôn khổ, cùng quy chế và quy trình kỹ thuật giống nhau. Đặc biệt, các cụm thi này đều có sự tham gia của các trường đại học.
Video đang HOT
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4/7, với 8 môn thi, bao gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm.
Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cả nước có 120 cụm thi, gồm 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì.
Theo Zing
'Lo nhất năm 2017 không biết tuyển sinh kiểu gì'
Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP HCM, Phó trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia, người đã có thâm niên phụ trách công tác tuyển sinh từ nhiều năm nay.
Ông Nghĩa cho biết, với số liệu tính tới thời điểm này, số lượng cụm thi tốt nghiệp giảm nhiều so với năm 2015 bởi nhiều địa phương thấy tốn kém và không hiệu quả.
Bên cạnh đó, số lượng thí sinh tại các cụm thi do ĐH chủ trì ở mức cao. Vì vậy, các trường ĐH phải chuẩn bị kỹ phương án tổ chức thi an toàn, trật tự.
Ông Nghĩa nhận định khó khăn chủ yếu ở nhân lực.
Năm 2015, cả nước chỉ có 38 trường ĐH tổ chức thi. Năm nay, số lượng tăng gần gấp đôi lên tới 70 trường. Và như vậy là có rất nhiều trường ĐH mới tham gia tổ chức thi THPT quốc gia lần đầu tiên. Quy chế thi THPT quốc gia khác khá nhiều với Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, vì vậy các trường phải lưu ý từ khâu coi thi, tổ chức thi...
"Ví dụ, trước đây, trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, số thí sinh đến dự thi chỉ từ 70 - 80% so với số đăng ký dự thi, các trường thường sắp xếp phòng thi có thí sinh dôi ra, dự phòng những thí sinh vắng mặt. Nhưng trong kỳ thi THPT quốc gia thì hầu hết thí sinh tới dự thi đủ, có khi đạt tới 100%, nên các trường không được xếp chỗ dư ra như trước.
Các trường tổ chức cụm thi cần phải tập huấn kỹ cho cán bộ coi thi, để đảm bảo cả cán bộ lẫn thí sinh không vi phạm quy chế".
Đăng ký môn thi: Cần thống nhất đầu mối
Ông Nghĩa lưu ý về việc chỉnh sửa môn thi của thí sinh. "Câu hỏi đặt ra là khi thí sinh đề nghị chỉnh sửa môn thi thì ai có quyền chỉnh sửa?
Hiện nay, cả sở GD&ĐT và Hội đồng thi đều có quyền này, trong khi Trung tâm in sao đề thi phải in sao theo dữ liệu từ Hội đồng thi đưa. Nếu sở đã chỉnh sửa, ví như thí sinh thi thêm môn Hóa, nhưng Hội đồng thi lại không biết, trung tâm in đề không biết, thì đến hôm thi thí sinh tới sẽ không có tên ở phòng thi. Vì vậy, Bộ phải quy định thống nhất chỉnh sửa ở một đầu mối" - ông Nghĩa đề nghị.
Ảnh: Lê Anh Dũng /VietNamNet.
Xếp phòng thi - việc phức tạp
Một vấn đề khác mà ông Nghĩa cho rằng, khá phức tạp là việc xếp phòng thi để các thí sinh cùng trường, cùng lớp không ngồi cùng trong phòng thi.
"Năm trước tại một vài địa điểm thi trên địa bàn TP HCM đã xảy ra hiện tượng nhiều thí sinh quen biết nhau ngồi chung một phòng. Có chuyện là ngay buổi thi đầu tiên đã có lãnh đạo một hội đồng thi lo lắng kêu "Kỳ thi hỏng rồi!" bởi có phòng thi phát hiện thí sinh quen nhau hết, gọi vào phòng thí sinh còn chưa buồn vào vì mải đứng nói chuyện".
Ông Nghĩa cho biết, phần mềm sắp xếp phòng thi do Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm. "Nếu vẫn xảy ra trường hợp thí sinh cùng trường cùng lớp ngồi cùng phòng thì các cụm thi phải tăng cường công tác coi thi. Ở cụm thi tốt nghiệp vấn đề này nặng hơn, bởi nhiều khi mỗi huyện chỉ có một trường THPT".
Coi thi ở địa phương có "nhạy cảm"
Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, ông Nghĩa cho rằng khâu coi thi ở các cụm thi địa phương rõ ràng là đáng lo ngại khi không có trường hợp kỷ luật nào ở cụm thi tốt nghiệp. Trong khi đó, số thí sinh bị đình chỉ bởi các cụm thi đại học gấp 3 lần số thí sinh bị đình chỉ thi trong 3 đợt thi theo phương thức "3 chung" của năm 2014.
"Năm nay, các trường ĐH về địa phương tổ chức thi, nhưng tôi cho rằng không đến nỗi phải lo ngại về sự "thân thiết" giữa địa phương với trường. Chúng ta phải tin các trường ĐH, cũng như phải tin các Sở. niềm tin đó thể hiện qua kết quả cuối cùng, sẽ thấy được có minh bạch nghiêm túc hay không".
Điều lo ngại nhất
Lý giải về việc tại sao ĐHQG TP HCM không đứng ra chủ trì một nhóm xét tuyển riêng như dự tính ban đầu, ông Nghĩa cho biết đó là vì mục đích lập nhóm không rõ ràng.
"Nếu xét tuyển theo nhóm riêng, thí sinh lẽ ra được 2 "tờ giấy" thì lại thành ra chỉ cho nó 1 tờ để xét tuyển, hạn chế quyền lợi của các em. Còn nói lập nhóm để chống ảo, thì lâu nay hàng trăm trường vẫn làm cùng lúc, vẫn ảo mà vẫn tuyển sinh được đấy thôi. Vấn đề là phải vẽ ra bức tranh xét tuyển như thế nào để mình ứng phó thôi, chứ đừng nghĩ tới việc chống ảo" - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Rất tự tin trong việc chuẩn bị tổ chức các cụm thi do ĐHQG TP.HCM đảm trách, nhưng ông Nghĩa lại thổ lộ điều ông lo nhất lại là "Năm 2017 thi như thế nào?".
Ông Nghĩa trăn trở: "Trong quá khứ chưa bao giờ có tổng kết đàng hoàng về những chuyện Bộ đã làm, ví dụ như phân ban hay Đề án Ngoại ngữ 2020... ".
Theo Ngân Anh - Lê Huyền/VietNamNet
Đưa bài thi THPT quốc gia về TP HCM chấm để công bằng Khâu chấm thi của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, nhiều trường chủ trương đưa ngược bài về TP HCM chấm với lý do hạn chế di chuyển, thuận tiện phúc khảo, đặc biệt là tránh thiên vị. Với quãng đường đi cả trăm km tổ chức thi nhưng khi có bài thi, nhiều trường đại học lại đưa bài trở về...