Một năm thực hiện Chương trình, SGK mới: Khẳng định hướng đi đúng đắn
Nhiều kết quả tích cực được địa phương chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến tổng kết một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông ngày 20/8.
Trong giờ học tại Trường TH Lê Lợi (TP Vũng Tàu). Ảnh minh họa
Những kết quả này đã khẳng định hướng đi đúng đắn của đổi mới giáo dục mà Việt Nam đang triển khai.
HS lớp 1 có một số năng lực nổi trội hơn
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2020 – 2021, 100% HS lớp 1 hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch. Chất lượng học tập bảo đảm theo chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Đặc biệt, HS lớp 1 năm học 2020 -2021 có một số năng lực nổi trội hơn so với các khóa học trước thực hiện Chương trình GDPT 2006. Trong đó, tỷ lệ HS lớp 1 cả nước hoàn thành tốt chương trình môn Tiếng Việt và Toán lớp 1 năm học 2020 – 2021 cao hơn năm học 2019 – 2020; tỷ lệ chưa hoàn thành giảm đi.
Trong báo cáo của nhiều địa phương, kết quả này được thể hiện rõ. Như tỉnh Kiên Giang, tỷ lệ HS hoàn thành tốt chương trình môn Tiếng Việt, Toán lớp 1 đều lần lượt tăng 6,53% và 3,86% so với năm học trước; tỷ lệ chưa hoàn thành lần lượt giảm 1,34% và 0,45%. Tỉnh Hải Dương, tỷ lệ HS được đánh giá hoàn thành tốt 2 môn Tiếng Việt, Toán tăng trên 10%.
Tỷ lệ HS hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt và hoàn thành của tỉnh Đắk Lắk cũng tăng lên ở cả nhóm HS dân tộc thiểu số. Theo đó, trong số 18.160 HS dân tộc thiểu số của tỉnh này có 15,6% đã hoàn thành xuất sắc, 14,1% hoàn thành tốt, 58,9% hoàn thành; tỷ lệ chưa hoàn thành là 11,4%, giảm 1,1% so với năm trước…
Tâm đắc với đổi mới chuyển từ chương trình theo tiếp cận nội dung sang phát triển phẩm chất năng lực HS, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình, phấn khởi chia sẻ kết quả khi HS học theo chương trình mới rất vui vẻ, thoải mái và thích đến trường. Đây là thay đổi tích cực, thể hiện hướng đi đúng đắn của đổi mới CT, SGK GDPT mà Việt Nam đang triển khai.
Video đang HOT
Ủng hộ cao việc đổi mới CT, SGK và cho rằng, đây là xu thế tất yếu cần thực hiện, các địa phương năm vừa qua đã đầu tư dồn lực cho thực hiện chương trình lớp 1. Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cho biết: Năm học đầu tiên áp dụng CT, SGK mới với lớp 1, UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT Lào Cai chuẩn bị tốt các điều kiện.
Tỉnh đã rà soát, hoàn thiện ở mức cao nhất vật chất trường lớp, phương tiện, đồ dùng dạy học dùng chung để đáp ứng các điều kiện tốt nhất thực hiện CT, SGK mới, vì Chương trình GDPT 2018 yêu cầu học 2 buổi/ngày. Mặt khác, tỉnh tập trung nhân lực, vật lực bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý, nâng cao hiểu biết về CT, SGK.
Năm học 2020 – 2021, tỉnh đã tập huấn cho 3.034 cán bộ quản lý, GV trực tiếp dạy học lớp 1. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung tuyên truyền cộng đồng về chủ trương thay đổi CT, SGK mới bằng nhiều hình thức, giúp bà con hiểu, hỗ trợ nhà trường, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, Nhà nước về CT, SGK mới…
Học sinh huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên – Huế) nhận sách giáo khoa mới.
Tập trung giải pháp cho điều kiện thực hiện chương trình
Tại Hội nghị, bên cạnh kết quả đạt được và kinh nghiệm triển khai, các địa phương cũng chia sẻ những khó khăn gặp phải; trong đó nổi lên 2 nhóm vấn đề liên quan đến đội ngũ GV, cơ sở vật chất triển khai để triển khai chương trình mới.
Chia sẻ về những vấn đề liên quan đến đội ngũ, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết: Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo địa phương trong rà soát, tuyển dụng, bố trí, sử dụng đội ngũ sao cho hợp lý, bảo đảm cơ cấu, số lượng, chất lượng, đặc biệt là đối với đội ngũ GV thực hiện CT GDPT 2018.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng có buổi làm việc với Bộ Nội vụ, có văn bản gửi Bộ Nội vụ về lộ trình, giải pháp bổ sung GV cho các địa phương; đồng thời đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ sửa Nghị quyết 102 và các văn bản liên quan theo hướng cho phép các địa phương hợp đồng GV theo định mức của Bộ GD&ĐT quy định.
Ông Phạm Tuấn Anh cũng cho rằng, việc thừa thiếu GV cũng là trách nhiệm của địa phương; đề nghị địa phương bám sát văn bản chỉ đạo của Bộ, đồng thời tính toán trên số lượng, cơ cấu, chất lượng GV thực tế để triển khai hiệu quả.
Trước ý kiến địa phương chia sẻ bất cập khi giao định mức biên chế GV trên học sinh, ông Phạm Tuấn Anh cho biết: Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục sẽ sửa Thông tư 06 quy định về vị trí việc làm, số lượng người làm việc của GV mầm non và Thông tư 16 về vị trí việc làm, số lượng người làm việc của GV phổ thông.
“Trong cuộc làm việc với Bộ Nội vụ, lãnh đạo 2 Bộ cũng đã thống nhất định hướng sẽ sửa quy định về cách tính định mức GV trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập theo đặc thù vùng miền. Cụ thể, vùng thuận lợi sẽ tính định mức GV trên định mức học sinh tối đa/lớp; vùng khó khăn thì định mức GV được tính trên đơn vị, sĩ số học sinh/lớp học cụ thể theo thực tế của lớp học tại địa phương” – ông Phạm Tuấn Anh thông tin.
Liên quan đến cơ sở vật chất, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT), cho biết: Bộ GD&DT không chỉ ban hành danh mục thiết bị tối thiểu lớp 3, 7, 10 trong năm nay mà đến tháng 11/2021 sẽ ban hành đầy đủ từ lớp 1 – 12 để tạo điều kiện cho các địa phương có căn cứ lên kế hoạch, dự trù kinh phí chuẩn bị mua sắm trang thiết bị…
Danh mục thiết bị dạy học theo CT mới về cơ bản kế thừa danh mục thiết bị cũ khoảng 70 – 80%, chỉ bổ sung một số thiết bị môn học đổi mới trong đó có bổ sung thiết bị tin học, ngoại ngữ cho tiểu học. Vì vậy, khi các địa phương mua sắm cần xem lại hiện trạng có những cái gì và cần bổ sung gì? Không cứng nhắc dựa vào danh mục Bộ ban hành mà mua sắm dẫn tới lãng phí.
Cũng theo ông Phạm Hùng Anh, danh mục thiết bị dạy học tối thiểu năm nay theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT là tiếp cận công nghệ thông tin nên đã bỏ gần như tranh ảnh và giấy, bỏ thiết bị mô hình của giáo viên và cơ bản tập trung vào thiết bị cho HS… Do đó, danh mục thiết bị điện tử cũng đưa vào phần mềm học liệu để ứng dụng trong nhà trường. Khi nhà trường lựa chọn tranh ảnh điện tử, thiết bị 3D sẽ giảm được khá nhiều trang thiết bị, học liệu.
Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất lưu ý: CT GDPT 2018 là CT mở nên quá trình xây dựng trang thiết bị dạy học đã xây dựng theo hướng mở. Như vậy, trong danh mục sẽ có 1 – 2 phương án lựa chọn về mua sắm thiết bị. Trước khi mua sắm thiết bị địa phương cần rà soát rất kĩ về thực trạng, điều kiện tài chính, khả năng sử dụng của các trường, địa phương để tránh lãng phí.
Ưu tiên bảo đảm 1 lớp/phòng cho cấp tiểu học
Ngày 20-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết một năm triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Hội nghị trực tuyến tổng kết một năm triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên học sinh lớp 1 trên cả nước thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương đã chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, biên soạn, thẩm định, phê duyệt và tổ chức lựa chọn sách giáo khoa... để triển khai hiệu quả.
Việc phát hành sách giáo khoa được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đầy đủ cho mọi học sinh, không để xảy ra hiện tượng thiếu sách giáo khoa.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù triển khai trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, song ngành Giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021. 100% trường tiểu học ưu tiên thực hiện bảo đảm tỷ lệ 1 phòng học/lớp; 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Chất lượng giáo dục bảo đảm yêu cầu, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. Học sinh mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm và cơ bản đọc thông, viết thạo ngay từ học kỳ I.
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương rà soát, đánh giá để tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách, tập trung chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và những điều kiện đáp ứng thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Một trong những giải pháp sẽ được tăng cường triển khai là hướng dẫn các địa phương rà soát, sắp xếp mạng lưới trường học, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có, xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, trong đó ưu tiên bảo đảm 1 lớp/phòng cho cấp tiểu học.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa sách giáo khoa, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, trợ cấp hoặc miễn phí sử dụng sách giáo khoa, tài liệu học tập.
Tổng kết 1 năm thực hiện Chương trình GDPT mới: Chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018 được thực hiện bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 với lớp 1 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Song theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo...