Một năm “ngày đen tối” của người Rohingya: Giấc mơ không trở lại
Ngày 25-8-2017, cuộc tấn công của các tay súng người Rohingya nhằm vào các chốt cảnh sát và căn cứ quân sự của Myamar đã dẫn đến một chiến dịch trấn áp quân sự nhằm vào người Rohingya mà LHQ gọi là “sự thanh lọc sắc tộc”. Một năm sau, hàng trăm nghìn người dân Rohingya vẫn đang phải trú ẩn tại Bangladesh, mang theo giấc mơ về một thuở yên bình không trở lại.
Sự ám ảnh vô hình
Khi lực lượng quân đội tràn đến ngôi làng nhỏ phía bắc Myanmar, Anuwara, 33 tuổi, vẫn đang lo lắng không biết cô sẽ bảo vệ 6 người con của mình bằng cách nào. Khi những người dân trong làng mang xác của chồng cô – một giáo viên bị bắn chết khi đang đi dạy – về nhà, cô đã sợ tới mức không biết mình sẽ đưa cả gia đình chạy trốn ra sao.
Một năm đã trôi qua, nhưng sự sợ hãi với hành trình chạy trốn đầy ám ảnh vẫn còn trong tâm trí cô Anuwara. Ảnh: The Guardian
Và họ đã chạy trốn, phần lớn là trên đôi chân trần cùng trái tim sợ hãi, đôi khi là trên những chiếc xuồng tạm trong màn đêm để sang được Bangladesh. “Một cô bé 9 tuổi bị bắn ngay trước mặt chúng tôi. Mọi người đều cố gắng vượt sông thật nhanh bởi những tay súng ở ngay phía sau họ. Một vài người chìm xuống và chết đuối”, cô kể lại.
Một năm trôi qua, Anuwara và những đứa trẻ của cô giờ đã an toàn trong một căn lều tạm bằng tre trên lãnh thổ Bangladesh, với lương thực và nước viện trợ mỗi ngày. Nhưng cô vẫn sợ hãi, với một câu hỏi quanh quẩn trong đầu: Bây giờ thì sao?
Đã có hơn 900,000 người Rohingya, mà phần lớn trong số đó là trẻ em, đang phải sống tạm bợ tại 5 ngôi trại tị nạn được dựng lên ở khu vực Cox’s Bazar, phía nam Bangladesh. Trong đó, Kutupalong là khu trại tị nạn lớn nhất trên thế giới, với hơn 700,000 người cư ngụ suốt thời gian qua. Những tổ chức nhân đạo đã tích cực viện trợ cho những người Rohingya sinh sống ở đây, giúp họ dựng nhà, cung cấp nhu yếu phẩm, và đảm bảo người dân tránh xa dịch bệnh.
Khu tị nạn của người Rohingya nhìn từ trên cao. Ảnh: Getty
“Chúng tôi chẳng có gì một năm về trước, còn giờ chúng tôi có thành phố lớn thứ 4 trên Bangladesh”, ông Sumbul Rizvi, người đứng đầu của Nhóm Hợp tác Đa lĩnh vực, một trong số hàng trăm tổ chức đang tham gia hỗ trợ tại khu tị nạn, cho biết.
Có lẽ câu hỏi của Anuwara cũng là câu hỏi của hàng nghìn người Rohingya khác, một câu hỏi thật khó để trả lời. Một năm sau cuộc di cư lớn nhất, và cũng nhiều đau thương nhất của họ từ Myanmar, chẳng ai có thể biết rằng điều gì sẽ xảy đến, và liệu cuộc sống của họ vào một lúc nào đó sẽ trở lại tốt đẹp như xưa.
Video đang HOT
Sự trở về bỏ ngỏ
Bangladesh và Myanmar đều nhất trí rằng những người tị nạn cần được trở về, những thủ lĩnh của người Rohingya cũng nghĩ vậy. “Myanmar là quê nhà của chúng tôi, là mảnh đất của chúng tôi, chúng tôi muốn trở về sớm nhất có thể”, Mohib Ullah, Chủ tịch Cộng đồng Arakan Rohingya vì hòa bình và quyền con người chia sẻ.
Một cuộc sống mới đang diễn ra tại những lán trại tị nạn trong lòng Bangladesh. Ảnh: Reuters
Nhưng ông thừa nhận, điều đó không dễ dàng. Trong nhiều thập niên qua, chính phủ Myanmar đã từ chối công nhận tư cách dân tộc thiểu số hợp pháp cho Cộng đồng Rohingya- một nhóm sắc tộc với số nhân khẩu chiếm đến 2% tổng dân số của đất nước 50 triệu dân này, đồng nghĩa với việc tư cách công dân và thậm chí là những quyền cơ bản nhất như quyền cư trú của họ cũng bị phủ nhận.
Những người dân Rohingya tại khu tị nạn ở Bangladesh. Ảnh: UN
Những người Rohingya cũng bị người dân ở các làng khác tại Rakhine phân biệt đối xử. Tình trạng bạo lực từng xảy ra trong quá khứ khiến một số lượng lớn người Rohingya từng phải bỏ trốn sang Bangladesh năm 1991. Không ai có thể nói chắc rằng, lịch sử đó sẽ không lặp lại.
Ông Ullah cho rằng người Rohingya sẽ không trở lại, cho đến khi họ được hoàn toàn bảo đảm về quyền công dân, sự an toàn và chính lãnh thổ xưa cũ của họ.
LHQ cho biết trong tuần này, vài tháng sau khi ký thỏa thuận với Myanmar để hỗ trợ người tị nạn, họ vẫn bị từ chối tiếp cận bang Rakhine, khu vực mà phần lớn người Rohingya bị truy quét ra ngoài.
Bức tranh được một em bé 12 tuổi Rohingya vẽ lại, tái hiện lại cuộc trấn áp kinh hoàng một năm trước đây. Ảnh: Save The Children
Mohammed Abdul Kalam Azad, người đứng đầu ủy ban cứu trợ và tị nạn, gần đây đã trở về Bangladesh từ Rakhine. Ông nói rằng tiến bộ khôi phục đang rất chậm, nhưng chính quyền Myanmar tuyên bố đã dành 42 làng để xây dựng lại nhà cho người Rohingya.’
Khi được hỏi liệu anh có nghĩ họ chân thành không, Azad nhún vai. “Đó là câu hỏi triệu đô la”, ông nói. “Chúng tôi vẫn muốn tin tưởng phía Myanmar sẽ cam kết với những lời hứa của họ.”
Sự sống và tương lai
Việc Bangladesh trở thành khu tị nạn của người Rohingya từng được coi là tạm thời, nhưng có lẽ sự “tạm thời” đó sẽ kéo dài trong vài năm. Và những nhà hoạt động nhân quyền và tổ chức cứu trợ đang nghĩ tới việc triển khai giáo dục và cải thiện nhà ở để đảm bảo chất lượng sống cho những người Rohingya, đặc biệt là trẻ em.
Người đàn ông Rohingya rơi nước mắt trong một lễ cầu nguyện. Ảnh: Reuters
“Chúng tôi đang suy nghĩ về những chiếc lán “nửa mùa”, những chiếc lán chỉ tồn tại được 1 đến 2 năm; và cả việc cung cấp giáo dục cho những người trẻ, những người thực sự có khả năng lãnh hội kỹ năng và kết nối với xã hội khi họ trở về Rakhine”, ông Azad cho biết.
“Thế hệ bị đánh mất”, đó là những gì mà các tổ chức nhân quyền lo sợ sẽ xảy ra tại những khu tị nạn của người Rohingya trên đất Bangladesh, nơi mà phần lớn dân số là trẻ em. Chúng lớn lên trong những lán tạm, không trường học, không việc làm, ngày ngày chờ đợi nguồn cứu trợ và thậm chí không thể đoán trước số phận của mình.
Trẻ em Rohingya nô đùa trên đường phố dọc những khu lán trại tị nạn. Ảnh: Reuters
Tương lai của những đứa trẻ sẽ đi về đâu? Câu trả lời cho câu hỏi ấy thật không dễ dàng. Ảnh: Reuters
“Một năm mới là là sự khởi đầu cho rất nhiều năm tiếp theo”, Abdul Malek, một người tị nạn đã trốn thoát khỏi cuộc trấn áp ngày này năm trước, cay đắng nói. Người Rohingya tại những lán trại kỷ niệm 1 năm “ngày đen tối” trong sự ám ảnh, trong nước mắt và đau buồn, và trong một nỗi sợ hãi mơ hồ về tương lai của chính họ.
Các tổ chức quốc tế và viện trợ nhân đạo đang nỗ lực kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng thế giới. “Cần thêm nhiều hơn nữa sự hỗ trợ để tránh khỏi một thảm họa khác”, Fiona MacGregor, người phát ngôn của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) kêu gọi. Bà nhấn mạnh rằng các trại tị nạn đang quá đông đúc và dân số gần như hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ, và nguồn viện trợ này “không đủ để chu cấp cho tất cả mọi người trong thời gian dài”.
An Nhiên (Theo TG)
Theo cand.com.vn
Mỹ phong tỏa tài sản 4 chỉ huy và 2 đơn vị quân đội Myanmar
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 17/8, Bộ Tài chính Mỹ công bố áp đặt trừng phạt đối với 4 chỉ huy và 2 đơn vị quân đội của Myanmar với cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Người tị nạn thiểu số Rohingya tại trại tị nạn ở Maungdaw gần biên giới Myanmar và Bangladesh. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thông báo, các biện pháp trừng phạt nhằm vào các chỉ huy của lực lượng cảnh sát biên phòng và quân sự; 2 sư đoàn bộ binh số 33 và 99 cùng các chỉ huy của 2 sư đoàn này.
Các chỉ huy và đơn vị quân đội này bị cáo buộc tham gia các hoạt động vi phạm nhân quyền trong các chiến dịch nhằm vào cộng đồng sắc tộc thiểu số Rohingya.
Theo đó, toàn bộ tài sản hoặc lợi ích của các đối tượng này trong phạm vi thẩm quyền của Mỹ sẽ bị phong tỏa, đồng thời các công dân cũng như doanh nghiệp Mỹ không được tham gia các giao dịch với các đối tượng này.
Hồi tháng 6 vừa qua, Canada phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) cũng áp đặt trừng phạt 7 tướng lĩnh của Myanmar mà Ottawa và Brussels cho là có liên quan đến các hành động vi phạm nhân quyền đối với người Rohingya tại bang Rakhine. Theo đó, 5 tướng quân đội, 1 chỉ huy lực lượng biên phòng và 1 chỉ huy cảnh sát bị áp đặt lệnh cấm đi lại và bị phong tỏa tài sản.
Khoảng 700.000 người Rohingya đã buộc phải rời bang Rakhine sang lánh nạn tại Bangladesh sau khi các lực lượng an ninh Myanmar tiến hành chiến dịch quân sự tại bang này từ tháng 8/2017.
Theo TTXVN/Báo Tin tức
Nơi phụ nữ phải bán dâm để sống qua ngày ở Bangladesh Nhiều phụ nữ, trẻ em người thiểu số Rohingya sống tại các trại tập trung ở Bangladesh buộc phải đi bán dâm để kiếm sống qua ngày. Một người phụ nữ Rohingya kể lại câu chuyện của mình. Theo Reuters, cộng đồng người thiểu số Rohingya sống tại các trại tập trung ở Bangladesh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nhiều...