Một ngày khác: Giáo viên bật khóc khi lần đầu được tặng hoa, học trò cười tít trải nghiệm hội chợ có 1-0-2
Hành trình Một ngày khác – Chuyến đò tri ân năm nay của Tiin.vn đã đến với trường Tiểu học số 2 Châu Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) – nơi vừa trải qua trận ngập lụt lịch sử, khiến cuộc sống của các thầy cô, người dân gặp muôn vàn khó khăn.
Với mong muốn mang đến một ngày thật khác thật đặc biệt, chương trình đã tổ chức chương trình kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam với không gian trải nghiệm ‘hội chợ có 1-0-2′. 19 thầy cô giáo cùng cán bộ nhân viên trường Tiểu học số 2 Châu Hóa lần đầu tiên trong cuộc đời được đứng trên một sân khấu lớn nhận những món quà tri ân, bó hoa tươi thắm.
150 học sinh của trường lần đầu tiên trong đời được ăn những món ăn vốn rất quen thuộc với học sinh ở các thành phố lớn. Lần đầu tiên được tặng những món đồ chơi, quả bóng bay nghệ thuật với nhiều hình thù dễ thương. Và đặc biệt hơn là các em còn được lựa chọn những bộ trang phục mà mình yêu thích ở gian hàng quần áo phục vụ miễn phí.
Các học sinh Tiểu học số 2 Châu Hóa chào đón đoàn với bộ đồng phục áo cờ đỏ sao vàng vô cùng ấn tượng.
Hội chợ có 1-0-2
Trường Tiểu học số 2 Châu Hóa là điểm trường nhỏ, nằm ở vùng trũng thấp rìa bờ sông Gianh, giữa những ngôi nhà cũ của người dân vùng sông nước. Đây là nơi trau dồi kiến thức của 150 em nhỏ sống tại địa phương. Cuộc sống khó khăn, các em không được tiếp xúc nhiều với cơ sở vật chất hiện đại.
Các bạn nhỏ vô cùng háo hức trước suất ăn lần đầu tiên được trải nghiệm
Những món ăn rất đỗi bình thường với trẻ em thành phố như: gà rán KFC, xúc xích, kimbap… trẻ nhỏ nơi đây đều chưa từng được thưởng thức.
Chính vì thế, khi lần đầu thưởng thức ‘bữa ăn phố thị’, có những cô/cậu bé ăn ngấu nghiến, có những em lại chỉ nhấm nháp mỗi thứ một tí rồi đóng hộp xin mang về nhà cho người thân. ‘Cô ơi con có thể phần mang về cho mẹ với em được không ạ. Nhà con chưa được ăn cái này bao giờ’, một cậu học sinh lớp 4 nói với tôi.
Clip: Học sinh trường Tiểu học Châu Hóa 2 ăn uống vui vẻ
Cô bé cười tít mắt khi trải nghiệm các món ngon
Các em nhỏ vô cùng thích thú
Cũng trong ‘bữa tiệc’ chiều hôm đó, khi đang đứng nhìn tụi nhỏ hồn nhiên ‘phá cỗ’, tôi vô tình nghe được cuộc trò chuyện giữa các cô giáo:
_ ‘Hồi nãy chị nhìn miếng cơm cuộn thấy có vẻ ngon quá nên dường như các con ai cũng thích’.
_ ‘Úi… chị còn biết đó là cơm cuộn, chứ em còn chẳng biết nó là gì’.
Nói xong, các cô nhìn nhau cười khúc khích. Thì ra các cô giáo nơi đây cũng không mấy người từng có cơ hội trải nghiệm ‘bữa ăn phố thị’. Ngày hôm ấy, không chỉ có học sinh trường Tiểu học số 2 Châu Hoá lần đầu biết đến kimbap, gà rán, mà đối với một số giáo viên trong trường… thì đây cũng là lần đầu.
Ngoài gian hàng ẩm thực, điểm nhấn của chương trình còn có Gian hàng quần áo. Những bộ quần áo vẫn còn mặc tốt được là lượt cẩn thận, treo thành từng gian phân theo độ tuổi khác nhau để các em học sinh và phụ huynh có thể thoải mái lựa chọn những món đồ phù hợp với mình. Gian hàng đã thu hút sự quan tâm lớn, chỉ trong phút chốc đã ‘cháy hàng’ vì khách hàng quá đông.
Học sinh háo hức lựa chọn quần áo cho bản thân và gia đình
Không chỉ có các con háo hức, nhiều phụ huynh cũng tham gia lựa chọn quần áo cho riêng mình.
Cô Mai Thị Hoa xúc động chia sẻ: ‘Đợt lũ vừa qua, mọi thứ trong nhà ngâm nước hoặc trôi đi nhiều, quần áo cũng không dùng lại được, nên người dân ở đây thiếu thốn đủ bề. Cũng có nhiều đoàn về ủng hộ quần áo, nhưng chưa bao giờ chúng tôi được trải nghiệm tự lựa chọn những bộ quần áo mà mình thấy phù hợp như thế này. Đây thực sự là điều rất đáng trân quý và xúc động.’
Ngoài ra, các học sinh còn được tặng những quả bóng bay dễ thương, món đồ chơi yêu thích
Các em nhỏ tham gia đố vui có thưởng, phần quà là những món đồ chơi độc đáo.
Lần đầu được tôn vinh đúng nghĩa sau nhiều năm làm nghề
Đến với trường Tiểu học số 2 Châu Hoá, điều đầu tiên gây ấn tượng với đoàn chúng tôi là cảnh các em nhỏ đồng loạt mặc áo cờ đỏ sao vàng, ngồi học ngoan trong lớp với những chiếc bàn, chiếc ghế đã cũ, tủ sách đã mọt và bảng cũ đã sờn.
Trải qua đợt lũ vừa rồi, cơ sở vật chất trong trường vốn đã cũ kỹ nay lại càng tồi tàn thêm. Điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên nhiều khi phải tự sáng tạo, tự làm đồ dùng học tập cho học sinh. Với các giáo viên nơi đây, việc học sinh có thể ngày ngày đến trường đã là một điều một tuyệt vời. Chuyện được tri ân, tặng quà vào các ngày lễ là điều xa xỉ mà họ không bao giờ nghĩ tới.
Nhận những bó hoa tươi thắm và món quà ý nghĩa từ chương trình, nhiều thầy, cô giáo không kìm nén được xúc động. Bởi đây là lần đầu tiên họ được nhận hoa, được tôn vinh trong ngày lễ của chính mình.
Ngôi trường nhỏ có 18 thầy cô giáo, trong đó không ít người hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Như cô Đoàn Thị Huyền (chủ nhiệm lớp 3) đang phải điều trị căn bệnh ung thư hạch quái ác trong khi con cái còn quá nhỏ, hay thầy Lê Quốc Hoàn (giáo viên dạy nhạc) vẫn đang phải nương nhờ nhà bố mẹ vì nhà nội trú bị lũ cuốn trôi, chưa có nhà để ở. Với món quà hỗ trợ của chương trình, các thầy cô phần nào vơi bớt những gánh nặng trong cuộc sống.
Cô Đoàn Thị Huyền
Thầy Lê Quốc Hoàn nhận bó hoa tươi thắm từ học trò và món quà ý nghĩa của chương trình
Bức tranh vân tay được tạo bởi 150 em học sinh của trường chính là món quà đặc biệt gửi tặng các thầy cô giáo
Tri ân người bảo vệ gần 40 năm gắn bó với ngôi trường nhỏ ven sông
Chúng tôi – những người làm chương trình không hề muốn tạo ra sự kịch tính, nhưng thật sự muốn đem đến một điều bất ngờ trong buổi lễ, đó là màn tặng quà bí mật dành cho bác bảo vệ trường Tiểu học số 2 Châu Hoá – bác Cao Văn Kế (SN 1956).
Gắn bó với ngôi trường nghèo vùng lũ ngót nghét 40 năm, bác Kế đã để lại trong lòng bao thế hệ học trò trường Tiểu học số 2 Châu Hoá ấn tượng tốt đẹp. ‘Cần cù, chịu khó, tận tâm với công việc, yêu quý học sinh như con cháu trong nhà…’ – là những lời nhận xét của đám trò nhỏ về bác bảo vệ.
Mỗi mùa nước lên, bác Kế vừa đảm bảo cho người dân tránh trú an toàn, lại vừa bảo vệ tài sản cho nhà trường. Đợt lũ năm nay, nước dâng nhanh ngập hết tầng 1 của trường, may mắn thay, bác Kế cùng các thầy cô kịp thời di chuyển bàn ghế và đồ dùng học tập lên tầng 2 kịp thời nên không chịu thiệt hại quá lớn.
Gia cảnh khó khăn, gánh trên vai khoản nợ ngân hàng 300 triệu đồng để chữa bệnh ung thư máu cho cháu, trong khi lương tháng chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng, nhưng bác Kế vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Với bác, nụ cười của các em học sinh chính là động lực giúp bác đối đầu trước ’sóng gió’.
Chiều hôm đó, khi bất ngờ được thành viên trong ban tổ chức vừa hát, vừa nắm tay đưa lên sân khấu, bác Kế lộ rõ vẻ lúng túng. Tới khi MC ‘vén màn bí mật’, bác mới cười hiền, đôi mắt nhăn nheo bắt đầu hoe đỏ. Bác cảm động không nói nên lời. Không khí tại hội trường lúc này cũng im ắng tới lạ, chỉ nghe rõ tiếng sụt sùi của vài cô/cậu học trò ‘mít ướt’, hoặc của những người lớn có trái tim dễ rung cảm.
Lời chào của người lính
Bác Cao Văn Kế xúc động trước món quà bất ngờ
Nếu coi tri thức là một chuyến xe, học sinh là hành khách, giáo viên là người cầm lái thì bác bảo vệ sẽ là phụ xe – người có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự trong suốt hành trình. Bất cứ vị trí nào bị bỏ trống, chuyến xe tri thức sẽ rất khó để đi hết chặng đường. Vậy nên, trong dịp 20/11 đặc biệt này, bác bảo vệ Cao Văn Kế cũng xứng đáng được tri ân.
Một ngày khác…
Chương trình tại Tiểu học Châu Hóa 2 thành công ngoài sức tưởng tượng của cả đoàn chúng tôi. Những tiếng cười vui đùa của các con, những giọt nước mắt hạnh phúc của các thầy cô giáo vì ‘chắc có lẽ trong cả sự nghiệp của mình đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong cuộc đời được trải nghiệm những điều chưa từng nghĩ ngay cả trong giấc mơ’ - thầy Võ Mạnh Hùng (giáo viên thể dục, tổng phụ trách đội của trường) chia sẻ.
Clip: Các thầy cô xúc động tạm biệt đoàn
Câu nói ‘giấc mơ đã thành hiện thực’ được lặp đi lặp lại nhiều lần của thầy Hiệu trưởng Mai Thanh Huyền cùng các thầy cô giúp chúng tôi xua đi phần nào những mệt mỏi trong cả ngày chuẩn bị và thực hiện chương trình. Những giọt nước mắt chia tay lưu luyến của các thầy cô giáo như một món quà vô giá với những người thực hiện chương trình, bởi Một ngày khác – Chuyến đò tri ân thực sự đã chạm đến trái tim của tất cả mọi người.
Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 Châu Hóa – thầy Mai Thanh Huyền bùi ngùi chia sẻ: ‘Giấc mơ đã trở thành hiện thực. Một chương trình kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam trọn vẹn nhất, lắng đọng nhất và tuyệt vời nhất mà tôi cũng như các giáo viên khác cùng toàn thể học sinh trong trường được dự.
Tôi chỉ biết nói cảm ơn, cảm ơn rất nhiều… Đây thực sự là ‘Một ngày khác của tất cả thầy cô và học sinh chúng tôi’.
Clip: VTV8 đưa tin về chương trình Một ngày khác
Chuyện chưa kể về giáo viên cắm bản sáng gõ từng nhà, trưa vượt hàng km đưa cơm cho trẻ
Mỗi sáng, các cô giáo mầm non cắm bản tại xã Lâm Hóa phải thức dậy từ sớm, gõ cửa từng nhà sàn để đón trẻ đến trường; trưa, chiều lại lặn lội vượt hàng cây số về trung tâm, chở cơm, cháo lên bản cho học trò.
Vượt hàng km đưa cơm cho trẻ
Trước thềm ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi đã có dịp về với xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), đến thăm cô trò tại Trường Mầm non xã Lâm Hóa.
Có đến tận nơi mới thực sự thấu hiểu được những sự khó khăn, vất vả của những thầy, cô đang hàng ngày bám bản, gieo chữ và lan tỏa những yêu thương đối với học trò dân tộc nơi xã miền núi xa xôi của tỉnh Quảng Bình.
Các cô giáo lặn lội vượt hàng cây số về trung tâm, chở cơm, cháo lên bản cho học trò.
Trường Mầm non xã Lâm Hóa hiện có 4 điểm trường với 120 em học sinh, đặc biệt 3 điểm trường nằm ở các bản Kè, Cáo và Chuối hết sức khó khăn, học sinh đều là con em đồng bào Mã Liềng, thuộc dân tộc Chứt.
Cái đói, cái nghèo đeo bám bản làng là vậy, nhưng con chữ vẫn được ươm mầm bởi có những giáo viên cắm bản luôn nặng lòng, tâm huyết với nghề, yêu thương con trẻ.
Tại Lâm Hóa, học sinh mầm non ở các điểm đều ăn bán trú, một bữa chính và một bữa phụ. Thế nhưng điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, các điểm trường lẻ không thể tự nấu ăn cho trẻ, bởi vậy từ cơm trưa, cháo chiều đều phải vận chuyển từ điểm trường chính. Mỗi điểm trường lẻ có 2 giáo viên cắm bản, các cô cứ chia nhau ngày 2 lần xuôi về trung tâm để vận chuyển cơm, cháo cho học trò.
Cô Trần Thị Huyền Trang, giáo viên cắm bản tại bản Chuối đã có 8 năm gắn bó với những đứa trẻ người Mã Liềng. Suốt hành trình đó, cô Trang đã trải qua rất nhiều kỷ niệm, niềm vui và cả nỗi buồn, không biết bao nhiêu lần cô giáo này đã bật khóc trên con đường đi lấy cơm cho trẻ.
Từ bản Chuối về trường trung tâm gần 5km, cứ đến 10h trưa, cô Trang trên chiếc xe máy của mình lại xuôi về trung tâm chở cơm, đầu giờ chiều lại tiếp tục đi lấy bữa phụ cho cháu. Ngày nắng ráo đã vất vả, đến ngày mưa gió thì gian nan không kể xiết. Đường trơn, bùn lầy, nhiều lần cả cô giáo và xe ngã nhào xuống, toàn bộ cơm đổ hết.
"Có hôm mưa, về đến gần bản rồi mà đường trơn quá, em bị ngã xe đổ hết cơm, canh của cháu, người còn bị thương. Xách những hộp rỗng còn lấm bùn đất vào lớp, nhìn học trò đang chờ cô về, em đã không kìm nổi nước mắt, òa khóc ngay tại lớp khiến các con cũng khóc theo", cô Trang xúc động nhớ lại.
Cơm của học sinh được các cơ đóng hộp cẩn thận, sạch sẽ.
Cũng như cô Trang, mỗi khi nhắc đến những tai nạn trên hành trình đưa cơm về bản, cô Trần Thị Dương, giáo viên tại bản Kè, xã Lâm Hóa lại sụt sùi, buồn tủi. Con đường từ bản Kè về trung tâm cũng hơn 5km, đường vùng vèo, trơn trượt, lại còn phải đi qua cầu treo chênh vênh, việc bị ngã xe với các cô giáo như cơm bữa.
Tất cả vì học trò của mình, các cô giáo lại càng cố gắng hơn để vượt qua. Như cô Dương tâm sự, điều sợ nhất không phải ngã xe, chấn thương, mà là học trò không còn cơm để ăn. Có hôm cô giáo đưa cơm về dọc đường thì bị đổ, ở trung tâm cũng không nấu kịp, thế là cô phải lặn lội đi mua mì tôm nấu cho các cháu.
"Yêu nghề, mến trẻ nên chúng tôi phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn, lúc nào cũng muốn đưa cơm đến cho cháu thật an toàn. Các cô thường bảo nhau nếu không đi được thì đẩy bộ, lâu một tý, vất vả mấy cũng được, miễn sao bữa trưa, bữa chiều của cháu được đầy đủ", cô Dương tâm sự.
Muốn đủ lớp phải gõ cửa từng nhà
Bên cạnh việc đưa cơm phục vụ học sinh bán trú, công tác giảng dạy, nuôi dưỡng ước mơ cho thế hệ tương lai của các cô giáo mầm non tại xã Lâm Hóa cũng gặp muôn vàn khó khăn khác.
Với đặc thù là điểm trường nằm ở các bản làng dân tộc, suy nghĩ, ý thức về việc học tập cho con cái của đồng bào còn rất nhiều hạn chế. Bởi vậy muốn trẻ đến trường, các cô giáo phải đến từng nhà vận động phụ huynh, đưa các em về lớp.
Nhiều phụ huynh đến nay vẫn bỏ mặc việc con có đi học hay không, họ không chịu đưa trẻ đến trường. Vận động không được, các cô giáo cắm bản tại Lâm Hóa vì thương học trò, đã cố gắng dậy từ sáng sớm, thay phiên nhau vào gõ cửa từng nhà sàn, đón trẻ ra trường, dạy dỗ, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu, hết ngày lại dẫn học trò về trở lại nhà.
Cô giáo Cao Thị Ánh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lâm Hóa cũng chia sẻ: "Các cháu mầm non ở Lâm Hóa rất thích đi học bởi đến lớp được các cô cho ăn cơm no, được uống sữa, ăn bánh, chứ ở nhà thì chẳng có, nhiều lúc còn bị đói. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, các cô giáo đều phải nỗ lực và bám bản, bám dân, chăm lo cho học trò".
Cũng theo cô Ánh, ngoài nhiệm vụ chuyên môn hằng ngày, các cô giáo tại Trường Mầm non Lâm Hóa còn thường xuyên vận động, kết nối với các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội thực hiện các chuyến thiện nguyện về điểm trường để giúp đỡ các cháu có cuộc sống no đủ hơn.
Ngày 20/11, với giáo viên miền xuôi, sẽ có những lời chúc, bông hóa chúc mừng của học trò, của phụ huynh, nhưng đối với giáo viên cắm bản thì đó là một điều xa xỉ. Với những giáo viên nơi đây, nụ cười mỗi ngày của học trò, nhìn thấy các em được sống vui tươi, khỏe mạnh học tập là món quà ý nghĩa, vô giá nhất trong ngày 20/11 và cho sự nghiệp gieo chữ nơi vùng xa, biên giới.
Nhọc nhằn thầy, cô vùng tâm lũ Sắp đến dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhiều nơi đang trong không khí vui tươi, phấn khởi chuẩn bị những hoạt động ý nghĩa để tri ân các thầy, cô giáo. Thế nhưng, tại các địa phương vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, các giáo viên đang phải gác lại niềm vui riêng, gồng mình thu...