Một môn 3 thầy dạy có xảy ra tình trạng cha chung không ai khóc?
Có rất nhiều băn khoăn giáo viên cần được giải đáp, làm rõ để tránh cho việc một môn 3 thầy dạy nhưng không biết ai sẽ phải chịu trách nhiệm chính.
Năm học 2021 – 2022, lớp 6 sẽ không còn ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học mà thay bằng môn mới – Khoa học tự nhiên với 3 phần lý, hóa, sinh; hai môn Lịch sử và Địa lý được đưa vào 1 môn chung Lịch sử và Địa lý.
Sách giáo khoa mới (Ảnh: VTC.VN)
Nói là tích hợp nhưng trong sách giáo khoa vẫn thể hiện rõ ràng từng phần (môn Khoa học tự nhiên thể hiện 3 phần, môn Lịch sử và Địa lý thể hiện 2 phần).
Nói là một môn nhưng vẫn là giáo viên đơn môn trước đây dạy. Cái khó ở đây chính là sẽ chỉ có một đề kiểm tra, có chung một cột ghi điểm, một cột vào điểm học bạ, một lời nhận xét về năng lực học tập cũng như những lưu ý cho học sinh.
Vì thế, đã có rất nhiều băn khoăn mà giáo viên cần được giải đáp, làm rõ để tránh cho việc một môn 3 thày dạy nhưng không biết ai sẽ phải chịu trách nhiệm chính. Và như thế, viễn cảnh “cha chung không ai khóc” sẽ xảy ra.
Môn nào chiếm phần trăm nhiều hơn, giáo viên đó sẽ chịu trách nhiệm chính?
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Theo thầy, một môn mà 3 giáo viên dạy thì ai sẽ chịu trách nhiệm chính khi dạy các môn tích hợp này?”.
Thầy giáo H. Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường trung học cơ sở tại Bình Thuận cho biết:
“Hiện chưa có quy định gửi về nhưng theo tôi, môn học nào chiếm % kiến thức nhiều hơn thì nhà trường sẽ giao cho thầy cô giáo ấy phụ trách chính.
Ví dụ: theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong môn tích hợp Khoa học tự nhiên của các lớp 6, 7, 8, 9 đều có ba phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lý, Sinh học, Hóa học được sắp xếp theo trình tự thời gian chi tiết.
Theo đó lớp 6: Hóa học (20%) – Sinh học (38%) – Vật lí (32%), nên có thể sẽ phân công người chịu trách nhiệm chính là giáo viên Sinh học.
Video đang HOT
Lớp 7: Hóa học (24%) – Vật lý (28%) – Sinh học (38%), chịu trách nhiệm chính sẽ là giáo viên Sinh học.
Lớp 8: Hóa học (31%) – Vật lý (28%) – Sinh học (31%), nhà trường sẽ chọn một trong hai giáo viên chịu trách nhiệm chính là Hóa học hoặc Sinh học.
Lớp 9: Vật lý (30%) – Hóa học (31%) – Sinh học (29%), chịu trách nhiệm chính sẽ là giáo viên Hóa học.
Công việc của giáo viên chịu trách nhiệm chính là những gì?
- Người chịu trách nhiệm chính phải thường xuyên tổ chức hội ý với giáo viên hai phân môn còn lại thống nhất cách ra đề kiểm tra, phải tập hợp câu hỏi, bài tập của 2 giáo viên bộ môn ấy thành đề kiểm tra chung.
- Kết điểm bài kiểm tra, tính phần trăm (điểm bài thi) đưa vào sổ.
- Lên lịch báo giảng; Cộng điểm, tính phần trăm (điểm trung bình) và báo cáo.
- Vào học bạ và ghi phê, vào điểm trên phần mềm, ghi lời nhận xét, gửi tin nhắn cho phụ huynh.
- Ngoài ra, tổ chức hội ý đưa ra giải pháp khi có học sinh yếu kém hoặc cần nội dung bồi dưỡng nâng cao cho học sinh giỏi.
Chế độ nào cho giáo viên chịu trách nhiệm chính?
Không đơn giản là việc phân công giáo viên nào sẽ chịu trách nhiệm chính vì phân công thì chẳng vấn đề gì, điều làm cho nhà trường đau đầu nhất là, phải tính toán trả thù lao cho giáo viên chịu trách nhiệm chính thế nào?
Là giáo viên trung học cơ sở, số tiết dạy chuẩn theo quy định mỗi giáo viên 1 tuần đều 19 tiết (giáo viên kiêm tổ trưởng chuyên môn sẽ được trừ 3 tiết đến 4 tiết).
Nay, thêm giáo viên chịu trách nhiệm chính nghĩa là thêm khá nhiều công việc mà quy định giảm trừ tiết dạy trong Điều lệ trường trung học cơ sở chưa có cho chức danh này nên nhà trường sẽ không có nguồn chi.
Không có thù lao thêm sẽ không có giáo viên nào muốn đảm nhận công việc chịu trách nhiệm chính. Bởi, thời gian dành cho công việc này cũng chẳng hề ít.
Những bất cập nêu trên, rất cần được giải đáp cụ thể của người làm chương trình, người viết sách cũng như sự chỉ đạo thống nhất từ cấp Bộ để các trường học thực hiện mang lại hiệu quả cao nhất.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Môn Sử, Địa, Lý, Hoá, Sinh sẽ 'biến mất' từ lớp 6: Giáo viên có thất nghiệp?
"Tích hợp các môn Khoa học tự nhiên lớp 6 thế nào, triển khai dạy tích hợp ra sao, giáo viên có kịp thay đổi không" là thắc mắc được dư luận đặt ra.
Theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, bậc THCS, môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học là riêng biệt. Tuy nhiên trong chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn học này sẽ tích hợp trở lại hai môn chính gồm: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Điều này khiến nhiều giáo viên lo lắng việc dạy và học bị xáo trộn khi các thầy cô quen với việc dạy và được đào tạo đơn môn.
Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, thành viên Ban Phát triển chương trình Giáo dục phổ thông mới, Chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 - bộ Cánh Diều cho biết, dạy học tích hợp là xu hướng phổ biến của giáo dục tiếp cận phát triển năng lực trên thế giới hiện nay.
Kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn Việt Nam cho thấy dạy học tích hợp giúp việc học của học sinh gắn với thực tế hơn. Từ đó giúp học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết, khả năng tổng hợp kiến thức, kỹ năng... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, nhất là năng lực giải quyết vấn đề.
Trong thế giới tự nhiên, mọi sự vật và hiện tượng là thể thống nhất. Việc chia ra các lĩnh vực khoa học (hay các môn học) là để nghiên cứu sâu sự vật và hiện tượng ở khía cạnh nhất định.
Khi giải quyết một vấn đề của tự nhiên thì không chỉ cần tới khía cạnh nào mà cần kiến thức tổng hợp, cần sự tích hợp của nhiều kiến thức khác nhau. Chúng ta đều biết tính thống nhất trong giáo dục Khoa học tự nhiên thể hiện ở cả đối tượng, phương pháp nhận thức, những nguyên lý và khái niệm cơ bản.
Sách giáo khoa lớp 6 - bộ Cánh diều.
Cũng theo phó giáo sư Tuấn, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn học tích hợp được thực hiện chủ yếu ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Ở cấp tiểu học, môn học có tên Tự nhiên và Xã hội, môn Khoa học. Đến cấp trung học cơ sở sẽ phát triển thành môn Khoa học tự nhiên. Ở cấp trung học phổ thông, khoa học tự nhiên được chia ra thành các môn học riêng rẽ là Vật lý, Hoá học và Sinh học.
Như vậy, xu hướng tích hợp trong chương trình giáo dục mới lần này là tích hợp sâu ở lớp dưới và phân hoá dần ở các lớp trên.
Trên thế giới có nhiều nước dạy môn "Khoa học tự nhiên" ở cấp THCS (chẳng hạn như ở Anh, Thụy Sỹ, Xứ Wales, Australia, Niu Di-lan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều bang ở Mỹ...).
Nội dung kiến thức của Vật lý, Hóa học, Sinh học liên kết với nhau thông qua các nguyên lý và khái niệm chung của tự nhiên. Bên cạnh đó chương trình tích hợp còn thuận lợi trong việc thiết kế một số chủ đề tích hợp như chủ đề về biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, việc xây dựng môn Khoa học tự nhiên sẽ tránh trùng lặp kiến thức được dạy ở nhiều môn học, nhờ đó phù hợp với thời gian học của học sinh trong nhà trường hiện nay.
Về thời lượng môn học, phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn cho biết không tăng thời lượng dạy học. Chương trình được xây dựng cả cấp học là 560 tiết, chiếm 12% tổng số giờ của tất cả các môn học. Như vậy thời lượng không có thay đổi nhiều so với chương trình hiện hành nên không làm dư thừa số giáo viên hiện nay hay làm thiếu hụt giáo viên.
So với chương trình của các nước, nếu môn Khoa học tự nhiên chiếm từ 11 đến 14%, thì môn học của chúng ta là ở mức trung bình. So với chương trình hiện hành (tổng số 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học là 595 tiết) thì chương trình lần này có ít đi đôi chút nhưng không nhiều.
Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn.
Về nội dung, ông cho biết, môn Khoa học tự nhiên thay đổi làm cho chương trình nhẹ hơn và hấp dẫn hơn với người học, do môn này không đi sâu mô tả đối tượng, mà đi thẳng vào chức năng và ý nghĩa ứng dụng thực tiễn của chúng. Điều đó nội dung có ý nghĩa thực tiễn và gần gũi với cuộc sống hơn.
Ví dụ, khi học về thực vật học, chương trình không tập trung vào mô tả cấu trúc của các cơ quan thực vật mà tập trung vào chức năng hoạt động và ý nghĩa thực tiễn của các cơ quan, hệ cơ quan.
Khi học về Hoá học, Vật lý và Sinh học, các khái niệm, định luật... được tiếp cận theo phương pháp làm nổi rõ bản chất, ý nghĩa khoa học, tránh khuynh hướng làm chương trình nặng hơn (tránh nặng về vận dụng toán học trong các môn khoa học, tránh thực hiện các bài tập lắt léo).
Chương trình mới giảm nội dung trùng lặp giữa các môn học Vật lý, Hoá học và Sinh học. Ví dụ, nội dung protit, lipit, gluxit đã dạy trong kiến thức hoá học thì sẽ không cần dạy trong kiến thức sinh học nữa; khái niệm vật chất đã dạy trong nội dung hoá học sẽ không cần dạy trong nội dung vật lý nữa. Chủ đề về năng lượng trước đây được dạy riêng trong từng môn, nay được tích hợp chung trong một chủ đề. Chủ đề nước trong tự nhiên trước đây được dạy cả ở hoá học và vật lý thì nay được dạy chung trong môn Khoa học tự nhiên.
Ông Tuấn nhấn mạnh, nội dung giáo dục và hình thức tích hợp trong chương trình môn Khoa học tự nhiên về cơ bản không làm thay đổi lớn số lượng giáo viên hiện nay. Giáo viên có thể tham gia dạy môn Khoa học tự nhiên được ngay.
Mức độ tích hợp liên môn, nghĩa là tích hợp nhưng vẫn giữ các mạch nội dung gần với mạch kiến thức của Hóa học, Vật lý hay Sinh học. Các nội dung được sắp xếp gần nhau theo từng mạch nội dung hỗ trợ cho nhau theo nguyên lý của tự nhiên. Ví dụ, khi học về chất trong hóa học thì theo mạch nội dung, học sinh sẽ được học luôn về chất trong sinh học - như chất tế bào.
Giáo viên Hóa học sẽ rất thuận lợi khi dạy về mạch nội dung "Chất và sự biến đổi của chất", giáo viên Sinh học sẽ thuận lợi khi dạy về mạch nội dung "Vật sống". Tương tự, giáo viên vật lý sẽ thuận lợi khi dạy về mạch nội dung "Năng lượng và sự biến đổi vật lý".
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên rất đa dạng. Có giáo viên chỉ dạy một mạch nội dung nhưng cũng nhiều giáo viên dạy được 2 hoặc 3 mạch nội dung. Do vậy, một môn học có nhiều giáo viên đảm nhận là việc bình thường và phổ biến.
"Chọn nghề để làm chứ không phải chọn trường để học" Ý thức rõ vai trò quan trọng của công tác hướng nghiệp, các trường THPT đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giáo dục nghề nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng nhằm giúp học sinh có lựa chọn đúng đắn nhất cho tương lai. Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng tham gia hoạt động hướng nghiệp. Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền...