Một nửa giảng viên sẽ thất nghiệp, 342.800 thạc sỹ, cử nhân chưa có việc
(GDVN) – Đào tạo nhiều nhưng không được sử dụng, sử dụng không hết hoặc không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội.
LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của thầy giáo Nguyễn Văn Khánh (từ An Giang) về vấn đề Bộ GD&ĐT siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh sẽ dẫn đến tình trạng một nửa giảng viên Đại học sẽ thất nghiệp.
Hn nữa, tác giả nhìn nhận về con số 342.800 thạc sỹ, cử nhân chưa có việc làm để từ đó mạnh dạn đưa ý kiến về việc đào tạo trong những năm qua.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Trả lời trên Báo Thanh niên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, tính đến năm 2014, cả nước có khoảng 70.000 giảng viên đang giảng dạy tại 412 trường Đại học và Cao đẳng với khoảng trên 2 triệu sinh viên.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT quy định tại Thông tư 32 áp dụng từ tháng 2/2016, các trường Đại học, Cao đẳng không quá 15.000 sinh viên hệ chính quy.
Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ phải cắt giảm một nửa số giảng viên đang trực tiếp giảng dạy. Vậy hàng nghìn giảng viên sẽ đi đâu, về đâu?
Video đang HOT
số giảng viên Đại học sẽ thất nghiệp, 342.800 thạc sỹ, cử nhân chưa có việc (Ảnh: news.zing.vn)
Thực tế, từ việc tuyển sinh của các trường Đại học, Cao đẳng trong những năm qua đã cho thấy nhiều bất cập. Cho nên việc ban hành Thông tư 32 như một cơ hội để siết chặt tuyển sinh, tránh đào tạo tràn lan như hiện nay, giúp giảm bớt áp lực cho xã hội và lựa chọn được thầy và trò một cách “xứng đáng”…
Với chủ trương, mỗi tỉnh có một trường Đại học cho nên tỉnh nào cũng thành lập thậm chí nhiều địa phương có nhiều trường Đại học, nhiều ngnh chồng chéo lên nhau.
Để ganh đua tuyển sinh nên nhiều trường có những mã ngành không có giảng viên cứ tuyển sinh rồi đi thuê giảng viên từ nơi khác về giảng dạy.
Quãng thời gian đi học khi còn là sinh viên giúp tôi biết được rằng, khi Nhà trường thuê giảng viên đã dẫn đến tình trạng dồn tiết học ngắn lại bởi người giảng viên được mời thỉnh giảng chỉ bố trí được một số buổi nhất định nên việc nhiều lớp phải học môn học đó 3 ca/ngày khiến sinh viên mệt mỏi và khó tiếp thu.
Hơn nữa, nhiều năm nay việc tuyển sinh theo kiểu “vét” cũng đã trở thành một câu chuyện đáng bàn luận, chỉ có những học sinh với học lực quá tệ thì mới không thể học Đại học hay Cao đẳng.
Do điểm sàn chung cho cả nước chỉ dao động từ 13-14 điểm/3 môn đối với hệ Đại học và 9-12 điểm đối với hệ Cao đẳng. Thậm chí nhiều trường không tổ chức thi thì việc tuyển sinh càng dễ dàng hơn.
Trong khi đó, nhiều thí sinh thuộc diện ưu tiên nên chỉ cần thi được 10 điểm/3 môn cộng với điểm ưu tiên là hoàn toàn giữ một vị trí tân sinh viên.
Chính vì chất lượng đầu vào không đồng đều nên tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hàng năm chỉ dao động từ 60-70%. Nhiều sinh viên học Đại học tới 6-7 năm (ngành học 4 năm) mà vẫn chưa ra được trường không còn là chuyện hiếm…
Trong bài viết “ 342.800 cử nhân cao đẳng chuyên nghiệp, đại học thất nghiệp” đăng tải trên Báo Dân trí, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ Lao động -Thương binh & Xã hội ) trao đổi tại Buổi công bố Bản tin thị trường lao động Việt Nam, quý III/2015 vào chiều 24/12 tại Hà Nội cho biết, cả nước có hơn 342.800 thạc sĩ, cử nhân và người có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp.
Và chắc chắn rằng, con số thất nghiệp sẽ không dừng lại ở đó mà sẽ tăng lên hàng năm. Vì sao lại có chuyện sinh viên bị nhà tuyển dụng từ chối? Vì sao cử nhân, thạc sỹ phải đi làm công nhân, làm nhân viên phục vụ?
Cho nên, việc siết chặt quy mô đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay là việc làm cấp thiết. Bởi các trường chỉ lo tuyển sinh và đào tạo còn việc sinh viên ra trường sẽ đi đâu, về đâu thì không ai biết.
Ngày 31/12/2015, Báo Tuổi trẻ Online có đăng tải bài viết “Một nửa số giảng viên sẽ thất nghiệp”.
Vậy nếu cắt giảm được một nửa số lượng giảng viên hiện tại, giữ lại những người thầy hội tụ đủ tài năng, đức độ sẽ có lợi cho tương lai đất nước.
Việc khống chế mỗi trường không quá 15.000 sinh viên có thể gây ra sự phản ứng của nhiều trường nhưng rõ ràng sẽ tạo ra một hiệu ứng tốt cho xã hội.
Bởi chúng ta đào tạo các em sinh viên ra trường mà không được sử dụng thì không chỉ lãng phí về chất xám mà còn lãng phí về thời gian, công sức của bản thân các em, tiền bạc của gia đình các em (nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn) và để lại nhiều hệ lụy xấu cho tương lai.
Việc ban hành Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT chắc chắn sẽ có nhiều xáo trộn và nhiều trường sẽ phản ứng bởi quy mô đào tạo hiện nay đã có hàng chục trường vượt ngưỡng 15.000 sinh viên chính quy.
Song, suy cho cùng đào tạo nhiều nhưng không được sử dụng, sử dụng không hết hoặc không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng lại càng tạo áp lực cho xã hội.
Theo GDVN